Chương 36:

Chương 36:

Phong Dã đích thân viết thư, rồi phái năm người đưa thư vào các thời điểm khác nhau, xuất phát từ các tuyến đường khác nhau, gửi đến phủ Đại Đồng cầu viện để đề phòng có người bị bắt.

Yến Tư Không cũng bắt chước hắn, tìm năm người đưa thư, chia mỗi người hai bức, một bức cho Thẩm Hạc Hiên, một bức cho Trần Mộc, nhưng nội dung hai bức này giống nhau.

Khác với bức thư đầu tiên y viết cho Thẩm Hạc Hiên đầy tha thiết khuyên nhủ, bức thư này, y chỉ trích dẫn một đoạn của Trần Nhữ Năng triều Nam Tống.

Nghiêu chi đô, thuấn chi nhưỡng, vũ chi phong. Vu trung ứng hữu, nhất cá bán cá sỉ thần nhung! Vạn lý tinh thiên như hứa, thiên cổ anh linh an tại, bàng bạc kỷ thì thông? Hồ vận hà tu vấn, hách nhật tự đương trung!

Giải nghĩa: Kinh đô của Vua Nghiêu, đất đai của Đế Thuấn, biên giới của Đại Vũ. Trong đó phải có một hai kẻ sĩ lấy việc xưng thần ngoại bang làm hổ thẹn! Vạn dặm tanh hôi mùi giặc Kim, bậc anh hùng ngàn xưa còn đâu, bao giờ mới có người kế thừa ý chí hào hùng của họ? Vận mệnh nước Kim không cần phải bàn cãi, mặt trời rực rỡ rồi sẽ tỏa sáng giữa bầu trời!

Đây là bài tiễn biệt mà Trần Nhữ Năng viết cho người bạn sắp đi sứ Kim --- Lúc đó là Đại Lý Thiếu Khanh, Chương Đức Mậu. Trong bối cảnh triều đình Nam Tống yếu hèn ký kết với người Kim 'Hòa ước Long Hưng' được coi là nỗi ô nhục quốc gia, Trần Nhữ Năng lên án mạnh mẽ giang sơn Trung Hoa tràn ngập mùi tanh hôi của man di, kêu gọi những người có học nổi dậy rửa nhục kháng Kim.

Yến Tư Không ngầm châm chọc Trần Mộc và Thẩm Hạc Hiên, đây là liều thuốc mạnh cuối cùng của y. Y có thể tưởng tượng, lúc Thẩm Hạc Hiên đọc bức thư này chắc chắn sẽ cả thẹn, còn Trần Mộc đọc nó chắc chắn sẽ nổi giận. Y không biết mình có thể thay đổi thế cục quân Sở cấu kết với Kim binh hay không, dù sao, cũng không thể tệ hơn.

Sau khi thư được gửi đi, Phong Dã khăng khăng cơ thể của mình đã ổn, muốn đích thân đi đốc chiến, cổ vũ quân tâm. Nhưng Yến Tư Không can ngăn, bởi vì thời cơ y cần Phong Dã xuất hiện vẫn chưa tới.

----------------

Thách đánh suốt ba ngày, quân Kim đã lộ vẻ mệt mỏi, tinh thần tướng sĩ Quảng Ninh cũng rã rời. Yến Tư Không nhận thấy không thể kéo dài thêm nữa, giờ Dần liền phát động tấn công.

Trời đêm tối đen như mực bị hỏa lực chiếu sáng như ban ngày. Vô số quân Kim như những đợt sóng đen trải dài hàng dặm, mang theo sát ý tàn bạo, ồ ạt cuốn về thành Quảng Ninh.

Hơn trăm chiếc xe bắn đá và mấy chục khẩu đại bác được bày bố thành trận địa hoành tráng dưới chân thành. Một khi chủ soái tam quân hạ lệnh, trống tù đua tiếng, pháo thạch che trời.

Yến Tư Không đứng trên cổng thành, nhìn hỏa lực, gỗ đá, cung tiễn dày đặc như cá diếc sang sông. Ngửi thấy mùi thuốc súng thấu trời xanh, gió tanh phả vào mặt, sát khí sôi trào, thân thể y mất tự chủ phát run, cũng chẳng phải sợ hãi, mà là rung động.

Y nhìn pháo thạch của quân địch bắn tới, cũng nhìn hỏa lực quân ta nở rộ trên nền đất đóng băng của Liêu Đông, như nghiệp hỏa dưới địa ngục vẽ nên những đóa hồng liên rực rỡ, tàn nhẫn nuốt chửng tất cả.

Tiếng pháo đinh tai nhức óc. Có một chớp mắt, Yến Tư Không như thể không nghe thấy gì nữa, mọi thứ xung quanh đều im bặt, bốn bề tịch mịch. Y thấy khuôn mặt méo mó, cái miệng há hốc của giặc Kim khi gào thét thảm thiết. Y thấy xương thịt nát bét, máu tươi vung vãi. Y thấy đá tảng khổng lồ đập xuống rung chuyển đại địa. Y thấy pháo nổ tung tóe bùn đất và đánh lên ngọn lửa ngút trời. Khi tất cả mất đi tiếng động, cảnh tượng đó càng trở nên dữ tợn và điên cuồng hơn.

Ầm ầm ---

Đá lạnh và đạn pháo của người Kim dồn dập đánh vào thành Quảng Ninh. Cổng thành chấn động, Yến Tư Không loạng choạng suýt ngã, liền được một binh sĩ đỡ lấy. Đột nhiên, mọi âm thanh như thác nước từ trên chín tầng trời trút xuống, điên cuồng ập vào màng nhĩ y. Đầu y đau dữ dội, tưởng chừng cơ thể sắp bị xé toạc trong khoảnh khắc này.

Pháo thạch tới lui, mưa tên như dệt, xác Kim rải hàng dặm, trên thành Quảng Ninh cũng nhuốm đỏ máu tươi.

Ban đầu, hai bên công thủ đều sung sức, quân Kim tạm không tiến được, song cũng không lùi. Nhưng địch nhiều ta ít, xe chiến Kim binh nghiến qua xá© ŧᏂịŧ đồng bào, hung hãn tiến về phía trước mở rộng chiến tuyến.

Trận chiến tầm xa kéo dài từ nửa đêm tới sáng, thành Quảng Ninh đã thủng lỗ chỗ, mặt đất chìm trong sắc đỏ như địa ngục.

Khi Trác Lặc Thái tưởng đã đến lúc phá thành, gã vẫn cho xe bắn đá và đại pháo yểm trợ, chỉ huy bộ binh mang thang mây và chùy phá cổng tiếp cận thành Quảng Ninh.

Nhưng thứ nghênh đón chúng đầu tiên chính là Ủng thành mà Yến Tư Không đốc công xây dựng --- 'Tường Sơn'.

Người Kim chắc chắn chưa bao giờ thấy loại Ủng thành kỳ quái như vậy, song chúng cũng không để ba gò tường thẳng đứng đó vào mắt. Cho đến khi núi thây biển máu mở đường, chúng xông vào tường Sơn mới chính thức nếm trải sự lợi hại của nó.

Đầu tiên, ba gò tường cao ngất chia Kim binh làm ba, buộc địch phải suy yếu. Thứ hai, thành trì thông thường, tấn công chỉ ở mặt trước, nhưng tường Sơn này khiến Kim binh xâm nhập phải chịu địch cùng lúc từ chính diện, đỉnh đầu, hai bên và mặt sau. Một khi bước vào tường Sơn, Kim binh như cá trong chậu, tiến không được, lùi cũng muộn rồi. Trong nháy mắt, dưới tường Sơn máu chảy thành sông.

Thấy tường Sơn uy lực ngoài dự đoán, tinh thần các tướng sĩ Quảng Ninh liền dâng cao.

Bị thương vong nặng nề, Trác Lặc Thái không còn cho binh tướng liều lĩnh nữa, mà tính dùng đại pháo và xe bắn đá phá tường Sơn trước.

Tường Sơn được xây dựng vội vã nên đương nhiên không thể kiên cố bằng tường thành chính dày tới hàng trượng, nếu bị pháo bắn sẽ không thể trụ được lâu. Tuy nhiên, nó lại dựng lên giữa thành chính và quân Kim. Pháo muốn đánh trúng bức tường thành chính khổng lồ đó không cần độ chính xác cao, nhưng muốn đánh trúng tường Sơn dày chưa đến một trượng kia thì nào có dễ như vậy.

Trác Lặc Thái dồn toàn lực vào tường Sơn, liên tục nã pháo thạch. Mặc dù phần lớn bắn trượt, nhưng hễ bắn trúng thì cũng phá hủy đáng kể tường Sơn.

Các tướng sĩ Quảng Ninh cật lực chống trả, nhưng quân số chênh lệch, họ dần suy yếu, mắt thấy tường Sơn bắt đầu sụp đổ dưới sự tấn công dữ dội.

Trận này đánh từ tối mịt tới bình minh, lại từ bình minh đánh đến giữa trưa, hai quân đều kiệt sức, đã là nỏ mạnh hết đà. Nhất là quân Kim thương vong tới bốn, năm vạn người, vẫn chưa một ai đặt chân lên được tường thành Quảng Ninh. Quả thực thảm khốc.

Tích thi thảo mộc tinh, lưu huyết xuyên nguyên đan*.

· Trích bài thơ "Thùy Lão Biệt" của Đỗ Phủ, bản dịch của Khương Hữu Dụng:

Thây chất tanh cây cỏ,

Máu trôi đỏ lạch đồng.

Nhân gian còn hơn địa ngục.

Quảng Ninh ngoan cố hơn Trác Lặc Thái tưởng tượng. Bây giờ Trác Lặc Thái đã thành 'đâm lao phải theo lao', công thì chết nhiều hơn, mà lui thì chết vô ích. Gã đang lâm vào thế khó, không biết nên nhân lúc tường Sơn sụp đổ để dốc hết sức tiến công hay tạm lui để nghỉ ngơi dưỡng sức.

Yến Tư Không thấy thế công của Trác Lặc Thái, biết gã sinh lòng thoái ý.

Mặc dù các tướng sĩ Quảng Ninh chịu thương vong không bằng một phần mười Trác Lặc Thái, nhưng tường Sơn đã bị phá hủy hoàn toàn, tường thành chính cũng hư hại nghiêm trọng, không biết có thể chịu được thêm bao nhiêu đợt pháo đá tấn công nữa. Song y vẫn không muốn Trác Lặc Thái lui quân. Vì nếu Trác Lặc Thái lui, chúng sẽ có thời gian để nuôi quân và bổ sung gỗ đá. Cùng thời gian đấy, nếu họ sửa tường thành thì gần như không thể, chi bằng đánh luôn một trận định càn khôn.

Yến Tư Không, Lương Tuệ Dũng và Nguyên Nam Duật bàn bạc với nhau, giả vờ suy yếu để dụ Trác Lặc Thái tiếp tục công thành. Phòng thủ bọn họ liền rời rạc đi. Quả nhiên, Trác Lặc Thái tưởng đã bắt được thời cơ, bèn trọng thưởng để cổ vũ binh sĩ tiếp tục xông pha.

Tường Sơn bị phá hủy, quân Kim điên cuồng đánh phá, cuối cùng cũng dồn đến chân tường thành. Đây không phải kế dụ địch của Quảng Ninh, mà họ không cản chúng được thật.

Núi thây biển máu trải đường, những chiếc thang dài được dựng vào tường thành trước, xe thang mây theo sát phía sau. Quân Kim dùng phương pháp 'kiến họp bầy' tàn nhẫn nhất, trèo lên thang, phát động tấn công dữ dội vào toà thành ngăn cản chúng đặt chân vào Trung Nguyên màu mỡ.

Tướng sĩ Quảng Ninh đổ dầu hỏa và nước sôi đã chuẩn bị sẵn xuống. Từng hàng thang dài bị đẩy đổ. Tiếng kêu thảm thiết của quân Kim liên tục vang lên, đi kèm với mùi hôi thối của da thịt bị cháy, khiến người ta sởn tóc gáy.

Khi xe thang mây vất vả mãi mới đẩy đến mép thành, Nguyên Nam Duật lập tức hạ lệnh. Các sĩ tốt dùng trường đao chặt đứt dây thừng trước mặt. Những sợi xích sắt to lớn được nung đến đỏ rực liền trượt dọc theo tường thành, quét sạch toàn bộ thang dài và móc câu quăng từ xe thang mây xuống.

Xác quân Kim rất nhanh chất thành một ngọn núi nhỏ dưới thành trì, song vẫn có địch liều chết xông lên. Tướng sĩ Quảng Ninh đã sức cùng lực kiệt, pháo thạch thiếu hụt, thế thủ ngày càng yếu đi. Mắt thấy Kim binh vẫn trèo lên tường, tựa như vô cùng vô tận, tình hình cơ hồ lâm vào tuyệt cảnh.

Yến Tư Không nghiến chặt răng, gọi thị vệ thϊếp thân của Phong Dã tới, phân phó cậu ta: "Đã đến lúc."

Chưa đầy bao lâu, trên cổng thành đột nhiên có hơn chục con sói vọt ra. Chúng nhe nanh, gầm rú về phía đám giặc Kim dưới thành, lộ vẻ hung ác.

Tin đồn Kim binh đường Đào Tiên bị sói tập kích đã sớm truyền khắp thiên hạ, và nó càng kinh hoàng hơn trong nội bộ quân Kim. Bấy giờ đàn sói bỗng xuất hiện, dù có trực tiếp tham gia trận chiến ở đường Đào Tiên hay không, quân Kim đang leo thành cũng vô cùng sợ hãi.

Yến Tư Không hét lên bằng cái giọng khản đặc: "Lang vương giá lâm -- "

Các tướng sĩ cũng kích động hô vang: "Lang vương giá lâm, Lang vương giá lâm, Lang vương giá lâm!" Bọn họ vừa hô, vừa kiếm tìm khắp nơi, quả nhiên thấy một nam nhân cao lớn oai hùng, tuấn mỹ vô song, mặc giáp đeo kiếm sừng sững trên cổng thành. Áo choàng đỏ như máu khiêu vũ trong gió rét. Tất cả sói đều quây xung quanh bảo hộ hắn, cúi đầu xưng thần trước hắn.

Lang vương Phong Dã!

Mặc dù Nguyên Nam Duật và Lương Tuệ Dũng luôn cố gắng trấn an quân tâm, bảo rằng Lang vương đang dưỡng thương, đã không còn đáng ngại, song lời đồn hắn hấp hối, thậm chí đã sớm qua đời vẫn lan truyền mạnh mẽ trong thành.

Chính vì thế, khi Phong Dã dẫn đàn sói xuất hiện trên thành trì, các binh tướng như chứng kiến thiên sứ giáng trần, chợt mây khói tan biến, nhật nguyệt chói lòa. Sĩ khí sa sút được vực dậy, máu nóng trong người lại sôi trào!

Phong Dã rút bội kiếm ra, chỉ thẳng vào Trác Lặc Thái, nghiêm giọng quát: "Thề sống chết cùng Liêu Đông, không để man di xâm phạm non sông!"

Trên thành Quảng Ninh hùng hồn tiếng rống: "Thề sống chết cùng Quảng Ninh, không để man di xâm phạm non sông!"

Âm thanh thấu chín tầng trời xanh, vang vọng bờ cõi.

Quân sĩ Quảng Ninh như được khởi tử hồi sinh, bùng nổ sức mạnh cuồn cuộn. Họ bắt đầu phản công quyết liệt quân Kim.

Giữa khói thuốc mù mịt cùng sắc lửa đỏ màu máu, Phong Dã và Yến Tư Không đưa mắt nhìn về phía nhau. Ánh nhìn đó như xuyên thấu ngàn năm vạn kiếp, xuyên thấu cửu thế luân hồi, khắc sâu vào tâm khảm.

Phong Dã chống đỡ cơ thể để đốc chiến. Yến Tư Không vẫn bận rộn di chuyển trên thành để chỉ huy, dẫn dắt các tướng sĩ tinh thần dâng cao, liều chết thủ thành.

Đồng tâm hiệp lực!

Tuy nói 'có trọng thưởng tất có dũng phu', nhưng nếu mất mạng rồi thì lấy gì mà lĩnh thưởng? Sau khi bị bầy sói và Phong Dã lần lượt đả kích, lại nhìn chiến trường đầy rẫy xác chết, máu chảy thành sông, nỗi sợ của Kim binh đã lên tới đỉnh điểm. Dần dần, không còn ai dám xông lên, bất kể Trác Lặc Thái có thưởng hay phạt thế nào.

Cuối cùng, khi ánh sáng trong ngày lụi tàn, hoàng hôn buông xuống, bóng tối lại bao trùm đất trời, Trác Lặc Thái cực kỳ không cam lòng, hạ lệnh lui binh.