Chương 2: Oui, oui, croissant!

Trường đại học tư nhân Vĩnh Nhân là của doanh nhân ngành bất động sản tên là Đặng Đức Vĩnh.

Đại gia chủ tập đoàn Vĩnh Uyên Linh có đúng một người con gái là Đặng Hà Nhật Linh.

Hơn 20 năm trước, ông dùng tên mình, tên vợ và tên con gái rượu đặt tên cho công ty của mình. Trải qua nhiều thăng trầm, Vĩnh Uyên Linh hiện nay là tên tuổi hàng đầu trong ngành xây dựng.

Chuỗi bệnh viện Nhân Đức Tâm, chuỗi trung tâm thương mại Emerald đều là do tập đoàn Vĩnh Uyên Linh lên thiết kế và xây dựng. Đó là chưa kể hàng loạt dự án nghỉ dưỡng và nhà ở khác mà Vĩnh Uyên Linh làm nhà thầu.

---

17 năm trước, lúc Nhật Linh học lớp 6, vợ chồng doanh nhân Đức Vĩnh ly hôn. Ngay lập tức, Nhật Linh theo mẹ sang Pháp.

Không mất nhiều thời gian để có thể hiểu tiếng và hòa nhập với môi trường mới, ngược lại, thành tích học tập của cô còn rất nổi bật suốt thời cấp 2.

Kiểu mà mấy đứa phương Tây sẽ nói là “cái tụi châu Á ấy à, nó ở một đẳng cấp khác khi nói tới Toán Lý Hóa”.

---

Năm lớp 9, Nhật Linh thuyết phục mẹ Uyên tiếp tục theo học hội họa. Nhưng như vậy bà sẽ không còn theo sát cô con gái đang tuổi ẩm ương.

"Con vô học nội trú cho ba mẹ yên tâm"- Nhật Linh quả quyết.

Sau nhiều cuộc điện thoại đường dài với ba Vĩnh, Nhật Linh được phép vào học cấp 3 tại một trường nội trú ở Thụy Sỹ. Mẹ cô trở lại với đam mê.

Lúc này cô đã nói sành sỏi hai ngoại ngữ, vẫn diễn đạt bằng tiếng Việt rất gãy gọn và rõ nghĩa.

Ba mẹ bắt cô nói tiếng Việt khi gọi điện hỏi thăm nhau mỗi tuần.

---

Năm 15 tuổi, Nhật Linh tự kéo mấy vali vào ký túc xá trường cấp 3. Cô vất vả lách qua hành lang đông kín các bạn nữ trạc tuổi khác cũng đang ríu rít dọn đồ vào ở. Mấy chị nữ sinh lớp trên thì cầm danh sách tên và bảng phân chia phòng, hướng dẫn lối đi cho mọi người.

Vali thì phải tự kéo. Phụ huynh hay quản gia không được vào ký túc xá để giúp đỡ, dù là con của nguyên thủ quốc gia.

---

Mùa hè ở phía Bắc Thụy Sỹ mát mẻ hơn ở Pháp.

Nhật Linh thở phù ra một cái khi đứng trước cửa phòng đang mở.

Bên trong là một bạn nữ tóc thắt bím đang lúi cúi xếp đồ. Bạn nữ đã kéo vali gọn vào một góc nên Nhật Linh đi vào rất dễ dàng.

---

Bạn nữ là người châu Á. Nhật Linh đoán vậy khi nhìn vào dáng người.

Nhìn thấy trên bàn đang có cuốn sách có tên bìa là “The Tales Of Two Cities” của Charles Dickens, Nhật Linh lên tiếng chào bằng tiếng Anh.

Trường có 3 ngôn ngữ chính là tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức. Một trong những điều kiện đầu vào là phải thông thạo ít nhất hai trong số ba ngôn ngữ này.

---

Cô gái châu Á ngẩng lên, nhoẻn miệng cười chào lại:

"Hey, roommate".

Nhật Linh đưa một tay ra: "Name’s Linh".

"Lin eh?"- Cô bạn cùng phòng vươn đầu tới trước, phần tóc mái phía trước trán động đậy.

"Linh. L-I-N-H"- Nhật Linh đánh vần từng chữ bằng tiếng Anh.

"Bạn là người Việt hả?"

Nghe câu hỏi bằng tiếng mẹ đẻ của người bạn cùng phòng, lại thấy đồng tử người ấy nở thật to, Nhật Linh nhe răng: "Oui, oui. Croissant"

"Hả?"- Bảo Linh ngẩn ra, nói từng chữ một- "Bánh... sừng... trâu?"

Nhật Linh lăn ra giường cười. Cô vừa mới giả bộ nói tiếng Pháp bồi.

---

Bảo Linh là bạn cùng phòng suốt 3 năm nội trú phổ thông với Nhật Linh, trở thành “Deux Vietnamiennes”(1) nổi tiếng của trường.

Chẳng mấy chốc, mẹ Uyên có thêm một đứa con gái, cũng tên Linh.

Một năm Bảo Linh chỉ về Việt Nam có một lần, nhưng cuối tuần thì cô thường xuyên đi xe lửa về nhà Nhật Linh tại Pháp.

Họ nhanh chóng gọi nhau là Croissant(2) và Baguette(3).

---

Suốt thời gian ở cùng nhau, học tập bằng tiếng nước ngoài, khả năng nói tiếng Việt của hai người không những không tệ đi mà còn tốt hơn.

Một phần là bị bố mẹ hai bên “trả bài” mỗi tuần, một phần là nói chuyện cùng nhau mỗi tối (trừ lúc trao đổi bài vở, vì không đủ từ vựng).

Phần nữa, là được cập nhật từ những cuộc nói chuyện đường dài từ Thụy Sỹ qua Mỹ với ông anh của Bảo Linh.

---

Năm lớp 11, Bảo Linh đứng giữa lựa chọn ở lại Thụy Sỹ học tiếp ngành tài chính như bố cô, hoặc sang Mỹ học bác sỹ như mẹ và anh trai mình.

Cô chọn sang Mỹ.

Bộ đôi “Deux Vietnamiennes” tận hưởng từng ngày một cùng nhau trước khi tốt nghiệp cấp ba.

---

Ngày chia tay, Nhật Linh ôm bạn khóc, cùng hứa với nhau hai điều. Một là sẽ vẫn cùng nhau nói tiếng Việt mỗi tuần. Hai là sẽ tiết kiệm tiền để sau này còn có thể thăm nhau trực tiếp.

Nghe như kiểu chục năm có thể không gặp lại.

Thực tế là mới kỳ nghỉ đông năm nhất đại học, Nhật Linh đã quẹt thẻ của ba Vĩnh để mua vé máy bay sang Mỹ thăm người bạn của mình. Hai người quẩy chán chê ở San Francisco rồi Nhật Linh lại bay về Thụy Sỹ để tiếp tục chuyên ngành Thiết kế nội thất.

---

Sau khi ra trường, Nhật Linh về làm việc cho công ty thiết kế thứ 2 của Pháp. Thực ra công ty đó tên là Deuxième (Hạng Nhì).

Nhưng đó không phải là một công ty xoàng. Giáo sư của Nhật Linh là một trong những đồng sáng lập công ty, cũng là một tên tuổi của ngành kiến trúc Pháp. Và ông không đặt nhầm niềm tin vào cô học trò của mình.

Đến năm thứ 2 sau khi ra trường, Nhật Linh được Deuxième cử về Việt Nam vì một dự án nghỉ dưỡng.

Lúc này, mẹ Uyên cũng đã học xong và cũng có mấy buổi triển lãm trong nước.

Năm 27 tuổi, xong dự án thứ 3 tại Việt Nam, cũng vừa chia tay người yêu thứ hai, Nhật Linh gửi đơn từ chức đến người thầy của mình. Giáo sư chỉ nói “Nước Pháp luôn có chỗ cho em”.

---

Lúc Nhật Linh về nước, công ty đại chúng Vĩnh Uyên Linh đã có gần 3 năm liên tục là blue-chip trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Năm xưa, doanh nhân Đức Vĩnh nợ một số tiền lớn, thị trường thì đóng băng. Vì không muốn vợ con liên lụy, ông và vợ thống nhất chia tay để hai mẹ con sang Pháp.

Hai người không có bất đồng, nhưng tới giờ cũng không quay lại với nhau.

---

Nhật Linh không hiểu về kinh tế lắm, nhưng thắc mắc suốt mấy năm trời của cô “vì sao Vĩnh Uyên Linh trở thành công ty đại chúng rồi vẫn lấy cái tên ba-mẹ-con từ hồi mới thành lập?” đã được giải đáp.

Cô dễ chịu hòa nhập lại cuộc sống tại Việt Nam. Bình thường cô vẫn về thăm ba Vĩnh suốt, nên không xa lạ gì Sài Gòn.

---

Nhật Linh từng bước trở thành một trong những trưởng nhóm của công ty trang trí nội thất thuộc Vĩnh Uyên Linh.

Gặp Khách hàng, trao đổi, lên ý tưởng, biến kế hoạch từ bản vẽ thành thực... Nhật Linh thuần thục thực hiện.

Không những vậy, cô còn nhận lời làm giảng viên cho trường Vĩnh Nhân, cũng thuộc tập đoàn Vĩnh Uyên Linh.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, càng không kém phần thú vị khi Bảo Linh về nước.

Và Tứ Linh cũng hội tụ tại Sài Gòn.

---

Lời tác giả: Chương này có một số điểm có thể chú thích như sau:

- “Oui, oui. Croissant” dịch theo nghĩa đen là “Ừ, ừ. Bánh sừng trâu" (hoặc “bánh sừng bò” theo cách gọi của miền Bắc). Đây là cách Nhật Linh giả vờ nói tiếng Pháp bồi với Bảo Linh. Từ đó trở đi, “Croissant” trở thành biệt danh của Bảo Linh. Chỉ mình Nhật Linh có đặc quyền dùng từ này gọi bạn mình.

- Tương tự, Bảo Linh cũng gọi bạn mình là “Baguette”- loại bánh mì dài đặc trưng của nước Pháp.

- “Deux Vietnamiennes” nghĩa là “hai cô nàng người Việt Nam”. Đây là cụm từ mà bạn bè trong trường gọi bộ đôi Nhật Linh – Bảo Linh.