Chương 51: Mới biết mùi vị nỗi buồn (5)

Dịch: Vivian Nhinhi

Truyện hay lắm. Cơ mà dịch rất cực, vì nhiều cổ văn, nhiều điển tích, điển cố.

Bạn nào yêu thích truyện, nhớ ủng hộ nhé.

Ngày hôm đó, Dận Chân trốn học, hắn kiếm bừa một cái cớ xin sư phụ cho nghỉ rồi chạy thẳng tới chỗ của Đới Đạc, rủ lão đánh mấy ván, tiện thể thỉnh giáo một phen. Đới Đạc là một kỳ thủ giỏi, mà Khang Hi cũng cực kì chú trọng vào khả năng đánh cờ vây của các a ca hoàng tộc. Không may, Dận Chân không giỏi món này, kể cả đối thủ có nhường cũng sẽ thua ít nhất năm quân. Vì thế, Dận Chân bị thái tử với hai vị ca ca chế giễu bao nhiêu lần rồi, hắn nghẹn một bụng tức, chỉ muốn học lỏm chỗ Đới Đạc mấy chiêu để sau này đánh bất ngờ cho mấy vị kia trở tay không kịp, cũng không dám cười mình nữa.

Nào ngờ, vừa bắt đầu ngồi vào bàn cờ thì Niên Canh Nghiêu đã tất tả chạy vào phòng, thấy Dận Chân ở đây thì hơi sửng sốt, vội vàng quỳ xuống thỉnh an. Niên Canh Nghiêu là khách quen của phủ Đới Đạc, quen đến mức kẻ dưới nhìn thấy cũng chẳng buồn bẩm báo, mặc hắn đi thẳng vào nhà như thế.

Dận Chân liếc mắt nhìn Niên Canh Nghiêu vừa đứng dậy, tức giận nói: "Thỉnh an cái gì? Cái tên Niên Canh Nghiêu nhà anh, mới sáng sớm đã quấy rầy cái sự “an” củaTứ gia ta rồi. Hớt hơ hớt hải là có chuyện gì thế? Tốt xấu gì nhà anh cũng là môn sinh của thánh thượng, sao chẳng có tí hàm dưỡng nào thế hả?”

Niên Canh Nghiêu cũng cười và đáp: "Nô tài nào biết chủ tử cũng ở đây đâu, phụ thân của nô tài bảo nô tài sang năm thử thi Hương xem, mà nô tài còn một đề thi làm không tốt lắm, định đến quấy rầy Đới tiên sinh để thính giáo một hai. Có điều, trên đường đến đây nô tài có nhặt được một người, rất sốt ruột, mới vội vã chạy lại đây xin Đới tiên sinh chỉ dạy cho. Đi lại vội vàng, va chạm chủ tử, xin chủ tử thứ tội ạ!”

Dận Chân hỏi: "Hử, có tiền đồ nhỉ, còn nhặt được người giữa đường nữa cơ à. Nhà anh thử kể xem nào!”

Niên Canh Nghiêu nói: "Trên đường nô tài đến nhà Đới tiên sinh có nhìn thấy một người từ phía xa, tóc tai rối bời, quần rách áo manh, trông rất là chán chường đứng bên bờ sông Đồng Tử (1), vừa nhìn đã biết hắn đang nghĩ quẩn. Trời thì lạnh như vậy, đứng ở chỗ đó còn có thể làm gì nữa. Vì thế nô tài mới bảo Niên Lục lặng lẽ theo sau, quả nhiên, mới quay đi cái người kia đã nhảy xuống rồi, cũng may Niên Lục chạy tới kịp thời, vớt lên ngay được. Lại hỏi han một lúc thì phát hiện một chuyện rất thú vị, vì thế nô tài mới dẫn đến chỗ Đới tiên sinh hỏi xem giờ phải làm sao.”

Dận Chân cười nói: "Xem ra nhà anh không chỉ giỏi đọc sách thánh hiền, mà giờ còn học được cái thói úp úp mở mở với chủ tử nhà anh rồi nhỉ. Đã nói đến đây rồi, không thể không có đoạn sau, mau kể hết đầu đuôi mọi chuyện cho chủ tử nhà anh ngay, không thì để xem ta phạt nhà anh thế nào!”

Niên Canh Nghiêu suy cho cùng vẫn còn mang tâm tính thiếu niên, nghe thấy thế lập tức hưng phấn kể lại: “Chủ tử, sau khi cứu được người kia lên, Niên Lục với hắn ta đều lạnh cóng đến run như cầy sấy rồi. Nô tài thấy thế, đột nhiên lại nhớ đến cảnh chủ tử cứu Đới tiến sinh hồi trước, vì thế nô tài dẫn hai người ho đến một cái khách sạn nhỏ, cho ông chủ đi tiệm may mua hai bộ quần áo cho bọn họ thay, xong lại rót cho hai bình rượu đế mới hồi lại.”

Đới Đạc lúc này cũng cười bảo: “Chẳng trách chủ tử nói cậu, cậu đúng là cà kê, bình thường trông cậu cũng có vẻ trầm ổn, sao nói một hồi vẫn chưa vào trọng điểm thế. Mau nói vào chủ đề chính đi!”

Niên Canh Nghiêu nhếch miệng cười một tiếng rồi kể tiếp: “Hỏi han một hồi mới vỡ lẽ, vị này hóa ra lại người trong họ của Đới tiên sinh ngày, cũng tính là đồng liêu của gia phụ, hiện tại đang giữ hàm Thị giảng học sĩ (2). Có điều, gần đây hắn vừa bị kiện cáo oan uổng, giờ đang bị cách chức điều tra, nhất thời nghĩ quẩn mới nhảy sông.”

“Hả?” Dận Chân nghe đến đó, không khỏi quan tâm, hỏi tiếp: “Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?”

Niên Canh Nghiêu bảo: “Hay để nô tài đưa vị Đới tiên sinh kia dẫn tới cho chủ tử ngài hỏi nhé. Nô tài bảo hắn đợi ở chỗ thủ vệ gác cổng rồi.”

Dận Chân gật đầu, chỉ chốc lát sau, Niên Canh Nghiêu đã dẫn một người tuổi ngoài ba mươi rảo bước đi vào. Người kia quả nhiên giống như lời Niên Canh Nghiêu mô tả, mặc dù mặt mũi thanh tú, hai mày lại luôn nhíu chặt, sắc mặt u ám, đuôi sam cũng rối bời, râu ria lởm chởm, trông rất là thất vọng chán chường. Người này mặc một quần áo vải bông màu xám tro, chân đi đôi giày đế cứng có thể “đá chết trâu”, cách ăn mặc này nói sang không sang, hèn cũng chẳng hèn, cực kì giống một vị kế toán cửa hàng. Dận Chân thấy hơi buồn cười, ngầm hiểu đây là Niên Canh Nghiêu nhờ người chạy ra hiệu may làm vội. Chẳng qua, người ôm một bụng thi thư văn khí cũng sẽ ảnh hưởng đến tướng mạo, nhìn thế nào cũng sẽ biết đây là một người đọc sách.

Đi đến trước mặt Dận Chân, người kia vội giũ áo quỳ rạp xuống đất thưa: “Tội thần Đới Tử thỉnh ảnh Tứ a ca.” Dận Chân lục lọi trong đầu một hồi, thực sự không nhớ ra một nhân vật thế này, vì thế chỉ nhấc tay ra hiệu rồi lên tiếng: “Canh Nghiêu vừa rồi có kể, tiên sinh chịu liên lụy. Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, tiên sinh có thể kể cho ta được không?”

Đới Tử nghe thấy vậy giống như chạm trúng mạch tâm sự, còn chưa kịp mở miệng thì nước mắt đã ứa ra nơi khóe mắt. Dận Chân không khỏi nghĩ thầm: “Sao lại lề mề chậm chạp thế nhỉ, nam tử hán đại trượng phu, chảy máu thôi chứ sao lại đổ lệ thế này?” Nhưng hắn lại nghĩ lại: “Mấy vị văn nhân này, phong hoa tuyết nguyệt nhiều, cũng khó trách, có khi phải chịu ấm ức gì to lắm thì sao.” Vì vậy, Dận Chân lập tức lên tiếng an ủi: “Đới tiên sinh, đừng ngại, cứ từ từ nói cho ta nghe là được. Nếu thật sự có oan uổng, kể cả bản thân Dận Chân hiện giờ chưa thể giúp được tiên sinh, nhưng chuyển lời đến chỗ những người có thể giúp tiên sinh thì vẫn làm được.”

Nghe thấy thế, Đới Đạc vội vàng dùng mắt ra hiệu với Dận Chân, ám chỉ hắn đừng có nói quá vẹn toàn, tránh rước thêm phiền phức sau này. Dận Chân thực ra cũng nhìn thấy Đới Đạc ra hiệu, nhưng lời đã nói ra khỏi miệng rồi, rút lại sao được? Hắn chỉ còn cách giả bộ không thấy.

Đới Tử nghe Dận Chân nói thế thì chậm rãi bình tĩnh lại: “Tứ a ca chớ gọi tội thần là tiên sinh. Tội thần nào xứng? Tội thần đắc tội với hai vị đại nhân là Nam Hoài Nhân và Trần Hoằng Huân mà bị cách chức, trước mắt đang ở nhà chờ xử lý. Nghe một vị bằng hữu trong Hình Bộ của tội thần nói, có khả năng bị định tội “Lưu vong phụng thiên” nên tội thần mới nhất thời nghĩ quẩn, định nhảy sông.

Dận Chân giật nảy cả mình, thốt lên: “Sao ông lại đắc tội Nam Hoài Nhân? Với cả, mấy tháng trước lão qua đời rồi còn gì?”

Đới Tử đáp: “Mặc dù ông ta đã qua đời, nhưng lại dâng cho cho hoàng thượng một bản di tấu, trong đó hạch tội tội thần cấu kết với Đông Doanh. Tội thần oan uổng mà, tội thần cho tới bây giờ cũng chưa kết giao với bất cứ một người Đông Doanh nào, sao có chuyện cấu kết chứ?”

Dận Chân nhíu chặt lông mày, bảo hắn: “Việc này nghe có vẻ phức tạp. Nam Hoài Nhân rất được thánh quyến, sau khi chết rồi cũng được vinh sủng cực kì. Tội mà ông ta tố cáo ông là đại tội đấy. Ông ngồi xuống đây, kể cho kỹ càng vào, đợi bọn ta hiểu tượng tận mọi sự rồi lại tính tiếp.”

Đới Tử cảm tạ ngồi xuống, bắt đầu nhỏ giọng tự thuật. Đới Tử, tự là Văn Khai, nguyên quán ở Tiền Đường. Cha là Đới Thương, từng nhậm chức giám quân cuối thời Minh, am hiểu chế tạo đồ quân giới, cũng là họa sĩ nổi tiếng đương thời. Đới Tử từ nhỏ đã thông minh hiếu học, cực kì thích đọc sách, sách gì cũng đọc, thích nhất là sách nhà binh. Theo như lời của ông ta, thì là người có lòng trị nước cứu đời, tất cả các sách viết về thiên văn chiêm tinh, toán học, chiến trận, sông ngòi thủy lợi, không có thể loại nào ông ta chưa từng đọc qua (3).

Nói đến đây, Đới Đạc mới xen mồm: “Đới Tử Tiền Đường, trước kia nô tài cũng từng nghe danh, hắn được xưng là thần đồng, nghe đâu mười một tuổi từng viết ra câu: “Hữu năng khuông xã tắc, vô kế thối cơ hàn”(4). Tài văn chương cao xa, được giới sĩ lâm của Giang Nam ca tụng từ lâu. Thơ của Đới tiên sinh rất đanh thép, hội họa lại có sở trường độc đáo, học hỏi rất nhiều danh gia, thư pháp có cái thần vận của cả Đổng Kỳ Xương (5) và Mễ Phất (6). Còn tinh thông âm luật, từng tham gia biên tập chỉnh lý “Luật Lữ Chính Nghĩa” (7). Hơn nữa, điều càng hiếm có là hắn còn có nghiên cứu khá sâu sắc về trị thủy, trước kia tổng đốc đường sông Vu Thành Long đã từng căn cứ vào “Mười kế sách trị hà” của hắn mà tu sửa, trị thủy ở Hoàng Hà, có hiệu quả đặc biệt rõ rệt. Mặt khác, nô tài còn nghe nói hắn tinh thông thiên văn, tinh thông tính toán, là một vị học rộng tài cao hiếm thấy. Vì vậy, Đới Đạc rất bái phục, chỉ nghe nói Đới tiên sinh có công được vời vào triều làm quan nên đành chịu không may mắn có cơ hội gặp mặt. Chẳng ngờ hôm nay lại được gặp gỡ ở đây.”

Dận Chân cười một tiếng rồi bảo: “Thì ra Đới tiên sinh quả nhiên không phải người phàm!”

=======

Chú giải của dịch giả

(1): Sông Đồng Tử: là một con sông ở Bắc Kinh

(2): Thị giảng học sĩ: lập thời Hán, là chức Sai khiển phụ trách việc giải thích, bình luận, chú thích các văn thơ ca chế biểu. Chức Hàn lâm Thị giảng học sĩ là chức cao quý hơn Hàn lâm Thị giảng hoặc Thị giảng tại triều đình.

(3): Nguyên văn câu này là “抱经世大略,凡象纬、句股、战阵、河渠之学,靡不究悉”( bão kinh thế đại lược, phàm tượng vĩ, cú cổ, chiến trận, hà cừ chi học, mỹ bất cứu tất), thực chất là một câu cổ văn mà người đương thời ca ngợi Đới Tử. Dịch giả diễn xuôi lại cho dễ đọc.

(4) Câu này nghĩa là “có tài năng và hoài bão cống hiễn sức lực cho đất nước, nhưng lại không giải quyết được vấn đề kế sinh nhai trước mắt”. Câu này phản ánh nỗi buồn vì dân sinh khổ sở lầm than, không cách nào báo đáp quốc gia xã tắc của tác giả.

(5) Đổng Kỳ Xương: (1555-1636), tự Huyền Tể, hiệu Tư Bạch, Tư Ông, biệt hiệu Hương Quang cư sĩ, người huyện Hoa Đình Trực Lệ, nay là Tùng Giang Thượng Hải. Thư Họa gia nổi tiếng đời Minh, làm quan đến Lễ bộ Thượng thư.

(6): Mễ Phất (1051-1107), tự là Nguyên Chương, hiệu Tương Dương mạn sĩ, Hải nhạc ngoại sử, là người Tương Dương, Hồ Bắc. Người đời gọi ông là Mễ Tương Dương. Với tính cách kì quái, cử chỉ điên khùng, tự xưng là “huynh“ người đời mới gọi ông là “Mễ Điên“. Mễ Phất cùng Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Thái Tương xưng danh là “Tứ đại thư gia” thời Tống, là những người giỏi nhiều thể loại thư pháp khác nhau như Khải thư, Hành thư, Thảo thư, Triện thư, Lệ thư.

(7) Luật Lữ Chính Nghĩa: Là bộ sách chuyên khoa về âm nhạc do Khang Hi hạ chỉ biên soạn, gồm 120 quyển, sau này vẫn tiếp tục sửa đổi bổ sung đến năm Càn Long thứ 11 mới hoàn thành, có ghi chép về nhạc lý, âm nhạc, nhạc cụ… của tất cả dân tộc Mãn, Tàng, Duy Ngô Nhĩ, Mông Cổ, Triều Tiên thời bấy giờ, cực kì có giá trị tham khảo