Quyển 3 - Chương 71: Tô Lam

Hôm sau trời còn chưa sáng Tô Sầm đã bị đánh thức, bàn tay lạnh toát Khúc Linh Nhi kéo ổ chăn ấm áp của cậu. Tô Sầm nhíu mày ậm ừ mấy câu, khó chịu nói: “Làm gì vậy?”

Khúc Linh Nhi cũng hết cách, y chọc lên mặt Tô Sầm: “Tô ca ca, có người đến tìm huynh kìa.”

“Mới sáng sớm ai lại tìm tôi?” Tô Sầm bực dọc quấn chặt chăn: “Bảo Kỳ Lâm đuổi đi.”

Khúc Linh Nhi nhướng mày: “Huynh chắc chứ?”

Không đợi Tô Sầm trả lời, một tiếng thét vọng vào từ ngoài cửa: “Tô. Tử. Húc. Em lăn ra đây cho anh!”

“!”

Tô Sầm giật bắn người ngồi dậy, sau đó khóc không ra nước mắt nhìn Khúc Linh Nhi: “Nhà này có cửa sau không?”



Nhà họ Tô.

Người ngồi trên chủ vị nhấc nắp chén gạt bọt trà, thong thả nhấp một ngụm, sau đó lạnh lùng nhìn người đang quỳ dưới đất, đặt chén trà xuống, nói: “Nói nghe.”

Người đang quỳ ngẩng đầu, tròng mắt đảo quanh: “Đại ca, anh nghe em giải thích, em có nỗi khổ mà…”

“Thôi, cứ quỳ đấy đi.” Người đang ngồi khoát tay, từ nhỏ đến giờ hắn đã nghe kiểu câu này đến tai đóng kén rồi, thằng nhóc này cứ mở đầu như vậy là kiểu gì cũng ba hoa được cả mớ chuyện, có mở đầu cao trào kết thúc, đặc sắc hơn cả thoại bản, mỗi tội không đáng tin.

Tô Sầm đành đổi sang kế khác, cậu chớp mắt với người kia, ra vẻ đáng thương: “Đại ca, em đau đầu gối. Anh không biết đâu, em ở kinh thành chức tước thấp hèn gặp ai cũng phải quỳ, gạch đá xanh ở thành Trường An thì lạnh sâu ba thước, thương cho em tuổi còn trẻ đã bắt đầu đau lưng mỏi gối, quỳ lâu sẽ đau như bị kim châm.”

“Đau cho nhớ.” Tô Lam vỗ bàn: “Thấy mình bản lĩnh lắm rồi đúng không? Không ngoan ngoãn ở kinh thành đi lại chạy đến Dương Châu làm gì? Đến cũng đến rồi lại thà ở trọ cũng không ở nhà, hay là Tô đại nhân thấy giờ mình làm quan trong triều rồi, nhà họ Tô nho nhỏ này không chứa được em nữa?”

“Đại ca, anh nói gì vậy?” Tô Sầm nhíu mày quở trách: “Tô Sầm em đi không thay tên, ngồi không đổi họ, sống là người Tô gia, chết làm ma Tô gia.”

“Thế à?” Tô Lam liếc cậu: “Vậy sao anh nghe hôm qua Lý công tử thể hiện bản lĩnh trên thuyền hoa, còn được hoa khôi coi trọng mời vào khuê phòng làm khách?”

Tô Sầm: “…”

Sao chuyện gì người này cũng biết vậy?

Nếu khổ nhục kế không có tác dụng, Tô Sầm đành đổi cách khác: “Em thay tên đổi họ vì không muốn làm nhà họ Tô chúng ta mất mặt.”

Tô Lam bưng chén trà nhìn lên.

Tô Sầm bất chấp ngồi phịch xuống cẳng chân: “Em bị bãi quan rồi.”

Tô Lam phun ngụm trà ra xa ba trượng.

Tô Sầm lau nước trà trên mặt, bình tĩnh nói: “Tính em anh cũng biết rồi, sao có thể không đắc tội ai ở nơi đầm rồng hang hổ như kinh thành chứ, sơ sẩy một câu đã bị đuổi về rồi. Em không ở kinh thành được nữa cũng không dám về Tô Châu, chỉ có thể về đây nương tựa đại ca. Nhưng em sợ anh tức giận nên mới không dám về nhà. Anh nghĩ em sung sướиɠ lắm sao? Em học tập cả đời lại không bằng một câu nói của kẻ quyền thế, trên đường xuôi nam, em nhìn nước sông dào dạt mà nhớ lại những năm nỗ lực dùng giỏ tre múc nước của mình, nếu không nhớ đến anh và cha mẹ, em chỉ hận không thể trôi mình theo dòng nước.”

“Em… em… em…” Tô Lam run rẩy chỉ vào Tô Sầm, cuối cùng chỉ thở dài.

Tô Sầm ngước đôi mắt đầy tủi thân chớp mắt với Tô Lam: “Đại ca, em đói rồi.”



Tô Lam tỏ vẻ nghiêm khắc là thế, nhưng nghe vậy vẫn dặn bếp chuẩn bị một bữa đón Tô Sầm về.

Phòng ở Thiên Hạ Lâu đã trả, Kỳ Lâm và Khúc Linh Nhi cũng theo về Tô trạch. Tuy học vấn của Tô Lam không bằng Tô Sầm, nhưng buôn bán nhiều năm hắn vẫn nhìn người rất chuẩn. Thấy hai người kia không tầm thường, hắn cũng không đối xử với Kỳ Lâm và Khúc Linh Nhi như người làm mà mời vào bàn ăn cùng.

Hai người không từ chối được đành phải nghe theo.

Tô Lam ngồi trên bàn ăn vẫn cau có ra mặt, chị dâu Nhạc Vãn Tình lườm hắn, sau đó quay sang gắp thức ăn cho Tô Sầm luôn tay, chẳng mấy chốc đã chất thành núi trước mặt Tô Sầm.

Đầu bếp nhà Tô Lam là người được dẫn theo từ Tô Châu sang, từ khi Tô Sầm có ký ức đã hầu việc ăn uống của nhà họ Tô rồi. Sau nửa năm được nếm lại hương vị quê nhà, Tô Sầm ăn phồng mang trợn má, hoàn toàn không còn vẻ đáng thương như lúc ở thư phòng của Tô Lam.

Tô Lam chỉ nghĩ em trai mình ăn gió nằm sương về nhà, không khỏi thấy đau lòng, hắn thôi cau có, hỏi: “A Phúc đâu? Sao không về với em?”

Tô Sầm ngẩng đầu khỏi miếng sườn xào chua ngọt: “Ở lại kinh thành rồi, căn nhà ở thành Trường An vẫn cần trông coi.”

“Hay là bán luôn đi.” Tô Lam sợ nhắc đến kinh thành lại chạm vào nỗi đau của Tô Sầm, bèn an ủi: “Không muốn về Tô Châu thì qua Dương Châu ở với anh, không làm chức quan nhỏ như hạt vừng kia lại không có cơm ăn chắc.”

“Phải đấy.” Nhạc Vãn Tình cười bảo: “Đúng lúc nhà ta đang thiếu một tiên sinh làm thu chi, để người khác làm Tử An lại không yên tâm, em về giúp anh em thì tốt quá.”

Gia nghiệp nhà họ Tô lớn như vậy sao lại thiếu tiên sinh làm sổ sách được, Tô Sầm biết họ lo cậu đường công danh không thành ấm ức trong lòng nên mới kiếm việc cho cậu làm.

Tô Sầm nói: “Cũng không phải không về được nữa, vẫn có khả năng phục chức mà.”

Tô Lam nhíu mày: “Em đắc tội Nhϊếp Chính Vương đương triều đấy, ai mà cứu được em?”

Mí mắt Tô Sầm giần giật, quả nhiên sau đó cậu nghe thấy Tô Lam thở dài nói: “Hắn cũng chẳng còn bé nhỏ gì nữa, sao lại chấp nhặt với đám hậu sinh các em chứ, đường đường một Vương gia mà vậy thì nhỏ nhen quá…”

Tô Sầm trơ mắt nhìn Kỳ Lâm ngồi đối diện lạnh lùng nhìn qua, để tránh có đổ máu, cậu vội vàng cắt ngang Tô Lam: “Đại ca… à thì… Vương gia tốt lắm, tại em đắc tội người ta trước, không thể trách Vương gia tức giận được.”

“Rốt cuộc em nói gì người ta?”

Tô Sầm: “Thì cũng chỉ bảo hắn nhỏ nhen, hay chấp nhặt với hậu sinh gì đó…”

Tô Lam: “…”



Ăn xong bữa cơm, bầu không khí giữa mọi người cũng thoải mái hơn nhiều. Cuối cùng Tô Sầm nói cậu không muốn người khác biết cậu đã về, Tô Lam chỉ nghĩ cậu trọng thể diện, không muốn bị người khác chỉ trỏ bèn đồng ý.

Chuyện thương buôn muối liên lụy nhiều người, từ khi đại ca liên hôn với Nhạc gia đã qua đây tiếp nhận chi nhánh bên này, nhà họ Tô cũng thành nhân vật có tên tuổi ở Dương Châu. Trước khi điều tra rõ ràng, cậu không thể khiến Tô gia thành cái đích cho kẻ khác nhắm vào.

Cơm nước xong xuôi, Tô Sầm vào phòng Tô Lam chuẩn bị cho cậu, đây là phòng chính tốt nhất trong nhà, bắt nắng rất tốt, chăn đệm đều là tơ lụa hảo hạng, Dương Châu không lạnh như phương Bắc nhưng Tô Lam vẫn chuẩn bị sẵn lò sưởi cho cậu, vừa bước vào phòng đã ấm áp như xuân.

Xem ra về nhà làm sổ sách cũng được đấy chứ.

Khi Tô Lam qua thì Tô Sầm đang ngắm nghía một bức tranh chữ trên tường, chữ viết theo lối chữ Hán lệ, vô cùng bài bản. Nội dung cũng khuôn phép vô cùng, vế trên là “Tuế hàn tri Tùng Bách”, vế dưới là “Hoạn nạn kiến chân tình”.

Tô Lam hắng giọng, bảo: “Đây là do một người bạn của anh viết, ngoài sảnh không có chỗ treo nên treo vào trong này.”

“Bạn sao?” Tô Sầm nhìn tên: “Lan Phủ? Sao em chưa nghe anh nhắc đến người này bao giờ?”

“Sau khi đến Dương Châu mới quen, tuy huynh ấy không đề tên bảng vàng như em nhưng học vấn cũng không tệ.” Tô Lam đưa Tô Sầm một xấp y phục: “Vãn Tình thấy em ăn mặc đơn giản bèn bảo tiệm may đưa vài bộ qua đây… nếu em không thích thì thôi.”

Vải là chất vải thượng hạng, nhưng màu sắc thì thật sự là… khó nói nên lời.

“Không sao.” Tô Sầm mỉm cười nhận lấy, hỏi tiếp: “Anh kết giao với Lan Phủ huynh này khi nào vậy?”

“Kể ra thì là huynh ấy cứu anh.” Tô Lam ngồi xuống, chậm rãi nói: “Ba năm trước đại hạn, đường thủy không đi được, anh chuyển lá trà từ Tô Châu đến Dương Châu bằng đường bộ, không ngờ lại vào nhầm địa bàn của sơn phỉ, bị cướp hàng còn suýt mất cả mạng. Khi ấy có duyên gặp được Lan Phủ huynh trên đường thi Hương về, nếu không có huynh ấy không tiếc mạng dẫn sơn phỉ đi giúp thì suýt nữa anh đã xuống suối vàng rồi.”

Tô Sầm nhíu mày: “Sao chưa nghe anh nhắc đến chuyện này bao giờ?”

Tô Lam trợn mắt: “Không phải lúc ấy em đang bận du ngoạn núi non sao, hơi đâu mà quan tâm đến anh?”

Tô Sầm hậm hực chuyển chủ đề, nói tiếp: “Vị Lan Phủ huynh anh kể đây là con rể Hà Kiêu của nhà họ Uông phải không? Em cũng không giấu anh, mấy ngày nay ở Dương Châu em cũng nghe chuyện về anh và Hà Kiêu rồi, Hà Kiêu có được ngày hôm nay là nhờ anh giúp đỡ, nhưng đại ca, anh có từng nghĩ lúc đầu Hà Kiêu xuất hiện như vậy trùng hợp quá không?”

Tô Lam lắc đầu: “Anh biết em muốn nói gì, cũng không ít người từng nói vậy rồi. Nhưng Lan Phủ huynh không phải người như vậy, các em đều hiểu lầm huynh ấy. Tình hình hôm ấy anh là rõ nhất, đám sơn phỉ kia hung ác thế nào, gặp ai cũng gϊếŧ. Lúc đó anh sợ mặc gấm phù quang dễ gây chú ý còn cố tình mặc áo vải thô, Lan Phủ huynh không biết bói quẻ cũng không có hỏa nhãn kim tinh, huynh ấy cứu anh không phải vì thân phận của anh đâu.”

“Người ta bảo Lan Phủ huynh có được thành tựu hôm nay nhờ danh tiếng của nhà họ Tô, nhưng thật lòng anh chưa giúp gì huynh ấy cả. Ngày trước cũng vì thấy huynh ấy với tiểu thư nhà họ Uông tâm đầu ý hợp mới đứng ra tác hợp cho, những năm qua huynh ấy dốc lòng làm ăn mới có được thành quả hôm nay, đổi lại người khác e là không làm được.”

Tô Sầm nén giận: “Hắn nâng giá muốn từ tám mươi văn lên đến hai trăm năm mươi văn, khiến dân chúng Dương Châu không có muối ăn, muối lậu tràn lan, vậy mà là thành tựu gì?”

Tô Lam nhíu mày, lắc đầu bảo: “Không phải huynh ấy ác ý tăng giá muối, là muối lậu tràn lan trước.”

Tô Sầm sửng sốt: “Sao cơ?”

Tô Lam nói: “Người cấu kết với quan phủ trước là đám buôn muối lậu. Muối quan không có đường tiêu thụ, Lan Phủ huynh chỉ có thể bỏ ra nhiều tiền hơn nhờ quan phủ dẹp bớt muối lậu. Huynh ấy là thương nhân, tiền đó cũng chỉ có thể lấy ra từ lãi bán muối. Nếu phải nói thì kẻ đầu sỏ là đám quan lại ngồi trong nha môn kia mới đúng, chúng chỉ việc ngồi đó ngửa tay đòi tiền, hoàn toàn không quan tâm sống chết của dân. Ai cũng bảo “Lợi muối đầu Hoài Tây”, nửa số lời đó đều vào túi quan hết.”

Tô Sầm nhíu mày, điều này trái ngược hẳn với những gì Phong Nhất Minh nói. Phong Nhất Minh nói đầu sỏ vụ muối Dương Châu là Hà Kiêu, đại ca lại nói Hà Kiêu bị quan phủ ép buộc, rốt cuộc đâu đúng đâu sai, ai phải ai trái?

Tô Lam dặn dò thêm vài chuyện mới đứng dậy ra ngoài, Tô Sầm tiễn hắn ra cửa. Trước khi đi, Tô Lam bỗng hỏi: “Em bị bãi quan về thật sao?”

Tô Sầm ngẩn người: “Sao đại ca hỏi vậy?” Tô Lam chăm chú nhìn cậu, sau đó lắc đầu quay đi: “Không có gì, nếu đã về rồi thì nghỉ ngơi nhiều vào.”