Chương 3: Đoạt lại hồi môn của mẫu thân (1)

Mẫu thân của Hứa Trường An xuất thân từ Dương gia ở Phong Châu, một gia tộc thư hương lâu đời và rất có danh vọng tại địa phương. Ngày xưa, bà tình cờ quen biết Hứa Vĩnh Niên, sau đó kiên quyết kết duyên với ông ta, bất chấp sự phản đối từ gia đình. Bà kiên trì nên người trong nhà cũng không thể làm gì khác. Tuy nhiên, bởi vì Dương gia không hài lòng với mối hôn sự này nên tiệc cưới không được tổ chức linh đình, thậm chí còn không cho nữ nhi về nhà sau khi thành hôn, từ đó chính thức cắt đứt liên lạc.

Có lẽ vì người trong gia tộc thể hiện quan điểm quá rõ nên ngoại tổ mẫu của Hứa Trường An đã chuẩn bị một phần hồi môn rất phong phú cho nữ nhi. Dù sau này, gia cảnh bình thường hay quyền quý, số hồi môn này cũng đủ để đảm bảo cho mẫu thân của Hứa Trường An ấm no và phú quý cả đời.

Khi Hứa Trường An xem lại danh sách hồi môn của mẫu thân vào năm đó, y biết có những thứ đã không thể lấy lại được. Nhưng những gì còn lại, y nhất quyết không chừa cho Hứa gia dù chỉ một món.

“Ma ma, ta có việc cần thảo luận với phụ thân, xin bà hãy gọi ông ấy đến đây.” Thông thường, khi nhi tử có việc cần bàn bạc với phụ thân, cho dù thế nào cũng nên đích thân đi gặp mới là lẽ phải. Tuy nhiên, Hứa Trường An thì khác, y quyết định lấy lại những gì thuộc về mẫu thân ngay tại nơi mà bà từng sống, y cũng muốn biết phụ thân có thể tàn nhẫn đến mức nào.

Đối với phân phó của Hứa Trường An, Dương ma ma thường không hỏi lý do mà chỉ đơn giản thực hiện theo mệnh lệnh của chủ tử.

Không bao lâu, Dương ma ma đã đưa Hứa Vĩnh Niên đến. Quả nhiên, vẻ mặt của ông ta rất khó coi. Hứa Trường An không hỏi han gì thêm mà nói thẳng: “Phụ thân, ngày thành hôn của ta và Đại hoàng tử sắp đến gần. Ta mời phụ thân đến đây để bàn về chuyện sắp xếp hồi môn.”

Cho dù là nam hay nữ xuất giá, gia đình đều phải chuẩn bị của hồi môn, đây là điều không thể tranh cãi.

“Đó là chuyện đương nhiên.” Nếu Hứa Trường An không nhắc đến, Hứa Vĩnh Niên đã định giả vờ không biết. Dù sao thì, nhi tử gả qua đó cũng sẽ bị lạnh nhạt, cho một ít của hồi môn đã là tốt lắm lắm rồi.

“Phụ thân, ý của ta là như thế này. Ta biết bổng lộc của phụ thân không nhiều, trong nhà lại đông người, chi phí cũng rất lớn. Dù ta có gả qua đó thì vẫn là người của Hứa gia, nên cũng phải nghĩ cho người trong nhà. Như vậy đi, phụ thân chuẩn bị cho ta một ít của hồi môn là được. Phần còn lại, ta sẽ lấy từ chỗ mẫu thân.”

Hứa phu nhân chỉ có một nhi tử, nên việc Hứa Trường An kế thừa hồi môn của mẫu thân là chuyện hợp tình hợp lý. Nhà chồng không có quyền can thiệp vào hồi môn của con dâu nên một khi nữ nhân đó còn sống thì sẽ do chính người đó quản lý. Sau khi qua đời, nếu người đó có con cái, của hồi môn sẽ được để lại cho chúng. Nếu không có con cái thì nhà ngoại có quyền lấy về.

Hứa Trường An vừa dứt lời, ngay lập tức mặt mày của Hứa Vĩnh Niên trở nên u ám. Khi ông ta nghe câu đầu của nhi tử thì còn mừng thầm, tưởng rằng y biết điều. Nhưng nào ngờ, tiểu tử có lòng dạ hiểm độc này lại nhắm vào tài sản của Hứa gia, đang chờ cơ hội để đòi lấy phần của y!

“Đừng hòng!” Nếu không có phần hồi môn của Dương thị hỗ trợ, chỉ dựa vào chút lương bổng ít ỏi của ông ta thì làm sao có thể nuôi nổi toàn bộ Hứa gia được!

“Phụ thân nói vậy là có ý gì? Mẫu thân đã qua đời, phần hồi môn của mẫu thân không thuộc về ta, chẳng lẽ là thuộc về Hứa gia sao? Tiêu vương triều của chúng ta không có quy định như vậy.” Trong lòng Hứa Trường An cười khẩy, y không định giữ chút thể diện nào cho người cha này nên không thèm bận tâm đến Hứa Vĩnh Niên còn đang đứng mà tự ngồi xuống trước, lấy danh sách hồi môn từ trong tay áo, mở ra, đưa cho Hứa Vĩnh Niên và bảo ông ta nhanh chóng kiểm tra.

“Ta không cần bạc trong đó, cứ coi như là ta dâng cho phụ thân và tổ mẫu. Các cổ vật, tranh chữ, trang sức, thôn trang, ruộng, còn cả cửa hàng nữa, xin phụ thân chuẩn bị đầy đủ cho ta. Ta phải nộp danh sách này cho người trong cung để họ kiểm tra.” Đây là đồ hồi môn của Dương thị, nhi tử duy nhất của bà lấy đi những thứ này là chuyện đương nhiên. Hơn nữa, phu quân tương lai của Hứa Trường An là người trong hoàng tộc. Nếu Hứa Vĩnh Niên dám giữ lại, hoàng tộc sẽ không chấp nhận. Tội chiếm đoạt của hồi môn của người đã khuất sẽ khiến Hứa Vĩnh Niên không thể gồng gánh nổi.

Ông ta là mệnh quan triều đình, không chỉ phải tuân thủ quốc pháp mà còn phải giữ gìn thanh danh. Vi phạm một trong hai điều đó cũng đủ để phá hủy cả sự nghiệp và cuộc đời của ông ta.

“Ngươi! Ngươi là cái đồ bất hiếu!” Hứa Vĩnh Niên tức giận đến mức không còn quan tâm đến thể diện. Người có học thức hay thích xem thường những thứ thấp kém, chỉ quan tâm đến học vấn nhưng dù là ai thì không phải đều là con người sao? Người có học thức cũng cần ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ, cần cả tiền bạc. Hứa Vĩnh Niên nghĩ đến việc Hứa Trường An muốn đào rỗng tài sản của Hứa gia thì cảm thấy hối hận không thể tả. Lẽ ra lúc đầu ông ta không nên giữ chút tình thân, mà nên đưa cái đứa bất hiếu này xuống hoàng tuyền cùng với mẫu thân của y!

Hứa Vĩnh Niên mảy may không nhớ đến những thứ mà ông ta cho rằng là của Hứa gia hoàn toàn là do Dương thị cung cấp suốt mười mấy năm qua.

“Phụ thân tức giận như vậy, chắc ngài đang nghĩ xem nên hạ độc ta như thế nào đúng không? Phụ thân hãy cân nhắc kỹ lưỡng, nếu người được hoàng thượng tứ hôn làm hoàng tử phi là ta chết bất đắc kỳ tử trong ngôi nhà này. Bất kể lý do là gì thì hoàng tộc cũng chỉ nghĩ đến một nguyên nhân duy nhất, chính là phụ thân bất mãn với thánh chỉ ban hôn của Hoàng thượng. Vì chuyện liên quan đến thể diện của hoàng tộc, chắc chắn Hoàng thượng sẽ không nương tay.” Hứa Trường An ngồi một bên, nhìn phụ thân ruột thịt của y bằng đôi mắt lạnh lẽo.