Chương 12

Hoài Hâm chưa từng đọc bình luận về bộ phim này, không ngờ nó lại hài hước đến thế, những tiếng cười cũng được l*иg vào một cách duyên dáng.

Giữa Tony và Don có sự chênh lệch khá lớn về trình độ văn hóa, điều này có thể nhận ra qua từng chi tiết được phát huy cực kỳ tinh tế xuyên suốt mạch phim.

Ví dụ như Don đã dặn đi dặn lại Tony rằng, trước mỗi buổi biểu diễn nhất định phải kiểm tra dương cầm có đúng là dương cầm Steinway như trong hợp đồng thỏa thuận hay không, nhưng Tony lại bất cẩn hạ bút để rồi lại sai chính tả từ "Steinway".

Tony kể vợ mình từng mua một đĩa nhạc của Don, hình như tên là Orphan (cô nhi), ảnh bìa là một đám trẻ con đang ngồi quây quần nướng đồ bên đống lửa. Khóe môi Don giần giật, anh lạnh mặt giải thích đó là "Orpheus", một vở nhạc kịch của Pháp, và đám kia không phải là trẻ con mà là ác quỷ đến từ địa ngục.

"..."

Bầu không khí lại chìm trong lúng túng.

Khi mỗi một chi tiết gây cười xuất hiện, Hoài Hâm đều có thể nhanh chóng hiểu ra, vừa bật cười thì bên tai cũng vang lên tiếng cười trầm thấp của người đàn ông. Trong khoảnh khắc ấy, cô bỗng cảm thấy thoải mái biết bao. Tựa như có thứ gì đó đã kết nối cảm xúc của bọn họ với nhau, cùng được khai sáng, cùng hướng về một phía.

Trong phim, Don và Tony là hai con người hoàn toàn trái ngược nhau.

Một người có học thức, xem thường lời nói và hành vi thô tục của Tony; một người lại thấy đối phương là người da màu nhưng lại thích tỏ vẻ thanh cao, không được bình dân. Hai con người khác nhau hoàn toàn từ chủng tộc, giai cấp, học vấn, tính cách, lại buộc phải ở cùng nhau trong một thời gian dài, dần dà cũng bắt đầu hiểu đối phương hơn.

Tony chịu trách nhiệm bảo vệ Don, và Don cũng sẽ giúp Tony văn chương cục mịch viết thư cho vợ, mỗi lần gửi thư đều có thể dỗ vợ vui như mở cờ trong bụng.

Địa điểm đầu tiên của chuyến lưu diễn chính là Pittsburgh, khi mấy đầu ngón tay của Don rơi xuống những phím đàn trắng đen tạo ra khúc nhạc nhẹ nhàng bay bổng kia, Tony không sao giấu được cảm xúc và vẻ kinh ngạc trong đáy mắt. Thông qua bản nhạc của Don, anh ta có thể cảm nhận được tâm hồn của đối phương, thậm chí còn thẳng thắn khen ngợi trong thư gửi về cho vợ rằng, "Anh thấy anh ta chính là một thiên tài."

Trong tiếng nhạc dìu dịu, hai người đều ăn ý không lên tiếng.

Chiếc xe con màu xanh lại bắt đầu băng băng trên con đường mòn thăm thẳm, góc quay từ trên cao nhìn xuống khiến tầm mắt được bao quát hơn, cánh rừng xanh thẳm trải dài tít tắp một khoảng xa cuộn sóng vàng óng.

Hoài Hâm thoải mái vùi mình xuống sofa, hỏi Úc Thừa, "Anh có từng giống thế không? Lái xe rong ruổi khắp miền đông nước Mỹ, radio trên xe phát nhạc rock ầm ĩ, vui vẻ tận hưởng, không cần phải bận lòng chuyện gì."

Cô cố tình hỏi dò, muốn anh lưu lại hồi ức vui vẻ và dễ chịu khi ở cạnh mình, để anh tạo mối liên hệ giữa hai người.

"Có chứ."

Hơi thở nhẹ nhàng của người đàn ông truyền qua tai nghe như mang theo ý cười mơ hồ, "Hồi đại học, tôi và mấy người bạn thân từng thuê xe xuôi nam, lái đến tận Mexico và Cuba."

Hoài Hâm hỏi, "Anh học ở Mỹ sao?"

Úc Thừa hơi dừng lại, "Ừ, tôi sang đó từ hồi cấp ba, đến khi đi làm mới về nước."

Anh nói, tuổi hai mươi chẳng lo nghĩ gì, lại lớn gan, hành trình đều không hề được lên kế hoạch từ trước, thỉnh thoảng đến nơi rồi mới phát hiện không giống như trên hướng dẫn, nhưng lại không thể quay lại đường cũ.

Bọn họ đi qua rất nhiều nơi, những thành phố sầm uất như New York, Los Angeles, các "thị trấn đại học" như Boston, Pittsburgh, hay băng qua các khu thắng cảnh Miami, Orlando, bọn họ cũng từng dạo qua những thành phố và thị trấn lãng mạn như Nashville, Paterson.

Bọn họ từng ở khách sạn năm sao, cũng từng chen chúc nhau trong motel, từng nhâm nhi rượu vang và thưởng thức beefsteak, cũng từng đánh nhanh thắng nhanh với gà rán và bia. Bọn họ có cơ hội gặp rất nhiều người da màu, cũng từng có những tình bạn sâu sắc khó quên.

"Em thì sao? Khi 20 em đang làm gì?" Cô có thể cảm nhận được dư vị của Úc Thừa qua giọng nói của anh.

"Tôi ấy à." Hoài Hâm hấp háy đôi mắt, giọng điệu tinh nghịch, "Bận yêu đương, bận theo đuổi người mình thích."

* Nếu tính theo tuổi thật của Hoài Hâm thì hiện giờ cô chỉ mới 20 - 21 mà thôi. =))))

Đáp án này quả thật rất hợp với phong cách của cô, tự do thích gì làm nấy. Úc Thừa cụp mắt, hai người nở nụ cười ngầm hiểu.

Tình tiết đặc sắc trong phim vẫn tiếp tục xuất hiện.

Lướt qua những phân đoạn hài hước, sau khi đưa khán giả bước vào những cảnh phim hấp dẫn, bộ phim bắt đầu hé mở góc khuất ẩn sâu bên trong.

Đi được gần một phần ba chặng đường bộ phim, mâu thuẫn chủng tộc dần dần lộ ra.

Xung đột đầu tiên xảy ra vào đêm trước buổi biểu diễn ở thành phố Louisville của tiểu bang Kentucky, Don đến quán bar uống rượu thì gặp một nhóm người da trắng kéo đến kiếm chuyện.

Dù được nhận nền giáo dục tiên tiến, có địa vị cao trong giới nghệ thuật, nhưng anh vẫn không thoát khỏi sự phân biệt đối xử và định kiến trắng trợn của xã hội này dành cho mình. Anh vừa cô độc vừa kiêu ngạo, nhưng chỉ biết im lặng nén giận, chỉ có thể càng cố gắng biểu diễn piano hết mình.

Don không được phép dùng nhà vệ sinh của người da trắng, anh buộc phải chạy qua chạy lại giữa khách sạn và sân khấu biểu diễn để sử dụng nhà vệ sinh; anh không được thử đồ trong cửa hàng thời trang cao cấp, trừ phi anh mua thẳng nó; anh hẹn hò cùng đàn ông lại bị người đạo Cơ đốc lột sạch đồ và đánh đập mà không cách nào chống trả.

Chiếc xe chết máy trên đường, Don đóng vest mang giày da đứng đợi ở ven đường, và nhóm nông dân da màu trong những bộ quần áo sờn rách đang vất vả canh tác nhìn nhau, dường như ở nơi sâu thẳm trong linh hồn đã có một tiếng nổ rền vang nhưng lại không hề phát ra âm thanh.

Hoài Hâm cũng cảm nhận được.

Cô có thể đồng cảm với sự cô đơn không chốn dung thân khi bị cả thế giới quay lưng, cảm nhận được nỗi chua chát ấy. Thật ra Úc Thừa nói rất đúng, bộ phim này có gì đó khá giống cô, vô tình vơ đại lại vơ được chút đồng cảm.

Tony là người chứng kiến hết thảy mọi chuyện, anh ta đã thấy Don bị kỳ thị hết lần này đến lần khác, không biết từ khi nào, từ một khán giả chỉ đứng nhìn và thậm chí còn là kẻ đầu sỏ, anh ta dần dần trở nên đồng cảm với Don. Tiến sĩ Don Shirley là một nghệ sĩ vĩ đại, anh không đáng bị đối xử vô nhân đạo như thế.

Cao trào của bộ phim được bộc phát trong một phân cảnh đêm mưa nào đó.

Trong cơn kích động, Tony đã tặng cho cảnh sát kỳ thị người da màu một cú đấm, cả hai đều bị tống vào đồn. Sau khi tìm mọi cách để được thả ra, bọn họ lại xảy ra tranh chấp.

Don lạnh lùng chế giễu mình đã từng chịu bao lần đối đãi bất công như thế, nhưng chưa bao giờ xảy ra xung đột tay chân, mà Tony chỉ mới nghe có mấy lời giễu cợt đã không kiềm lòng được, bởi vì anh ta không phải là người da màu.

Tony lại đáp, tôi còn giống người da màu hơn cả anh. Mỗi ngày tôi đều phải làm việc vất vả để kiếm tiền nuôi mấy miệng ăn trong nhà, còn anh cơm ngon áo đẹp, đi vòng quanh thế giới đánh đàn cho người giàu. Tôi thậm chí còn hiểu rõ cuộc sống của dân tộc anh hơn cả chính bản thân anh.

Trong cơn mưa tầm tã như trút nước, Don siết chặt nắm đắm nhìn Tony đăm đăm, vành mắt dần ửng đỏ.

Anh cắn răng đáp, "Đúng vậy, tôi đây cơm ngon áo đẹp."

"Những người da trắng thượng lưu thuê tôi chơi piano cho họ bởi vì nó khiến bọn họ cảm thấy mình trở nên tao nhã hơn. Nhưng chỉ cần tôi bước xuống sân khấu, trong mắt bọn họ, tôi lại trở về thân phận một thằng mọi da đen không hơn không kém."

"Tôi chịu đựng điều đó một mình, bởi vì tôi không được chấp nhận bởi chính dân tộc của mình, cũng chỉ vì tôi không giống bọn họ."

- - Vậy, nếu tôi không đủ đen, cũng không đủ trắng, không đủ đàn ông, vậy thì anh nói cho tôi nghe đi, rốt cuộc tôi là gì?

Not black enough, and not white enough.

Rốt cuộc tôi là ai.

Trước đó Hoài Hâm còn nghĩ cô và Úc Thừa có thể thỉnh thoảng trò chuyện trong lúc xem phim, trao đổi quan điểm với nhau, rồi lại vờ lơ đãng biểu đạt cái nhìn của mình, nhờ đó mà tạo ra cuộc trao đổi sâu hơn...

Nhưng bây giờ cô lại thấy không cần thiết.

- - Chỉ cần xem cùng một phim, nghe cùng một bản nhạc và cùng cảm nhận những lời tâm tình, cô đã có thể cảm nhận được hai trái tim đang kề cận nhau, cả hơi thở cũng hòa lấy nhau.

Không cần ngôn ngữ giao thoa, cô tin cảm xúc của anh vào lúc này cũng giống như cô.

Rung động đến tâm can.

Vấn đề khiến Don dằn vặt bao lâu nay càng thêm tan nát cõi lòng dưới cơn mưa tầm tã.

Tony ướt sũng người lẳng lặng nhìn anh. Vào khoảnh khắc ấy, cuối cùng anh ta cũng đã đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu đối phương hơn.

Sau buổi biểu diễn cuối cùng, Tony lái xe đường dài trong cơn bão tuyết, tranh thủ từng giây từng phút, chỉ mong có thể về nhà kịp lúc để đón giáng sinh cùng gia đình.

Khi giai điệu du dương của bài Have Yourself a Merry Little Christmas vang lên, chiếc xe con màu xanh đã dừng lại bên đường. Tony ngủ thϊếp đi trong tấm chăn đỏ ở băng ghế sau, còn Don bước xuống xe từ ghế lái, khom người vỗ nhẹ vào anh ta, "Đến nhà rồi."

Trong chớp mắt, bầu không khí bỗng trở nên yên lặng.

Có gì đó lành lạnh trượt xuống mặt cô, Hoài Hâm lau loạn xạ, trong lòng cũng dịu đi.

Cô cũng đang quấn chăn, nằm co ro trên sofa, nhìn màn hình không chớp mắt.

Tony về đến nhà, vừa đẩy cửa ra đã trông thấy mọi người trong gia đình đang quây quần bên bàn ăn chúc mừng giáng sinh. Trên bàn đốt nến, đồ ăn cực kỳ phong phú, bọn nhỏ vui vẻ chạy vòng quanh, Tony ngước lên, nhìn vào đôi mắt xinh đẹp của vợ mình.

Anh ta ôm hôn vợ mình, đoàn tựu cùng gia đình, bộc lộ nỗi mong nhớ.

Một lát sau, tiếng gõ cửa vang lên, Tony bước ra, trông thấy tiến sĩ Don Shirley đứng ngoài cửa với vẻ phong trần mệt mỏi.

Tony giới thiệu Don với người nhà, căn phòng trở nên im lặng, Don đứng thẳng người, ý cười trên gương mặt dần phai đi. Nhưng chẳng mấy chốc, mọi người bắt đầu hò reo chào mừng, mời anh vào nhà.

Hoài Hâm ôm đầu gối, gác cằm lên khuỷu tay nhìn màn hình chăm chú, vừa hít mũi vừa nghĩ sao mà nước mắt chảy hoài chẳng chịu dừng thế này.

- - Đây quả là một đêm giáng sinh tuyệt mỹ.

Chờ đến khi phần credits cuối phim dần hiện lên, nhạc nền nhỏ dần, nhưng cảm giác ấm áp trong không khí vẫn chưa tan đi. Hoài Hâm đã điều chỉnh lại cảm xúc của bản thân, hắng giọng khẽ nói, "Tôi thấy phim này rất hay, anh thì sao?"

Một bi kịch khá nhẹ nhàng, song cũng là hài kịch sâu sắc.

Có vài thứ đã chạm đến tâm hồn, cô không biết đó là gì, chỉ cảm thấy muốn khóc một trận đã đời.

Tuy nói ra thì hơi già mồm, nhưng sự nhạy cảm và tâm tư tinh tế của một tác giả khiến cô hy vọng khoảnh khắc này có thể dừng lại lâu hơn.

Có lẽ Úc Thừa cũng nghĩ như thế.

Một lúc lâu sau, anh lên tiếng, "Em muốn uống rượu không?"

Hoài Hâm ngồi dậy, "Sao cơ?"

Úc Thừa dịu dàng nói, "Có muốn uống rượu không? Chúng ta trò chuyện một lát."

Trải nghiệm nâng ly chạm cốc online thế này quả thật Hoài Hâm chưa từng thử qua. Hoài Diệu Khánh và Triệu Viện Thanh vẫn chưa về, chỉ có Triệu Triệt ở nhà. Nhưng cậu chàng đang ở trong phòng mình, Hoài Hâm quang minh chính đại xuống hầm rượu thó một chai.

Cô không chút chột dạ mà khui chai Lafite năm 94 của ba cô.

Hoài Hâm trêu đây là "Nhậu online", Úc Thừa cười, bình thản đáp, "Hình như tôi luôn được trải nghiệm cảm giác thú vị mỗi khi ở cạnh em."

Động tác rót rượu của Hoài Hâm chợt khựng lại, nửa đùa nửa thật, "Anh Alvin hẳn là quen rất nhiều người nhỉ, chẳng lẽ người khác không cho anh cảm giác này sao?"

"Có chứ." Anh đáp, "Muôn hình muôn vẻ."

Dừng một lúc, anh cười nói, "Nhưng quả thật em rất khác với mọi người."