- 🏠 Home
- Cổ Đại
- Cung Đình Hầu Tước
- Trương Công Án
- Chương 58
Trương Công Án
Chương 58
Ngày hôm sau, Lan Giác vừa bãi buổi triều sáng liền bị một công sự gọi lại, bảo y đến Văn Tảo Các một chuyến.
Văn Tảo Các vốn là nơi làm việc của Thừa tướng bản triều nhưng sau khi Vân Đường lên làm Thái phó, vì ngại chuyển đi nơi khác nên vẫn ở lại trong Văn Tảo Các, thế là Tăng Thừa tướng chuyển sang Tử Vi Đài làm việc. Lan Giác theo công sự đến Văn Tảo Các, ngoài Vân Thái phó ra còn có Tăng Thừa tướng nữa. Trong thoáng chốc y đã hiểu tám chín phần là việc gì.
Sau khi hành lễ, Vân Thái phó quan tâm nói: “Lan Thị lang, cuối năm tháng Giêng luôn là thời điểm Lễ bộ bận rộn nhất, chúng ta cũng không muốn thêm chuyện cho ngài nhưng do công việc chồng chất, mọi việc phải báo cáo lên trên sớm. Thánh thượng có dụ, đặc biệt phá lệ cho Lễ bộ, nếu như có việc quan trọng cần phải xử lý, có thể trực tiếp đưa cho chỗ bản các hoặc chỗ Tăng Thừa tướng, rồi trình lên ngự tiền đặc phê. Cung Thượng thư công vụ bộn bề, sợ rằng không có thời gian rảnh nên ta mới cùng Tăng Thừa tướng gọi ngài đến hỏi.”
Quả nhiên là thế.
Xem ra Cung Thượng thư đã quyết định qua năm sau sẽ cáo quan, chỉ là trước khi từ chức vẫn phải theo lệ cũ, cần phải có vài ba chính tích, kỳ thực đều do thuộc hạ làm thay, đây cũng là lệ cũ rồi. Vân Thái phó và Tăng Thừa tướng hôm nay đến đây cũng chính là muốn hỏi chuyện này Lan Giác y đã nghĩ kỹ hay chưa.
Lan Giác lập tức nói: “Quả thực có một việc quan trọng hạ quan đang muốn thay mặt Thượng thư đại nhân trình tấu. Thánh thượng anh minh, tứ hải an lạc, thời thế thịnh vượng. Nhưng có kẻ mê muội, do giàu sinh thói lười biếng, lại có kẻ vô tri, ham muốn của trước mắt, có con không dạy, trẻ tuổi không học, ngại học hành gian khổ, vứt sách thánh hiền, theo con buôn lợi nhỏ, ăn chơi sa đoạ. Vì thế bản bộ đã soạn ra một quyển sách, ghi chép lại những câu chuyện học hành vươn lên của các rường cột triều đình, cũng để khích lệ ý chí học tập của mọi người trong thiên hạ.”
Vân Đường suy nghĩ một lát rồi gật đầu nói: “Rất tốt, chủ đề mới đấy.”
Tăng Nghiêu cũng nói: “Vừa hợp thời vừa có thể truyền lại cho hậu thế sau này.”
Lan Giác khom người nói: “Đa tạ Thái phó và Thừa tướng khen ngợi, nếu như Thượng thư đại nhân nghe được nhất định sẽ rất vui mừng.”
Vân Đường khẽ cười bảo: “Dù sao cũng đã quyết định rồi vậy thì mau mau dâng chiết tự lên đi, ngự án của hoàng thượng sắp bị đè sập rồi, không tiên hạ thủ vi cường là không được đâu.”
Lan Giác đáp: “Danh lục đang được làm, chậm nhất là ngày mai sẽ có tấu chương dâng trình.”
Vân Đường ngậm cười nói: “Lan Thị lang tài trí thật nhanh nhạy, cưỡi ngựa liền thành văn, quả đúng như lời truyền.”
Lan Giác vội nói: “Thái phó khen nhầm rồi, hạ quan không dám. Đây là ý của Thượng thư đại nhân, hạ quan chẳng qua chỉ thay mặt ngài dâng lên, không dám nhận công.”
Tăng Nghiêu cũng cười nói: “Bản tướng thật sự muốn xem quyển sách này sẽ ghi tên ai vào. Lan Thị lang đừng vội khiêm nhường như thế, rồi lại bỏ sót bản thân mình.”
Lan Giác nói: “Tăng Thừa tướng đừng cười chê hạ quan, hạ quan càng thêm sợ hãi. Tư chất hạ quan tầm thường thế này, danh tiếng vẩn đυ.c, không bị vứt bỏ, không chê làm bẩn sự thanh sạch, làm sao xứng liệt vào hàng chấp bút, đã quá may mắn rồi. Danh tự của Tăng Thừa tướng đích xác đã có trong đó, Thái phó tất nhiên là nằm ở phần đầu ngay chương đầu rồi. Nếu như có chỗ nào làm không thoả đáng, đến lúc đó chỉ mong các vị giơ cao đánh khẽ, rộng lòng tha thứ.”
Tăng Nghiêu nói: “Ai cha, làm vậy sao được chứ. Bản tướng sao có thể được đề tên vào? Thẹn thay thẹn thay!”
Vân Đường nói: “Chính bản các mới không thể được. Để tên của bản các vào chẳng phải là thành trò cười rồi sao. Tiên Liễu Thái phó mấy người đó dưới cửu tuyền còn không đánh nhau à? Không được, không được.”
Lan Giác đáp: “Nếu không đề tên Thái phó và Tăng Thừa tướng vào, vậy thì trong triều ai còn có thể chứ? Đây mới là điều ngàn vạn lần không thể được. Khẩn cầu hai vị nhất định phải đồng ý.”
Đôi bên cứ thế nhường qua đẩy lại một hồi lâu thật là lâu sau Lan Giác mới có thể cáo lui ra khỏi Văn Tảo Các. Gió sớm lùa vào cổ áo, y khẽ cảm thấy rét buốt, rồi sực nhớ ra vẫn chưa dùng bữa sáng, bụng rỗng khí hư, không thể chịu được lạnh. Lan Giác ngẩng đầu nhìn lên trời, trong lòng thầm than thở, tối nay để làm kịp chiết tự kia xem ra không thể ngủ rồi. Làm chuyện vô ích thế này, tuy là lệ cũ nhưng theo quy tắc của các triều, khi làm việc này phần lớn đều là chuẩn bị cho việc nhậm chức. Làm việc vô ích thế này cũng xem như thể hiện một chút thành ý khi tiếp nhận chức vụ. Nhưng y đã hết hy vọng được thăng chức rồi, khổ công làm mấy chuyện vô ích này không tránh khỏi có chút cô tịch, rã rời.
Thôi, người trong triều, ai mà chẳng có khi phải làm mấy chuyện thế này chứ. Ai cũng sống chẳng dễ dàng gì. Tỉ vụ như Tăng Nghiêu, cứ tự xưng “bản tướng” mãi. Do Vân Thái phó làm việc ở Văn Tảo Các, vẫn nghiêm nhường tự gọi “bản các”, đây vốn là danh xưng của Thừa tướng bản triều, Vân Đường đã dùng rồi nên Tăng Nghiêu cũng dùng thì thật không ổn. Ông ở Tử Vi Đài nên có xưng là bản các thì nghe cũng thật hữu danh vô thực. Nên ban đầu Tăng Nghiêu xưng là “bản đài”. Một ngày nọ ông cũng cứ thế mà xưng, trùng hợp sao lúc đó Hoài Vương đi ngang qua, liền lập tức gọi lại nói: “Tăng Tướng này, cô [1] mấy ngày không vào cung thôi mà sao ngài đã bị giáng chức xuống Ngự Sử Đài rồi? Chỗ đó không phải luôn do Bốc Nhất Phạm quản lý à, thế ông ta đi đâu rồi? Xảy ra chuyện động trời thế này sao cô lại không biết gì hết. Ngài trước giờ luôn là một Thừa tướng tốt, sao không nói không rằng gì mà bị giáng chức chứ, cô nói với hoàng thượng giúp ngài.” Tăng Nghiêu bị doạ đến mức cứ liên tục thỉnh tội, rồi khéo léo nói rõ nguyên nhân, Hoài vương lại bảo: “Hoá ra là thế. Đúng rồi, ở đài mà xưng các quả thật không hợp lẽ lắm. Nhưng Tăng Tướng mà xưng khiêm nhường thế này sẽ khiến cho mấy người chưa hiểu ất giáp gì như cô dễ hiểu lầm lắm đấy, thế cũng không được. Thế này đi, cô sẽ đi tâu với hoàng thượng, đổi Tử Vi đài thành Tử Vi các, ngài thấy thế nào?” Tăng Nghiêu lại hốt hoảng thỉnh tội lần nữa, từ đó sửa lại xưng là bản tướng mới xong chuyện này.
Nghĩ như vậy, tâm trạng của Lan Giác mới thoải mái nhẹ nhõm đi nhiều. Làm đến Thừa tướng thì sao chứ? Một Thị lang bé nhỏ như y lại hà tất gì phải oán trách nhiều như vậy? Ừ, chỉ là vẫn chưa biết, người tiếp nhận vị trí của Cung đại nhân, rốt cuộc là nhân tài nào đây.
Thôi, lúc nào chẳng có hai ba may mắn nhất thời chứ. Lúc đó ai lại biết sẽ có chuyện gì xảy ra, đều phải lần mò từng bước mà tiến về trước thôi.
Lan Giác ra khỏi cổng Hoàng thành, lên kiệu, tuỳ tùng hỏi: “Đại nhân sẽ về phủ dùng bữa sáng ạ?”
Lan Giác đáp: “Không về nữa, đến Tư bộ, bữa sáng, bữa trưa hôm nay đều ăn ở Tư bộ hết.”
Trần Trù dắt tay Ly Quán bước lên xe ngựa đến Kinh Thành.
Xe ngựa đã cũ, cả đường đi cứ xóc nảy. Nam nữ ngồi riêng, phân cách bởi tấm mành. Mành xe đã bị hư hại quá nửa, xe vừa chòng chành Trần Trù liền có thể thoáng thấy phần nào gương mặt điềm tĩnh của Ly Quán qua khe hở, trong lòng ngập tràn ấm áp và ngọt ngào.
Ngày hôm đó trong quán trọ, Ly Quán đã nói với gã: “Công tử nếu đã muốn thi cử thì phải cố hết sức để học hành, không được phân tâm. Mấy ngày này, công tử chẳng cầm đến quyển sách gì cả, thế làm sao được?”
Trần Trù thẹn mướt mồ hôi, Ly Quán lại nói: “An cư thì mới lập được nghiệp, công tử đã nghĩ kỹ muốn an cư nơi nào chưa?”
Trần Trù do dự không quyết được, trở về Nghi Bình cũng không ổn, mà trở về quê thì lại thấy dằn vặt, hơn nữa công danh chưa thành, nên luôn có cảm giác không còn mặt mũi nào để về quê. Hay ở lại Đan Hoa đi, nhưng con người cuộc sống không quen thuộc, vật giá lại không rẻ…
Ly Quán nói: “Muội đã ở cùng một chỗ với công tử thì kiếp này luôn đi cùng. Chỗ nào cũng là nơi an cư, tất sẽ có cách thôi.”
Lời này đã gợi nhắc cho Trần Trù, kỳ thực ngoài quê nhà ra, thì nơi mà gã có người quen nhiều nhất chính là Kinh Thành. Nếu gã thuê một nông trại ở ngoại thành, rồi đi tìm mấy giao tình cũ như Kim ban chủ cùng làm ăn, làm tiếp mấy công việc ngày trước thể nào cũng có đủ cơm ăn.
Gã đem chuyện này nói với Ly Quán, Ly Quán chỉ nói: “Công tử ở đâu, muội theo đến đó.”
Ly Quán, Ly Quán, rốt cuộc Trần Trù ta kiếp trước đã tích bao nhiêu đức mới có thể gặp được nàng ở kiếp này vậy?
Đan Hoa cách Kinh Thành rất gần, chưa đến hai ngày đã tới Kinh Thành rồi. Mà Trần Trù lại vô cùng may mắn, thuê được một tiểu viện trong thôn trang ở ngoại thành. Ra vào có hai phòng, mái được ốp ngói, tường làm bằng bùn chắc nịch, phía sau phòng có nhà vệ sinh, còn dùng hàng rào tre vây tiểu viện lại. Ngoài phòng có một cái lò, cạnh bên là cánh rừng, vậy là có thể nhặt củi để đốt lò cả đời. Trong phòng thì ấm cúng vô cùng.
Trong phòng lại có một máy quay tơ, ban đêm Trần Trù chong đèn đọc sách, Ly Quán ngồi quay sợi kế bên. Trần Trù chợt nhận ra, hoá ra cái gọi là hạnh phúc nhân sinh cũng chỉ là thế này đây.
Ổn định đâu đó xong, Trần Trù lập tức viết một bức thư cho Trương Bình, thông báo đã yên ổn, nhưng nghĩ một hồi lại bỏ qua chuyện của Ly Quán.
Lúc thư đến Nghi Bình, Trương Bình vừa mới nhận được một dụ lệnh, là do Cao Tri phủ đặc biệt sai người chuyển đến, hỏi thăm tiến độ của huyện chí, còn nói có vài phần ông muốn đích thân xem qua, đại khái có liên quan đến Cô Gia Trang, bắt buộc phải tỉ mỉ, chắc chắn và đúng chừng mực.
Người chuyển tin nói, Tri phủ đại nhân bảo, nếu như Trương Huyện thừa có rảnh thì tốt nhất là đích thân mang huyện chí đến Châu phủ.
Nói như vậy cũng đồng nghĩa Trương Bình nhất định phải “rảnh rỗi” rồi. Thiệu Tri huyện ngập tràn từ ái nói với hắn, trong nha môn không còn chuyện gì nữa, hắn có thể về phòng để sắp xếp hành lý.
Trương Bình trở về tiểu trạch, người hầu lập tức đến bẩm báo, hành lý đã sắp xếp xong, mời Trương Bình đến xem qua.
Trương Bình cũng không kiểm qua, chỉ cầm lấy lá thư của Trần Trù, đứng dưới hành lang đọc một lúc rồi lại ngẩng đầu nhìn mây giăng đầy trời. Thất thần một hồi hắn mới thôi nhìn nữa, quay người bảo: “Đi thôi.”
Quyển lệ chí khuyến học được xem như là công tích trước lúc về hưu của Cung Thượng thư được Lan Giác trình tấu chương lên, sau hai ba ngày đã được phê chuẩn. Lễ bộ tổ chức một bữa tiệc, mời các vị quan đương thời cũng như hậu nhân của những người đã khuất có trong danh sách đến. Vân Thái phó một mực từ chối, không có trong danh sách. Những người trong danh sách, đều nằm trong nhánh thanh sạch hữu danh, mấy vị Ngự sử cùng tham gia cũng ở trong số đó. Mấy người này tuy đa phần đều là kẻ khinh miệt Lan Giác, nhưng phần vì thánh ý khó tránh, phần vì nể mặt Cung Thượng thư nên đều đến cả.
Cung Thượng thư bệnh phải nằm giường, không thể tham gia yến tiệc. Bữa tiệc này do Lan Giác chủ trì ứng đối. Một mặt cười cười cùng mọi người nói chuyện kính rượu, mặt khác trong lòng lại đang nghĩ, không biết có bao nhiêu người trong lúc này đang thầm cười nhạo y giống như một tên hề xấu xí, trên nhảy dưới múa, cứ nghĩ bản thân sẽ tiếp nối vị trí của Cung Thượng thư. Nên càng lưu ý thái độ khiêm tốn, ngôn ngữ cũng cẩn thận hơn.
Những người này đều xuất thân hàn vi, sau khi khổ công học hành, thi cử mới vào triều, tình cảnh cũng tương tự Lan Giác nên đầu đề dễ gợi. Lan Giác vốn giỏi đối đáp, lời lẽ tao nhã, ngộ nhỡ nghe phải hai ba câu châm biếm thì hoặc cười xoà bỏ qua hoặc chuyển thành lời đùa cợt, vô cùng thoải mái, đến ngay cả những người khinh thường y cũng cảm thấy, tên này quả thực không chỗ nào bắt bẻ được, leo được đến vị trí này không phải là không có lý.
Liễu Đồng Ỷ cũng tham dự tiệc. Mặc dù y ta là tân khoa trạng nguyên, nhưng một vì là hậu duệ của danh môn, hai vốn chức quan còn thấp, nên không có tên trong danh sách. Đến dự tiệc là để thuật lại sự tích của tổ tiên Liễu thị. Y ngồi ghế dưới, thường thay dượng y làm nóng không khí. Mọi người càng cảm thấy nếu chỉ nhìn mặt y thôi thì thật không nể mặt Lan Giác quá rồi. Bữa tiệc ngập tràn không khí vui vẻ hoà thuận.
Lại hết một tuần rượu, Lan Giác nâng ly cười nói: “Nhắc đến năm đó, Lan mỗ đột nhiên nhớ lại một chuyện, chư vị đại nhân chớ đừng cười chê. Lúc đó chỉ sợ thi không đậu, kiếp này coi như xong rồi, cơm cũng không có mà ăn, tiền để dành đều đến miếu thắp nhang cả. Không phải tôi nói khoác, nhưng các miếu to miếu nhỏ trong Kinh và xung quanh đây chưa có nơi nào mà tôi chưa từng đến dập đầu qua. Ngày nọ tôi quên mất vì sao mình đi qua một ngọn núi lồi lõm nằm ở phía Bắc của Kinh Thành, kề gần trấn Thanh Long. Đột nhiên tôi lại nhìn thấy một ngôi miếu, chỉ có vài phụ nữ trẻ con, cũng không sinh tị hiềm liền vội chạy vào thắp ba nén nhang, rồi đi xin quẻ. Đạo nhân xem bói có dáng vẻ rất cao thâm, nhặt giùm tôi một quẻ, quẻ rất lạ, tôi xem cũng không hiểu bèn xin giải giùm. Đạo nhân chỉ nói với tôi hai chữ…”
Người bên cạnh nói: “Không lẽ là ‘đậu cao’?”
Lan Giác lắc đầu: “Không, là ‘con trai’, đó là miếu cầu tử.”
Mọi người không nhịn được liền bật cười.
Liễu Đồng Ỷ nói: “Sau đó dượng đã có Huy biểu đệ rồi đấy thôi, có thể thấy quả thật rất linh nghiệm.”
Lan Giác xua tay: “Chỉ là trùng hợp thôi, chẳng lẽ lại đi tin cái đó à?”
Liễu Đồng Ỷ lại nói: “Trong di cảo của tổ tiên cũng có nhắc đến chuyện ít người biết gần giống thế này. Khi đó tổ tiên khảo thí, có một thí sinh trong tên họ có một chữ ‘Thạch’, nói là lúc ra đời có một cao nhân đi ngang qua, chỉ điểm cho cha mẹ mà rằng, đứa trẻ này cả đời tất có liên hệ đến chữ này. Sau đó y đến Kinh Thành dự thi, trùng hợp sao nơi ở cũng có một chữ ‘thạch’, trước lúc thi đốt hương, ngôi chùa y đến tên cũng có chữ ‘thạch’, lúc bốc thi cũng bốc trúng số mười hàng mười[2]…”
Tôn Hàn lâm ngồi xéo ở đối diện nói: “Câu chuyện này có phải đang nói đến sự tích của Độ Cung Độ đại nhân không. Độ đại nhân cũng là đồng niên với Tiên Liễu Thái phó, nhũ danh là ‘Thạch Đầu’, lúc vào kinh ứng thí ở ngõ Thạch Ngõ, thường đi thanh tịnh ở Thạch Lâm thiền viện. Năm đó khi yết bảng, đỗ tiến sĩ hạng mười. Kế nhiệm Tiêu Châu thái thú, đáng tiếc là lúc Man tặc đánh úp vào thành ông ấy đã hy sinh rồi.”
Công bộ Bạch Thị lang ngồi kế bên nói: “Đúng vậy, tôi cũng có nghe qua sự tích của vị đại nhân này. Lúc Thái phó còn tại thế, mỗi lần cảm thán đều là mất đi Độ đại nhân, triều đình ít đi một cột trụ. Nghe nói lúc hy sinh vừa đúng bốn mươi bốn tuổi.”
Tôn Hàn lâm gật đầu: “Không sai, hơn nữa nơi Độ đại nhân hy sinh, tiếng Man gọi là Khoa Tây Bạt Lý Đống, có nghĩa là Thành Thạch Đầu.”
Lan Giác nói: “Sự tích anh dũng của Độ đại nhân Lan mỗ cũng biết đại khái, cần phải ghi lại. Nghe nói thi thể của Độ đại nhân vẫn chưa tìm thấy?”
Tôn Hàn lâm thở dài nói: “Đúng vậy, thiết nghĩ năm xưa đã bị ai đó lén chôn cất rồi, về sau không tra ra được gì cả. Hiện giờ cũng chỉ có quần áo và di vật, hây…
Mọi người đều thổn thức theo.
Lan Giác chậm rãi nói: “Lan mỗ còn nghe nói, lại có người lấy sự tích của Độ đại nhân viết lại thành câu truyện kỳ tình soán ngôi vua, viết rằng Độ đại nhân cùng với hồ ly tinh…”
Tôn Hàn lâm tức giận đập bàn: “Làm sao lại có chuyện đó!”
Cũng có kẻ đập bàn theo: “Kẻ nào làm? Cuốn sách đó tên gì? Bắt được là cấm ngay!”, “Lan đại nhân, chuyện này Lễ bộ có thể quản được, tuyệt đối không cho phép cái thể loại này lan truyền khắp thành!”
Lan Giác nói: “Ôi, Lan mỗ có muốn quản cũng khó. Quyển sách này tên là ‘Hoang thôn dã điếm kỳ diễm đại quan’, các vị đại nhân có nghĩ sẽ dễ dàng tra ra tác giả người in ấn không? Hơn nữa người viết những tiểu thuyết, thoại bản, kịch nam kia đa phần đều sẽ không đề tên thật, hoặc đã qua đời, nhân vật trong truyện tránh tên huý thật sự, chỉ lấy họ đồng âm, tên cùng nghĩa. Cho dù có sa lưới nhưng liều chết không nhận, hoặc đổ vạ lại cho nha môn thì sao. Nói tóm lại vẫn rất khó…”
Mấy người Tôn Hàn lâm vẫn còn tức tối, người ngồi phía chếch đột nhiên thốt ra một câu: “Lan đại nhân hiểu biết thật rộng.”
Lan Giác liếc mắt về phía đó, kẻ vừa nói chính là Lưu Tri Hội. Lan Giác bèn cười một cái: “Lưu đại nhân quá khen. Nói ra thì, khóa thi năm đó của Lưu đại nhân và Lan mỗ đây chẳng xảy ra bất cứ câu chuyện hay nhân vật khác thường nào cả nhỉ. Chỉ có duy nhất một nhân tài xuất sắc là Lưu đại nhân đây.”
———
[1] Tiếng tự xưng của vương hầu thời xưa
[2] Thạch (đá) có âm đọc giống thập (mười) đều là shí.
- 🏠 Home
- Cổ Đại
- Cung Đình Hầu Tước
- Trương Công Án
- Chương 58