Chương 39: Giúp đỡ

“Chú thím.” Tô Thanh Ngọc lễ phép chào hỏi.

Suy cho cùng cũng là bậc con cháu, phải chừa lối thoát cho họ chứ.

Trần Ái Lan cũng không phải dạng vừa, người phụ nữ có thể làm chủ gia đình cũng phải có chút tài trí. Có lối thoát rồi, bà ta cũng thuận theo mà đi, bà ta cười gật đầu: “Trưa nay cháu về nhà ăn cơm nhé.”

Tô Thanh Ngọc đáp: “Hai hôm nay bận lắm, để cháu ăn ở điểm thanh niên trí thức cho tiện, đợi chuyển về nhà rồi, cháu sẽ không khách sáo với thím nữa đâu.”

Trần Ái Lan trả lời: “Vậy cũng được. Khi nào chuyển thì nói một tiếng để các anh còn giúp cho.”

“Vâng ạ.”

Các xã viên của đại đội Tô Gia Đồn: “...”

Không hề cãi nhau ầm ĩ, còn mời người ta về nhà ăn cơm. Vợ Tô Hữu Tài thay đổi rồi!

Một số người nhớ lại trận đòn hôm qua, cũng ghê gớm thật, cứ như đánh xong một trận là đổi luôn con người ấy. Lẽ nào đứa con bất hiếu này bị đánh một trận là trở nên có hiếu ngay ư? Rất nhiều người tò mò, thậm chí có người còn nghĩ hay là học theo...

Sáng nay vẫn cắt lúa mì, nhưng Tô Thanh Ngọc đã quen rồi, tự mình kiểm soát tốt hiệu suất, cũng không hề khó chịu.

Ngược lại Cao Hiểu Hoa và Chu Lâm bị xếp từ cắt cỏ qua bên thu hoạch lúa mì, vì là lần đầu tiên làm nên rất lóng ngóng. Thậm chí Chu Lâm còn bị đứt tay rồi ngồi khóc trên đồng. Các nữ thanh niên trí thức giúp băng ngón tay rồi an ủi cô ta, cô ta càng khóc thảm thiết hơn.

Từ Lệ vẫn ở bên kia la lên: “Khóc cái gì, có gì đâu mà phải khóc, ai mà chưa từng bị như vậy chứ.”

Các cô gái khác không nói gì, dù sao đó cũng là sự thật, sớm muộn sẽ quen với cuộc sống như này thôi. Nhưng vì ngón tay chảy máu nên Lý Phương đã cho phép cô ta lên bờ ngồi nghỉ.

Từ Lệ nói: “Đây là hại cô ta. Sớm muộn gì cũng phải quen mà, không thể cứ nghỉ như vậy được.”

Tô Thanh Ngọc cười đáp: “Không sao đâu, sau này còn làm việc khác nữa mà.”

“Em tìm việc khác cho nó nhé?” Từ Lệ tức giận nói móc.

Tô Thanh Ngọc cười: “Vâng, em tìm là được chứ gì.”

Lý Phương khuyên nhủ: “Được rồi Từ Lệ, mới tới hai hôm thôi, không cần yêu cầu cao như vậy.”

Từ Lệ xem như nể cô ta, không đôi co nữa rồi xoay người làm tiếp. Cô ta ngứa mắt với những người yểu điệu không biết làm gì, chỉ muốn làm trò ngược đời[1], làm mất mặt các phần tử trí thức.

[[1] 旁门左道: Chỉ những thứ không chính phái; tà đạo.]

Chu Lâm đứng trên bờ cảm động không thôi, cảm thấy Tô Thanh Ngọc là người nói được làm được, nói giúp cô ta thì thật sự sẽ giúp cô ta.

Sau khi làm xong công việc buổi sáng, Tô Thanh Ngọc và Lý Phương đi sau cùng. Lý Phương còn tưởng Tô Thanh Ngọc muốn giúp mình gặp đại đội trưởng để nói đỡ, kết quả Tô Thanh Ngọc lại thầm thì với cô ta: “Chị à, em mới tới, em cũng chẳng giúp được gì khác, nhưng chỗ em còn một ít kẹo với vải may, chị đem đưa cho vợ của đội trưởng đi, chuyện này sẽ đơn giản hơn đấy.”

Lần đầu tiên Lý Phương làm chuyện này, căng thẳng đáp: “Như này, như này không hay lắm đâu, với lại đó là đồ của em mà.”

“Đồ của ai cũng như nhau thôi, sau này chị dư dả rồi thì trả lại em cũng được. Cơ hội nhà cửa không nhiều. Nhỡ bị người ta giành mất thì sao. Không thể chậm trễ chuyện kết hôn được đúng không? Em vốn định sẽ đi nói gì đó, nhưng em nghĩ, trong đội có biết bao nhiêu người, chắc chắn sẽ không có chuyện nói là xong, chi bằng cứ tặng đồ thì thực tế hơn.”

Bao nhiêu năm nay, Lý Phương chưa từng gặp thanh niên trí thức nào thực tế như Tô Thanh Ngọc.

Bản thân cô ta thì thật thà giúp đỡ người khác, tất nhiên cũng chỉ là giúp đỡ mà thôi, ở nhiều phương diện khác thì đành chịu. Các thanh niên trí thức khác cũng đều xa cách nhau. Đặc biệt là thỉnh thoảng sẽ có tin tức về danh ngạch người về lại thành phố, mọi người càng dè chừng nhau.

“Thanh Ngọc, chị thật sự không biết phải cảm ơn em thế nào nữa.”

Tô Thanh Ngọc cười đáp: “Nếu việc này thành công, em cũng có chuyện muốn nhờ chị.”

“Chuyện gì mà phải đợi xong mới nói, không xong cũng cứ nói đi.”

Tô Thanh Ngọc tự tin nói: “Em muốn làm tổ trưởng tổ thanh niên trí thức.”

“Hả?” Lý Phương nhìn cô: “Em nói thật không? Đây không phải chuyện gì hay đâu. Em cũng thấy Từ Lệ với Thẩm Mộng rồi đó, trừ bọn họ, những người khác thỉnh thoảng cũng có mâu thuẫn, đều cần phải hòa giải, tốn công mà chẳng có kết quả gì. Ngoài ra bình thường còn phải làm những việc cực khổ nhất để làm gương. Biết bao nhiêu nữ thanh niên trí thức cũng chỉ có mỗi Từ Lệ chịu làm thôi. Con người em ấy cũng cứng rắn. Nhìn em không có vẻ cứng rắn lắm, sao lại muốn làm cái này?”

“Chị, để em nói rõ với chị vậy, em đến đây vì thật sự muốn làm nên chuyện. Thanh niên trí thức bọn mình về nông thôn là vì xây dựng nông thôn, chúng ta nên làm những việc mình giỏi hơn, chứ không phải chỉ mỗi làm đồng với mọi người. Đây không phải là giúp đỡ, mà là gây cản trở. Nếu em làm tổ trưởng rồi, em sẽ cố gắng thay đổi hiện trạng của thanh niên trí thức.”