Cát Tường và đám du côn không biết từ bao giờ trở nên thân thiết đến mức có thể đứng túm tụm cùng một chỗ, tất cả bọn họ đều nép qua một bên nhìn lén về phía bờ kênh. Nơi đó có một người đàn ông ăn mặc sang quý, khôi ngô tuấn tú nổi bật hơn người đang đứng cùng một cô gái tóc nâu mặc váy áo phương tây đơn giản, hai người họ đứng dưới cành liễu rũ bên dòng nước, khung cảnh đẹp hơn tranh vẽ.
Gã cầm đầu nói nhỏ: “Mẹ Tây Thi, lai lịch cô gái tóc nâu kia không vừa đâu, ngươi thân với cô ta thế nào cũng mang họa. Người xưa hay nói gần quan như gần cọp đó.”
Cát Tường lườm hắn: “Không thân với An Nhiên chẳng lẽ nên thân với ngươi, người ta nói gần vua như gần cọp nhé ông nội.”
Gã gãi đầu: “Mợ nó, vua hay quan thì cũng đều là bề trên, người như chúng ta với không tới.”
Mấy tên đàn em nghe lão đại xổ nho chùm, xấu hổ gãi đầu không dám lên tiếng.
Cát Tường nghe không lọt tai lời gã nói: “Ngươi mới mang họa.”
Gã cầm đầu nhíu bộ mày rậm, chủ quán sữa đậu này càng ngày càng không coi gã ra gì. Lúc trước mỗi lần gặp quả phụ này lúc nào cũng là vẻ mặt là nơm nớp lo sợ, giữa đôi mày luôn mang theo hãi hùng nhìn gã, cho nên gã luôn mang tâm lý muốn ức hϊếp người quả phụ này. Hiện tại cô ngày càng ngẩng cao đầu, cũng dám nói xách mé gã, nhưng mà càng cứng thì gã càng ưng. Hôm nay thấy chủ quán một thân áo vải tím xinh đẹp, có chút da chút thịt, đầu mày cuối mắt đều vui vẻ, không còn u sầu ủ dột như xưa. Vậy là gã không chủ đích nhìn nhiều thêm một chút.
An Nhiên tiếp chuyện với Đông Cung, hơi bất ngờ vì ngài muốn mang cô về cung, An Nhiên khéo léo lịch sự từ chối.
Đông Cung cảm thấy có lỗi vì đã không thể giúp khi cô rơi xuống biển, mà các lão thần theo hầu chàng đều nói không có ai trong bọn họ đẩy An Nhiên xuống biển.
An Nhiên có chút ngoài ý muốn, cô vẫn đinh ninh có người trên lâu thuyền của Đông Cung đã đẩy cô xuống biển. Lúc đó hai ông hoàng đánh nhau kịch liệt, người vây xem cũng nhiều không kể xiết, ngay cả bản thân An Nhiên cũng không rõ ai đã đẩy cô xuống biển. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cô có hiềm khích khá lớn với nhóm quan lại phò tá Đông Cung, nếu là người nào đó trong bọn họ làm chuyện này thì cô cũng không ngạc nhiên. Nhưng mà nói không phải họ, đúng là chuyện khó có thể tưởng tượng được.
Dù sao thì chuyện cũng đã qua, hiện tại cũng đã an toàn nên An Nhiên chẳng muốn truy cứu nữa. Cô muốn tạm biệt Đông Cung rồi quay lại quán nhỏ, nhưng ngài kiên quyết muốn mời cô đi ăn trưa, nói văn vẻ là để bù đắp chuyện xảy ra ở trên lâu thuyền lúc trước. An Nhiên ngại rằng nếu cứ từ chối mãi thì có vẻ phách lối, bèn đồng ý đi cùng ngài.
Đám du côn và Cát Tường thấy An Nhiên quay lại đều tản ra, người nên trông quán thì trông quán, người nên ăn uống thì ăn uống, giống như chưa có gì xảy ra. Lúc An Nhiên trở lại, mấy tên đàn em đều cúi đầu gọi: “An tiểu thư.” Vô cùng kính trọng, giống như cô là tiểu thư con nhà quan vậy.
Cô trở lại quán để báo với Cát Tường một tiếng, sau đó đi theo Đông Cung đến quán ăn đặc biệt nổi tiếng ở Nam Đô.
Đông Cung ồ một tiếng, có lẽ ngài suy nghĩ quá nhiều rồi. Ngài cảm thấy có lỗi bèn cầm ly rượu vang lên, nói ‘mừng gặp lại’ rồi nâng ly với An Nhiên, cô cũng nâng ly rồi uống một ngụm rượu vang, lúc đầu rượu uống vào hơi chát sau đó mới cảm nhận được hương trái cây và vị ngọt ở phía sau.
Đông Cung nói đây là rượu bồ đào mà ngài thích nhất. Tuy cô không am hiểu về rượu vang nhưng cảm thấy rượu này đúng là không tệ, cô còn cảm thấy thú vị về việc người ở thời này vẫn gọi rượu vang là rượu bồ đào.
Món tráng miệng đơn giản chỉ có dâu tây xắt lát và kem tươi đánh bông, cho vào ly thủy tinh mỗi một lớp kem sẽ có một ít mứt dâu và dâu tây xen kẽ đến khi ngập đến miệng ly, trên cùng được trang trí dâu tây cắt lát. Món ăn đơn giản nhưng vô cùng ngon miệng, đã lâu không được ăn kem tươi và dâu tây nên An Nhiên ăn đến vui vẻ.
Một món tráng miệng đơn giản cũng có thể làm cô vui sướиɠ đến đôi mắt đều cong lên, Đông Cung cảm thấy trong lòng rung động, thậm chí có cả ý nghĩ mặc kệ cô có phải do thám của người Anh hay không thì ngài vẫn muốn giữ cô lại bên mình.
Bữa ăn kết thúc trong không khí vui vẻ, chủ và khách đều hài lòng. Đông Cung trước tiên đưa An Nhiên về quán nhỏ sau đó mới lưu luyến không rời trở về cung.
An Nhiên quay về liền tiếp tục giúp Cát Tường bưng bê dọn dẹp. Cát Tường kéo tay An Nhiên, khách sáo bảo cô không cần làm mấy việc chân tay này, chỉ cần ngồi một chỗ nói chuyện phiếm là được. An Nhiên cười bảo: “Sao vậy chị chủ quán, không định cho em ở nhờ nhà chị nữa à?”
Cát Tường đánh nhẹ cánh tay An Nhiên, nhưng vừa đánh xong thì mặt biến sắc, vội vàng xoa chỗ da thịt bị đánh trúng, “Ôi! Em có sao không, chị quen tay không bỏ được. Em là ân nhân lớn của nhà chị, em muốn ở lúc nào thì ở lúc ấy, ai dám nói gì chị sẽ liều mạng với chúng. Chỉ là mấy việc lao động cực nhọc này em cũng đừng làm nữa, em mà có trầy da chút xíu thì mệnh của hai mẹ con chị cũng đền không đủ.”
An Nhiên hiểu ra, cảm thấy buồn cười, nhỏ giọng nói với Cát Tường, “Em đâu có quý giá đến vậy, em chỉ có chút liên hệ buôn bán với Đông Cung thôi, em là thương nhân ngoại quốc, không phải cành vàng lá ngọc gì đâu.”
Cát Tường nghe xong ồ một tiếng, nhưng vẫn có chút tính toán nói nhỏ: “Dù là vậy thì em cũng có mối liên hệ với bề trên. Em cũng đừng nói với người ngoài em không quen Đông Cung, cái giá chống này rất chắc chắn, có thể giúp em vượt qua không ít rắc rối đấy.” Nói rồi chị ám chỉ đám đàn em của Lý lão đại đang cười hô hố chọc ghẹo một vị cô nương đang đi ngang qua.
An Nhiên cảm thấy điều Cát Tường nói không phải không có lý. Dù sao ở kinh thành, giơ đại một ngón tay cũng có thể chỉ trúng một nhà quan lại hoặc hoàng thân quốc thích nào đó. Nếu có người chống lưng, thì sống lưng cũng có thể đứng thẳng hơn chút. Cô bèn gật đầu, cho Cát Tường một cái nhìn an tâm.
Trải qua đoạn nhạc đệm này, đám cho vay không còn kiếm chuyện với quán nhỏ của mẹ con Cát Tường nữa. Mà ngược lại hằng ngày đều chạy qua ủng hộ giống như khách hàng thân thiết. Còn Đông Cung hễ rảnh rỗi lại chạy đến tìm An Nhiên, có khi còn rủ cô đi ăn uống, đi dạo phố, đi ngắm cảnh. An Nhiên từ chối được vài lần nhưng mãi làm vậy cũng không tốt, nên ngài rủ mười lần sẽ đi một hai lần. Cô cũng có chút tính toán, số tiền ông hoàng Uy Hóa đưa khá nhiều, nhưng cô không thể lấy ra sử dụng mãi, tránh để cho người khác thấy được rồi sinh lòng tham. Nên cô ở nhà Cát Tường vẫn ăn uống đạm bạc, tuy là bữa ăn đã cải tiến nhiều nhưng làm sao bằng như lúc cô ở hiện đại, có lúc cô sẽ thèm ăn thịt, thèm món tây. Cho nên đi cùng Đông Cung là sự lựa chọn tốt nhất.
Trong lúc đi dạo cùng ngài, An Nhiên cũng sẽ bâng quơ hỏi mấy chuyện trong cung, kín đáo tìm hiểu chuyện người bị giam trong cung có phải vợ của An Thành tướng quân hay không. Sau đó cô nhận ra Đông Cung không giống như ông hoàng Uy Hóa, ngài sẽ không để ý mấy thay đổi nhỏ nhặt, cũng không có hứng thú muốn tìm hiểu chuyện gia đình mấy vị quan lại trong triều.
Ngài tuy thân ở Nam Quốc, nhưng tâm hồn dường như bên kia đại dương, đối với sự ủng hộ của nội các ngài cũng không mấy để tâm, dường như chuyện sẽ nối ngôi hoàng đế chỉ là trách nhiệm từ lúc sinh ra của hoàng trưởng tử, chứ không phải mong muốn của ngài. Một ngày của ngài chỉ có dự buổi thường triều, giả vờ gật gù thảo luận với các mưu sĩ, sau đó thì trốn ra khỏi cung để đi dạo, đến gần giờ đóng cửa cung thì quay về. An Nhiên ngẫm nghĩ, sợ là Hoàng Đế đã có sự chọn lựa khác nhưng không lẽ Đông Cung hoặc hoàng hậu nhìn không ra, hoặc là đã biết nhưng vờ như không biết.
Suy nghĩ của Đông Cung quá tân tiến, yêu thích sự tự do, không thích lễ giáo ràng buộc, cứ như một người hiện đại chính hiệu. Nên có nhiều lúc An Nhiên cũng lầm tưởng người đang nói chuyện, dạo phố với cô chính là Đăng Khôi, chỉ là chải kiểu tóc khác và một bộ quần áo kiểu xưa mà thôi.
Qua thêm hai tuần nữa, An Nhiên có chút đợi không nổi tin tức từ trong cung. Cô bèn tìm đến quán ăn đối diện, gõ tay lên bàn chỗ Việt Trạch đang ngồi, khiến hắn hết cả hồn.
Việt Trạch nhảy dựng lên, “An tiểu thư, sao cô nhận ra tôi vậy? Tôi đã cải trang rồi mà.”
An Nhiên nhìn kĩ cậu, chỉ khác một bộ ria mép giả, còn không biết xấu hổ nói đã cải trang. Hèn gì ông hoàng Uy Hóa không cần Việt Trạch theo hầu mà đưa cho cô làm vệ sĩ, coi bộ rất hợp lý.
An Nhiên sợ cậu bị đả kích lòng tự trọng nên không trả lời, chỉ hỏi: “Việt Trạch, ông hoàng có bảo cậu truyền tin tức gì cho tôi không?”
Việt Trạch vuốt ria mép giả, đáp: “Không có, ông hoàng phụng mệnh đi kiểm tra tiến độ mấy xưởng đóng tàu ở ngoài thành, cũng không nghe nói muốn nhắn gì cho tiểu thư.”
“Anh ta đi bao lâu rồi?”
Lại vuốt ria mép, “Khoảng hai tuần.” Trong đầu chợt sáng hẳn ra, Việt Trạch vội vàng hỏi: “An tiểu thư, cô nhớ ông hoàng à? Để tôi truyền tin cho ngài.”
An Nhiên vỗ ót cậu vệ sĩ trẻ, “Nhớ cái đầu cậu.” Nói rồi lườm cậu trắng mắt, quay lưng bỏ đi.
Việt Trạch xoa chỗ ót bị đau, ông hoàng dặn cậu nếu An tiểu thư có động tĩnh gì đều phải báo cáo lại cho chàng. Trước khi đi theo ông hoàng làm công vụ, Việt Bân cũng vô cùng cẩn thận căn dặn cậu không biết bao nhiêu lần, nói rằng ông hoàng rất để ý An tiểu thư, nên cậu phải dốc lòng bảo vệ cô giống như bảo vệ ông hoàng vậy. Khi cô cần gì, hoặc muốn cậu truyền lời gì thì phải nhanh chóng báo lại cho ông hoàng ngay lập tức.
Cậu rất là tận tụy làm việc, không dám lơ là một giây một phút, nên nhanh chóng lấy bút ghi vào mảnh giấy nhỏ “An tiểu thư nhớ ông hoàng, đã hỏi về ngài.” Sau đó lập tức chạy đi đến nơi truyền tin, gắn mẩu giấy vào chân chim bồ câu, thả đi.
Mấy ngày qua An Nhiên đều mặt ủ mày chau, có bữa còn không có tinh thần theo Cát Tường ra chợ mở hàng. Cát Tường thấy cô buồn lo vô cớ, bèn bảo cô ở nhà nghỉ ngơi, chiều nay giúp Cát Tường đón Tây Thi tan học. Còn Cát Tường dọn quán xong sẽ ghé chợ mua chút thịt về làm món ngon cho ba người bọn họ.
An Nhiên đi đón Tây Thi, về đến ngõ nhỏ thì trời đã về chiều, từng đàn én nhỏ chao lượn trên bầu trời, nghiêng cánh bay về tổ. Bến đò ở đối diện ngõ nhỏ ánh lên màu nước vàng cam của hoàng hôn. Ghe đò neo đậu khắp hai bên bờ sông, yên lặng nghỉ ngơi.
Tây Thi vốn đã hơn bảy tuổi, nhưng lúc trước ăn uống cực khổ nên vóc dáng nhỏ hơn so với bạn bè trang lứa. Dạo này cô bé cũng như mẹ mình, bắt đầu đã có chút da chút thịt, gương mặt cũng hồng hào hơn, hôm nay bé được An Nhiên thắt hai bím tóc trên đầu rồi quấn lại thành hai chiếc bánh bao nhỏ đáng yêu, còn được cài hoa lụa màu hồng. Cô bé dễ thương hoạt bát nắm tay An Nhiên đi tung tăng trên đường, khiến cho người đi đường đều nhìn sang, có người dân gần đó còn trêu ghẹo muốn gửi gạo sang, để nuôi bé con làm cô dâu từ bé cho nhà họ.
“An tiểu thư, An tiểu thư.”
An Nhiên có chút thất thần, vì tiếng gọi lanh lảnh rất giống Ngân Hà. Lúc An Nhiên nhìn sang bến đò thì thấy Ngân Hà đang đứng trên mũi của một chiếc xuồng lớn, hết để bàn tay bên miệng làm loa hô lớn rồi lại vẫy cả hai tay trên không trung. An Nhiên ngạc nhiên, vui mừng nắm tay Tây Thi đi về phía bến đò.
“An tiểu thư, cô khỏe không? Ngân Hà nhớ cô muốn chết.”
“Em nhớ chị hay là nhớ bánh chị làm đấy.”
Ngân Hà chu môi, dáng vẻ e thẹn khi bị người khác vạch trần, cô cúi đầu cẩn thận đi trên tấm ván gỗ nối giữa thuyền tam bản và đất liền. Ngân Hà ngoắc tay với Tây Thi, ở trên tay cầm một túi giấy dầu, từ trong túi lấy ra mấy viên mứt trái cây đủ màu sắc. Hai mắt Tây Thi đều phát sáng, nhưng cô bé vẫn dè dặt nhìn sang An Nhiên, khi thấy dì An gật đầu mới chạy chậm đến chỗ Ngân Hà, thẹn thùng nhận lấy rồi vui vẻ ăn mứt quả.
Ngân Hà nháy mắt ra dấu với An Nhiên, chỉ tay vào trong khoang thuyền. An Nhiên mím môi, gật đầu với Ngân Hà, sau đó dặn Tây Thi ở đây chơi với Ngân Hà một lát, cô đi chút sẽ quay lại.