Lão dừng lời, suy nghĩ một lúc rồi nói tiếp :
- Đúng rồi, tuổi tác của người này cũng độ hai mươi bảy như Sĩ Mệnh, dung mạo cũng có nét giống Tây Môn lão huynh. Hơn nữa, nghe khẩu khí thì biết chàng ta tinh thông Đạo học. Tây Môn thượng thư trước đây cũng sùng bái tư tưởng lão Trang và còn có cả một đạo sĩ là bằng hữu. Có thể chính vì vị đạo nhân ấy đã đi theo thuyền phát chẩn và cứu được Sĩ Mệnh.
Tiểu Hào cười hề hề :
- Nếu đã có duyên phận từ trước thì sư muội có thể mạnh dạn đi tìm Sĩ Mệnh rồi.
Bội Linh đỏ mặt, cúi đầu, lòng luyến ái càng thêm sâu đạm. Trình lão cũng khuyến khích :
- Linh nhi và Tiểu Hào nên khởi hành cho sớm. Ta cũng rất nóng ruột muốn biết chàng ấy có phải là di tử của Tây Môn Thường hay không?
Tiểu Hào nhìn trời nói :
- Giờ đang là chính ngọ, chắc Sĩ Mệnh đang ở trong thành dùng cơm, chúng ta đi thôi.
Bội Linh bỗng hỏi Trình lão :
- Thân phụ, vì sao chàng lại có tên là Sĩ Mệnh?
Trình Thiên Cường cười đáp :
- Tây Môn Thường say mê thơ của Bạch Cư Dị nên đặt tên con mình là Sĩ Mệnh. Tên của hai người đều lấy từ câu nói của Khổng tử: “Thượng bất oán thiên, hạ bất oán nhân, cư dị dĩ Sĩ Mệnh.”
* * * * *
Hà Bắc Lãng Tử Dương Tiểu Hào đã đoán không sai, Sĩ Mệnh đi vào thành Thường Đức, cách đấy sáu dặm để dùng cơm. ăn xong, chàng phi nước đại hướng về Trường Sa.
Chàng rời khỏi Thường Đức thì Dương Tiểu Hào và Trình Bội Linh mới đến nơi. Đến trước cửa quán cơm chay Thanh Tâm trai điếm, Tiểu Hào nhăn mũi hít mạnh rồi nói :
- Chắc chắn chàng ta đã ghé vào đây.
Bội Linh tỏ vẻ nghi ngờ :
- Sao sư huynh biết?
Gã cười hì hì đáp :
- Ta khoái gã từ lúc đầu gặp mặt nên dán một mảnh “Bách nhật xạ hương” vào dưới yên ngựa. Dẫu Sĩ Mệnh có chạy đến Nam Hải ta cũng lần theo được.
Bội Linh hân hoan thúc giục :
- Vậy sư huynh mau dẫn tiểu muội đi tìm chàng.
Tiểu Hào nhăn nhó, vỗ bụng :
- Gã chẳng thể nào thoát được, ta đói lắm rồi, phải ăn no mới có khí lực đi tiếp.
Bội Linh chợt nhớ là mình cũng chưa dùng bữa, bật cười :
- Tiểu muội quên mất, chúng ta vào đây ăn luôn cho tiện.
Tiểu Hào giật mình :
- Không được! Sư muội bắt ta ăn chay thì thà gϊếŧ ta đi còn hơn.
Gã đảo mắt trêu ghẹo :
- Xem ra gã Sĩ Mệnh này đã xuất gia làm đạo sĩ mất rồi. Sư muội tìm chỉ uổng công mà thôi.
Bội Linh lo lắng đáp :
- Nhưng tiểu muội thấy chàng đâu có vẻ gì là đạo sĩ đâu?
Biết nàng sắp khóc, Tiểu Hào cười xòa :
- Ta chỉ nói chơi thôi. Nếu gã có là đạo sĩ thì khi biết mình có vợ đẹp như tiên thế này gã cũng hoàn tục ngay.
Bội Linh an tâm đôi chút, hối thúc Tiểu Hào sang quán khác dùng cơm. Nàng ăn rất ít, nóng nảy nhìn Tiểu Hào với vẻ van nài. Hà Bắc Lãng Tử đành cố lùa cho nhanh để khởi hành.
Đường về Trường Sa dài hơn ba trăm dặm, có nhiều giao lộ nên Tiểu Hào phải dừng lại để đánh hơi. Vì vậy cước trình khá chậm, chiều hôm sau hai người mới đến nơi.
* * * * *
Trước đó hai canh giờ, Sĩ Mệnh đã vượt sông Tương, đi về hướng Tây nam.
Những cơn mưa vào mùa hạ đổ xuống như trút khiến đường thêm lầy lội và khó đi. Mãi đến gần giữa tháng bảy, Sĩ Mệnh mới đến được Thiệu Dương.
Trời đã về chiều, mây đen vần vũ đằng đông, báo hiệu một trận mưa lớn. Nhưng hơn khắc sau đã bị gió nam xua tan, ánh tà dương vàng rực khiến lòng người nhẹ nhõm. Sĩ Mệnh đủng đỉnh bước vào thành. Chàng chọn tòa Hồng Phát đại tửu lâu ba tầng, chẳng phải vì nó sang trọng và đò sộ nhất, mà là vì nó cao nhất.
Hải Bạt cũng là ngọn núi cao nhất trong bảy mươi hai ngọn của dãy Hoàng Sơn. Chàng đã quen với cảm giác từ trên cao phóng tầm mắt ra xa. Một là có thể bao quát được cảnh đẹp, hai là để cảm thấy mình nhỏ bé. Mài dùa lòng kiêu ngạo là một đức tính của người học Đạo.
Ở tòa tửu lâu này, chàng sẽ phải trả giá cao hơn. Nhưng cũng chẳng là bao khi chàng chỉ cần bữa cơm chay đạm bạc và bầu rượu nhỏ.
Dù thân mặc áo vải thô, mặt mũi hiền lành, chất phác, chẳng hề phát tiết một chút tinh hoa nào nhưng phong thái an nhiên, tiêu dao tự tại.
Trên lầu ba này cũng có nhiều người gọi món chay, vì sắp đến rằm tháng bảy. Chỉ có đám hào khách võ lâm mặt đỏ gay kia là chén mặn. Cứ địa của Huyết Y môn ở tận dãy Ngũ Lĩnh, còn gọi là Nam Lĩnh, cách Thiệu Dương bốn trăm dặm về phía nam, nên bọn họ mới dám nghênh ngang như vậy. Tiếng cười nói vang vang, sang sảng, cố để chứng tỏ mình chẳng hề biết sợ ai.
Bất chợt, một đại hán mang đao ngồi ở mé ngoài cùng, nơi có thể quan sát đường quan đạo, biến sắc thì thầm gì đó. Lát sau, tiếng ồn ào dút bặt, mặt ai cũng tái mét, mắt đảo quanh tìm lối thoát thân. Nhưng vì danh tiếng, chẳng ai dám tự nhận mình sợ hãi để đứng lên đào tẩu trước Họ cố trấn tĩnh, giả như xem thường tin dữ kia nhưng lòng thầm vái có người nhát gan hơn mình.
Cuối cùng thì cái hư danh kia đã dán chặt mông họ vào ghế và tai họa đã xuất hiện.
Hồng Bào Tôn Giả cùng mười gã đệ tử Huyết Y môn lừng lững bước lên lầu. Cổ Hạo chiếu đôi mắt đỏ như máu vào đám hào khách, cười ghê rợn :
- Không ngờ lần này ghé thăm Thiệu Dương lại được diện kiến các bậc tai mắt của võ lâm Hồ Nam, lão phu quả là có phúc lớn. Chẳng hay quý phu nhân và tiểu thư ở nhà có được khang kiện hay không?
Trời không rét mà ai cũng run lên bần bật, chẳng một ai dám mở miệng đáp. Hồng Bào Tôn Giả tuy không phải là người có võ công cao nhất trong Ngũ đại hung thần, nhưng lại có thế lực của Huyết Y môn sau lưng nên càng buông lung tính khí tham tàn, độc ác.
Lão tự đặt ra điều lệ quái gở là khi đã mở lời hỏi thăm gia quyến của ai thì người đó phải móc hết hầu bao dâng tặng, nếu không lão sẽ đến nhà thăm và mang đi vợ hoặc con gái. Không ai dám vi phạm điều lệ ấy vì Cổ Hạo có trí nhớ thật phi thường, biết rõ mặt mũi, lai lịch của từng cao thủ, trong ba phủ Hồ Nam và Lưỡng Quảng.
Bọn tiểu nhị đã mau mắn ghép hai bàn làm một và run rẩy mời đám hung thần an tọa.
Lão chưởng quầy đích thân lên hầu hạ, quát tháo bọn tiểu nhị dọn lên những món ăn thượng hạng.
Hơn năm mươi hào kiệt Hồ Nam ngồi buồn bã, lòng rủa thầm hôm nay là một ngày xui xẻo. Đã mấy năm nay, Hồng Bào Tôn Giả không lai vãng đến Thiệu Dương. Họ chẳng còn lòng dạ nào mà ăn uống nữa, rầu rĩ chờ lão ma ăn xong mà nộp bạc.
Thực ra thì chẳng ai mang nhiều ngân lượng trong người, cùng lắm là hai ba trăm lượng. Nhưng đã là người học võ và gầy dựng được một chút thanh danh thì đây quả là mối nhục lớn.
Sĩ Mệnh là người duy nhất vui mừng vì sự có mặt của Hồng Bào Tôn Giả. Chàng bình thản chờ lão ăn uống xong mới xuất thủ.
Nửa canh giờ sau, khi vầng dương lặn xuống cuối trời tây, Cổ Hạo mới buồng đũa, ra hiệu cho lão chưởng quầy dọn trà.
Mười đệ tử Huyết Y môn cũng phải ngừng ăn vì biết tính khí của Thiếu môn chủ. Lão không thích ai cầm đũa khi mình đã ăn xong.
Danh xưng Thiếu môn chủ nghe có vẻ chướng tai vì Cổ Hạo đã gần bảy mươi tuổi. Có điều, phụ thân lão là Huyết Y môn chủ Cổ Đoạn Thủy lại sống quá dai. Năm nay, Cổ môn chủ đã chín mươi hai mà vẫn còn cường tráng.
Hồng Bào Tôn Giả chờ mãi mà không thấy cha mình chết đi, để lên làm Môn chủ. Lão thất vọng, oán thầm trong bụng, nên mười năm trước đã chiếm riêng ngọn Lễ Sơn làm nơi hưởng lạc.
Sau lần đến Hàng Châu, bị trúng chưởng của Sĩ Mệnh và chứng kiến thuật Ngự kiếm của Giang Nam Thần Kiếm, lão mang thương trở về, tự hiểu bản lãnh của mình chưa phải là vô địch. Lão bèn trở lại Nam Lĩnh, khẩn cầu cha mình dạy dỗ thêm.