Chương 5: Cơ Hội Quý Báu

Việc Tô Bình Nam phải làm là kinh doanh hạt thông, ký ức trong đầu đã thôi thúc hắn đưa ra quyết định này.

Hơn ba mươi năm sau, kinh doanh hạt thông là một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất tỉnh Thiên Nam, vô số người phất lên nhờ ngành nghề này, có thể thấy món lời kếch xù trong đó.

Tính tình cứng rắn của Tô Bình Nam được thể hiện rất rõ trong kế hoạch của hắn. Hắn phải nhân cơ hội quý báu trước mắt để làm thật lớn, làm đến mức cho ra đời một con rồng. Lăn lộn kiếm cơm, Tô Bình Nam phải ăn phần lớn.

Tỉnh Thiên Nam là tỉnh xuất khẩu thổ sản vùng núi lớn nhất Hạ quốc, mà Phong thành cách Ô thành bảy trăm cây số chiếm tám mươi phân ngạch của tỉnh Thiên Nam.

Trong đó chín mươi phần trăm sản lượng của Phong thành đều tập trung ở mấy hương trấn như là thị trấn Nhị Đài thuộc dãy Bạch Sơn.

Cơ hội quý báu của Tô Bình Nam đến từ một chính sách địa phương của Phong thành.

Đó là toàn bộ hạt thông của Phong thành chỉ có thể bán cho một công ty thổ sản thuộc cục Lâm Nghiệp địa phương, không được bán ra ngoài.

Trong thời kỳ này, điều kiện giao thông và tư tưởng ở Ô thành sắp vượt xa Phong thành hẻo lánh, rất nhiều hàng hóa vào núi vượt biển được vận chuyển qua Ô thành về Hạ quốc. Cuộc cải cách sớm nhất đã mở cửa Vân Cảng - một trong mấy bến cảng.

Vân Cảng hội tụ vô số thương nhân Đông Doanh, mà hạt thông vẫn luôn được người dân nước này cho rằng có tác dụng chăm sóc sức khỏe, thị trường cung không đủ cầu. Vì vậy, gần như là ở Vân Cảng có bao nhiêu hạt thông thì thương nhân Đông Doanh mua bấy nhiêu. Hạt thông thượng hạng ở chợ nông sản Ô thành đã bị nâng lên giá bảy tệ một cân ( cân Trung Quốc = 0,5 kg ), nhưng được giá mà chẳng có hàng.

Tô Bình Nam chú ý tới thị trấn Nhị Đài ở Phong thành.

Mặc dù hiệu ích của hạt thông cực kỳ tốt, song những nơi sản xuất thô lại bị công ty thổ sản ở Phong Thành ép giá vô cùng rẻ mạt. Để lũng loạn thị trường, về cơ bản là không thể vận chuyển hàng hóa trên đường quốc lộ, cục Lâm Nghiệp nơi này phong tỏa rất gắt.

Tô Bình Nam đã suy xét rất chu toàn, hắn phải đi đường sắt. Thời kỳ này, hệ thống đường sắt có ý tự hình thành một phe. Đối với bọn họ mà nói, chính sách riêng của Phong thành chỉ là gió thoảng bên tai.

Sau khi trở lại Ô thành, Tô Bình Nam lập tức bắt đầu hành động với khí thế sấm rền gió cuốn. Hắn không còn nhiều thời gian.



Sang năm Phong thành sẽ nhận ra sai lầm, nhanh chóng xóa bỏ chính sách này. Đến lúc ấy, để khuyến khích doanh nghiệp dân doanh phát triển, tỉnh Thiên Nam còn đăng kí giấy phép xuất nhập cảng buôn bán cho doanh nghiệp có vốn tài chính trên ba mươi vạn tệ. Vì thế, cơ hội của Tô Bình Nam chỉ còn nửa năm ngắn ngủi, hắn phải làm nên quy mô nhất định trong vòng nửa năm mới có thể chơi tiếp.

Mọi người bên cạnh Tô Bình Nam bắt đầu dốc hết sức triển khai hành động.

Tô Bình Nam biết tuyến đường này của mình có được khai thông hay không, mấu chốt nằm ở ba vị trí then chốt.

Thứ nhất là nhân viên trực ban ở kho hàng của trạm xe. Quyền lợi của nhân viên trực ban rất lớn, chủ nhiệm kho hàng chủ yếu chỉ ký tên, việc dỡ hàng đóng hàng cụ thể đều do nhân viên trực ban lo liệu. Thậm chí bọn hắn có thể né tránh chủ nhiệm, giúp ngươi lẻn đến toa xe nếu cần.

Thứ hai là trưởng tàu từ thị trấn Nhị Đài đến Ô thành. Nếu bọn hắn không phối hợp với công tác kiểm tra của địa phương Phong thành, thì hàng hóa có thể sẽ bị gắn mác vật phẩm khác, tiến vào kho hàng Ô thành một cách công khai.

Thứ ba là một địa đầu xà có thủ đoạn thông thiên ở thị trấn Nhị Đài. Người này có thể hỗ trợ Tô Bình Nam càn quét hạt thông, đồng thời thoát khỏi tầm mắt của cục Lâm Nghiệp.

Mệnh lệnh mà Tô Bình Nam giao cho đám đàn em rất trực tiếp thô bạo. Mặc kệ các ngươi làm thế nào, ta muốn kết bạn với trưởng tàu chạy giữa Phong thành và thị trấn Nhị Đài.

Một người do Quách Quang Diệu tiến cử lọt vào tầm mắt Tô Bình Nam.

Đó là Trương Đồng, con trai của lão trưởng tàu chuyến Ô - Phong tên là Trương Kiến Quốc.

Trương Đồng là lão nhị trong nhà. Ngay từ đầu người được xác định tiếp nhận công việc là anh trai hắn, cho nên hắn bất mãn với gia đình. Sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật, hắn không đi làm mà ngày ngày lăn lộn ở Ô thành, tính cách hoang dã, là một tên côn đồ.

Bên dưới cửa hàng bách hóa trước trạm dừng Ô thành là một phòng bida. Ở niên đại ít trò giải trí này, đây là nơi tụ tập của đám vô công rồi nghề và lũ lưu manh côn đồ, bên trong vô cùng hỗn loạn.

Trương Đồng ngậm điếu thuốc trong miệng, cau có nhìn viên bida đang lăn tròn, lẩm bẩm thấp giọng mắng chửi.

Hắn đang cá độ bida với người khác, một bi lọt lỗ thì được hai tệ. Hắn đã thua năm bi, tương đương mười tệ. Thật ra đây là một gánh nặng rất lớn đối với một người không có thu nhập cố định như Trương Đồng.



"Bịch!" Cửa phòng bida bị đá mạnh bật mở, khói thuốc tích tụ bên trong lập tức bay ra ngoài. Nhìn từ bên ngoài, người nào không biết còn tưởng nơi này bị cháy.

Tức thì tiếng mắng chửi tràn đầy bất mãn vang lên trong phòng bida, Trương Đồng đang tức giận vì thua cược cũng mắng hôi vài câu.

Người tinh mắt nhanh chóng nhận ra mấy hán tử vừa đá cửa là ai. Một truyền mười, mười truyền một trăm, thoáng cái phòng bida đã lặng ngắt như tờ.

Trương Đồng cũng nhận ra người tới là ai, chính là Dương Thiên Lý đi theo con ngựa đầu đàn Tiểu Hồng Bào ở kho hàng của trạm xe. Hắn lập tức ngậm chặt miệng.

Những người này ác thật sự. Trương Đồng vẫn luôn cảm thấy mình tốt đẹp, nhưng vẫn thật lòng bội phục đối phương. Khi đám người đến từ khắp mọi miền bị đuổi đi, hắn có mặt tại hiện trường, nhìn mà chân bủn rủn.

"Ai là Trương Đồng?" Dương Thiên Lý nhìn quanh một vòng. Đèn trong phòng rất tối, hắn hoàn toàn không nhìn rõ ai với ai, đành phải hét thật to.

"Ta đây." Trương Đồng căng thẳng trả lời.

Dương Thiên Lý nhìn chằm chằm vào Trương Đồng hồi lâu, nhớ lại lời dặn dò của Tô Bình Nam, vẻ mặt có phần cự nự.

Ba đàn em của Tô Bình Nam, trong đó Tô Văn Văn lòng dạ ác độc nhưng miệng ngọt như mía lùi, Quách Quang Diệu làm việc chắc chắn, hai người này giao thiệp với người ngoài hết sức linh hoạt. Chỉ có Dương Thiên Lý không chỉ hung ác mà tính cách còn lầm lì, cho nên rất khó kết giao với người khác.

Tô Văn Văn bị Tô Bình Nam sắp xếp đi tìm nơi có thể cất giữ lượng lớn hạt thông, Quách Quang Diệu bị giữ ở lại kho hàng. Không còn cách nào khác, Tô Bình Nam đành phải sai Dương Thiên Lý đi tìm người. Hắn hiểu rõ tính nết của huynh đệ nhà mình, bèn cố ý dặn dò đối phương nhất định phải khách khí và khách khí hơn nữa.

Dương Thiên Lý nhẫn nhịn một lúc lâu cũng chẳng hiểu rốt cuộc khách khí và khách khí hơn nữa là như thế nào, cuối cùng không biết phải làm sao, đành thấp giọng nói: "Đồng ca, ca của ta muốn mời ngươi ăn cơm."

Trương Đồng nhìn gã hung ác trước mặt, không ngờ đối phương nín nửa ngày lại thốt ra một câu như thế, trong lòng sợ gần chết. Hắn nghẹn lời, mãi lâu sau mới ấp úng đáp lời: "Được, đại ca."

Sau này, khúc đệm này trở thành câu chuyện kinh điển để mọi người cười nhạo Dương Thiên Lý.