Chương 1: Quan tài quỷ 1

1.

Ông cố tôi hưởng phúc hai mươi năm, nửa đời chịu khổ. Sau khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thành lập thì bắt đầu công cuộc thanh tẩy, từ cụ cố và bảy tám bà vợ của cụ, đến anh chị em của ông cố tôi đều bị gϊếŧ không sót một ai. Khi cán bộ đến chỗ ông cố tôi, đầu súng còn vương khói đã kề sát đầu thì người đứng đầu tổ cải cách văn hóa châm một điếu thuốc đưa cho ông cố tôi nói: “Nếu không nhờ có những người như ông thì chúng ta đã xong đời rồi, lấy đâu ra thái bình thịnh vượng hôm nay?”

Hóa ra, mấy năm kháng chiến, trong lúc cụ cố tôi ở nhà cùng quân Nhật hút thuốc uống rượu tán phét thì ông cố tôi lại lén lút tiếp tế lương thực cho quân kháng chiến, từ rượu thuốc đường trà súng lựu đạn không gì là không có. Việc này quả thực rất nguy hiểm, tuy nhiên quân Nhật Bản đều cho rằng ông cố tôi là cậu Ba vô công rỗi nghề của nhà họ Thẩm nên cũng chẳng thèm để ý nhiều.

Bởi vậy, ông cố tôi là huyết mạch duy nhất còn lưu lại của nhà họ Thẩm.

Mạng tuy rằng giữ được nhưng tội thì vẫn phải chịu. Tài sản gia đình bị tịch thu sạch sẽ thì khỏi cần nói, đến nơi ở cũng chẳng còn, cuối cùng vẫn là lãnh đạo mở lời với đội sản xuất, đem căn nhà đầu thôn bên mé sông Nghi Hà phân cho ông cố và con trai, tức ông nội tôi.

Căn nhà đó vốn dĩ là cái chòi dựng lên để người làm trông cá cho nhà chúng tôi, đã cũ mọt lủng lỗ chỗ. Năm đó, người làm cũng chỉ là tới đó ngó nghiêng chứ chẳng ai ngủ lại bao giờ. Ông cố không còn cách nào khác, đành phải dọn tới đó ở. Căn nhà này, mùa hè còn đỡ, bốn phía trống hoác, gió lùa mát rượi, chỉ có điều hơi lắm muỗi. Nhưng mùa đông đến thì gay go. Ông cố và ông nội tôi, đừng nói chăn bông, đến áo bông cũng chẳng có cái nào. Lúc trời lạnh, hai người chỉ có cách ôm nhau cho ấm. Hai người ôm nhau, cho dù là bố con, ông nội tôi vẫn cảm thấy ngượng ngùng hết sức, chỉ là không còn cách nào khác, chỉ đành làm vậy để chống chọi cho qua.

Ông nội tôi mỗi khi nhắc lại những năm đó đều cảm thán, không biết khi đó làm sao có thể chống chọi qua được.

Việc về chiếc quan tài ma kia xảy ra trên bờ sông Nghi hà, vì vậy câu chuyện này mới có tên ‘Quan tài quỷ sông Nghi Hà’, ông nội tôi nói, sông Nghi Hà không phải một dòng sông hiền hòa gì mà trái lại rất hung dữ, mỗi năm nước lên đều có người chết.

Sông Nghi Hà bắt nguồn từ huyện Nghi Nguyên, dưới chân núi Thái Sơn. Có truyền thuyết nói rằng, chân núi Thái Sơn này chính là âm tào địa phủ. Nếu như không có núi Thái Sơn trấn giữ thì ma quỷ dưới địa ngục đã tràn lên nhân gian từ lâu. Còn nói, dưới cầu Nại Hà chính là sông Vọng Xuyên, sông Vọng Xuyên chính là một nhánh của sông Nghi Hà. Nhưng dù gì, truyền thuyết cũng chỉ là truyền thuyết, không thể xem là thật được.

Nghi Hà từ thời cổ đại là một nhánh của sông Surabaya, Hoàng Hà tránh đường chảy của sông Hoài, Surabaya chảy ra biển thì Nghi Hà lại trở thành một nhánh của Hoàng Hà. Vào thời Minh, một kênh đào mới được hình thành thì Nghi Hà lại thành nhánh của kênh đào, dòng chảy đổi hướng về phía nam, đổ vào hồ Lạc Mã. Sau thời kì kiến quốc 1951, Nghi Hà được nới sâu để dẫn nước hồ Lạc Mã đổ ra biển Hoàng Hải. Sau này sông Nghi Hà bị ngập lụt, một kênh dẫn dòng lũ đã được đào tại ngã ba Phi Thượng, sau khi kênh đào dẫn lũ này hoàn thiện, tình hình ngập lụt của sông Nghi Hà mới được cải thiện.

Đoạn sông Nghi Hà được đào thêm năm 1963 chính là đoạn sông từ trấn Đàm Thành Mã Đầu đến trấn Phi Huyện Hương Thượng. Đoạn sông này nhanh chóng thoát khỏi dãy Sơn Đông phi thẳng ra đồng bằng rộng lớn. Khúc sông này vừa rộng vừa sâu, hơn nữa có rất nhiều đầm lầy, cũng xảy ra vô cùng nhiều chuyện kìa quái. Mỗi lần nước lụt là có thể thấy dưới nước những con cá chép dài ba bốn mét, những con trăn hơn mười mét như những chiếc thuyền nhỏ. Ngoài ra, xác người chết trôi nổi thì nhiều vô kể. Còn gì nữa, những người lái đò bị mất đầu, những đứa trẻ bập bềnh trên nước, những đốm lửa ma trơi dày đặc hai bên bờ... thật sự là quỷ dị vô cùng.

Hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển, xây cầu sửa đường đào sông đều có máy móc lớn chứ thời đó thì làm gì có, tất cả đều dựa vào chân tay. Lúc đó những người làm là việc trên sông gọi là thượng hà công, những người làm việc mỗi ngày xong trở về nhà gọi là tiểu hà công, những người ăn ở tại công trình gọi là đại hà công. Thi công Nghi Hà là một công trình lớn, mọi người đều ăn ở tại công trình, vì vậy không có tiểu hà công. Những người làm việc này chia thành từng tổ, mỗi tổ có công nhân, thanh niên trí thức và những người bị cải tạo chính trị.

Năm đó ông cố tôi hơn 40 tuổi rồi nhưng chưa bao giờ làm việc nặng, những năm trước còn hút thuốc phiện, sức khỏe rất yếu, lúc làm việc trên sông không có sức nên được phân công dọn bùn dưới lòng sông. Ông nội tôi mới hơn hai mươi tuổi đầu, trời sinh tính ngốc nghếch, không có đầu óc nhưng thừa sức khỏe nên làm nhiệm vụ kéo xe từ lòng sông lên trên bờ.

Giải thích một chút, để kéo xe bùn từ lòng sông lên cần có hai người, một trước một sau. Người phía sau đẩy xe, người phía trước dùng dây thừng kéo. Đẩy xe còn đỡ, chỉ cần nhắm chuẩn hướng đi là được. Còn người kéo thì mọi sức nặng đều đặt lên vai, là một việc vô cùng cực khổ. Sau một ngày làm việc thì dù khỏe đến đâu cũng mệt đến không chịu nổi. Ông nội kể với tôi, có một người từng mệt đến chết tên là Hải Bình. Người khác một ngày kéo 30 xe, ông ta thích chứng tỏ nên kéo 50 xe, công trình kết thúc, ông ta về đến nhà được vài hôm thì lao lực mà chết.

Bạn nghĩ thử xem, từ lòng sông lên bờ sông mấy chục mét, hai bên lại thoải thoải trơn trượt, bùn nhão khó đi, đến đi bộ cũng tốn sức vô cùng, đừng nói đến phải kéo theo một xe bùn đầy ứ. Mỗi người đều khoác dây thừng kéo xe lên vai mà dùng hết sức chạy về phía trước, chỉ có thể chạy chứ không thể đi bộ, vì đi bộ không có đà, không lên trên được. Một cậu trai da bị mặt trời thiêu đen cháy, trên người vắt một sợi dây thừng to thô, vừa chạy vừa trượt, một phát kéo xe bùn đầy lên tới bờ sông, đổ đất xuống, lại kéo xe không chạy ngược xuống lòng sông, cứ như vậy, chạy tới chạy lui. Cảm giác này không phải người tham gia công trình thì không tưởng tượng nổi.

Ông nội tôi nói, mệt thì có mệt, nhưng mỗi lần đi làm thì cha con ông nội đều rất vui. Nói ra thì cay mắt, hai cha con ông nội bị liệt vào thành phần xấu, không đủ ăn, hợp tác xã lại không cho họ đi ra ngoài làm việc nên không có việc làm. Những lúc đói kém đó, theo lời ông nội tôi, hai cha con họ người nọ có thể nhìn thấy ánh xanh lét trong mắt người kia. Loại cảm giác này, sau này tôi có lần làm người khác bị thương bị nhốt vô ngục đã từng cảm nhận được. Thế nhưng cha con ông nội vào làm công trình sông Nghi Hà thì hợp tác xã lo cơm nước, một ngày ba bữa không được thiếu bữa nào, bánh chiên bánh bao đậu muối, thỉnh thoảng còn có khi được chút thịt cá. Sau một ngày làm việc mệt muốn chết, bữa cơm nào cũng cảm thấy vô cùng thơm ngon. Ông nội tôi nói, nếu được ăn thỏa thích thì mỗi bữa ông có thể ăn mười mấy cái bánh bao.

Nói đến ngày hôm đó, trời âm u đen kịt, những đám mây đen nặng nề trĩu xuống, đến buổi trưa thì mưa lớn sầm sập đổ. Trận mưa này rơi mãi không thấy ngừng, mưa thối trời thối đất, đến tận lúc trời tối. Lúc đó là đầu hè, để tiện cho việc làm việc dưới lòng sông, một con đập đã được xây phía thượng nguồn để ngăn nước sông tràn xuống. Ông nội kể, đến tối, mọi người đều rất lo lắng. Ai cũng nói trận mưa này lớn như thế, con đập phía trên mà vỡ thì thành quả của mọi người đổ sông đổ biển, chưa kể ngộ nhỡ cuốn cả mọi người theo xuống thì có muốn cứu cũng không cứu nổi.

Mọi người càng nói càng lo, cũng dọn đồ đòi về nhà. Cán bộ công trình là cán bộ phòng thủy lợi của huyện, nhìn mọi người như thế thì ngồi xổm dưới mưa tổ chức họp. Lúc đó nhiệm vụ nặng nề mà thời gian lại ngắn, nếu để mọi người về rồi gọi lại thì khó khăn lắm. Họp xong, cán bộ phòng thủy lợi dẫn đầu dẫn theo vài người công nhân, lái máy kéo đi ra bờ sông đo mực nước. Đến hơn 9 giờ tối, cán bộ trở về nói không sao, con đập trên thượng nguồn có thể trụ được, mưa hai ngày nữa vẫn trụ được, yên tâm đi. Mọi người nghe cán bộ nói vậy mới yên tâm đi ngủ. Chỉ có ông cố tôi, ngẩng đầu nhìn bầu trời sầm sập, lại nhìn vị cán bộ đang mặc áo mưa, trong lòng gợn gợn.

Ông nội tôi vốn là một gã ngốc, nghe lời cán bộ nói thì yên tâm kê gối ngủ, chưa đến một phút sau thì đã ngáy khò khò. Nói ra thì cũng là do làm việc quá mệt, ông nội tôi đang ngủ ngon, đang mơ tới đoạn cưới vợ, kèn Xô-na đang thổi ti toe, tay đang dắt cô dâu nhỏ xinh đẹp vào động phòng, chuẩn bị mở khăn trùm đầu rồi thì người lắc một cái, bị ai đó đập dậy. Ông nội tôi còn chưa mở mắt, câu chửi “Mẹ...” còn chưa ra khỏi miệng thì bên tai nghe thấy một âm thanh như thiên binh vạn mã đang rầm rập chạy. Ông nội tôi kinh hãi, vội vàng bò dậy, trong ánh đèn pin chiếu xuống, ông cố nói với ông nội rằng, đập vỡ rồi.

Ông nội kinh hãi hỏi: “Thật không?” Ông cố giơ tay lên nhưng không đánh xuống mà nói: “Gọi mọi người dậy chạy lên bờ đê nhanh lên, một lát nữa nước lên là chạy cũng không kịp đâu.” Ông nội không nghe, còn muốn đi cứu đập với mọi người. Ông cố tát cho ông nội một phát, chửi: “Với cái sức của mày mà đòi đi cứu đập hả?” Ông nội bị tát cho tỉnh ra, vội vàng cùng ông nội kêu mọi người đang ngủ say xung quanh dậy, cùng nhau chạy lên đê.

Chạy được nửa đường, trong bóng đêm đen mịt mùng, ông nội tôi quay đầu lại nhìn, chỉ thấy phía con đập trên thượng nguồn lấp lóe những ánh đèn pin chớp tắt. Ông nội tôi biết, đó là mọi người đang đi cứu đập. Nhìn thấy vậy, trong lòng ông nội tôi rất ngưỡng mộ, hành động đi cứu đập này là hành động anh hùng. Ông nội tôi còn chưa ngưỡng mộ được mấy chốc thì nghe thấy một âm thanh chấn động, một bức tường trắng xóa ập xuống, những đốm đèn kia tắt ngủm --- đập vỡ rồi. Đập vừa vỡ, những đợt lũ hung dữ đổ ào xuống như những con mãnh thú lao xuống đồng bằng, cuốn trôi tất cả. Một đám người kêu lên kinh sợ, chạy cuống cuồng trong mưa gió bùn lầy, nước đuổi sau sát gót chân, cây cỏ phía sau chớp mắt đã bị nước nuốt chửng.

Những người công nhân lên đến đê, vuốt nước mưa trên mặt, vây quanh ông cố tôi, không nói được câu nào, tất cả đều bị sự sợ hãi làm cho chấn động.

Một lúc lâu sau, mọi người mới nói, may có hai cha con ông cố Thẩm Khang Thẩm Đinh, nếu không mọi người tiêu rồi. Đúng vậy, ông cố tôi tên Thẩm Khang, chữ Khang là lừa bịp trong “lừa cha gạt mẹ”, ông nội tôi tên Thẩm Đinh, Đinh trong “đinh sắt”. Hai cái tên này đều do cụ cố đặt, cũng không biết lúc đó ông cụ cố nghĩ gì. À, ông cụ cố tên là Thẩm Pháo, Pháo trong “đạn pháo”.

Ông cố tôi nghe mọi người nói vậy thì xua xua tay: “Có gì đâu, nếu mọi người dậy trước thì cũng sẽ gọi tôi thôi phải không?”

Khi trời sáng, mưa tạnh, xung quanh đều là đồng nước mênh mông. Trận lũ đó đến nhanh nhưng rút cũng nhanh, chỉ mấy tiếng đồng hồ mà đã rút một nửa. Cán bộ hợp tác xã gọi mọi người lại điểm danh xem thiếu ai. Đếm đi đếm lại, ngoài mấy cán bộ thủy lợi ra thì mọi người đều có mặt. Cán bộ hợp tác xã nghe đến đây lập tức dậm chân hét toáng lên: “Chết rồi, lần này thì nguy to rồi.” Sau đó vội vàng kêu gọi mọi người đi tìm. Mọi người nhìn ra dòng Nghi Hà cuồn cuộn sóng vàng, biết tìm ở đâu bây giờ? Ai nấy vắt quần áo ướt trên người nói giờ này về nhà ngủ mới là hợp lý nhất.

Nhưng cán bộ hợp tác xã không đồng ý, cán bộ trên huyện mất tích, đây đâu phải chuyện đơn giản? Một người cán bộ chỉ huy công nhân dựng một nhà tạm trên bờ đê, ai nấu cơm đi nấu cơm, ai cần nghỉ ngơi thì nghỉ ngơi, một người cán bộ khác chỉ một đám công nhân, bảo họ cùng mình đi tìm người.

Lời cán bộ đã nói, không ai dám cãi lời. Từng người quần áo ướt nhẹp run rẩy đi theo cán bộ nọ. Ông cố và ông nội tôi cũng trong đám người này. Mọi người đứng bên dòng nước cuồn cuộn, bước nông bước sâu đi vòng vòng một hồi cũng chẳng tìm thấy gì. Tất cả đã vật vã một đêm, mệt nhọc vô cùng rồi, bây giờ còn chưa ăn cơm thì làm gì còn ai có tâm trạng tìm người?

Ông nội tôi quấn mình trong bộ đồ ướt ròng ròng, oán thán với ông cố tôi, nói ông cố tôi phá hỏng giấc mộng xuân của ông nội. Ông cố đạp cho ông nội một nhát chửi: “Mộng với chả xuân, xém chút là cho mày chìm nổi theo dòng lũ chứ ngồi đó mà mơ mộng.” Nói đến đây, một người công nhân hét lên: “Ê ê, mau xem này, kia là gì đó?”

Mọi người nghe thấy tiếng người hô hoán thì vội vàng chạy lại xem. Ông nội tôi chạy nhanh, chỉ thấy trong đống bùn có một cỗ quan tài sau khi nước rút bị vướng lại. Chỗ cái quan tài vướng lại chính là đồng cỏ nơi bọn họ dựng lều trước đó.

Nơi công nhân dựng lều trại vốn dĩ là một mảng rừng, trong khu rừng đó là những cây dương đường kính to bằng miệng bát, cái quan tài vừa đúng bị kẹt lại trong rừng dương. Thực ra mỗi năm khi nước lũ, trên đầu nguồn đều trôi xuống đây không ít xác heo xác dê xác người, cũng không thiếu những cỗ quan tài cũ kỹ, mọi người cũng chẳng lấy làm lạ. Có một số đứa trẻ to gan lớn mật còn dám mở quan tài, lấy xương đùi người chết ra chơi, bị người lớn phát hiện đánh cho một trận thừa sống thiếu chết.

Chiếc quan tài mọi người nhìn thấy hôm nay khác với những chiếc quan tài thông thường, vậy khác ở chỗ nào? Đầu tiên là so với những quan tài khác thì nó vừa rộng vừa dài, vô cùng lớn, bảy tám chiếc quan tài thông thường cũng không lớn bằng. Tiếp nữa, nếu nói là chiếc quan tài bị nước cuốn xuống thì đáng lẽ đã mục nát cũ kỹ mới phải. Nhưng chiếc quan tài này y như vừa mới làm xong, tuy là nằm trong bùn sũng nước nhưng mọi người đều thấy rõ ràng, nó bên ngoài sơn dầu bóng loáng. Kì quái nhất là bên ngoài quan tài khắc đầy hoa văn phức tạp. Trên lớp hoa văn đó bám đầy bùn, không nhìn rõ lắm nhưng có thể nhìn ra được, dường như đang khắc cảnh rất nhiều người cầm xẻng, đẩy xe, mở một con sông đào lớn.

Mọi người vừa nhìn đều sợ đến lạnh người, những hoa văn khắc bên trên kia, chẳng phải là cảnh bọn họ đang thi công công trình đào nhánh sông Nghi Hà sao?

Cán bộ nghe được thông tin này vội vàng cấm cản, những quan niệm mê tín phong kiến không được tồn tại.

Ông cố tôi ngồi xổm bên cạnh không nói lời nào. Ông tôi hỏi: “Cha ơi, cái quái gì thế này?"

Ông cố nghiêm mặt nói: "Quan tài."

Ông tôi nói: "Nhà nào mà dùng cái quan tài lớn như thế này?"

Ông tôi cười khẩy: "Nhà ai? Nhà Diêm Vương ..."