Chàng đã nhiều lần xin Thiên Hạc chân nhân cho mình xuất gia nhưng ông không chấp thuận, nghiêm nghị bảo rằng :
- Ngươi mang nặng sát nghiệp và tình nghiệp nên không thể tu hành được.
Nhưng cuộc sống ẩn dật, thiền định suốt một thời gian dài, từ thuở ấu thơ đã hình thành tính cách hiện nay của Sĩ Mệnh. Chàng nắm được tinh túy của học thuyết lão Trang nên coi nhẹ sự đời, thuận theo tự nhiên mà sống.
Tư tưởng đạo giáo do lão Tử sáng tạo, nhưng mãi đến thời Đông Hán, Trương Đạo Lăng mới hoành bá thành một tôn giáo.
Sau này, Đạo giáo chia làm hai phái chủ yếu. Một là phái chính nhất, còn gọi là Thiên Sư đạo, thịnh hành ở phía Nam, tôn Trương Đạo Lăng làm Thiên sư hay Chính Nhất đạo sư. Đạo sĩ phái Chính Nhất không xuất gia, mặc đạo bào nhưng sống như người trần tục. Đám thầy cúng, thầy pháp ở Trung Hoa chính là đệ tử của phái Thiên Sư.
Hai là phái Toàn Chân, lưu hành ở phương Bắc, phát triển mạnh nhất từ thời Kim và Liêu. Các đạo sĩ, đạo cô của phái này đều xuất gia tu hành và ăn chay. Người đời thường gọi họ là “mao sơn đạo sĩ”.
Thiên Hạc chân nhân là một nhân tài kiệt xuất của phái Toàn Chân. Nhưng từ sáu mươi năm trước, ông bất mãn khi thấy đồng môn quan hệ mật thiết với triều đình, quên đi tôn chỉ của Đạo giáo, nên bỏ núi Lão Sơn, hành hiệp giang hồ.
Trong ba mươi năm, ông là đệ nhất cao thủ võ lâm, công tích trừ gian diệt bạo, cứu giúp lương dân không sao kể xiết. Năm bảy mươi tuổi, ông chọn đỉnh Hải Bạt, trong dãy Hoàng Sơn làm nơi ẩn cư, tu luyện.
Sĩ Mệnh kính ngưỡng sư phụ như thần thánh nên quyết noi theo gương. Trí tuệ và gân cốt của chàng thuộc hàng thượng phẩm nên đã tiếp thu trọn vẹn cả hai phần đạo học lẫn
võ học của chân nhân.
Hỗn Nguyên thần công không phải là Đồng Tử công, nhưng người luyện võ phải giới sắc cho đến khi đã luyện qua lớp thứ sáu.
Tùy Vân đạo trưởng tuy là đệ tử chân truyền nhưng chẳng may lại mất nguyên dương khá sớm nên chẳng thể đạt đến mức đại thành. Nay Sĩ Mệnh đã giữ mình đến tuổi hai mươi bảy, sắp hoàn tất lớp thứ sáu của pho tâm pháp. Chính vì vậy, chàng chẳng hề màng đến sắc dục.
Chương 2: Nam Xương tình võng vì công tử - Động Đình ba thượng diệt kình ngư
Nhắc lại, Sĩ Mệnh đi về hướng Tây là muốn tìm đến Hồng Bào Tôn Giả ở ngọn Lễ Sơn, bên dòng sông Lễ. Đêm qua, đại sư huynh chàng đã nói rõ ràng ba kẻ thù kia chính là Hồng Bào Tôn Giả, U Linh Quỷ Kiếm, Miêu Nhãn Tú Sĩ. Người thứ tư thì không rõ. Quỷ kiếm và Tú sĩ hành tung vô định, không rõ ở phương nào, chỉ mình Tôn giả là có cứ địa cố định. Chàng quyết từ Cổ Hạo mà lần ra tung tích ba người còn lại.
Cuối tháng sáu, Sĩ Mệnh đến thành Nam Xương, nằm bên bờ sông Cảm. Cơn mai vũ vẫn còn lất phất, bầu trời vẫn một màu xám xịt, cảnh vật thê lương ảm đạm.
Chàng dừng cương trước Bách Hoa Châu nên mới có tên như vậy.
Bách Hoa Châu là thắng cảnh thứ hai của Nam Xương. Đây là một bãi bồi cạnh sông, không trồng mà có đủ loại hoa đua nở. Cánh đồng hoa rộng. Hàng chục mẫu hoa tỏa hương thơm ngát, làm say lòng khách nhàn du. Xa xa, thấp thoáng ngói của tòa Đằng Vương các, danh thắng thứ nhất của Nam Xương. Thi hào Vương Bột đã sáng tác bài phú Đằng Vương các để tán tụng vẻ đẹp của nơi này.
Sĩ Mệnh lên lầu chót, thản nhiên gọi một mâm cơm chay và vò rượu nhỏ. Chàng không mang vũ khí nên chỉ giống một thư sinh hiền lành. Phật giáo đang thời hưng thịnh nên việc ăn chay là chuyện thường tình, bọn tiểu nhị chẳng hề thắc mắc.
Hôm nay, chàng lại mặc bộ bạch y bằng vải thô mộc mạc, nhưng phong thái chàng tiêu sái, dung mạo đoan chính, khiến người ngoài sinh hảo cảm, đôi mắt sâu thấp thoáng nỗi sầu muộn càng làm tăng thêm vẻ văn nhược.
Cũng như ở Hàng Châu, nhân sĩ đất Giang Tây cũng biết thưởng thức cái đẹp của cảnh vật dưới màn mưa bụi lất phất. Nhưng không phải là bọn thế gia công tử hợm hĩnh mà là hơn trăm hào kiệt võ lâm.
Chuyện không khó hiểu nếu người ta nhớ lại rằng tòa tửu lâu này là tài sản của Giang Tây Truy Mệnh Thương Từ Thanh Sơn, và từ ngày đầu tháng bảy tới đây là lễ thọ thất tuần của họ Từ.
Bằng hữu giang hồ đến trước vài ngày và đương nhiên được mời lên tầng cao nhất uống rượul thưởng hoa. Tuy nhiên, họ chẳng thể ngồi hết ba trăm chỗ nên chỗ còn lại vẫn dành cho khách. Dẫu sao, Từ Thanh Sơn cũng chẳng thể vì bằng hữu mà bỏ sanh ý của mình.
Từ lão và đám hào khách ngồi mé tả, cười nói vui vẻ, vừa nắm cảnh vừa bàn chuyện võ lâm.
Sĩ Mệnh ăn xong, nâng chén nhâm nhi, thưởng thức phong cảnh Bách Hoa Châu, miệng thầm ngâm nga vài vần thơ ngẫu tác.
Bỗng thang lầu vang lên rộn rã, chứng tỏ người lên tuổi còn rất trẻ và tính tình hiếu động, tinh nghịch. Đó chính là Tây Hồ Tiên Nữ Dư Tiểu Phàm và hai tỳ nữ.
Nàng hân hoan khi nhận ra Tây Môn Sĩ Mệnh nhưng lại bĩu môi hậm hực, bước về phía quần hào.
Giang Tây Truy Mệnh Thương nhận ra nàng, mừng rỡ cười ha hả :
- Không ngờ năm nay Dư liễu đầu lại đến chúc thọ lão phu, thật là đáng kinh ngạc.
Từ lão và Giang Nam Thần Kiếm có tình bái chi giao, lão rất thương yêu cô cháu gái xinh đẹp và bướng bỉnh này.
Thực lòng thì Dư Tiểu Phàm không hề nhớ đến ngày thượng thọ của Từ bá phụ. Nàng đến đây vì đoán rằng Sĩ Mệnh là người văn nhã tất chẳng thể bỏ qua dịp ngắm cảnh Bách Hoa Châu. Nàng thoáng đỏ mặt nhưng lại nhanh nhầu đáp :
- Gia phụ vốn không cho tiểu nữ đến đây, vì nhớ bá phụ nên tiểu nữ lén trốn đi trước. Có lẽ ngày mai gia phụ sẽ mang lễ vật đến chúc thọ. Mong bá phụ nói vài lời che chở cho.
Từ Thanh Sơn đẹp dạ, cười vang :
- Phàm nhi yên tâm, đã có ta, cha ngươi sẽ không trách phạt gì đâu. Mau ngồi vào bàn và ra mắt các thúc.
Từ lão đưa Tiểu Phàm và hai tỳ nữ vào bàn mình. Ông sang sảnh giới thiệu từng người. Phần lớn đều có mối giao tình với Giang Nam Thần Kiếm.
Cũng có vài chục chàng thiếu niên hiện diện. Họ thay mặt trưởng bối đến đây dự lễ. Các chàng trai này đã nghe danh Tây Hồ Tiên Nữ từ lâu, nay diện kiến đều đảo điên hồn phách, tuy cố giữ lễ nhưng vẫn lén lút liếc nàng say đắm.
Tiểu Phàm ranh mãnh, giả đò thùy mị, ân thưởng cho họ những nụ cười đổ quán xiêu đình, khiến cho chàng nào cũng mở cờ trong bụng. Từ Thanh Sơn thấy đám thanh niên âm thầm sửa sang y phục, tóc tai, ngực ưỡn ra cho lộ vẻ hiên ngang.
Ông cười khà khà nói đùa :
- Phàm nhi! Chư vị thiếu hiệp đây đều là con cháu danh môn và là những đại biểu kiệt xuất của lớp anh hào trẻ tuổi đương đại. Phàm nhi xem có chấm được ai không?
Tiểu Phàm e lệ nói :
- Tiểu nữ đã thầm nguyện nâng khăn sửa túi cho bậc anh hùng trẻ tuổi nào gϊếŧ được Hồng Bào Tôn Giả Cổ Hạo.
Nàng vừa nói vừa nhìn về phía bàn Sĩ Mệnh và tin chắc rằng chàng có thể nghe thấy.
Sĩ Mệnh không có phản ứng gì nhưng câu nói của Tiểu Phàm là gáo nước lạnh dội vào đầu đám thanh niên. Hồng Bào Tôn Giả bản lãnh oai trấn võ lâm và còn là ái tử của Huyết Y Thần Quân, Môn chủ Huyết Y môn. Với thân thế ấy, ai mà dám dây đến lão?
Xuyên Vân Nhạn Hồ Gia Cư, thân hình nhỏ bé, tuổi độ lục tuần, vuốt râu hỏi :
- Nhưng vì cớ gì mà hiền diệt nữ lại muốn gϊếŧ Cổ Hạo?
Tiểu Phàm căm hận đáp :
- Nửa tháng trước, lão quỷ ấy đã xuất hiện ở Tây Hồ đại tửu lâu, định bắt tiểu nữ về Lễ Sơn. May mà có bậc cao nhân giải cứu, nếu không...
Từ Thanh Sơn giật mình :
- Thế vị tiền bối ấy có đả thương được Hồng Bào Tôn Giả hay không? Danh hiệu của ông ta là gì?
Tiểu Oanh tính thực thà, bộp chộp, bật cười đáp thay :
- Từ lão bá lầm rồi, người ấy chừng gần tam thập mà thôi. Chàng ta đánh văng lão ác ma vào vách rồi bồng tiểu thư phi nhanh như gió. Tôn giả chạy theo hụt hơi mà vẫn không đuổi kịp.
Xuyên Vân Nhạn rất tự hào về khinh công của mình nên buột miệng bảo :