Chương 1: Ngân Châm Lấp Loáng Ánh Hào Quang

Trời nắng chang chang! Ánh kiêu dương như đao hỏa. Trên đường lớn cát vàng bay mù mịt.

Vết đao trên mặt Thường Mạn Thiên phơi ra ánh nắng thành đỏ hồng.

Ba vết đao, thêm vào bảy, tám chỗ nội thương đổi lấy thanh danh cùng địa vị như ngày nay.

Mỗi khi trời sắp mưa, âm khí nặng nề, nội thương lão lại phát tác làm cho đốt xương đau đớn như dần. Lão nhớ lại nỗi gian khổ trong những cuộc huyết chiến ngày trước mà lòng cảm khái vô vàn! Lão sống được đến ngày nay không phải chuyện dễ dàng. Lão còn làm mỗi tháng được năm trăm lạng nguyệt bổng của một tên Tổng tiêu đầu lại càng khó khăn hơn. Đúng là lão dùng huyết hãn đổi lấy tiền lương.

Mấy năm gần đây, ít khi lão thân hành đi theo xe tiêu. Tổng tiêu đầu ở Trấn Viễn tiêu cục với lão nguyên là chỗ sư huynh sư đệ đồng môn.

Hai lão già sớm luyện quyền cước, tối lại uống rượu để hưởng thanh phúc trong buổi tàn niên. Cây Kim Thương Huyết Kiếm Kỳ của hai lão khiến cho bằng hữu phe Hắc Đạo vùng Đông Nam chẳng ai dám đυ.ng vào món tiêu của Trấn Viễn tiêu cục.

Nhưng chuyến tiêu này rất quan trọng. Tiêu chủ lại chỉ định hai vị sư huynh đệ phải thân hành áp tải.

Gần đây bệnh phong thấp của Tổng tiêu đầu lại phát ra. Thường Mạn Thiên đeo thanh Huyết Kiếm lớn nặng hai mươi bảy cân thân hành xuất mã.

Trấn Viễn tiêu cục dương oai.

Người chạy cờ là lão Triệu đã hành nghề đến hai chục năm. Tuy lão đã lớn tuổi mà tiếng hô còn dõng dạc. Hơn nữa trưa hôm nay lão đã ăn uống no nê, nên bây giờ lão phấn khởi tinh thần chạy trước hô hoán.

Thường Mạn Thiên rút chiếc khăn vải xanh ra lau mồ hôi. Tuế nguyệt chẳng nể ai. Đột nhiên lão phát giác mình già mất rồi, định đi xong chuyến tiêu này là trở về gác kiếm qui ẩn.

Khí trời nóng nực quá chừng! Lão mong phía trước gặp chỗ nào mát mẻ nghỉ lại một lúc rồi sẽ ra đi cũng chưa muộn.

Thường Mạn Thiên giật dây cương tung ngựa vọt lên, chuẩn bị chiếu cố cho lão Triệu. Đột nhiên lão nhìn thấy phía trước có người ngồi giữa đường để thêu hoa.

Một đại hán hàm râu quai nón đâm tua tủa.

Thường Mạn Thiên bôn tẩu giang hồ hơn ba chục năm chưa từng thấy nam tử hán, đại trượng phu ngồi thêu hoa bao giờ.

Lạ hơn nữa là đại hán lại ngồi giữa đường dưới ánh nắng chang chang để thêu hoa.

Thường Mạn Thiên tự hỏi:

– Phải chăng đại hán này mắc chứng điên khùng?

Thực ra đại hán chẳng khác gì người điên. không điên thì sao lại ngồi dưới ánh nắng nóng đến độ đem trứng gà ra phơi có thể làm cho chín được? Đại hán còn mặc vào mình một tấm áo bông bằng đoạn hồng màu tía.

Lạ hơn nữa là những người mặc áo đơn mình mẩy toát mồ hôi ướt đầm mà trên mặt đại hán chẳng có lấy một giọt mồ hôi.

Thường Mạn Thiên chau mày. Lão vẫy tay cho những xe tiêu đi ở phía sau hãy dừng lại. Đoạn lão nhìn lão Triệu đưa mắt ra hiệu.

Lão Triệu cũng là tay từng trải giang hồ và đi theo Thường Mạn Thiên làm tên chạy cờ từ chuyến tiêu thứ nhất ra đời.

Dĩ nhiên lão Triệu đã hiểu ý của lão chủ nhân. Lão khẽ hắng đặng hai tiếng đánh bạo chạy tới.

Đại hán râu quai nón vẫn chăm chú thêu hoa chẳng khác nào là một vị đại cô nương lòng xuân rung động ngồi trong phòng the để thêu tấm áo cưới.

Mười sáu, mười bảy cỗ xe tiêu bị đại hán ngồi giữa đường mà phải dừng lại nhưng dường như y chẳng biết gì.

Đại hán thêu đóa hoa mẫu đơn mà là hắc mẫu đơn. Đường kim mũi chỉ của y so với đại cô nương còn có phần tinh xảo hơn.

Lão Triệu đột nhiên lớn tiếng:

– Ông bạn thêu bông hoa đẹp quá nhỉ? Đáng tiếc nơi đây chẳng phải là chỗ ngồi thêu thùa.

Thanh âm lão vốn đã dõng dạc, bây giờ lại cố ý làm cho đại hán phải giật nảy mình nên tiếng hô phóng ra như lệnh vỡ.

Ngờ đâu lão Triệu hô thì mặc lão Triệu, đại hán râu quai nón đã chẳng ngẩng đầu, lại không chớp mắt.

Lão Triệu tự hỏi:

– Chẳng lẽ thằng cha này đã là kẻ điên khùng mà còn điếc tai nữa?

Lão không nhịn được vỗ vai đại hán nói lớn:

– Này ông bạn! Ông bạn có thể nhường lối cho bọn ta được chăng? Bọn ta…

Lão chưa dứt lời đột nhiên dừng lại, sắc mặt biến đổi.

Lúc lão vươn tay ra vỗ vai, đại hán râu quai nón giơ cánh tay cầm mũi kim thêu hoa lên cắm vào mu bàn tay lão.

Lão Triệu vốn là người gan dạ không phải tầm thường. Những tay hảo hớn giang hồ dù bị dao chém còn chẳng chau mày, thì vỏn vẹn một mũi kim thêu đâm tới lão coi vào đâu?

Lão Triệu tuy chẳng buồn để tâm, nhưng lúc lão phát giác tê nhức muốn rút tay về cũng không được nữa.

Dường như nửa người lão hoàn toàn tê dại.

Mũi kim thêu hoa này phải chăng có pháp thuật bàng môn tả đạo?

Lão Triệu lùi ba bước, ngó lại bàn tay mình không sưng lên hoặc biến đổi màu sắc chi hết mà chỉ không chịu nghe theo mệnh lệnh sai khiến. Lão vừa kinh ngạc vừa tức giận đã toan nổi nóng.

Thường Mạn Thiên nhảy xuống ngựa chạy lại nhìn đại hán râu quai nón chấp tay nói:

– Ông bạn thêu bông mẫu đơn này đẹp quá nhỉ?

Đại hán râu quai nón không ngửng đầu lên, cười khậm khà đáp:

– Tại hạ còn thêu được thứ khác nữa.

Thường Mạn Thiên hỏi:

– Thêu gì?

Đại hán đáp:

– Thêu người đui mắt.

Thường Mạn Thiên cười hề hề nói:

– Thêu người đui mắt e rằng không hay.

Đại hán đáp:

– Thêu cái đó vừa hay vừa dễ dàng, chỉ hai mũi thêu là đã thêu thành người đui mắt rồi.

Thường Mạn Thiên hỏi:

– Thêu cách nào mà lẹ thế?

Đại hán đáp:

– Cách thêu là thế này đây.

Đột nhiên hắn động thủ đâm hai mũi kim vào mặt lão Triệu.

Người lão ngả lăn xuống đất. Lão đau quá lăn lộn không ngớt. Máu tươi chạy qua kẽ ngón tay chính là ở trong mắt lão ứa ra.

Thường Mạn Thiên tái mặt, xoay tay nắm đốc kiếm.

Đại hán râu quai nón vẫn ngồi ung dung, cất tiếng hỏi:

– Các hạ coi đó! có phải tại hạ chỉ đưa hai mũi kim là thêu nên người đui mắt?

Thường Mạn Thiên cười khẩy đáp:

– Thủ pháp của ông bạn quả là thần tốc!

Đại hán lạnh lùng nói:

– Nghề thêu người đui mắt của tại hạ là nhanh hơn hết. Bảy mươi hai mũi kim đưa ra liền thành ba mươi sáu người đui mù.

Số người áp tải chuyến tiêu kể cả Thường Mạn Thiên là ba mươi sáu người. Ba vị tiêu sư hạng nhất tùy tùng lão lúc này cũng đều phóng ngựa chạy tới. Vì thế mà Thường Mạn Thiên tuy khϊếp vía vẫn trấn tĩnh được. Lão lớn tiếng hỏi:

– Ông bạn tới đây để tầm cừu hay để cướp tiêu?

Đại hán đáp:

– Tại hạ chỉ chuyên nghề thêu thùa.

Thường Mạn Thiên hỏi:

– Ông bạn còn muốn thêu gì nữa?

Đại hán đáp:

– Hãy thêu ba mươi sáu người đui mắt trước rồi sẽ thêu đoàn xe tiêu tám chục vạn lạng quay về.

Thường Mạn Thiên buông tiếng cười rộ nói:

– Thế thì thanh kiếm trầm trọng của lão phu cũng có thể thêu được…

Đại hán ngắt lời:

– Thêu cái gì?

Thường Mạn Thiên đáp:

– Thêu người chết. Một người chết…

Đột nhiên lão ngừng tiếng cười. Thanh kiếm đã rút ra khỏi vỏ.

Thanh kiếm quá cỡ này tuy chẳng phải thần vật hay lợi khí gì, nhưng ngày trước nó là chân truyền của Thiết Kiếm tiên sinh.

Thường Mạn Thiên đã khổ công rèn luyện kiếm thuật bằng thanh kiếm này ít ra là bốn chục năm, nếu không thì làm sao lão sống được cho tới bây giờ.

Những tiêu sư tùy tùng cũng rút binh khí ra. Binh khí của họ là một thanh Nhạn Linh đao, một cây Luyện Tử thương, một thanh Tang Môn kiếm.

Bọn tiêu khách đối phó với bạn hữu lục lâm muốn cướp tiêu không cần đếm xỉa gì đến đạo nghĩa giang hồ, cũng bất tất theo lề luật lấy một chọi một.

Thường Mạn Thiên lớn tiếng hô:

– Lượng Thanh Tử! Xông vào cả đi! Trước hết là phế bỏ cặp chiêu của hắn.

Cặp chiêu tức là hai mắt.

Đại hán đã phóng kim đâm mắt người ta thì dĩ nhiên người ta cũng muốn biến hắn thành kẻ đui mù. Nguy hiểm của những bậc hào kiệt giang hồ là lấy tiền trả nợ, lấy máu trả máu.

Đại hán râu quăn đang ngồi thêu thì thanh thiết kiếm nặng hai mươi bảy cân phóng tới vèo vèo. Cây Luyện Tử thương ra chiêu “Độc Long Thủ Thủy” từ mé bên tràn tới cạnh nách.

Bọn tiêu sư ở Trấn Viễn tiêu cuộc bản lãnh thường cao hơn những điều chỉ điểm của sư huynh sư đệ. Những chiêu thức dĩ nhiên phối hợp với nhau lại càng tuyệt diệu.

Đại hán râu quai nón đột nhiên cười nói:

– Thêu xong rồi! Hắn đã thêu xong bông mẫu đơn. Hắn rút mũi kim thêu hoa ra.

Thường Mạn Thiên vừa thấy hàn quang lấp loáng đã đưa tới trước mắt.

Đại hán động thủ một cách rất thần tốc không bút nào tả xiết mà cũng không một người nào né tránh kịp.

Thường Mạn Thiên gầm lên một tiếng… Thanh thiết kiếm đột nhiên bay đi. Người lão ngã lăn ra.

Sột một tiếng! Thanh thiết kiếm phóng trúng vào gốc cây lớn gần đó sâu đến một thước.

Lúc này đại hán râu quăn đã thêu được bốn người đui mắt.

Bảy mươi hai mũi kim, ba mươi sáu người đui mắt. Đại hán ra tay đã mau lẹ phi thường lại cực kỳ chuẩn đích.

Trên tấm đoạn màu hồng che mặt Thường Mạn Thiên đã thêu một bông mẫu đơn đen vào.

*****

Lúc Giang Trọng Uy đi đường, trên mình hắn vang lên những tiếng leng keng tựa như người lắc nhạc.

Tuy nhiên hắn không phải là trái nhạc, mà là một vị Tổng quản phủ Bình Nam Vương. Hắn là người có nhiều oai quyền, tướng mạo rất oai nghiêm.

Bình Nam Vương phủ dĩ nhiên có nhiều trọng địa cơ mật và đương nhiên những nơi này đều khóa lại.

Bao nhiêu chìa khóa đều do hắn nắm giữ. Trong mình hắn đeo tới hai mươi ba cái chìa khóa, nên lúc hắn đi những tiếng leng keng lại vang lên.

Hắn là nhân vật đáng tín nhiệm, chẳng những tính nết thận trọng, trầm tĩnh, dốc dạ trung thành mà còn là tấm thân “Thập tam thái bảo hoành luyện”. Tuy hắn chưa được đến trình độ đao thương đâm không vào nhưng bất cứ ai cũng khó lòng đả thương hắn được mà hắn đả thương người ta lại chẳng khó gì.

Môn Thiết Sa chưởng của Giang Trọng Uy đã luyện bảy thành hỏa hầu, đủ đánh tan bia vỡ đá ra thành bụi.

Vương gia trao chìa khóa cho Tổng quản Giang Trọng Uy nắm giữ là yên tâm lắm rồi.

Hôm nay Giang Trọng Uy vào bảo khố lấy một hộp minh châu và hai tấm ngọc bích cho Vương Gia.

Là ngày sinh nhật ái phi, Vương Gia bảo lấy minh châu và ngọc bích làm lễ mừng.

Cũng như đa số chàng trai trên thế gian, Vương Gia đối với người đàn bà sủng ái bằng tính cách rất hào phóng.

Trên dãy hành lang yên tĩnh và trầm lặng, vì nơi đây rất gần bảo khố trong vương phủ. Bất luận là ai bén mảng tới một cách càn rỡ liền bị chém đầu vô tội vạ.

Trong khu cấm địa này, cứ cách bảy tám bước lại có một tên thiết giáp vệ sĩ tay cầm thương đứng gác nghiêm nghị như những pho tượng đá.

Bọn vệ sĩ này do chính tay Giang Trọng Uy huấn luyện và đào tạo.

Bọn vệ sĩ đã trải qua những cuộc huấn luyện cực kỳ nghiêm khắc. Dù là con nhặng bay vào mặt, hay có người dẫm lên chân, chúng cũng không nhúc nhích.

Giang Trọng Uy chẳng những đầy đủ uy tín mà hiệu lệnh lại rất nghiêm minh. Kẻ nào lơ là chức vụ chỉ để một con chó chạy vào cấm khu cũng bị chặt đầu.

Chính hắn tiến tới cũng phải hô hiệu lệnh trước.

Khẩu lệnh bữa nay là “Nhật Nguyệt đồng huy” vì là đại cát đại lợi.

Giang Trọng Uy thường nhật nét mặt oai nghiêm lạnh như tiền mà bữa nay cũng có đôi phần hoan hỉ. Y cũng được coi là quý khách trên tiệc thọ. Sau khi xong việc này, hắn sẽ thay đổi quần áo hoa lệ để uống thọ tửu.

Chân hắn bước cũng mau hơn ngày thường.

Tám tên cẩm y vệ sĩ, lưng đeo trường đao đi theo sau Giang Trọng Uy. Chúng đều là những tay cao thủ được chọn lựa rất kỹ trong vệ đội.

Giang Trọng Uy trước nay vốn là người cẩn thận phi thường.

Ba lần cửa vào bảo khố đều bằng sắt đúc dầy bảy tấc. Những ổ khóa cũng đều được thợ nổi tiếng chế tạo.

Giang Trọng Uy mở tầng cửa tối hậu rồi, một cơn gió lạnh thổi vào mặt.

Bảo khố này cũng tương tự đại đa số bảo khố ở thế gian, âm khí lạnh lẽo như ở trong một phần mộ, chỉ khác ở chỗ trong phần một có người chết, còn ở trong bảo khố thì một con kiến cũng không có.

Mỗi lần Giang Trọng Uy tiến vào, trong lòng lại nổi lên ý niệm rất kỳ quái, ý niệm của con người có tài bảo chứa trong bảo khố mà cứ phải sinh hoạt ở trong này thì thật là vô dụng.

Dù trên đời có bao nhiêu tài bảo đem cho hắn hết mà bắt hắn ở trong này một ngày hắn cũng không muốn.

Hiện giờ hắn đang nghĩ vậy, hắn đẩy cử tiến vào trong chỉ mong lấy đồ cho chóng rồi lại trở ra.

Hắn tuyệt không ngờ lần này vào bảo khố vĩnh viễn không thấy ánh mặt trời nữa.

Giữa bầu không khí lạnh lẽo âm thầm trong bảo khố, hiển nhiên có một người ngồi mà là một người sống.

Người này đầy mặt râu đâm tua tủa, mình mặc áo bông thêu hoa hồng tía. Y ngồi trên rương châu báu đang thêu hoa.

Giang Trọng Uy chẳng khi nào ngờ tới xảy ra chuyện này được.

Hắn cơ hồ không tin ở mắt mình, nhưng trước mặt hắn đúng là có một người ngồi thêu hoa mà là một đại hán còn sống nhăn răng ra đó.

Người này phải chăng là ma qủi?

Ngoài ma qủi thì còn người nào vào đây được?

Giang Trọng Uy ớn lạnh xương sống. Hắn không nhịn được người run bần bật.

Đại hán râu quai nón ngồi cặm cụi thêu hoa chẳng khác gì một vị đại cô nương ở chốn khuê phòng chăm chú thêu thùa.

Đại hán thêu bông mẫu đơn, một bông mẫu đơn đen trên tấm đoạn màu hồng.

Hồi lâu Giang Trọng Uy cố trấn tĩnh lại trầm giọng hỏi:

– Sao ngươi lại vào đây?

Đại hán đáp:

– Tại hạ vào đây để thêu thùa.

Giang Trọng Uy thấy đối phương ra giọng ỡm ờ không khỏi bực mình, nhưng cố giữ vẻ thản nhiên hỏi:

– Ngươi có biết nơi đây là chỗ nào không?

Đại hán thản nhiên đáp:

– Đây là chỗ thêu thùa.

Giang Trọng Uy cười khẩy hỏi:

– Chẳng lẽ ngươi đặc biệt tới đây để thêu hoa?

Đại hán gật đầu đáp:

– Vì tại hạ muốn thêu thùa mà chỉ có đây là ngồi thêu được.

Giang Trọng Uy hỏi:

– Ngươi muốn thêu cái gì?

Đại hán đáp:

– Thêu tên Giang Trọng Uy đui mắt.

Giang Trọng Uy ngửng mặt lên cười rộ.

Chỉ khi nào hắn tức giận đến cực điểm muốn gϊếŧ người mới cười rộ như vậy.

Đột nhiên hắn cảm thấy gan bàn tay tê dại tựa hồ bị ong đốt. Lực lượng trên bàn tay đột nhiên mất hết.

Giữa lúc ấy, một luồng hàn quang lấp loáng vọt tới trước mắt hắn.

Thập tam thái bảo hoành luyện, tuy là môn công phu cương ngạnh tuyệt thế vô song, nhưng cũng không thể luyện tới mắt được.

Bọn vệ sĩ đứng ngoài đột nhiên nghe tiếng la hoảng vội chạy vào thì cửa sắt bên trong đã đóng chặt.

Lúc bọn chúng cạy được cửa ra tiến vào thì Giang Trọng Uy đã nằm chết giấc dưới đất. Một tấm đoạn màu hồng tươi che mặt hắn lại.

Trên tấm đoạn thêu một bông mẫu đơn màu đen.

*****

Trong thiền phòng hương đã thắp lên.

Hoa Mãn Lâu tắm gội huân hương ngồi yên lặng chờ đợi.

Gã muốn nếm một bữa chay do chính tay Khổ Qua đại sư nấu nướng. Chẳng những gã muốn tắm gội huân hương mà còn muốn học tính nhẫn nại.

Khổ Qua đại sư chẳng phải người vào bếp một cách dễ dàng, chẳng những người mời đến phải xứng đáng mà còn phải gặp lúc lão cao hứng nữa.

Bữa nay những người tới đều xứng đáng. Ngoài Hoa Mãn Lâu còn có Cổ Tùng cư sĩ ở Huỳnh Sơn và Mộc đạo nhân nổi tiếng vi kỳ đệ nhất, thi tửu đệ nhị, kiếm pháp đệ tam.

Những người này đều chẳng phải tục khách, nên bữa nay Khổ Qua đại sư cao hứng đặc biệt.

Trong sắc trời bảng lảng, tiếng chuông chiều êm ái ngân nga vọng lại.

Lúc Hoa Mãn Lâu đi ra, Cổ Tùng cư sĩ và Mộc đạo nhân đã chờ gã ở ngoài viện.

Ngọn gió chiều thổi qua rừng trúc, khu rừng ngăn cách chốn hồng trần.

Hoa Mãn Lâu mỉm cười nói:

– Để hai vị tiền bối chờ ở đây, tại hạ thật áy náy.

Mộc đạo nhân cười xòa.

Đạo nhân này vốn là người thoát tục. Lúc này lão cởi bỏ tấm đạo bào vá hàng trăm miếng để mặc áo vải xanh không dính chút bụi trần.

Dù lão không muốn để ai câu thúc, lão không làm Chưởng môn phái Võ Đang thì còn được, nhưng lại muốn nếm bữa cơm chay của Khổ Qua đại sư nên lão phải ép mình một chút.

Khổ Qua đại sư tính nết rất quái lạ là một điều ai cũng biết rồi.

Cổ Tùng cư sĩ thở dài nói:

– Xem chừng lão đạo này nói quả không lầm.

Hoa Mãn Lâu hỏi:

– Đạo trưởng bảo sao?

Mộc đạo nhân cười đáp:

– Bần đạo bảo nhất định thí chủ biết bọn bần đạo ở đây. Dù bọn bần đạo không cử động thí chủ cũng nhận ra.

Cổ Tùng cư sĩ thở dài nói:

– Nhưng lão phu không nghĩ ra tại sao y lại biết được?

Mộc đạo nhân đáp:

– Bần đạo không nghĩ ra nhưng bần đạo có chỗ hay hơn ông bạn.

Cổ Tùng cư sĩ hỏi:

– Chỗ nào hay hơn?

Mộc đạo nhân cười đáp:

– Việc gì mà không nghĩ ra được thì bỏ đi không nghĩ tới nữa.

Cổ Tùng cư sĩ cũng cười nói:

– Vì thế mà lão phu bảo nếu đạo huynh không uống rượu nhất định sống tới ba trăm tuổi.

Trong thiền phòng rèm trúc buông rũ. Đã có tấm rèm mà còn ngửi thấy mùi thơm khó tả. Mùi thơm này khiến cho bất cứ ai cũng nổi thực dục.

Cổ Tùng cư sĩ thở dài nói:

– Khổ Qua đại sư làm tiệc chay quả nhiên thiên hạ vô song.

Mộc đạo nhân cười đáp:

– Y thường bảo y mà nấu cơm chay thì đức Bồ Tát ngửi thấy cũng thèm.

Cổ Tùng cư sĩ hỏi:

– Xem chừng cơm canh đã đặt lên bàn rồi, chúng ta còn chờ gì nữa?

Mấy người bèn vém rèm trúc đi vào, đột nhiên ngẩn người ra.

Chẳng những cơm canh đã bày trên bàn mà còn có một người đang ngồi ăn ngấu nghiến.

Ông khách đến bất thình lình này chẳng chờ đợi ai cũng không tắm gội huân hương. Sự thật trên mình y chẳng những dính đầy bùn đất mà toàn thân mồ hôi tiết ra mùi khó ngửi.

Mộc đạo nhân thở dài nói:

– Nhà sư này bụng dạ thiên lệch.

Cổ Tùng cư sĩ cũng nói:

– Lão mời bọn ta mà lại để người khác đến ăn trước.

Mộc đạo nhân nói:

– Nhất định lúc chúng ta tắm gội huân hương thì cha này ở dưới ao bùn vừa mới chui lên.