Không cần nói cũng biết, chắc chắn là người trong nhà không muốn đi, cô bé cũng không dám đi một mình. Đây là muốn rủ mình đi cùng, nhưng mà cô cũng có chút động lòng, ở kiếp trước sau khi vào cấp ba cô cũng chưa từng được xem lại.
Dù không thể nghe hiểu được hết, nhưng những vở kịch được diễn thường là những câu chuyện quen thuộc như Đậu Nga oan, Tam nương giáo tử, Tam đối diện, Tứ lang thám mẫu,...
Những vở này hồi nhỏ chỉ có thể xem diễn viên diễn ra sao, lớn lên biết chữ rồi thì mới bắt đầu xem phụ đề.
Miễn cưỡng một chút thì cũng có thể hình dung đại khái nội dung câu chuyện trong đầu.
Chỉ có điều hồi nhỏ cô thường đến sau sân khấu, xem diễn viên trang điểm thay đồ.
Hầu hết đều là một người đảm nhận diễn nhiều vai, mỗi lần cô trốn sau cửa ngó vào, thì đều sẽ thấy mọi người trong đó vô cùng bận rộn, vừa xuống sân khấu đã phải lập tức chuẩn bị để lên diễn tiếp.
Nhưng khi trang điểm xong, họ như biến thành người khác, so với lúc bình thường không trang điểm thì quả thực trông như hai người khác nhau.
Sau này khi hiểu biết hơn, mới biết rằng hóa ra mỗi kiểu trang điểm khác nhau chính là những vai diễn khác nhau.
Họ diễn câu chuyện của người khác, khóc bằng nước mắt của chính mình.
Hồi cô còn nhỏ như Tiểu Lâm, trong làng vẫn còn biểu diễn múa rối bóng. Vào lúc hoàng hôn buông xuống, dân làng sẽ quây quần trước tấm màn trắng, đèn sáng lên, âm thanh nhạc cụ nổi lên và buổi diễn bắt đầu.
Từng con rối da trở nên sống động dưới bàn tay lão luyện của các nghệ nhân. Những câu chuyện lịch sử lâu đời và câu chuyện cuộc đời của họ được tái hiện trên màn vải trắng, truyền từ đời này sang đời khác qua giọng nói truyền cảm và động tác điêu luyện của các nghệ nhân.
Rất lâu trước đây khi cô còn bé mới có múa rối, bây giờ thì chỉ còn là ký ức mờ nhạt trong tuổi thơ.
Không hiểu sao sau này lại không còn nữa. Trước đây có thì lại hoàn toàn không hiểu được giá trị nghệ thuật của nó, bây giờ hay thậm chí là mười năm nữa, muốn xem cũng chẳng thể xem được.
Đó là những văn hóa quý giá nhất của dân tộc, tiếc rằng khi đó không có điện thoại, không thể quay lại để giữ kỷ niệm, cô chỉ hận dung lượng não của bản thân khi đó không đủ để nhớ được.
Ngay lập tức, Chương Vũ Miên quyết định tối nay sẽ đi sang làng bên xem hát, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, nên là một ngày có ý nghĩa đặc biệt một chút.
Sau hơn ba mươi tiếng đồng hồ dài đằng đẵng, Trình Diệu và ông cuối cùng cũng đến được trạm tàu hỏa ở thành phố Kinh Nam. Ra khỏi nhà ga, nhìn thấy mọi người đang vẫy vẫy tay chào người thân của họ, những ánh đèn rực rỡ chiếu rọi trong màn đêm, lòng cậu bỗng dâng lên một cảm xúc lẻ loi.
Trên tàu không ăn uống đàng hoàng nên lúc ra khỏi nhà ga họ nhanh chóng tìm một quán ăn nhỏ để ăn gì đó lót bụng, cậu và ông cùng ăn một bát mì rồi bắt đầu tìm nhà nghỉ.
Lần đầu tiên họ tìm được một nhà nghỉ có giá hai trăm tệ một đêm, nhưng cảm thấy quá mắc nên đã không thuê. Sau đó, họ lại tìm được năm, sáu cái nhà nghỉ khác ở gần đó nhưng giá cả cũng không thấp hơn bao nhiêu. Cuối cùng sau khi so sánh giá cả thì họ chọn một nhà nghỉ giá một trăm năm mươi tệ một đêm, là do điều hòa bị hỏng nên được ông chủ giảm giá một chút.
Sau khi mở cửa phòng, cậu cảm thấy phòng cũng tạm ổn, có hai giường và một cái tivi, nhưng có điều diện tích phòng rất nhỏ, hai người ở là vừa đủ, nếu có thêm một người nữa thì chắc đến xoay người sang hướng khác cũng sẽ gặp khó khăn.
Trình Diệu bảo ông nhanh chóng đi đánh răng rửa mặt, tranh thủ nghỉ ngơi sớm một chút.
“Diệu Diệu, con rửa mặt trước đi, ông đi gọi điện thoại cho bạn một chút.” Ông Trình nói xong liền cầm điện thoại ra ngoài.
Băng qua hành lang, ông Trình đi về phía cầu thang, từ túi lấy ra một mảnh giấy đã bị nhàu nát, dưới ánh đèn hành lang, ông lần lượt bấm các con số trên giấy vào điện thoại. Khi bấm xong con số cuối cùng, ông áp điện thoại vào tai thấp thỏm chờ đợi.