Chương 2: Buồn ơi là buồn
Bước chậm rãi đến lớp, trường tiểu học Liễu Gia Sơn quả đúng là hình dáng đổ nát trong ký ức.
Tai tôi nghe thấy từng đợt tiếng đọc bài rõ mồn một, tôi bỗng nhận thức được, rắc rối của việc du hành vượt thời gian đã xuất hiện rồi, tôi không hề nhớ được bạn bè của tôi tên gì hết. Cũng không biết cô giáo tên gì, thậm chí còn quên mất cô trông thế nào rồi.
May mà tôi còn nhớ đại khái vị trí lớp học.
Nằm ở bên phải, nhưng không nhớ rõ gian thứ nhất hay gian thứ hai.
Giải quyết vấn đề này không khó, có hai cách. Cách thứ nhất là đợi ở trường một lúc, gặp phải bạn quen (tôi không quen người ta nhưng người ta nhất định sẽ biết tôi), cùng đi vào lớp. Cách thứ hai là đi từng phòng một, những người biết tôi nhất định sẽ gọi tôi.
Cùng lúc đó, tôi nhớ lại một chuyện. Tôi nhớ mình có 3 người chị, chị ba chỉ hơn tôi hai tuổi, kiếp trước có lẽ sẽ học cùng trường tiểu học với tôi. Theo lẽ thường thì phải cùng tôi đi học mới đúng, sao lại không thấy người đâu? Nếu chị ba và tôi cùng đi học, ít nhất tôi cũng hỏi được cô giáo tên gì, phòng học nằm ở đâu.
Chẳng lẽ sau khi du hành vượt thời gian, đến những thành viên trong gia đình cũng thay đổi hay sao? Trời, không lẽ tôi trở thành con một rồi? Vậy thì gay go quá. Kiếp trước dù sống không vui lắm, nhưng tình cảm anh chị em rất thân thiết. Tôi không ngờ rằng trở về quá khứ xong, chị em chẳng còn nữa.
“Liễu Tuấn......”
Tôi bất giác đáp lại một tiếng, ngầng đầu nhìn, một cô gái tóc ngắn đang nhìn tôi mỉm cười.
Mặc dù không nhớ dáng vẻ và tên tuổi của giáo viên, nhưng tôi vẫn nhớ đó là một cô giáo. Thấy người này trong tay cầm cuốn giáo trình, có lẽ là giáo viên của trường thật rồi.
“Em chào cô!”
Tôi vội vàng kính cẩn chào.
Người phụ nữ ấy chợt ngẩn người, rồi cười, luôn miệng đáp lại tôi, bước đến xoa đầu tôi, khen: “con nhà công nhân viên chức có khác, bé thế này mà đã biết phép lịch sự rồi.”
Tôi cười thầm trong bụng.
Đây có là gì, kiếp trước nói gì thì nói tôi cũng sống đến 40 tuổi đầu, công dân tuân thủ pháp luật của thế kỷ 21, chẳng lẽ đến phép lịch sự tối thiểu này cũng không biết?
Vui vẻ, não bộ cũng hoạt động nhanh hẳn lên. Tôi nghĩ tôi mới là một đứa trẻ mới lên lớp 1, mà cô giáo này mở miệng là gọi được tên tôi, tám chín phần là cô giáo phụ trách lớp tôi.
“Đi nào, sắp vào học rồi, đi với cô nào.”
Quả nhiên không ngoài dự liệu, haha!
Bước vào lớp, tôi lại gặp vấn đề rồi, ngồi ở chỗ nào đây.
Tôi do dự một lúc, cũng may, một đứa con gái nhỏ đã giúp tôi giải quyết bài toán khó này. Lẽ ra nó ngồi ở vị trí sát giữa ( trường tiểu họ của thôn ấy, không phải một người một bàn, mà là hai người ngồi chung một bộ bàn ghế dài), thấy tôi bước vào, tự nhiên nó ngồi nhích vào trong, để ra một chỗ trống.
Hỳ Hỳ, đây đích thị là chỗ ngồi của ta rồi.
Các em, mở trang năm sách ngữ văn, tiết này chúng ta vẫn học từ mới….
Tôi lấy ra quyển sách ngữ văn được gói cẩn thận bằng giấy báo, giở đến trang năm, thấy trong sách viết mấy chữ “Nhật”, “Thổ”, lại còn có phiên âm tiêu chuẩn, bất giác cười một cách đau khổ.
Mẹ kiếp, lão đây kiếp trước chỉ đọc thấy mặt tốt của việc trở về quá khứ trong tiểu thuyết trên mạng, chẳng ai bảo với tôi, bất hạnh trở thành một đứa trẻ bảy tuổi, từ sáng đến tối lại ngoan ngoãn ngồi trong phòng học đọc từ mới, miệng đọc hùng hồn, cái gì mà nhật nguyệt thủy thổ, thế này sống sao đây?
Còn nữa, trong kiếp trước, tôi có một tật xấu---không có thịt thì không ăn no. Một ngày không ăn thịt thì thèm chảy nước miếng. Trung Quốc những năm 1976, là thời kỳ nghèo đói thiếu thốn trầm trọng, đừng nói ăn không no mặc không ấm, ngay cả ăn cũng không có mà ăn, mặc cũng không có mà mặc, ngày ba bữa toàn rau, làm thế nào mà nuốt được?
Buồn thay!
Nếu nói là một người xuyên thời gian thế kỷ 21, quay trở lại trường học cấp 1 những năm cuối cùng của cuộc đại cách mạng, biết nghe giảng cẩn thận, đến lớp đã học quá thuộc mấy “từ mới”, thì thật là khốn nạn! Trên thực tế, cả tiết học tôi đều nghĩ linh tinh, những lời cô giáo, 1 chữ cũng không nghe vào đầu. đến khi vị cô giáo trẻ đó bước đến bên tôi, nhẹ nhàng gõ bàn học, thì tôi mới tỉnh lại.
“Tiểu Quân, sao lại không viết từ mới?”
“A……vâng vâng……em viết đây ạ….”
Hóa ra đã đến giờ tự học rồi. Tiểu học năm thứ nhất lúc ấy, mỗi tiết có chừng bốn năm từ mới, sau đó điên cuồng viết theo. Tôi nhớ lại câu chuyện cười một cảnh sát giao thông bắt được một giáo viên tiểu học phạm luật, liền vui mừng bắt cô ấy viết năm trăm lần ba chữ “tôi phạm luật”.
Tôi vội vàng mở cặp sách tìm giấy bút.
Không ngờ là bút lông!
Đúng rồi, tôi nhớ năm thứ nhất tiểu học, phải dùng bút lông. Khi đó bút mực là một thứ xa xỉ, gã nào cài một chiếc bút mực trước ngực, thường là người có học (trình độ văn hóa cấp hai), nếu là hai chiếc bút mực, thường là nhân viên công chức, không chừng còn là cán bộ. Nếu có 3 chiếc bút mực thì sao? Xin lỗi, thế thì bạn chắc chắn là một thằng sửa bút!
Sửa bút!
Hờ hờ, lúc đó quả thực còn có nghề này nữa. Sửa bút có thể trở thành một cái nghề sống qua ngày, có thể thấy lúc ấy bút mực quý giá đến mức nào. Làm sao có thể hy vọng một đứa học sinh nghèo có một cây bút mực?
Còn bút chì thì sao, cũng là một thứ đồ xa xỉ. Bạn nghĩ thử xem, lúc đó một người nông dân làm việc quần quật một ngày ngoài đồng, có thể kiếm được bao nhiêu tiền? cũng không chắc được. Đội sản xuất tính theo công điểm, đàn ông thanh niên một ngày được 12 công điểm, đàn ông bốn mươi tuổi trở lên và phụ nữ trẻ khỏe một ngày được 10 công điểm, còn phụ nữ lớn tuổi một chút và chưa đến tuổi vị thành niên thì chỉ được 6 hoặc 8 công điểm mà thôi. Một năm tích lại, căn cứ theo thu hoạch của đội sản xuất mà trừ triết khấu, nếu thu hoạch tốt, mỗi người có thể có mài trăn cân lương thực và mười mấy đồng. Nếu thu hoạch không tốt, hoặc giả nhà đông người, vay mượn lương thực của đội sản xuất, đến cuối năm tính toán, không chừng còn phải nợ tiền ăn. Bút chì là một đồ dùng thuần túy tiêu hao, dùng một lần lại mất đi một ít, vì thế không thích hợp cho quảng đại học sinh tiểu học nông thôn dùng.
Cứ thế, chiếc bút lông mà tổ tông để lại trở thành một sự lựa chọn hợp lý. Một chiếc bút lông cỡ nhỏ, một thỏi mực, một cái nghiên, tất cả một hào, nếu dùng tiết kiệm một chút có thể dùng đến một năm cơ đấy.
Nếu đổi lại là thế kỷ 21, một đứa trẻ con cầm trong tay chiếc bút lông viết chữ, đó chắc chắn là đứa trẻ có học, đang luyện thành nhà thư pháp.
Ôi, tôi đã 20 năm không động đến bút lông. Nói không được, đành phải nhắm mắt nhắm mũi mà làm vậy.
Tôi cẩn thận bày quyển vở ra trước mặt, lấy ra một chiếc bình thủy tinh đựng đầy mực (để giả vờ làm nghiên, nghiên và mực là hai thứ quý giá, không thể để trẻ con cầm đi linh tinh được, nếu không cẩn thận làm hỏng, cách đơn giản nhất là mài mực trước, rồi đổ vào một chiếc bình mang đến trường), cẩn thận mở nắp bình, chấm mực, bắt đầu viết lại từ mới.
Thực lòng mà nói, chữ tôi kiếp trước cũng được gọi là nghiêm chỉnh, vì cha tôi viết chữ bút lông rất đẹp, lúc nhỏ tôi theo ông luyện mấy năm. Mặc dù không kiên trì đến phút cuối, cũng gọi là có chút thu hoạch.
Tôi liếc mắt nhìn nhỏ bạn cùng bàn, nó đang cầm bút viết từng nét rất cẩn thận.
“Ôi…Mỗi chữ phải viết bao nhiêu lần?”
Tôi thấp giọng hỏi.
May mà tôi trở về đúng nhà mình, nên tiếng địa phương nói đã quen. Nếu không may rơi phải nơi xa lạ, tiếng địa phương không hiểu đã là khó khăn rồi. Không biết tiếng địa phương Trung Quốc có mấy vạn loại?
“Năm lần”
Nhỏ bạn nhìn tôi một cách kỳ quái, nhẹ nhàng trả lời.
Nhóc là bạn cùng bàn của tôi, còn là một người bạn cùng thôn, đáng lẽ phải rất thân với tôi mới đúng. Chỉ tội thời gian quả thực quá lâu rồi, hơn ba mươi năm rồi chứ ít ỏi gì. Tôi nhíu mày, vắt óc nghĩ một hồi lâu, chẳng có chút ấn tượng nào. Cuối cùng đành thất vọng từ bỏ. Dù sao sau này chơi với nhau lâu rồi, dựa vào trí thông minh của một người 40 tuổi, chẳng lẽ không đối phó được với chuyện nhỏ con này?
Khoảng hai ba phút sau, khi những đứa trẻ khác vẫn đang hì hục viết, tôi đã hoàn thành xong 4 từ mới. Vẫn chưa thấy tiếng chuông tan học (nói là chuông, nhưng thực ra là một thanh sắt đã rỉ sét, phải dùng một chiếc búa sắt đập cật lực thì mới phát ra tiếng). Bây giờ phải làm gì đây? Tôi ngẩng đầu nhìn, cô giáo vẫn đang chăm chú nhìn tôi, thấy tôi không tử tế viết chữ, hơi cau mày, lại bước đến.
Mẹ kiếp, chỉ vì một câu “em chào cô” mà rước họa vào thân. Nếu không sao cô ấy cứ bám riết lấy tôi?
“Liễu Tuấn, sao không viết từ mới….”
Một câu vẫn chưa nói hết, đột nhiên không thấy âm thanh gì nữa. Tôi nhìn thấy rất rõ ràng, hai mặt cô mở rất to.
“Đây…Đây là em viết?”
Chết rồi, tôi quên mất việc này, viết chữ quá ngay ngắn rồi. Một đứa trẻ miệng còn hôi sữa, viết đẹp vậy để làm gì? Chẳng phải là cố tình chuốc họa hay sao?
Nhưng việc đã đến mức này, muốn tránh cũng không tránh được nữa rồi.
Tôi chỉ còn cách thừa nhận.
“Là do em viết.”
Hai mắt cô giáo mở tròn xoe, cầm vở của tôi, tấm tắc khen: “Con gia đình công chức có khác, tuổi nhỏ thế này mà đã viết chữ đẹp vậy, đúng là có sự dạy dỗ của thầy giáo Liễu……”
Thầy giáo Liễu? Ừ, cô ấy đang nói đến cha tôi. Tôi nhớ cha tôi từng nói, trước kia ông có làm thầy giáo. Không chừng cô giáo đang dạy tôi đây lại là học sinh của cha tôi.
Cha mẹ tôi đều là công chức nhà nước, đương nhiên, chỉ là cán bộ bình thường, không có quyền cao chức trọng gì. Nhưng trong thôn Liễu Gia Sơn, đây đã là nhân vật rất có tiếng rồi. Hơn nữa cha tôi lắm tài nghệ, đàn ca sáo nhị gì cũng biết, đặc biết là viết chữ bút lông rất đẹp, danh tiếng nhiều người biết đến.
Xem ra có một ông bố vĩ đại bất kể là lúc nào đều có ích. “Giỏ nhà nào quai nhà nấy”, có lẽ cô giáo nghĩ tôi di truyền gien đa tài của cha tôi. Thực ra đây là một sự hiểu lầm, những ưu điểm của ông, tôi hầu như không được thừa hưởng chút gì.
Ừ, đó là chuyện kiếp trước của tôi, ngày hôm nay được sống lại lần nữa, ít nhiều cũng có sự khác biệt chứ. Học thêm chút kiến thức cũng chẳng có gì không tốt.
Cô giáo khen tôi một chập, thuận tay cầm hai tờ giấy tôi viết, nói là phải dán lên tường cho học sinh xem, làm tấm gương sáng.
Mẹ ơi, đừng xem tôi như thần đồng chứ. Tôi còn nhớ kiếp trước đi học tiểu học, chữ viết nghiêng nghiêng ngả ngả, không có tư cách để giáo viên lấy làm mẫu. Trở về quá khứ, đầu tiên đã thay đổi thế này, cũng là chuyện ngoài dự kiến.
Kiếp trước, chỉ bàn về IQ, tôi thấy mình cũng khá cao. Từ bé cũng biết đọc sách, cha mẹ tôi thấy thế vui lắm. Chỉ có điều ngày càng lớn, dần mất thú vui với sách vở, cuối cùng không thi được vào một trường đại học cho ra hồn, đành học hết trung cấp rồi đi làm. Làm cho cha mẹ tôi thất vọng, cũng trực tiếp ảnh hưởng đến cả đời tôi---không tìm được việc tốt, không kiếm được tiền, đến chết cũng chỉ là một tên mạng hạt làm thuê.
Là con trai duy nhất của nhà họ Liễu, kiếp trước của tôi là một thất bại điển hình. Đến nay tôi vẫn thấy áy náy, với bố mẹ, với người thân và với vợ con, cảm giác ấy sâu sắc lắm. Chỉ trách bản thân mình bất tài, làm mọi người phải thất vọng.
Ông trời có mắt, cho chúng ta sống lại lần nữa, vinh hoa phú quý tôi không màng đến. Có câu “thiên mệnh hữu quy”, còn có “nhân định thắng thiên”, dù có phải là vượt thời gian, sống lại hay không, thì phú quý cũng do ông trời quyết định. Chúng ta không thể dựa vào việc biết trước tương lai mà cố phải lấy được giàu sang. Nhưng hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương vợ con, đối tốt với bạn bè là việc có thể làm được. Năm nay tôi bảy tuổi, vợ tôi kiếp trước vẫn đang là một nhóc chưa biết gì, con cái vẫn chưa biết ở đâu, tạm thời không quản nó nữa. Trước tiên làm một thần đồng đã, khiến cha mẹ vui cũng tốt. Chẳng lẽ kiếp trước đi học tiểu học còn làm họ vui được mấy lần, lần này sống lại ngay đến việc cỏn con này cũng không thực hiện được hay sao?
Nhưng quyết định thì dễ, làm thì khó vô cùng. Không phải giáo trình lớp 1 có gì khó khăn với tôi, thiên hạ làm gì có lý nào như thế. Mà là phải ngồi ngay ngắn nghe cô giáo giảng “1+1=2” thực là một việc khổ sai. Người ta vẫn nói “thập niên hàn song”, giờ đây với tôi, tiểu học đã là “ngũ niên thiết song” (lúc đó tiểu học là năm năm, không giống sau này thay đổi thành chế độ học 6 năm), chỉ không biết là phải làm thế nào mà sống cho qua được.
Vừa quay trở về quá khứ, đầu óc vẫn hỗn loạn, sao này phải sống ra sao, trong tâm thức chẳng có gì chắc chắn cả. Năm 1976, xã hội không phải lạc hậu ở một mức độ bình thường. Đừng nói đi từ châu này sang huyện khác, đến cùng một huyện từ nông thôn ra thành phố, nếu không có giấy giới thiệu của thôn, hì hì, thì phòng tiếp khách cũng không bước vào được, ngồi xổm ở vệ đường thì sợ dân phòng hay hội phụ nữ làm khó dễ. Dù tôi chỉ có kinh nghiệm 40 năm, hiểu rõ như lòng bàn tay xu thế phát triển của đất nước 30 năm trở lại đây, có thể xưng là Chu Cát Lượng thời hiện đại, nhưng dưới lớp vỏ một đứa bé bảy tuổi, sau khi tan học về nhà muộn cũng không được, nếu ra khỏi thôn một mình đi dạo, càng là một việc không tưởng tượng được. Đầy một bụng kinh luân mà không làm cách nào biểu lộ ra được.
Vẫn buồn bực lắm!