Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Truyền Kỳ Mạn Lục

Chương 18: Chuyện Lệ Nương (Lệ Nương truyện)

« Chương TrướcChương Tiếp »
Nguyễn Thị Diễm là người một họ lớn ở huyện Đông Sơn (1) em họ ngoại của Trần Khát Chân; cùng người đàn bà họ Lý quê ở huyện Cẩm Giàng, (2) cùng mở ngôi hàng bán phấn đối cửa nhau tại bên ngoài thành Tây Đô (3). Xóm giềng gần gặn, tình nghĩa ngày một thân nhưng cả hai đều chưa con cái. Một hôm, đến động Hồ Công (4) làm lễ cầu tự. Lý thị bảo với Nguyễn thị rằng:

- Chúng ta ở trong phố vẫn quen thân nhau, việc đi lễ cầu tự hôm nay lại không hẹn mà cùng giống nhau. Nếu mà hương lửa có duyên, sau này ta sẽ cho các con sánh nên đôi lứa. Bình dân ta lại làm bạn với bình dân, chẳng cần phải kén chọn con ông cháu cha gì cả; (5) nói có Sơn thần chứng giám, tôi quyết không sai lời.

Rồi đó, Nguyễn Thị quả sinh con gái đặt tên là Lệ Nương, Lý thị quả sinh con trai đặt tên là Phật Sinh. Hai trẻ đến khi trưởng thành đều ham nghề nghiên bút. Vì cớ hai bên cha mẹ thân mật, nên họ cùng đi lại với nhau suồng sã, thường cùng nhau xướng họa thơ từ. Tuy kỳ cưới xin chưa định, nhưng hai tình gắn bó, đã chẳng khác chi vợ chồng vậy.

Niên hiệu Kiến Tân(6) năm Kỷ Mão (1399) đời Trần, xảy ra cái vạ Trần Khát Chân(7), Lệ Nương bị bắt vào trong cung, Phật Sinh rất là thất vọng. Gặp đêm trừ tịch gần hết canh năm, Sinh còn đương nằm ngủ, chợt nghe có tiếng ấm ới. Sinh vùng dậy đẩy cửa ra xem, thấy có hơn trăm chiếc kiệu hoa rậm rịch đi qua, và có một bức thư bằng lụa cài vào ngưỡng cửa, trong thư chính là bút tích của Lệ Nương đã viết. Thư rằng:

Thϊếp văn,

Thiên hữu âm dương, thiên đạo dĩ chi nhi bị,

Nhân hữu phu phụ, nhân đạo dĩ chi nhi thành.

Ta ngã hà tu?

Dữ quân bất ngẫu.

Tích thời tâm sự, cửu dĩ tương quan,

Kim nhật ty ly, phiên thành vĩnh cảm.

Cánh lạc lâu tiền chi ảnh,

Trường giam viện lý chi xuân.

Mỗi phạ kính vũ ly loan,

Cầm thao Biệt hạc.

Xuân thành nhật mộ, liễu tà hàn thực đông phong,

Lưu thủy ngự câu, tràng đoạn Thượng Dương cung nữ.

Đãn hữu u sầu chủng chủng,

Thanh lệ ba ba.

Trướng túc nguyện chi đa vi,

Tiếu thử sinh chi lãng độ.

Liễu thị trùng quy chi ước, hảo hội nan kỳ,

Ngọc Tiêu tái hợp chi duyên, tha sinh vị bốc,

Nguyện quân tự ái,

Biệt đế lương môi.

Vô dĩ nhất nhật chi ân,

Nhi ngộ bách niên chi kế.

Du du tâm tự,

Thư bất tận ngôn.

Vị đắc quân chỉ,

Tiên thử thân phúc.

Thϊếp nghe:

Trời có âm dương, đạo trời mới đủ,

Người có chồng vợ, đạo người mới thành.

Đôi ta vì đâu?

Lỡ làng đến vậy!

Tâm tình buổi trước, đã kết mối dây!

Ly biệt ngày nay, bao khuây nguồn cảm.

Bóng trước lầu đã rụng,

Xuân trong viện đành giam.

Những e, gương ly loan bóng múa hững hờ(8),

Đàn Biệt hạc tiếng vang ai oán(9),

Thành xuân trời tối, liễu lả cành dưới ngọn đông phong(10),

Ngòi ngự nước trôi, ruột đứt khúc bao người cung nữ(11).

Luống những mạch sầu đợt đợt,

Sóng lệ trùng trùng.

Nguyền xưa tan nát nghĩ mà đau,

Kiếp ấy lỡ làng sinh cũng uổng.

Ước Liễu thị mong gì hảo hội(12).

Duyên Ngọc Tiêu đâu chắc tái sinh(13).

Xin chàng trân trọng lấy mình,

Liệu kết nhân duyên chốn khác.

Đừng vì tình một buổi,

Để lỡ kế trăm năm.

Man mác nỗi lòng,

Thư khôn xiết tả.

Chưa biết ý chàng,

Trước xin bày tỏ.

Sinh được thư rất là đau thương, bỏ cả ăn ngủ. Rồi vì cớ hôn sự đã hỏng, bèn thiên ra ở ngoài miền đông. Nhưng nặng tình với Lệ Nương, Sinh chưa nỡ lấy ai cả.

Cuối đời nhà Hồ, tướng Minh là Trương Phụ chia binh vào cướp, lấn chiếm Kinh kỳ. Sinh nghe Hán Thương phải chạy, đoán chắc là Lệ Nương cũng phải đi theo, bèn từ biệt mẹ đi vào Nam, mong được gặp mặt. Lặn lội hàng tuần mới đến cửa bể Thần Phù, nghe tướng giặc Lã Nghị bắt cướp mấy trăm phụ nữ hiện đóng giữ ở phủ Thiên Trường(14) trơ trọi không có quân ứng viện, Sinh đoán chắc Lệ Nương cũng ở trong ấy. Nhưng đất khách tay không, chẳng làm gì được. Chợt gặp khi vua Giản Định nổi quân lên ở châu Trường An(15), nhưng vì ít binh không địch nổi với số nhiều của quân giặc, muốn lui về Nghệ An. Sinh muốn nhờ thế quân của vua, đánh úp mà cướp lại Lệ Nương, bèn đến trước ngựa dâng một bài sách, đại lược rằng:

Thần văn:

Chửng hoán thành công, cố nhân hưng vận

Ngự nhưng đắc sách, thực bản miếu mô.

Cố công nhân tất thẩm ư chí nhân,

Nhi phá địch đương minh ư liệu địch,

Tạc giả Hồ triều thất ngự,

Ngô tử sinh tâm.

Hàn Quán thừa hồ thác chi uy, oa tranh viễn kiểu,

Mộc Thạnh sính chi trương chi ác, phong thích giao kỳ.

Trí linh bách dư niên an lạc chi khu,

Chuyển tác sổ thập hợp phân noa chi địa.

Tích hài cung thoán,

Phấn cốt vi lương.

Duyên hà chi ức vạn sinh linh thùy vô thiết xỉ,

Cứ quận chi tứ phương hào kiệt, hàm hữu chiến tâm.

Tất tu bát loạn hoằng tài,

Phương kiến phù điên vĩ tích.

Kim đại vương phẫn Trần gia chi bất tạo,

Phấn Hạ lữ dĩ đồ hồi.

Trì nhị thiên bất mãn chi binh,

Đương ngũ đạo mạc cường chi khấu.

Lôi oanh điện xiết, tòng thiên chi thế phương trương,

Vụ lãng vân thanh, phục thổ chi công khả tất.

Phương vọng hoàn đô nhi trắc tích,

Như hà ngộ địch dĩ ban sư.

Cố nghi chiêu Đặng Tất ư Diễn Châu,

Lưu Triệu Cơ ư Mô Độ.

Hải đạo tê chu kính trạo, trực để Bình Than,

Bộ quân trường cốc cao phong, kính xu Hàm Tử.

Hoặc mệnh tướng dĩ ách Mộc Hoàn chi khẩu,

Hoặc phân binh dĩ chàng Cổ Lộng chi thành.

Ngạnh tặc nha ư Bạch Hạc loan đầu, vô linh chuyển thực,

Thực thung mộc ư Mạn Trù tân vĩ, dụng át bôn ba.

Lục vật dung phương quỹ chi xa,

Thủy mạc cộng trường gian chi hiểm.

Dạ tắc nhiên sô tương tiếp,

Trú tắc phù cổ tương văn.

Tây Đô chi hình thế ký trương.

Đông thổ chi phiên duy tự cố.

Tương kiến Hàn công tắc Triệu ứng,

Tung hợp tắc hoàng cô.

Ngã chuyển chiến nhi vô tiền, sư hành tịch thượng,

Bỉ phù thương nhi bất hạ, bại tại nhãn trung.

Túng do dự nhi hồ nghi,

Khủng thử tiều nhi cẩu thoán.

Thời nan tái đắc,

Vương thỉnh vật nghi.

Phục vọng!

Thụ Hán chi kỳ,

Phản Đường chi bái.

Ngô quân đình kích, thoảng đồng thời hợp lực dĩ tính công,

Bỉ lỗ thiên vong, tương sất mã chích luân chi bất phản.

Thần nghe:

Dẹp loạn thành công, vẫn nhờ vận tốt,

Chống giặc đắc sách, thực bởi mưu cao.

Nên đánh người, cần biết cách nhử người,

Mà phá giặc phải sáng bề liệu giặc.

Dạo trước triều Hồ đổ sập,

Giặc Ngô tràn lan.

Hàn Quán kia cáo mượn oai thiêng, oa tranh bờ cõi(16)

Mộc Thạnh(17) nọ diều giương mỏ độc, ong đốt kinh kỳ.

Khiến cho đất nước hơn trăm năm yên vui,

Biến thành khu vực mấy trăm dặm rối loạn.

Đập xương làm củi,

Tán xác làm lương.

Men dải sông ức vạn sinh linh, nghiến răng tức tối,

Giữ các quận bốn phương hào kiệt, tuốt kiếm hằm hè,.

Lược thao phải có tài hùng,

Chống đỡ mới lên công lớn.

Đại vương nay,

Buồn vận Trần gặp cơn truân bĩ,

Nổi quân Hạ(18) mưu cuộc trùng hưng.

Cầm đội quân chẳng đủ hai nghìn,

Chống đám giặc có thừa năm đạo.

Sấm ran chớp giật, tự lưng trời thế mạnh vừa buông,

Mù tạnh mây quanh, lấy lại đất công to sắp dựng.

Những tưởng về kinh xây nghiệp cũ,

Vì sao gặp giặc rút quân lui?

Rất nên, vời Đặng Tất ở Diễn Châu (19),

Lưu Triệu Cơ ở Mô Độ. (20)

Đường bể thuyền bền chèo cứng, đến thẳng Bình Than. (21)

Quân bộ xe rộng giáo dài, tới mau Hàm Tử (22)

Hoặc sai tướng chẹn cửa Mộc Hoàn (23) nọ.

Hoặc chia binh đánh thành Cổ Lộng (24) kia,

Đầu sông Bạch Hạc, ghè nanh cho giặc hết đường ăn,

Cuối bến Mạn Trù (25) đóng cọc cho giặc hết lối chạy.

Dưới nước không cho chỗ nào cứ hiểm,

Trên cạn không để xe nào sóng đôi.

Ngày đánh trống để truyền tin,

Đêm đốt lửa để báo hiệu.

Hình thế Tây Đô đã vững,

Phên rào Đông Thổ (26) phải bền.

Sẽ thấy Hàn bị đánh mà Triệu phải hàng,

Tung đã hợp thì hoành phải vỡ (27).

Ta ruổi rong thực gấp, tiến chẳng ngừng chân,

Giặc ứng tiếp không rồi, thua trong chớp mắt.

Nếu mình mà hồ nghi do dự,

Sợ giặc sẽ chó chạy chuột chui.

Dịp tốt không hai,

Xin vương quyết đoán.

Kính mong,

Dựng cờ nước Hán (28),

Về phướn nhà Đường (29).

Chớp nhoáng quân ta, các đội các cơ hợp đánh,

Ngói tan thế giặc, chiếc xe chiếc ngựa không còn.

Bài sách ấy dâng lên, vua Giản Định xem mà khen là người giỏi, cấp cho năm trăm quân, sai đi đánh phủ Thiên Trường. Sinh khảng khái thề cùng quân sĩ, dụ bảo họ về sự hưng phục nghiệp Trần, ai nấy đều hăng hái, hăm hở. Bèn nhân nước thủy triều đương lên tiến đánh. Lã Nghị quả nhiên phải nhổ trại chạy trốn, lùi lên phía bắc đóng ở Xương Giang. Phá luôn một trận nữa, giặc phải lùi lên trạm Bắc Nga thuộc về Lạng Sơn. (30) Sinh lại đóng án ngữ ở cửa Quỷ Môn, (31) lần lượt vận tải binh lương đến.

Chợt ở Yên Kinh (32) có chiếu thư rút quân ban xuống, Trương Phụ đốc xuất các quân sắp sửa kéo về. Sinh vốn vì sự tìm vợ mà đến đây, không phải có chí lập công, nay nghe quân Tầu sắp rút về, bèn cùng các tướng sĩ chia tay từ biệt, lần đến trạm Bắc Nga vào một buổi tối. Bấy giờ nhà trạm vắng tanh không có ai mà hỏi han cả. Chợt gặp một bà già, hỏi thăm thì bà cau mày bảo:

- Đây là chỗ quân đóng vừa rồi, đầy những sát khí, trời lại đã tối, chàng ở đâu đến đây mà giờ chưa tìm vào nhà trọ?

Sinh rầu rĩ kể rõ sự mình, bà già nói:

- Tội nghiệp! Quả có người họ tên và trạc tuổi như lời chàng nói, nhưng chẳng may đã chết oan rồi.

Sinh giật mình hỏi, bà già nói:

- Trước đây năm hôm, quân Tầu sắp rút, người đàn bà họ Nguyễn ấy bảo với hai bà phu nhân họ Chu họ Trịnh rằng: "Bọn chúng ta vóc mềm tựa liễu, mệnh bạc như vôi, nước vỡ nhà tan lưu ly đến đó. Nay nếu lại theo họ sang qua cửa ải tức là đến nước non quê người. Chẳng thà chết rấp ở ngòi lạch, gần gũi quê hương, còn hơn là sang làm những cái cô hồn ở bên đất Bắc". Thế rồi mấy người đều cùng nhau tự tận. Tướng Tầu thương là có tiết tháo, dùng lễ mà táng ở trên núi.

Nói xong, bà già đưa Sinh đến, trỏ từng ngôi mộ cho biết và bảo:

- Trinh thuần cương liệt, ấy chỉ có mấy người này, còn thì đều bị nhuốc nhơ cả.

Sinh đau thương vô hạn. Đêm hôm ấy chàng ngủ ở mộ, khóc mà nói rằng:

- Ta vì nàng mà từ xa đến đây, nàng có thể cùng ta gặp gỡ trong giấc chiêm bao để cho ta một lời yên ủi hay không?

Đêm đến canh ba, Sinh quả thấy Lệ Nương lững thững đi đến, khóc kể rằng:

Thϊếp xuất tự phàm lưu,

Quá mông hậu ngộ.

Duyên vị hài ư cẩm trướng.

Phận dĩ bạc ư xuân băng.

Thời dữ chí nhi câu vi,

Thϊếp từ quân nhi viễn thệ.

Chu lâu hữu hận, kỷ đối tà huy,

Thanh điểu vô môi, thùy tương lai tín?

Trướng dung quang chi giảm cựu,

Độ tuế nguyệt dĩ thâu sinh.

Thùy liệu xích trủy ca tàn,

Hồng nhan họa khởi.

Yên binh Hồ kỵ mạc át xâm lăng;

Cấm liễu cung hoa, kỷ sầu phan chiết.

Hận tàn khu chi đa ngộ,

Ta ách vận chi trùng tao.

Thủy bất năng toàn tiết dĩ tòng phu,

Chung hựu nhẫn cam tâm nhi hàng lỗ.

Ký chích thân ư vạn tử,

Độ nhất nhật như tam thu.

Thiệp thủy du sơn,

Bị gian thường hiểm.

Tương tùy duyên nhi cẩu hợp, tắc lang tử nan thuần,

Dục xuất tái dĩ dao chinh, tắc hồ khâu dị cảm.

Thị dĩ bất tham sinh hoạt,

Bất phạ câu từ.

Lãnh lạc đăng tiền hồn tùy chiến cổ,

Thương hoàng khách lý mệnh ký la cân.

Kim tắc linh tính tuy tồn,

Tàn hài phi cựu.

Quý lương nhân chi viễn phỏng,

Phủ vãng sự sĩ trường ta.

Cảm thuật u hoài

Hạnh thùy tri tất.

Nghĩa là:

Thϊếp vốn con nhà tầm thường,

Chàng qua rủ lòng yêu mến,

Trướng gấm nọ duyên chưa đầm ấm,

Giá xuân (33) kia phận đã mỏng manh.

Thời với chí ngửa nghiêng,

Thϊếp cùng chàng ly cách.

Hờn ôm lầu đỏ, từng trải hôm mai,

Mối dứt chim xanh, khôn thông tin tức.

Ngày tháng lữa lần trộm sống,

Dong quang mòn mỏi riêng buồn.

Nào hay mỏ đỏ ca tàn (34),

Má hồng vạ nổ.

Ngựa Hồ binh Triệu, (35) giày xéo tan tành,

Liễu điện hoa cung, bẻ vin xơ xác.

Ngán nỗi thân tàn nhiều lỡ dở,

Than ôi, vận ách mỗi chồng thêm.

Trước đã không vẹn tiết để theo chồng,

Sau lại nỡ cam tâm mà hàng giặc.

Gửi chiếc thân ở trong muôn chết,

Trải một ngày như thể ba thu.

Lặn suối trèo đèo,

Qua nguy vượt hiểm.

ép duyên toan nhắm mắt, giống sói khôn gần,

Qua ải muốn đưa chân, núi hồ (36) dễ cảm.

Bởi vậy, không ham thú sống,

Chẳng sợ ngục tù.

Lãnh lẽo trước đèn, hồn theo trống trận,

Bàng hoàng quán khách, mình gửi khăn là.

Nay thì linh tính tuy còn,

Tàn hình đã khác.

Cảm lòng chàng từ xa tìm đến,

Buồn nỗi mình biết nói làm sao?

Dám tỏ niềm riêng,

Kính xin soi xét.

Vợ chồng bèn cùng nhau âu yếm chuyện trò, y như lúc sống. Sinh nói:

- Nàng đã không may, vậy anh đem linh thần về, khỏi uổng một chuyến đi không lại trở về rồi.

Nàng nói:

- Thϊếp rất cảm tấm thâm tình ấy. Song thϊếp cùng hai vị mỹ nhân gần gụi lâu ngày, giao tình thân mật, không nỡ một sớm bỏ đi. Phương chi chốn này nước non trong sáng, mây khói vật vờ, thần yên phách yên, bất tất phiền chàng dời đổi nữa.

Sau khi gà gáy ba hồi, hai người vội cùng nhau đứng dậy từ biệt. Ngày hôm sau, Sinh đem mấy lạng bạc, mua quan tài và nước thơm, cải táng cho nàng và cả hai mỹ nhân. Đêm sau mộng thấy ba người đến tạ ơn, chàng đương toan lại cùng trò chuyện thì thoắt chốc cả ba đều biến mất.

Chàng buồn rầu quay về, từ đấy không lấy ai nữa.

Đến sau vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Sinh vì mối hờn oán cũ, đem quân ứng mộ, phàm gặp tướng sĩ nhà Minh đều chém gϊếŧ dữ dội cho hả. Cho nên vua Lê phá diệt quân Minh, Sinh có dự nhiều công.

Lời bình:

Than ôi! điều tín ước gần với lẽ phải thì lời nói tất nên giữ đúng, nếu đối với lẽ phải mà chưa được ổn thì sự giữ đúng không cần. Như chàng họ Lý kia, vì mối ân tình, giữ bền ước cũ, lưu ly hoạn nạn, vẫn chẳng quên lời, tình thật đáng thương, mà lẽ phải thì chưa được ổn. Bởi sao? Cảm tình mà đi tìm thì nên, liều chết mà đi tìm thì không nên, liều chết để đi tìm đã không nên, huống nữa lại thôi không lấy vợ, để đứt dòng giống của tiên nhân phỏng có nên không? Cho nên người quân tử phải biết tòng quyền chứ không nên chấp nhất. Giữ điều nhỏ để mất điều lớn, chẳng là gã Lý Sinh này ư?

Chú thích:

(1) Đông Sơn: huyện, thời thuộc Minh thuộc phủ Thanh Hóa, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

(2) Cẩm Giàng: huyện, đời Trần thuộc châu Thượng Hồng, nay thuộc tỉnh Hải Dương.

(3) Tây Đô: tên thành nhà Hồ, ở huyện Vĩnh Lộc, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

(4) Động Hồ Công: ở huyện Vĩnh Lộc, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

(5) Nguyên văn: "Dân thường chúng ta dựng vợ gả chồng cho con cái hà tất phải kén họ Thôi, họ Lư, họ Lý, họ Trịnh". Thôi, Lư, Lý, Trịnh là bốn họ giàu sang, có thế lực đời Đường Thái Tông, Trung Quốc.

(6) Kiến Tân: niên hiệu của Trần Thiếu Đế, vua cuối cùng nhà Trần từ 1398 đến 1400.

(7) Trần Khát Chân mưu gϊếŧ Hồ Quý không thành, bị gϊếŧ và bắt bớ đến cả thân tộc.

(8) Theo Dị uyển vua nước Kê Tân bắt được một con chim loan nuôi ba năm vẫn không hót. Nghe lời phu nhân vua cho đặt l*иg chim trước một cái gương. Chim loan nhìn bóng, tưởng bạn cất tiếng kêu bi thương mãi cho đến chết. Sau trong văn học dùng điểm này để diễn tả chuyện đôi lứa lỡ làng, xa cách.

(9) Biệt hạc: chàng Mục Tử ở Thương Lăng lấy vợ 5 năm không có con, cha mẹ định lấy vợ khác cho. Người vợ nghe tin đang đêm khóc lóc, Mục Tử cảm động làm ra khúc nhạc Biệt hạc thảo.

(10) Lấy ý từ câu thơ của Hàn Hoành đời Đường: Hàn thực đông phong ngự liễu tà (Tiết Hàn thực gió đông thổi, cây liễu trong vườn ngự lả cành). Xem thêm chú thích (4) Chuyện người Nghĩa phụ ở Khoái Châu...

(11) Cố Huống đời Đường nhặt được một chiếc lá đỏ đề thơ thả trên ngòi ngự của một cung nữ. Huống cũng đề thơ lên một chiếc lá thả xuống ngòi, trong bài thơ có câu: Hoa lạc thâm cung oanh diệc bi, Thượng Dương cung nữ đoạn trường thì (Hoa rụng trong cung sâu thẳm chim oanh cũng buồn, đấy là lúc người cung nữ trong Thượng Dương cung đứt ruột).

(12) Chuyện Liễu Thị với Hàn Hoành: xem chú thích 4, Chuyện người Nghĩa phụ ở Khoái Châu.

(13) Vi Cao đời Đường thuở nhỏ chơi đất Giang Hạ có tình với nàng Khương Ngọc Tiêu. Lúc chia tay có hẹn chóng thì 5 năm, chậm thì 7 năm sẽ đến, lưu tặng một cái nhẫn ngọc và một bài thơ. Sau 7 năm Cao không đến, Ngọc Tiêu nhịn ăn mà chết. Cao nghe tin thương xót, lập đàn tụng kinh siêu độ. Đêm chiêm bao thấy nàng hẹn sẽ thác sinh để làm nàng hầu. Sau Cao làm quan to, gặp ngày mở tiệc sinh nhật, có người đem dâng một người con hát cũng tên là Ngọc Tiêu, ngón tay giữa có một vòng thịt y như hình chiếc nhẫn ngọc mình tặng ngày trước.

(14) Phủ Thiên Trường: xem chú thích 1, Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây.

(15) Trường An: cũng đọc là Trường Yên, đời Trần là lộ, thời thuộc Minh đổi làm châu, gồm phần đất các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư của tỉnh Ninh Bình ngày nay.

(16) Tháng Tư năm Bính tuất (1406) Hàn Quán, Chinh Nam tướng quân Hữu đô đốc đồng tri cùng Hoàng Trung, Tham tướng đô đốc đồng tri, chỉ huy 10 vạn quân Quảng Tây đánh sang Đại Việt..

Cáo mượn Oai thiêng: lấy ý ở câu thành ngữ: "Cáo mượn oai hùm", Oa tranh bờ cõi: từ truyện ngụ ngôn trong Nam hoa kinh của Trang Tử. Có hai nước Man và nước Xúc đều ở trên sừng một con ốc sên nhưng cứ đánh nhau mãi để tranh bờ cõi!

(17) Mộc Thạnh: tướng nhà Minh, đã bị Giản Định đế đánh thua một trận lớn.

(18) Ví việc Giản Định đế dấy binh đánh quân Minh như vua Thiếu Khang nổi binh trung hưng nhà Hạ.

(19) Diễn Châu: gồm phần đất các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu của Nghệ An ngày nay.

(20) Triệu Cơ ở Mô Độ: nguyên chú: Triệu Cơ tức Trần Triệu Cơ, người phủ Thiên Trướng, trấn Sơn Nam. Mô Độ: xem chú thích 1, Chuyện Lý Tướng quân.

(21) Bình than: nguyên chú: "Bình Than còn có tên là Bàn Than, Bài Than, hợp lưu của hai nhánh sông Xương Giang, Thị Kiều, thuộc huyện Chí Linh", nay thuộc tỉnh Hải Dương.

(22) Hàm Tử: nguyên chú: "Hàm Tử nay thuộc huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, xã Hàm Tải", nay thuộc tỉnh Hưng Yên.

(23) Mộc Hoàn: tên xã, thuộc huyện Tiên Phong, phủ Tam Đới, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

(24) Cổ Lộng: nguyên chú "Cổ Lộng ở xã Cổ Động, huyện Thanh Liêm, phủ lỵ Nhân, xứ Sơn Nam, thường gọi là Thành Cách". Nay có lẽ thuộc tỉnh Hà Nam.

(25) Mạn Trù: bến sông Nhị thuộc phủ Khoái Châu, nay thuộc tỉnh Hưng Yên, nguyên chú thuộc huyện Đông Yên.

(26) Đông thổ: chỉ vùng kinh thành Thăng Long, bấy giờ nhà Hồ đổi tên là Đông Đô.

(27) Tung và hoành là kế hoạch của các nước đời Chiến quốc. Tung là kế của Tô Tần, liên kết các nước chư hầu để chống Tần; hoành là kế của Trương Nghi vận động các nước chư hầu thần phục Tần.

(28) Theo Hán sử, Hàn Tín đánh Triệu dùng kỳ binh, nhổ cờ Triệu dựng cờ Hán.

(29) Theo Đường sử, vua Túc Tông nhà Đường thu quân ở Linh Vũ, quay cờ tiến về phía đông để đánh An Lộc Sơn.

(30) Lạng Sơn: đời trần là lộ Lạng Giang, có lẽ ngoài tỉnh Lạng Sơn ngày nay còn có một phần đất Kinh Bắc (tức Bắc Giang hiện nay).

(31) Quỷ Môn: tức ải Chi Lăng, nay thuộc xã Chi Lăng, huyện Đồng Mỏ, tỉnh Lạng Sơn.

(32) Yên Kinh: chỉ triều đình nhà Minh.

(33) Giá xuân: nước đóng thành băng, mùa xuân tiết trời ấm dễ tan, ví số phận mỏng manh.

(34) Mỏ đỏ: chỉ Hồ Quý Ly, xuất phát từ chuyện vua Trần Nghệ Tông nằm mộng thấy Duệ Tông về đọc một bài thơ trong có câu thơ: Trung gian duy hữu xích chủy hầu (trong đó duy có con hầu mõm đỏ). Nghệ Tông chiết tự, chữ xích chủy là Quý Ly.

(35) Ngựa Hồ binh Triệu: nguyên văn Yên binh, Hồ kỵ, nghĩa là lính nước Yên, quân kỵ rợ Hồ, đều là tên tượng trưng chỉ quân Minh.

(36) Hồ là cáo, ở đây lấy ý từ câu ngạn ngữ "Cáo chết ba năm quay đầu về núi"
« Chương TrướcChương Tiếp »