Từ Thành là huyện đông dân nhất cả nước, vào năm 2015 đã được chuyển thành thành phố. Khi đó Giang Thành mở khu phát triển mới, đường cao tốc Tây Nam nối đến tận Từ Thành, nhiều công ty bất động sản coi trọng tiềm năng phát triển của nơi này, mua đất xây nhà, gọi là “vườn sau của Giang Thành”.
Gần lối ra cao tốc là công viên rừng lớn nhất Từ Thành, trong công viên có sân bóng và khu vui chơi lớn nhất Từ Thành. Vào dịp Tết, nơi đây đông nghẹt người, còn đông hơn cả ngày hội ở quê, nhưng lúc này lại tối đen như mực. Cố Minh Nguyệt phát hiện cả con đường cũng tối đen, chỉ còn lại đèn sau của xe phía trước sáng.
Cô nghiêng đầu, ngồi dậy: “Mất điện à?”
“Hạn chế điện, ngoài đèn giao thông, tất cả đèn đường đều tắt.” Không biết từ khi nào Cố Kiến Quốc đã tháo kính râm xuống, ông tập trung quan sát xung quanh: “Cả bảng quảng cáo, đèn màu trên các tòa nhà cũng không được phép bật.”
“Tình hình nghiêm trọng thế cơ à?”
“Hết cách rồi, mấy con sông ở Từ Thành đều khô cạn đến thấy đáy, lấy đâu ra nước để phát điện? Ở trong thành phố còn đỡ, ở nông thôn còn thảm hơn. Ông cụ nhà mình bảo mất điện năm ngày rồi, hai con lợn nóng quá chết luôn…”
Ở nông thôn, người ta nuôi hai con lợn để ăn Tết, nuôi vất vả cả nửa năm lại đột nhiên chết, người lớn không chấp nhận nổi, ngồi ở chuồng lợn khóc lóc thảm thương. Cố Kiến Quốc nói: “Vài ngày nữa là ông cụ chín mươi tuổi, chú Kiến Quân cũng về rồi. Con có muốn về quê chơi không?”
Căn bệnh này của con gái cứ ở nhà chỉ càng thêm nghiêm trọng, nông thôn không khí trong lành, có khi ở đó hai ngày sẽ tốt lên.
Cố Minh Nguyệt nhớ đến mấy cây ăn quả mình muốn, đáp: “Được ạ.”
Cố Kiến Quốc vui mừng: “Thế bố bảo chú Kiến Quân. Lần trước bố gặp chú ấy là hồi anh con cưới, thoáng cái mấy năm trôi qua, không biết chú ấy thay đổi ra sao. Hồi nhỏ nhà không có gì ăn, chú ấy dẫn bố đi đào khoai lang nhà người ta, bị bắt quả tang, hai đứa suýt bị đánh chết…”
Nhắc đến chuyện cũ, Cố Kiến Quốc lại phấn khởi. Ăn trộm trong xã hội này là phạm pháp, nhưng thời của ông dường như là chuyện rất phổ biến. Với họ, sống không chết đói đã là một niềm vinh quang.
Nhà Cố Minh Nguyệt ở khu Tây Tân Thành, gần công viên phun nước lớn nhất Từ Thành. Khu dân cư chia thành khu A và khu B, khu A là biệt thự, khu B là chung cư cao tầng. Lúc mua nhà, Cố Minh Nguyệt đề nghị mua biệt thự nhưng Cố Kiến Quốc không đồng ý, nói sống biệt thự không bằng về quê ở, sống cả đời ở nông thôn, ông chỉ muốn ở nhà cao tầng.
Khi chọn tầng, Cố Kiến Quốc chọn tầng cao nhất có sẵn là tầng 25, nói rằng tầm nhìn tốt, ngồi ở ban công có thể thấy cầu kính trên núi và cảnh tự nhiên ở xa.
Họ làm lụng cả đời ở công trường mới mua được một căn nhà, chuyện mua nhà này Cố Minh Nguyệt và Cố Kỳ không tham gia nhiều. Bây giờ nghĩ lại, sống ở tầng cao nhất chính là lợi thế lớn nhất trong mùa mưa lũ.
Mưa lớn ở Lộc Thành ngập đến tận tầng 10, tầng trệt là khu thương mại, cả khu dân cư được nâng cao vài mét, có thể cũng sẽ ngập đến tầng tám, chín.
Khu dân cư gồm năm tòa nhà cao tầng, hai tòa phía trước và ba tòa phía sau. Nhà Cố Minh Nguyệt ở tòa số 5, tòa gần công viên phun nước nhất.
Khu này có thang máy hai hộ một tầng, thang máy nhỏ hơn so với các khu dân cư thông thường, nhưng hành lang rộng đủ để đặt một bàn mạt chược. Lối thoát hiểm khi không có ai kiểm tra thì có thể để xe đẩy trẻ em hoặc xe đẩy tay.
Nhà họ Cố đặt một tủ giày nhỏ di động ở lối đi. Vừa thay dép xong, Cố Minh Nguyệt nghe thấy tiếng cười phát ra từ trong nhà. Cô nhìn sang Cố Kiến Quốc, ông đã đặt ngón tay lên khóa vân tay, mặt không chút biểu cảm nói: “Là cậu cả con đấy.”
Cố Minh Nguyệt bất ngờ.
Cậu cả Tiêu vì bị què nên không thích đi đâu, càng không thích ngủ lại nhà người khác. Lúc Cố Kỳ cưới, dù là cậu ruột, ông chỉ ăn trưa xong rồi vội vã đi ngay, nói còn nửa mẫu khoai lang chưa đào, phải tranh thủ trời đẹp để đào.
Lần sau khi họ chuyển nhà, ông cũng không đến, viện cớ là nhà không thể thiếu người trông gà vịt.
Tiêu Kim Hoa thường nói ông là người lao lực cả đời, quanh quẩn mãi bên mấy mẫu ruộng. Ông lại bảo mình thấy thế cũng tốt, tự tay trồng lương thực để ăn, còn có thể gửi chút cho người thân.
Mỗi năm vào mùa thu, cậu cả đều gửi cho cô mấy chục cân gạo mới.
Gạo mới không mẩy hạt như gạo trong siêu thị nhưng cơm nấu ra lại dẻo thơm và ngậy mùi. Hai người bạn ở Lộc Thành của Cố Minh Nguyệt từng ăn thử thì khen mãi không thôi, rồi cứ nài nỉ cô mua gạo mới giùm.
Cố Minh Nguyệt gọi điện hỏi cậu cả Tiêu, ông bảo nếu họ thích thì ông sẽ gửi thêm một chút, nhưng không bán, vì lúa của nhà để ăn thì ít dùng thuốc trừ sâu, còn lúa trồng để bán thì để đảm bảo sản lượng đã phải phun nhiều loại thuốc trừ sâu, bán cho bạn cô không tốt.
Dì lại mắng ông là đồ nghèo khổ, thời buổi này làng quê chẳng còn mấy người, cỏ mọc rậm, chim muông nhiều, không phun thuốc thì chẳng có mà thu hoạch. Thuốc trừ sâu thì sao? Ít nhất gạo nhà mình không có pha tạp hay ngâm sáp...
Nhưng dù dì có nói khô cả miệng, cậu cả Tiêu vẫn không đồng ý.
Ông nói bạn cô là dân thành phố lớn, không thể để họ coi thường cô được.
Ngoài cửa, Cố Minh Nguyệt gọi một tiếng “Cậu cả”, bước qua cửa vào nhà, thấy cậu cả Tiêu đang ngồi co ro ở gần lối vào, vẫn mặc chiếc áo sơ mi kẻ đen xám mà ông chỉ mặc khi đi thăm họ hàng.
Nghe thấy tiếng khóa mở, ông từ từ quay đầu, nhìn thấy ánh mắt của Cố Minh Nguyệt, đôi mắt đυ.c ngầu và lờ đờ của ông động đậy, khuôn mặt vàng vọt cũng trở nên sống động hơn: “Minh Nguyệt...”
“Cậu cả.”
Cậu cả Tiêu hơi lãng tai, Cố Minh Nguyệt phải lớn tiếng gọi hai lần.
“À~ con về rồi à.” Cậu cả Tiêu đáp lại, giọng to vang, bàn tay nhăn nheo đầy đốm đồi mồi run rẩy chống lên tường để đứng dậy.
Cố Minh Nguyệt tháo khẩu trang ra, vui vẻ bước tới đỡ tay ông: “Sao cậu ngồi ở đây?”
Chiếc ghế thấp không tiện để đứng lên.
“Ngồi đây xem tivi.” Cậu cả Tiêu chỉ vào chiếc điều hòa ở góc tường gần tivi, “Ngồi ghế sofa lạnh quá, cậu già rồi, không chịu nổi…”