Chương 3

Lúc này, Đường Điền ngồi sau lưng Cố Thư Di đang chăm chỉ nhắn tin cho cô bằng điện thoại: [Cậu ta rảnh rỗi sinh nông nổi ấy mà.]

[Kệ đi.]

Cố Thư Di: [Ừm.]

Đường Điền: [CV.pdf]

[Thư Di ới ời, nhờ cậu sửa CV cho tớ với, mắt long lanh.jpg]

Lúc trước, Cố Thư Di đã hứa sẽ sửa CV xin việc cho Đường Điền: [Tớ sẽ cố gắng xong sớm rồi gửi cậu ngay.]

Đường Điền: [Hôn chụt chụt.jpg]

[Ừa, với lại tớ nghĩ cho dù năm nay Hòa Quang có tuyển người hay không cũng không sao, sau này cậu cũng có thể nhảy từ công ty khác sang Hòa Quang mà!]

Cố Thư Di bật cười: [Cảm ơn cậu.]

Kết thúc cuộc trò chuyện với Đường Điền, Cố Thư Di đặt điện thoại xuống. Nhìn màn hình máy tính dán logo Hòa Quang nhỏ của mình, cô bỗng dưng hít một hơi thật sâu, thật sâu.

...

Cô biết chuyện này có thể vẫn chưa kết thúc.

Năm nay Hòa Quang tuyên bố không tuyển dụng, không đồng nghĩa với việc cả công ty lớn thế này lại không chứa nổi một nhân viên mới.

Tuyển dụng công khai chỉ dành cho người bình thường. Ở một thế giới khác, cả binh đoàn ứng viên bình thường phải tranh nhau chen lấn qua cây cầu độc mộc để có cơ hội được nhận vào làm. Trong khi đó, những đứa con ông cháu cha dựa hơi các mối quan hệ nhằm đánh bóng CV của bản thân, đi cửa sau hằng năm lại nhiều không đếm xuể.

Cô thật sự chỉ muốn có một cơ hội mà thôi.

Cố Thư Di nhớ lại nguồn gốc của việc mình quen biết với bà cụ Hà.

Có rất nhiều học bổng dành cho sinh viên học viện Khoa học Xã hội và Nhân văn của trường đại học Sư phạm nhận hằng năm. Trong đó, học bổng có giá trị cao nhất và danh giá nhất có tên là học bổng Lăng Miễn, được tài trợ bởi một cựu sinh viên đã tốt nghiệp học viện Khoa học Xã hội và Nhân văn của trường đại học Sư phạm. Đây là mục tiêu mà các sinh viên tài ba của viện lăm le, cạnh tranh hằng năm từ trước đến nay.

Lúc đó, Cố Thư Di nghĩ mọi cách để quen biết với cựu sinh viên tài trợ cho học bổng Lăng Miễn này vì việc đánh giá học bổng xảy ra vấn đề. Mỗi lớp chỉ có một suất, nhưng lớp họ bị mất học bổng vì phó viện trưởng của học viện đã bí mật bổ sung thêm cho cháu trai hai dự án để làm phong phú thêm hồ sơ xin du học ở trường nước ngoài của anh ta.

Dù gì thì trong trường đại học, thứ như học bổng cũng giống như huy chương vô địch Olympic vậy, không chỉ mang ý nghĩa về tiền bạc mà còn là lời khẳng định xác đáng nhất đối với mỗi một sinh viên.

Cho dù người dưới biết hành vi của phó viện trưởng đi nữa thì cũng đều mắt nhắm mắt mở, nhưng Cố Thư Di thì không muốn bị tước đoạt học bổng bằng cách này. Cô nuốt không trôi cục tức này, gặp giáo viên không được nên nghĩ cách gặp mặt trực tiếp người đã tạo ra học bổng này.

Cựu sinh viên này tên là Hà Ngọc Lăng, tốt nghiệp học viện Khoa học Xã hội và Nhân văn của trường đại học Sư phạm vào thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, bắt đầu quyên tiền cho học bổng Lăng Miễn để động viên, khuyến khích các sinh viên xuất sắc về sau từ hai mươi năm trước.

Cố Thư Di phải cố gắng hết sức, kết nối quan hệ với vô số cựu sinh viên đi trước. Cuối cùng cô cũng tìm được bà cụ Hà hiện tại ở một trung tâm hoạt động dành cho cán bộ đã nghỉ hưu. Bà cụ thích chơi bóng bàn, Cố Thư Di tìm mọi cách để làm quen với bà cụ, nhưng cô vừa định nói với bà ấy về chuyện học bổng thì phó viện trưởng học viện đã bị bắt vì tội tham nhũng, nhận hối lộ.

Suất nhận học bổng Lăng Miễn cũng được phúc thẩm. Sau khi đánh giá một cách công bằng, Cố Thư Di đã nhận được học bổng này theo lẽ đương nhiên.

Không ngờ chưa kịp mở miệng với bà cụ thì chuyện này đã được giải quyết. Ban đầu Cố Thư Di muốn dừng việc quấy rầy bà cụ trong âm thầm, không ngờ cô lại phát hiện ra rằng, hình như bà cụ Hà có quan hệ sâu xa với công ty trong mơ Hòa Quang mà cô đã thầm mong ngóng bấy lâu nay.

...

Khi biết bà cụ Hà chính là một trong những người sáng lập của Hòa Quang, trong thoáng chốc, Cố Thư Di chẳng biết nên hình dung tâm trạng của mình khi đó như thế nào.

Nhưng cũng đúng thôi, các cựu sinh viên đại học Sư phạm có thể lên đại học vào thời đại ấy đều không phải người bình thường. Bà cụ thường than vãn với cô không có ai chơi bóng bàn với bà ấy, hiếm khi tìm được một cô bé hợp ý, còn chơi được hai ván với bà ấy, bà cụ hỏi tuần tới cô có đi đánh bóng bàn với mình tiếp không.

Nhìn gương mặt rạng ngời của bà cụ Hà, thật ra Cố Thư Di cũng muốn thú thật với bà ấy rằng mấy ngày nay mình cố tình tiếp cận bà ấy vì học bổng do bà ấy đầu tư thôi. Nhưng khi đó, trực giác mách bảo cô rằng biết đâu đây là cơ hội, là cái duyên.

Một người tận dụng mọi thủ đoạn để trèo lên như cô đáng lẽ phải biết nắm bắt mọi cơ hội mới phải!

Thế là vở kịch bạn đánh bóng bàn này đã kéo dài được nửa năm.

Mỗi tuần hai người đều hẹn nhau đánh bóng bàn, càng lúc càng trở nên thân thiết với nhau. Bà cụ chỉ nói rằng mình cũng từng là sinh viên đại học Sư phạm, bây giờ đã về hưu, chồng qua đời từ mười mấy năm trước, con cái đều bận rộn với công việc.

Dẫu có bão táp mưa sa thì cũng không ngăn được Cố Thư Di đi đánh bóng bàn với bà cụ. Cô cẩn thận lấy lòng bà cụ, như thể hai người chỉ là đôi bạn vong niên kết thân với nhau chỉ vì cùng có chung một đam mê đánh bóng bàn. Cho đến một tuần trước, trong lúc đánh bóng bàn, bà cụ cười hỏi: "Thư Di, cháu sắp tốt nghiệp rồi, cháu đã có dự định gì chưa?"

Lần này, lần đầu tiên Cố Thư Di phát hiện ánh mắt của bà cụ khi hướng về mình dường như chứa đựng một sự hiền từ lạ lẫm nào đó.

Trái tim cô bỗng chốc đập bình bịch như trống bỏi.

Cô tiếp cận bà ấy suốt thời gian qua, chính là vì giờ phút này!

Thế giới này không công bằng như vậy đấy, có người chỉ cần tiện tay bố thí một thứ không quan trọng với mình là đã có thể thay đổi cuộc đời của một vài người khác.

Một quả bóng bàn không kịp nhận, rơi xuống đất, độ cao nảy lên cũng càng ngày càng thấp, nhưng không một ai bận tâm tới nó.

Chiều hôm ấy, Cố Thư Di chỉ nhớ rằng cõi lòng bản thân tràn ngập sự chột dạ và bồn chồn chưa từng có. Cô không nghe rõ lời nói của bà cụ Hà, chỉ biết gật đầu lia lịa. Sau đó, trong ánh mắt chứa chan nét cười của bà ấy, cô bộc bạch với bà ấy bằng giọng nói hơi run run rằng sau khi tốt nghiệp mình muốn vào Hòa Quang.