- 🏠 Home
- Trọng Sinh
- Thanh Xuân
- Trở Về Năm 1994
- Chương 4: Đi chợ
Trở Về Năm 1994
Chương 4: Đi chợ
Sáng sớm, mặt trời còn chưa nhô lên, trên mặt đất vẫn phủ một tầng sương lạnh. Cả nhà Kiều Anh đã trang bị đầy đủ mọi thứ chuẩn bị xuất phát đi chợ Huyện. Tính ra bây giờ cũng chưa đến năm giờ sáng. Tuy phải dậy sớm nhưng trên mặt bốn người một tia buồn ngủ cũng không có. Ở thời này, việc ngủ sớm dậy sớm đã thành thói quen. Con cú đêm như Kiều Anh, hôm qua cũng thích ứng thói quen này vô cùng tốt đẹp.
Lúc này, cô đang đứng trên thành xe, hai tay bám lên tay lái. Mẹ cô ngồi phía sau hai tay vòng qua người cô cầm tay lái. Đằng sau là một sọt rau xanh các loại. Bên cạnh bố cô cũng giống mẹ cô như vậy chở chị cô cùng một sọt rau. Cả nhà khí thế bừng bừng lao thẳng đến chợ Huyện.
Chợ Huyện cách nhà cô gần năm cây số, bố mẹ cô phải đạp xe mất hơn hai mươi phút mới đến nơi. Từ xa đã nhìn thấy dòng người qua lại tấp nập. Đến gần cổng chợ, bố mẹ cô dừng xe lại dỡ xuống hai sọt rau.
"Hai đứa ở ngoài này trông đồ, không được chạy loạn biết không?" Mẹ cô dặn dò.
"Con biết rồi mẹ!" Hai chị em cô đồng thanh trả lời. Thấy vậy, bố mẹ cô mới mang xe đi gửi. Không đến năm phút bố mẹ cô đã trở lại. Lúc này cả nhà cô mới đi vào trong chợ.
Chợ Huyện kiến trúc đơn giản, chia làm ba khu bán hàng. Một khu chuyên bán quần áo giày dép những vật dụng hàng ngày. Một khu dành cho thực phẩm tươi sống thịt cá và rau dưa. Còn cuối cùng một khu là chuyên bán thức ăn sáng và quà vặt.
Cả nhà cô tiến thẳng đến khu thứ hai, nơi đây đang là giờ cao điểm, người bán kẻ mua rất là nhộn nhịp. Bố mẹ cô tìm chỗ không có người bày hàng rồi để sọt rau xuống. Sau đó không có sau đó, bố mẹ cô cứ đứng như vậy chờ khách đến mua. Kiều Anh há hốc mồm ngạc nhiên hỏi bố mẹ cô: "Cứ như vậy cũng bán được hàng ạ?"
Bố mẹ cô gật đầu: "Đúng vậy. Chờ đến khách hỏi mua là được." Lại hai người khách đi qua, bố mẹ cô vẫn vững như thái sơn không hề nhúc nhích mời chào. Kiều Anh nhìn biểu hiện của hai người bắt đầu tự hỏi: "Hay đây phương thức bán hàng ở thời đại này?"
Cô bắt đầu quan sát những người xung quanh, phát hiện thật đúng là không ít người đều "ôm cây đợi thỏ" như bố mẹ cô. Cô đề ra nghi vấn: "Những lần trước bố mẹ có hết hàng không?"
Bố mẹ cô không được tự tin lắm trả lời: "Còn thừa một ít mang về." Nói xong ông bà lại bắt đầu phát sầu nhìn hai sọt rau. Sáng nay hai người hái nhiều quá. Không biết chút nữa bán hết không?
Kiều Anh thở dài, bắt đầu hướng dẫn từng bước bố mẹ cô cách bán hàng: "Bố mẹ có nhìn thấy đằng trước người ta bán hàng không?" Bố mẹ cô theo nhìn về phía trước mặt, ở đó có quầy hàng rất đông người vây xung quanh.
"Bố mẹ có thấy bên đó người ta bán được nhiều hàng không ạ?" Kiều Anh tiếp tục dẫn dắt.
Bố mẹ cô gật đầu liên tục còn rất hâm mộ nói: "Bọn họ bán sắp hết rồi. Nhìn rau của họ còn bằng nhà mình đâu!"
Kiều Anh mỉm cười nhìn sự chất phát của bố mẹ. Cô không lòng vòng nữa trực tiếp đề nghị: "Bố mẹ học theo bọn họ dao hàng là được."
Nhìn hàng đối diện gào to đến khản cả tiếng, bố mẹ cô lắp bắp không biết trả lời sao. Hai người cũng biết làm như vậy bán hàng sẽ nhanh hơn. Nhưng mà gào to giữa chốn đông người, hai vợ chồng cảm thấy rất ngại ngùng. Thấy bố mẹ mình giả chết không chịu trả lời, Kiều Anh cũng không ép buộc bố mẹ.
Tư tưởng ở nông thôn thời này thường là rất bảo thủ. Họ đã quen với việc tự cung tự cấp, cuộc sống thường ngày chỉ vây quanh với lũy tre làng. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đó, bố mẹ cô không thể dùng mấy câu nói mà thay đổi được. Cô sẽ dùng hành động để thuyết phục họ. Thấy có nhóm người đi qua Kiều Anh vội gào lên:
"Ai mua rau đi. Rau vừa hái vừa tươi vừa non nào!" Kiều Anh vừa gào vừa lấy rau từ trong sọt ra bày bên ngoài. Tiếng gào của Kiều Anh không lớn nhưng giọng trẻ con rất đặc biệt. Có mấy người dừng chân quay lại xem, thấy một nhà bán rau. Điều ngạc nhiên là người dao hàng lại là đứa bé nhỏ tuổi nhất.
"Rau này bán như thế nào?" Có người lại gần hỏi. Bố mẹ Kiều Anh thấy cô chỉ gào như vậy đã có người hỏi mua, kinh ngạc vô cùng còn chưa kịp trả lời thì đã nghe con họ dõng dạc nói: "Tất cả các loại rau ở đây đều bán hai trăm đồng một mớ. Bác muốn mua mấy mớ ạ?"
Bố mẹ Kiều Anh giật mình, rõ ràng sáng nay lúc cô hỏi giá họ đã báo cho biết giá rồi cơ mà. Sao cô lại báo giá gấp đôi. Chẳng là, sáng nay trên đường đi Kiều Anh đã hỏi bố mẹ cô giá bán rau. Nghe xong, cô còn là hỗn độn trong gió một lúc mới phục hồi tinh thần lại. Mớ rau mới có một trăm đồng. Ở hiện đại, mệnh giá này đã không lưu hành từ lâu rồi. Thế mới thấy tiền ở thời điểm này giá trị thế nào.
"Đắt vậy! Một trăm đồng một mớ rau cháu bán không?" Người khách kia kiên trì trả giá. Kiều Anh không chút hoang mang nói: "Không được đâu bác ơi! Rau nhà cháu sáng nay mới hái xuống vẫn còn tươi lắm. Bố mẹ cháu toàn chọn ngọn non để hái thôi. Bác xem mớ rau to hơn mớ rau nhà khác nhiều." Vừa nói Kiều Anh vừa đưa mớ rau cho người khách xem xét. Thấy mớ rau giống như lời Kiều Anh giới thiệu người khách lại chần chừ lại không muốn mua với giá cao.
Lúc này, Kiều Anh mới lại nói tiếp: "Như thế này được không bác, nếu bác mua hai mớ rau cháu bán cho bác ba trăm đồng. Coi như bác mở hàng cho nhà cháu thế nào ạ?"
Người khách định mua lại nhớ ra từ nãy giờ nói chuyện toàn là bé con này, sợ giá này hai người lớn không đồng ý, mới thử hỏi: "Giá này bố mẹ cháu có đồng ý không?"
Bố mẹ cô xem toàn bộ quá trình, giá cao hơn so với bọn họ mong muốn nhưng ai lại ngại tiền nhiều. Hai người vội vàng gật đầu. Người khách lúc này mới hài lòng, tỏ vẻ muốn mua hai mớ rau. Đưa rau, thu tiền cả người bán và người mua đều vui vẻ kết thúc giao dịch này.
Khách hàng vừa đi, Kiều Anh quay sang nhìn bố mẹ nói: "Chỉ đơn giản thế này thôi! Cũng không khó lắm đúng không ạ?"
Bố mẹ cô gật đầu nhưng ông bà vẫn có điều không hiểu: "Lúc trước nói giá bán một trăm, sao con lại tăng lên gấp đôi. Nhỡ người ta nghe xong bỏ đi thì sao?"
Kiều Anh biết bố mẹ cô là người thành thật, nên cô rất kiên nhẫn giải thích: "Người ta mua hàng đều cảm giác giá mình mua là đắt. Con báo giá cao, họ sẽ trả giá. Con sẽ thuận lợi giảm đến giá con quy định ngay từ đầu. Người mua thấy giá giảm, được thỏa mãn quá trình mua bán. Thế có phải là tốt hơn không?"
Cái này thì bố mẹ cô hiểu, nhưng lúc này ông bà lại bất ngờ phát hiện, con gái mới sáu tuổi sao biết những thứ này vội hỏi: "Con học cách này từ đâu?"
Nói ra nhiều như vậy Kiều Anh đã nghĩ sẵn lý do rồi, cô nói: "Con xem ông bán hàng rong đều dùng cách này bán hàng. Con thử dùng xem sao thế nhưng cũng có hiệu quả!" Bố mẹ cô tiêu tan nghi ngờ, cả nhà xúm lại phân công nhau hành động, Kiều Anh vẫn phải làm loa, không làm không được bố mẹ và chị gái cô vẫn chưa đạt cảnh giới mặt dày như cô. Mặc cả giá giao cho mẹ cô. Bố cô và chị cô phụ trách đưa rau và lấy tiền. Phân công rõ ràng mọi người làm việc đâu vào đấy, không mấy chốc mà bán không ít hàng. Mấy hàng bên cạnh thấy vậy cũng học theo, khu bán thực phẩm rau xanh náo nhiệt vô cùng.
Đến khi mặt trời lộ ra, Kiều Anh đoán tầm hơn sáu giờ nhà cô đã bán hết hàng. Bố cô chồng hai sọt không lại ôm đi trước, ba mẹ con cô theo sau. Cả nhà dậy sớm chưa ăn sáng, bố cô hỏi chị em cô ăn gì rồi vào quán bánh cuốn gần đó ăn. Trong lúc ăn, mẹ cô nhỏ giọng nói số tiền hôm nay kiếm được cho bố cô nghe. Nhà cô mang đi bảy mươi mớ rau các loại bán được mười hai nghìn đồng, nhiều ra một nghìn năm trăm đồng là những người mua không trả giá. Kiều Anh cảm khái: "Thời đại nào cũng có người ngốc nghếch lắm tiền!"
Sau khi ăn uống no đủ, cả nhà đi đến hàng thịt mua hai cân mỡ lợn và một cân thịt ba chỉ. Đi qua cửa hàng văn phòng phẩm mua thêm một ít giấy bút. Xong xuôi hết mọi việc, cả nhà cô đi lấy xe về nhà.
Đến đây, hành trình đi chợ hoàn mỹ kết thúc.
- 🏠 Home
- Trọng Sinh
- Thanh Xuân
- Trở Về Năm 1994
- Chương 4: Đi chợ