Chương 11: Sân khấu

Cẩm Anh đi bộ về tới nhà, tiếng cười đùa bên trong thu hút thính giác cô. Chân cô dừng lại ở trước cửa, trông thấy em gái đang ngồi trong lòng mẹ trò chuyện, nét mặt bà vui vẻ khác hẳn thường ngày.

"Hôm nay con được điểm 10 à, giỏi quá!" Bà cầm bài kiểm tra trên tay, phấn khởi khen con gái út một câu.

Cẩm Anh chợt nhớ lại kí ức của rất lâu trước kia, từ khi cô còn học mầm non. Cô bé Cẩm Anh năm tuổi mặc bộ váy công chúa bồng bềnh, tết tóc hai bên trông rất đáng yêu. Hôm đó là buổi khai giảng, lớp cô có tiết mục văn nghệ mở màn, Cẩm Anh lại được chọn vào đội múa nên mẹ dẫn cô đến lớp sớm để chuẩn bị trang phục.

Nhưng sau khi dẫn cô vào lớp bà liền quay lưng đi ngay, chỉ kịp nhờ cô giáo một câu trông chừng cháu cẩn thận. Cô bé Cẩm Anh biết mẹ mình bận nên cũng ngoan ngoãn theo giáo viên mà không nói một lời nào, chỉ là trong lòng có hơi buồn.

Đây là lần đầu tiên Cẩm Anh được biểu diễn trên sân khấu lớn. Năm nào cô cũng có mặt trong đội múa nhưng đều là thành phần dự bị, vì chiều cao của cô hơi khiêm tốn so với đội hình. Nếu không phải vì lần này một người trong đội chính bị ốm, giáo viên thấy Cẩm Anh có ngoại hình nổi bật nhất so với những người dự bị còn lại nên chọn cô thì cô cũng sẽ không bao giờ có suất múa chính.

Cô giáo thấy Cẩm Anh xụ mặt liền trấn an: "Không sao đâu, con phải vui vẻ thì lên sân khấu mới xinh đẹp được chứ, có lẽ mẹ con đi một lát rồi quay về xem con biểu diễn thôi, con có muốn mình là cô công chúa trong mắt mẹ không?"

Nghe vậy sắc mặt cô bé Cẩm Anh tươi tỉnh hẳn lên, mỉm cười gật đầu với cô giáo. Vì lớp Cẩm Anh diễn mở màn nên cô giáo liên tục dặn dò học sinh của mình không cần căng thẳng quá, cứ thoải mái như lúc diễn tập là được.

Cô bé Cẩm Anh bước lên sân khấu, mắt dáo dác tìm hình bóng mẹ mình trong biển người phía dưới nhưng không có kết quả. Nhạc bắt đầu được bật lên, cô vội nhìn theo các bạn để ổn định đội hình. Lúc múa được nửa bài Cẩm Anh bất chợt nhìn thấy mẹ cô đang nghe điện thoại, bà chỉ kịp nhìn cô vài giây rồi lại quay mặt đi, chân rảo bước biến mất trong đám đông.

Cẩm Anh nhìn những phụ huynh phía dưới, họ đang cầm điện thoại quay lại con mình trong khoảnh khắc đẹp nhất, miệng luôn hô hào cổ vũ tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho con họ. Việc này như một đả kích đối với cô bé bốn tuổi, Cẩm Anh bắt đầu múa lệch nhịp, nét mặt bối rối cố gắng kìm nén nước mắt sắp rơi. Bên dưới bắt đầu có tiếng ồn ào, đa số mọi người đều kêu la bày tỏ sự khó chịu.

"Đứa bé kia làm sao mà phá hỏng đội hình thế?"

"Các bé khác múa đẹp vậy mà chỉ cần một người đã làm hỏng cả tiết mục rồi."

"Không múa được thì lần sau đừng cho lên sân khấu chứ."

[...]

Tất cả đều lọt vào tai Cẩm Anh, lần này cô không thể chịu được nữa, nước mắt từng giọt một chảy xuống làm ướt nhoè lớp trang điểm, trông cực kì đáng sợ. May thay đúng lúc đó màn biểu diễn kết thúc, Cẩm Anh cúi gằm mặt chạy vội theo sau các bạn vào hậu trường. Cô giáo thấy thế liền tới an ủi, lau nước mắt cho cô, nghĩ rằng có lẽ lần đầu cô biểu diễn nên có chút bỡ ngỡ. Còn các bạn khi trông thấy bộ dạng này của Cẩm Anh thì tránh xa, có người đã hét lên.

"Eo ôi, trông cậu ấy như yêu tinh vậy, yêu tinh xấu xí."

Là trẻ con thì rất hay hùa theo, vài giây sau khi một cô bé khởi xướng mọi người liền hô to: "Cẩm Anh là đồ yêu tinh xấu xí..."

Cô giáo thấy vậy liền dẹp trật tự đám trẻ, dắt Cẩm Anh sang chỗ khác tẩy trang cho cô. Tuy cô giáo chưa từng đề cập một lần nào nữa đến chuyện này nhưng kể từ sau lần đó, Cẩm Anh đã bị gạch tên khỏi danh sách biểu diễn, ngay cả tư cách dự bị cũng không có. Cô giáo chỉ dỗ cô vài câu như sợ cô lên sân khấu sẽ áp lực, không tốt cho tâm lý sau này để Cẩm Anh tin rằng cô không phải bị "đuổi" khỏi đội.

Thế nhưng Cẩm Anh không ngốc, cô thậm chí còn trưởng thành hơn so với tuổi thật. Những đứa trẻ khác luôn cảm thấy mầm non là thế giới để bọn chúng so tài văn nghệ, mầm non không có văn nghệ thì còn gì vui nữa, Cẩm Anh lại không thế. Cô chỉ tham gia múa vì bị mẹ bắt ép, bây giờ thoát được rồi cô thậm chí còn mừng rỡ là đằng khác.

Chuyện gì đến cũng phải đến, mẹ cô biết chuyện liền nổi giận lôi đình, trước mặt cô giáo thì hoà nhã nhưng về nhà lôi cô ra mắng một trận. Cẩm Anh khóc ở trường đã rất mệt, mắt sưng thấy rõ nhưng vẫn phải cố nghe. Ban thử tưởng tượng mà xem, một chiếc ly đã đầy mà con người vẫn cứ rót thêm nước vào, không quan tâm đầy quá sẽ thành tràn. Cô bé Cẩm Anh đang ở trong tình cảnh tương tự.

Cô lớn lên trong tiếng mắng của mẹ dần dà cũng thành quen, học cách chịu đựng, thu mình lại, tự lắng nghe cảm xúc của mình. Hơn ai hết Cẩm Anh biết rõ chỉ có cô mới có thể chữa lành chính mình, không ai hiểu cô ngoài bản thân cô cả. Thiếu nữ bắt đầu tập nghe nhạc để tránh suy nghĩ về những thứ tiêu cực.

Sau hôm đó mỗi khi đến lớp Cẩm Anh đều bị gọi bằng biệt danh "yêu tinh xấu xí", cô chỉ biết âm thầm chịu đựng, mãi đến khi học tiểu học chuyện này mới chấm dứt.

Vài lời tác giả: Có lẽ hôm đó giáo viên không đánh nền chống nước cho Cẩm Anh rồi:))