#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_dịch_và_viết
ĐÊM THỨ BA MƯƠI MỐT: KHÔN NINH BẤT NINH
Tính đến nay, Tử Cấm Thành đã trải qua hơn 600 năm lịch sử với biết bao đau thương chua xót. Trong tòa thành này, không có một phút giây bình yên, dường như mỗi một người sống tại đây đều đã định sẵn sẽ phải khoác lên mình sự bi thương đến chết. Vua cũng vậy mà bề tôi cũng thế, hậu cung ba nghìn giai lệ càng xót xa hơn, thân làm mẫu nghi thiên hạ cũng vậy.
Kiến trúc của Tử Cấm Thành chia thành hai phần: ngoại triều và nội đình. Trung tâm của ngoại triều gồm điện Thái Hòa, điện Trung Hòa và điện Bảo Hòa, cả ba đều là nơi cử thành những điển lễ lớn. Trung tâm của nội đình gồm cung Càn Thanh, điện Giao Thái và cung Khôn Ninh, gọi chung là hậu tam cung, là chính cung của hoàng đế và hoàng hậu. Tiếp đó mới tới ngự hoa viên. Xung quanh hậu tam cung lần lượt là Đông và Tây lục cung, là nơi ở của các hậu phi. Song dường như có một lời nguyền nào đó đã giáng xuống cung Khôn Ninh, trải qua ngần ấy năm chìm nổi, thế nhưng mỗi lần nhắc tới nơi này, người ta lại chỉ nhớ tới bốn chữ "Khôn Ninh bất an" hoặc "Khôn Ninh bất ninh" (An: bình an, Ninh: yên tĩnh, yên ổn), bởi một lý do: tất cả những vị chủ tử từng sống tại đây đều không một ai chết già. Cứ nhìn vào Tiền Hoàng hậu của Chính Thống đế Minh Anh Tông, cùng bốn vị hoàng hậu của Minh Thế Tông Gia Tĩnh và hoàng hậu A Lỗ Đặc Thị của Thanh Mục Tông Đồng Trị đế là sẽ thấy được sao lại "bất an", sao lại "bất ninh" (riêng hậu cung của Minh Thế Tông, An sẽ đặc biệt có một bài riêng). Chúng ta hãy cũng điểm qua những vị chủ tử vắn số của cung Khôn Ninh dưới thời Thanh (chú ý, trong đó có ba vị không phải chủ tử của cung Khôn Ninh, nhưng vì là chính thất nên cũng sẵn tiện đề cập xem như cung cấp thêm chút thông tin vậy):
- Hoàng hậu Diệp Hách Na Lạp thị của Thiên Mệnh Hãn Nỗ Nhĩ Cáp Xích, qua đời năm 29 tuổi vì bạo bệnh và nhớ nhung mẹ già.
- Hoàng hậu Bác Nhĩ Tể Cát Đặc Triết Triết của Sùng Đức đế Hoàng Thái Cực có hai người cháu cùng nhập cung vào làm phi tử của Hoàng Thái Cực, một trong số đó sinh hạ hoàng tự, chính là hoàng đế Thuận Trị sau này, còn bà thì chỉ sinh hạ được ba công chúa. Sau khi Thanh Thái Tông băng hà (52 tuổi), bà trở thành Hoàng thái hậu và 6 năm sau bà cũng qua đời, khi đó bà chỉ mới 49 tuổi.
- Phế hoàng hậu Bác Nhĩ Tể Cát Đặc thị của Thuận Trị đế Phúc Lâm, bà là vị hoàng hậu đầu tiên và duy nhất của triều Thanh bị Hoàng đế phế truất khi đương tại vị (trường hợp của hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp của Thanh Cao Tông là bị thu hồi sách phong chứ không tuyên cáo chính thức, khác hoàn toàn), tuy bà có xuất thân cao quý (cao quý nhất trong số các hoàng hậu đời Thanh) và là vị hoàng hậu đầu tiên của nhà Thanh được cử hành đại hôn, nhưng chỉ sau hai năm đứng đầu hậu cung, bà đã bị Thuận Trị phế truất. Nguyên nhân được ghi lại rằng do bà sống quá xa xỉ còn hoàng đế lại quá giản dị, tính cách lại ương bướng nên hoàng đế vốn đã không ưa giờ lại dần xa cách, chưa kể đến đằng sau vị hoàng hậu này còn có sự chống lưng của Đa Nhĩ Cổn, ý định phế hậu cứ thế nảy mầm.
- Hoàng hậu Hách Xá Lý thị của Khang Hy đế Huyền Diệp có tổ phụ là đại thần phụ chính, phụ thân là đại thần suất lĩnh thị vệ, nhưng không may qua đời trong lúc hạ sinh, khi ấy bà mới 22 tuổi.
- Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị của Ung Chính đế Dận Chân, bà được sách lập làm hoàng hậu vào năm Ung Chính nguyên niên, song chín năm sau thì bất hạnh qua đời.
- Hoàng hậu Phú Sát thị của Càn Long đế Hoằng Lịch, trên đường hồi kinh sau cuộc Nam tuần, hoàng hậu qua đời khi đương ở độ tuổi 37 (không phải chủ nhân)
- Hoàng hậu Hỉ Tháp Lạp thị của Gia Khánh đế Ngung Diễm, chỉ mới sách lập hoàng hậu được một năm thì mất vì bạo bệnh, hưởng dương 36 tuổi. Tang sự của bà là tang sự đơn sơ nhất dành cho hoàng hậu trong lịch sử triều Thanh, ý chỉ này cũng là do Càn Long ban, ngay cả Gia Khánh cũng không mấy quan tâm đến lễ tang của bà, niềm an ủi duy nhất của bà có lẽ là con trai bà sau này trở thành hoàng đế - tức Đạo Quang đế.
- Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị của Đạo Quang đế Miên Ninh, vẫn còn chưa trở thành hoàng hậu thì đã qua đời (28 tuổi), sau đó mới được truy phong làm hoàng hậu, không có con nối dõi (không phải chủ nhân).
- Hoàng hậu Tát Khắc Đạt thị của Hàm Phong đế Dịch Trữ, vừa được sách phong làm phúc tấn được hai năm, vẫn chưa kịp lên ngôi hoàng hậu và chưa tròn 20 tuổi thì đã qua đời, sau này Hàm Phong tiếc thương bèn truy phong làm hoàng hậu (không phải chủ nhân).
- Hoàng hậu A Lỗ Đặc thị của Đồng Trị đế Tải Thuần, tuy bà là một trong bốn hoàng hậu duy nhất của Đại Thanh được cử hành đại hôn tức được rước kiệu qua cổng lớn khi thành thân với hoàng đế, nhưng lại chết rất thảm, nói đúng hơn là cái chết không rõ ràng. Sử sách chép rằng hoàng hậu qua đời vì bạo bệnh, nhưng tương truyền bà bị Từ Hy ban rượu độc, còn một thuyết khác nữa là bà tuyệt thực, nhiều minh chứng nghiêng về nguyên nhân thứ hai hơn. Hoàng hậu hưởng dương 21 tuổi.
- Hoàng hậu Diệp Hách Na Lạp thị của Quang Tự đế Tái Điềm, sau đại hôn, bà và Quang Tự bất hòa, cuộc sống vợ chồng không êm ấm, lúc Quang Tự qua đời (38 tuổi), bà trở thành Hoàng thái hậu, đồng thời bà cũng là Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Thanh, khi ấy bà 41 tuổi.
- Hôn lễ của Phổ Nghi cũng được cử hành tại cung Khôn Ninh, người con gái nào liên quan đến Phổ Nghi thì càng thảm hơn, vào đêm tân hôn, ông từ cung Khôn Ninh bỏ về điện Dưỡng Tâm, bỏ lại hoàng hậu Quách Bố La Uyển Dung vò võ một mình, kể từ đó trở về sau, đến tận khi Uyển Dung thân tàn ma dại, bà vẫn chưa từng một lần được viên phòng với Phổ Nghi.
Dẫu sao thì cung Khôn Ninh cũng là chính cung của Hoàng hậu. Cái tên này được đặt với ý mong các hoàng hậu có thể an bình, nhưng nguyện vọng này có thể thực hiện được sao? Bất kể ai là hoàng hậu, ai là hoàng đế thì mưu cầu tối thiểu của họ cũng chỉ đơn giản là hai chữ "an" và "khang". Không bình an, không khỏe mạnh thì dù tiền bạc có nhiều, quyền thế bao cao, cũng chẳng thể nào hưởng được hạnh phúc.
Nói rộng ra, không chỉ riêng các vị chủ tử ở cung Khôn Ninh, xuyên suốt lịch sử Minh - Thanh gồm 16 đời Minh đế, 12 đời Thanh đế, tổng cộng có 28 vị vua, các ngài lập hậu, có người sớm qua đời, có người bị phế, hoặc không có con nối dõi, hoặc tuổi trẻ góa bụa, hoặc chết oan uổng, hoặc thương đau đến cuối đời. Tuy đứng đầu nữ nhân trong thiên hạ song chẳng ai được bình an. Muốn viết rất nhiều nhưng tới đây bèn nghẹn lại, hẹn các bạn vào bài sau.
Nhắc tới đây cũng sẵn phải nói một chút, sau đời Minh, cung Khôn Ninh trở thành nơi tế tự và cử hành đại hôn là chủ yếu, bên trên có không ít người từng chưa có cơ hội ở lại cung Khôn Ninh dù rằng họ là chính thất, ví như hoàng hậu Phú Sát, hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc Thị, hoàng hậu Tát Khắc Đạt thị, nhưng ở đây đang xét chủ thể là chính thất, thế nên cũng sẵn nhắc tới cả ba.