Lý Nhật Trung đưa tôi quay về Diễn Châu. Phần đất ngoại ô có bốn nắm mộ: cha tôi, mẹ tôi, Tự Khải và của chính tôi. Tôi quỳ trước nhưng nắm mộ ấy suốt cả buổi chiều.
Ngôi nhà của ông phú hộ Trần trước đây giờ không còn một bóng người. Tôi đẩy cửa bước vào, đồ đạc bên trong chẳng còn lại gì. Nhà khách, nơi trước đây biết bao nhiêu người lui tới, quà cáp cho cha tôi để cầu cạnh ông đồng ý giao dịch. Nhà ăn, nơi gia đình chúng tôi vẫn hay ngồi với nhau trong những bữa cơm ấm cúng. Đằng sau là chiếc sạp tre tôi hay gối đầu lên chân nghe mẹ hát ru mỗi buổi tối. Mọi thứ bây giờ chỉ còn lại vết tích với lớp bụi thời gian. Tôi bước ngang qua phòng mình, cánh cửa lại chẳng có vết bụi. Dự cảm cho tôi biết bên trong có người, tôi liền dừng lại, nhìn Nhật Trung. Anh ta hiểu ý, mở cửa xông vào.
“Ai ở trong này?”
Trên giường của tôi, một cô bé sợ hãi thu mình trong góc. Tôi nom hình dáng ấy vừa lạ vừa quen, bước lên phía trước, định chạm vào người cô bé ấy nhưng Nhật Trung ngăn tôi lại: “Cẩn thận, để ta.” Rồi anh tiến lại gần, gươm vẫn giữ thế tuốt ra khỏi vỏ bất kỳ lúc nào: “Ngươi là ai? Sao lại ở trong nhà họ Trần?’
Cô bé kia ngẩng đầu lên, ánh mắt hoảng hốt nhìn lấy Nhật Trung. Ngay sau đó lại đưa mắt về phía tôi, giọng nghèn nghẹn: “Mợ ba đúng không? Có phải là mợ không?”
Tôi nửa tin nửa ngờ hỏi: “Khiết An, là em sao?”
Vừa nghe tôi kêu tên, em ấy đã vội vã sà vào lòng tôi, hai tay siết chặt lấy tôi, òa khóc nức nở: “Mợ ba, con tưởng không còn gặp lại mợ được nữa. Con ở đây gần một năm rồi, hằng ngày đều ra mộ của mợ và ông bà để thắp hương. Mợ ba, mợ là người hay ma vậy? Mợ đưa con theo với.”
Tôi lấy khăn tay lau nước mắt cho Khiết An. Em ấy khóc một chập, cả chớp mũi cũng đỏ lên khiến tôi vừa thấy thương, vừa buồn cười: “Dĩ nhiên chị còn sống rồi. Nhưng bây giờ chị không còn là mợ ba nữa, em cứ gọi chị là chị thôi. Và hiện giờ tên của chị là Thanh Sương. Cha mẹ em đâu, sao em lại vào Diễn Châu này?”
Khiết An nghe tôi hỏi, được dịp khóc to hơn: “Mẹ con mất rồi. Sau đó cha tái hôn. Hai năm sau cha cũng mất, mẹ kế định bán con vào lầu xanh. Con sợ quá chạy ra Châu Lạng kiếm mợ thì mọi người lại nói mợ về Hải Đông. Con vào Hải Đông thì người trong ấy nói mợ đã không còn… Sau đó con lại tìm cách vào Diễn Châu này, trốn nơi đây, hằng ngày chăm nôm cho mộ phần của ông bà, cậu cả và…”
Nói tới đây Khiết An bỗng trở nên ngại ngùng. Tôi biết việc tôi còn sống đối với cô bé là một chuyện hoàn toàn không tưởng. Thời gian qua, có lẽ em cũng đã chật vật lắm để tồn tại trên cuộc đời này. Số phận em ấy khổ, từ lần đầu tiên tôi gặp cho đến lúc này vẫn thế. Ông trời cho tôi gặp lại em, xem ra muốn tôi chăm sóc em để em có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng liệu có tốt hơn không? Bản thân tôi không thể trả lời.
Chúng tôi thuê một nhà trọ tại Diễn Châu để nghỉ ngơi. Khiết An sau khi ăn một bữa no nê, tắm rửa sạch sẽ liền lên giường, ngủ một giấc thật say. Tôi trông cô bé khi ngủ thật hồn nhiên, tâm trạng cũng muôn phần nhẹ nhõm.
“Vương gia, tôi muốn nhận em ấy làm em nuôi. Ngài có đồng ý không?”
Tôi nhẹ nhàng nói với Nhật Trung đứng sau lưng.
“Chỉ cần em thấy vui, mọi việc đều do em quyết định.”
Tôi đắp chăn cho Khiết An rồi quay sang nói với Nhật Trung: “Nhìn em ấy tôi có cảm giác thật quen…”
Lý Nhật Trung phì cười: “Cô bé này có nét rất giống em khi xưa, như lần đầu tiên ta gặp tại Diễn Châu!”
Tôi nghe anh nói mà không khỏi ngạc nhiên: “Năm đó tôi làm gì khóc nhiều như vậy chứ?”
Lý Nhật Trung vỗ vỗ trán: “Chắc ta lại nhầm lẫn với một mỹ nhân nào rồi. Có lỗi với em quá!”
Tôi nghe anh ta nói mà trong lòng thấy có chút tức tối, liền đẩy anh ta ra khỏi phòng, đóng sầm cửa lại. Một ngày Lý Nhật Trung không chọc tức tôi, có lẽ anh ta không chịu nổi mà. Tôi gác chuyện của anh ấy sang một bên, leo lên giường, ôm lấy Khiết An chìm vào giấc ngủ.
Sau bao nhiêu năm, tôi mới có một đêm ngủ ngon, không mơ thấy bất kỳ giấc mộng nào.
*
*
*
Lý Nhật Trung cùng tôi và Khiết An ngao du sơn thủy. Sau khi rời Diễn Châu, chúng tôi đi đến Trường Yên. Nhìn Hoa Lư núi non trùng điệp, non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa mà tôi không khỏi suýt xoa. Năm xưa Thần Vũ hoàng đế thống nhất giang sơn tại nơi này. Lý Nhật Trung kể về ông nội, ánh mắt đầy vẻ tự hào.
Có nhiều khi, tôi cảm giác người đàn ông đứng trước mình, chẳng khác nào một đứa trẻ.
Lê Khiết An rất thích nghe Nhật Trung kể chuyện. Cô bé từ nhỏ đã sống cực khổ, bây giờ đi theo chúng tôi, vừa được ngắm núi sông, vừa nghe thuyết minh mọi thứ, đáy mắt lúc nào cũng long lanh. Tôi thật sự xem Khiết An như em gái, chăm chút mọi thứ. Em ấy năm nay mười một tuổi, tôi chọn những bộ xiêm y màu sáng, em mặc vào ra khí chất của một tiểu thư. Duy chỉ có trâm cài, Khiết An một mực cài cây trâm tôi tặng năm xưa. Em nói đó là món quà đầu tiên của tôi, cũng là món quà mà cả đời này em trân quý nhất.
Lý Nhật Trung cũng vì vậy mà trêu tôi.
“Cô bé này còn nhỏ tuổi đã ra dáng thiếu nữ như vậy, chắc hẳn năm năm nữa sẽ là một đại mỹ nhân. Còn em, sao khi ta gặp em, lúc đó em cũng mười sáu mười bảy tuổi rồi mà chẳng có nét gì của con gái hết vậy?”
Tôi liếc xéo Lý Nhật Trung, chưa kịp nói gì thì Khiết An đã bênh vực: “Không có đâu, chị Sương rất đẹp. Từ lần đầu tiên gặp em đã thấy chị là người con gái đẹp nhất trên đời này.”
Tôi gật gù nắm lấy tay Khiết An, mỉm cười tít mắt. Khiết An rất thông minh, trên đường đi tôi cũng hay dạy chữ cho em, em tiếp thu rất nhanh. Nhật Trung cũng mến cô bé, cầm kỳ thi họa, âm luật đều bảo ban em, Khiết An rất thích và đối với anh ta em ấy muôn phần kính trọng, chẳng dám nửa lời phản bác. Ấy vậy mà khi anh ta trêu chọc tôi, Khiết An đều nhất nhất đứng ra bảo vệ.
Nhật Trung nhìn Khiết An, lắc đầu, ra chiều cảm thông: “Ta nói cháu này Khiết An à, cháu bị cô ấy làm mờ mắt rồi.”
Khiết An nhìn Nhật Trung đầy giận dỗi: “Vương gia bảo trọng lời nói. Chị của cháu không phải là người như vậy.”
Tôi nôm Khiết An sắp khóc mà không khỏi chạnh lòng, trách Nhật Trung: “Vương gia, ngài làm em ấy khóc rồi kìa.”
Lý Nhật Trung ríu rít xin lỗi, còn hứa đủ thứ mới làm cho Khiết An nín khóc. Tôi trông thấy hai chú cháu họ, quả thật buồn cười. Đợi cho đến khi Nhật Trung nghỉ ngơi, Khiết An mới nói nhỏ với tôi: “Ngài ấy sợ rồi, sau này không ức hϊếp chị nữa đâu.”
Tôi phì cười, đưa tay xoa tóc em.
Chúng tôi rời Trường Yên, đi tiếp đến Thiên Trường, rồi đến Hải Đông. Xe ngựa chúng tôi lướt ngang qua nhà họ Huỳnh. Trong lòng tôi hồi hợp, kêu Nhật Trung cho xe dừng, còn mình thì âm thầm vén rèm cửa trông về phía ấy.
Cánh cổng im lìm, có lẽ giờ này anh cả cùng Huỳnh Cát đang ở xưởng dệt. Tôi về đây ở hai năm, kỷ niệm vui buồn đều có, giờ đây nhìn lại, một cỗ trống trải tràn ngập lòng mình.
Nhật Trung nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi. Anh ấy không nói gì nhưng tôi biết anh muốn an ủi tôi.
Từ xa, tôi có thể thấy Xuân Đào đang trên đường về nhà. Tay chị ấy còn dắt theo một đứa bé trai ước chừng năm sáu tuổi, kháu khỉnh vô cùng. Tôi thấy tâm tư chấn động. Đứa bé ấy là Thiên Quý. Mới ngày nào tôi còn bế cháu trên tay, không ngờ giờ đây đã lớn như thế rồi. Tôi nhìn theo bóng lưng Xuân Đào và Thiên Quý bước vào nhà, sóng mũi cũng cay cay.
Khiết An lay nhẹ tay tôi: “Chị…”
Tôi quay lại, mỉm cười với hai người bên cạnh mình: “Không sao, chỉ là nơi đây có quá nhiều kỷ niệm thôi. Chúng ta đi tiếp đi.”
Xe ngựa lăn bánh, chúng tôi rời khỏi Hải Đông. Lúc đó tôi cũng không nghĩ một ngày nào đó mình sẽ quay trở lại nơi này. Lý Nhật Trung đưa tay ra, chụp lấy gì đó trước tầm mắt tôi rồi quăng ra ngoài cửa sổ. Tôi ngạc nhiên nhìn anh ta: “Ngài lại có trò gì đó?”
Lý Nhật Trung ung dung ngã người ra phía sau: “Có nhẹ nhõm hơn không? Ta vừa quăng kỷ niệm mà em nói ra ngoài.”
Tôi xì một tiếng còn Khiết An thì đút đầu ra cửa sổ tìm kiếm gì đấy. Thấy vẻ hớt hãi của em, cả Nhật Trung và tôi đều ngạc nhiên: “Có chuyện gì vậy em?”
Khiết An quay trở lại, vẻ mắt ngơ ra: “Kỷ niệm cũng quăng được sao? Em đang xem chúng nó hình thù như thế nào.”
Nhật Trung và tôi ngẩn người vài giây rồi cả hai ôm bụng cười. Nhật Trung chỉ chỉ tay về phía tôi: “Ta nói đâu có sai, con bé này rất giống em khi xưa mà.”
*
*
*
Chúng tôi đi đến Châu Lạng, lướt ngang qua ngôi nhà năm nào tôi cùng Cát ở lại khi đến đây chăm sóc ruộng bông. Giờ đây nơi này có chủ khác, mọi thứ trang trí lại chẳng giống khi xưa… duy chỉ có hàng rào sử quân tử tôi trồng năm ấy vẫn được giữ lại. Bên trong hàng rào ấy, tôi thường hay ngồi nơi bàn đá may vá, còn Nam thì làm việc nhà, quanh quẩn nơi tôi.
Tôi lướt ngang qua ruộng bông, xa xa mọi người vẫn đang cùng nhau làm việc. Không gian bình yên đến lạ, nhưng tôi đã bỏ lỡ tự khi nào. Tôi nhìn lấy ruộng bông, nói vu vơ với Khiết An: “Chị muốn có một cuộc sống bình dị như vậy, không lo nghĩ, không toan tính…”
Khiết An quay trở lại năm xưa, cảm xúc cũng đong đầy. Nhìn em bây giờ, chẳng còn điểm nào giống với bé con gầy gò đứng từ xa nhìn tôi năm ấy. Tôi thấy biết ơn ông trời, vì đã cho tôi gặp em, để tôi cảm thấy trên đời này tôi không còn phải một mình.
Khiết An hết nhìn mấy người nông phu ngoài kia, rồi lại nhìn Nhật Trung dò xét. Nhật Trung cảm nhận được, nhướng mắt về phía Khiết An: “Nhìn ta như vậy là có ý gì?”
Khiết An khẽ chau mày: “Vương gia, cháu không nghĩ ra khi ngài khoác trên mình bộ đồ như nhưng người ngoài kia, ngài sẽ trông như thế nào?”
Tôi nhìn Lý Nhật Trung. Anh hiểu ý nhìn tôi. Mùa thu năm ấy, rõ ràng anh đã một lần mặc lên người bộ quần áo nông phu, trông ánh nắng nhạt nhòa nghe tôi tuyên bố có con với Cát. Lúc đó cả hai chúng tôi đều đau khổ. Bây giờ, khi sự đau khổ ấy qua đi, nhớ lại khuôn mặt anh ta lúc đó, quả thật tôi chỉ thấy buồn cười.
Tôi quay sang Khiết An, thủ thỉ: “Vương gia của em thuộc dạng người đẹp vì lụa thôi. Bây giờ thay áo ra đồng, khéo chừng mọi người đều nghĩ ngài ấy là nông phu chân chính!”
Lý Nhật Trung đưa tay lên thành hình nắm đấm hù dọa tôi. Tôi chẳng thấy sợ, ngược lại còn lè lưỡi trêu anh ta. Chỉ có Khiết An dường như không tin lắm lời tôi nói, gương mặt cứ nghệch ra: “Nhưng em thấy vương gia rất anh tuấn, dù cho ngài có là nông phu thì cũng là cực phẩm nông phu!”
May mà lúc đó tôi không ăn hay uống gì, nếu không chắc tôi nghẹn đến chết thôi. Tôi nghiêm mặt nhìn Khiết An: “Ai dạy em nói những lời này?”
Khiết An nhìn sang Nhật Trung, còn anh thì giả vờ huýt gió, mặt ngoảnh đi nơi nào. Anh ta đường đường là vương gia, lại đi dạy cho một đứa trẻ mới lớn những từ ngữ phù phiếm đó, thật chẳng ra làm sao. Tôi nhìn anh ấy bằng một ánh mắt sắc lẻm, ngụ ý rằng chỉ cần anh còn như thế nữa, tôi tuyệt đối không bỏ qua.
Xe ngựa dừng lại bên bờ sông Lục Nam. Tôi vô thức tiến về nơi lần đầu gặp Nam, nhìn từng viên sỏi. Anh ta quả thật là chân mạng thiên tử, cho đến khi mạng sống chỉ còn lấy một phần cũng nhất quyết nắm lấy tay tôi, ra lệnh không được đi. Nếu lúc đó Nam không kiên trì như vậy, hoặc dã tôi vô tâm hơn một chút thì mọi chuyện sẽ không diễn ra như ngày hôm nay. Biết đâu, người đàn ông đang ngồi cạnh tôi lúc nãy, lại ngồi lên ngai vàng, trở thành hoàng đế khiến bao người quy phục. Nhưng ông trời lại có lý lẽ riêng, đã để tôi gặp Nam, để tôi cứu anh ấy… nhưng cũng tạo nên nghiệt duyên này.
Nhật Trung cùng Khiết An gần đó rửa mặt. Hai chú cháu hất nước về phía nhau, chơi đùa vui vẻ. Từ lúc tôi gả cho Huỳnh Cát đến giờ, có lẽ khoảng thời gian này chính là khoảng thời gian bình yên và hạnh phúc nhất. Không phải yêu, cũng không phải là bạn, Lý Nhật Trung và tôi lặng lẽ ở bên nhau, ngao du sơn thủy. Không có những nụ hôn như một cặp tình nhân, mỗi lúc tôi buồn anh chỉ nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, hoặc ôm lấy tôi an ủi… Tôi biết Nhật Trung cam tâm tình nguyện, nhưng tôi lại không muốn anh cứ thế này. Người tốt như anh, cần một cô gái thật sự yêu thương, nguyện bên anh đồng hành đến cuối cuộc đời. Sau chuyến đi này, tôi cũng đã có dự liệu cho riêng mình…
Điểm đến cuối cùng của tôi tại Châu Lạng không lạ lẫm, chính là nhà Nhược Lan. Tôi cứ mải thẩn thờ trên xe, nhìn những người khách đến rồi rời khỏi tiệm kim hoàn của Hoàng phệ mà vẫn không đủ can đảm tiến vào trong. Chắc rằng khi biết tin tôi chết, Nhược Lan đã rất đau khổ. Bây giờ tôi lại đùng đùng xuất hiện trước mặt Nhược Lan, liệu rằng chị ấy có chấp nhận nổi chuyện này hay không?
“Đến nơi rồi, đừng chần chừ nữa.” Lý Nhật Trung chỉnh lại mạn che mặt cho tôi.
Tôi cùng hai người kia bước vào tiệm kim hoàn. Hoàng phệ trông thấy chúng tôi ăn mặc vải gấm đắt tiền, gương mặt tỏ vẻ đon đả quen thuộc dù giờ đây có già hơn khi tôi còn ở nơi này: “Chào quý khách. Cửa tiệm tôi mới về trang sức ngọc bích của Đại Tống, đẹp khỏi bàn. Tôi lấy cho các vị xem nhé!”
Ông ta nhanh nhảu bưng ra hai khay nạm ngọc, bên trong là đủ loại trâm cài, trang sức. Tôi liếc sơ qua những món ấy rồi lắc đầu: “Tôi đang tìm một chiếc hoa tai ngọc bích, liệu ông có không?”
Hoàng phệ ngẩng mặt nhìn tôi. Ánh mắt ông nhìn thật sâu vào đôi mắt tôi. Ria mép ông ta run run, miệng nhếch lên: “Một chiếc hoa tai… tôi có! Nhưng hiện tại chiếc hoa tai ấy ở bên trong, mời các vị đi theo tôi.”
Chúng tôi đi theo Hoàng phệ vào nhà trong. Ông ta đi phía trước, điệu bộ vô cùng vội vã rồi dừng lại thư phòng, mở cửa cho chúng tôi vào.
“Mọi người ở đây chờ, tôi đi gọi Nhược Lan.”
Rất nhanh, cánh cửa thư phòng lại một lần nữa bật mở, giọng phụ nữ run rẩy vang lên: “Cho hỏi…”
Tôi xoay người lại nhìn Nhược Lan, tay gỡ mạn che mặt ra, mỉm cười: “Nhược Lan, đã lâu không găp!”
Nhược Lan chạy thật nhanh đến ôm chầm lấy tôi. Chẳng mấy chốc vai áo tôi đã ướt đẫm nước mắt của chị. Tôi vỗ vỗ lưng chị, cảm nhận nỗi đau từng cơn truyền đến mình. Nhược Lan của tôi thật đáng thương!
Đúng như phong cách của Nhược Lan, chẳng hỏi nguyên nhân, chẳng một chút nghi ngờ, chị ấy nói với tôi bằng giọng nghèn nghẹn: “Cô ở lại với em, đừng đi nữa. Từ nay nơi đây sẽ là nhà của cô.”
Tôi nắm lấy tay Nhược Lan, mỉm cười: “Em muốn ở lại lâu lắm, nhưng em còn phải theo người này quay về…”
Nhược Lan lúc này mới chợt nhớ ra hai người lạ đang ngồi chờ. Chị ấy nhìn về phía Nhật Trung, có lẽ vẫn còn nhớ chàng trai năm nào tôi đơn phương: “Vị này là…”
“Ngài ấy là Phụng Càn vương.” Tôi nói.
Ngay lập tức Nhược Lan cùng Hoàng phệ quỳ xuống trước mắt Nhật Trung: “Thảo dân khấu kiến vương gia.”
Nhật Trung đưa tay ra hiệu cho hai người họ miễn lễ: “Đừng khách khí, ta chỉ là muốn yên ổn đưa em ấy đi du sơn ngoạn thủy thôi. Không cần phải câu nệ thân phận.”
Nhược Lan kéo tay tôi về phòng riêng của chị, cẩn trọng lấy ra chiếc áo năm nào cùng hoa tai ngọc bích đưa cho tôi: “Không ngờ người đó lại là Phụng Càn vương. Nếu năm xưa ngài ấy ngỏ lời với cô hai trước thì cô đâu ra nông nỗi này.”
“Chị à… mọi thứ đều được ông trời sắp đặt rồi.”
“Cô về Diễn Châu thăm mộ ông bà chưa?”
“Em đã về Diễn Châu rồi, sau đó mới ra đây thăm chị. Bao năm qua chị vẫn tốt chứ? Trọng Nghĩa và Ngọc Hoa đâu, sao em không thấy hai cháu?”
“Anh Tuấn gửi bọn trẻ đến thư quán học chữ rồi. Cô ở lại đây ít ngày với em. Chiều về em giới thiệu cô cho chúng biết.”
“Em không ở lại được lâu đâu. Nhưng chắc sẽ làm phiền anh chị bữa cơm chiều rồi.”
Chiều hôm đó tôi phụ Nhược Lan chuẩn bị cơm. Mấy năm qua tay nghề nấu ăn của tôi đã khá hơn, một người đòi hỏi cao trong việc ăn uống như Hoàng phệ cũng không tiếc lời khen ngợi. Nhật Trung thấy thế, xen vào: “Sao trước giờ em không nấu cho ta ăn bữa nào thế?”
Tôi gắp cho anh ấy một miếng thịt phì cười: “Ngài thiếu gì kẻ hầu người hạ, làm sao đến phiên tôi.”
Lý Nhật Trung vội vàng lùa cơm vào miệng, giọng đầy dỗi hờn: “Thôi thì ráng ăn nhiều một chút vậy.”
Mọi người trên bàn ăn tuy không nói gì, nhưng tôi biết ai cũng cười thầm trước thái độ trẻ con của Lý Nhật Trung. Bữa cơm xong, tôi đành rời đi trong sự bịn rịn của Nhược Lan. Mục đích của tôi vẫn là muốn chị ấy biết tôi vẫn bình an, giờ thì nhìn thấy Nhược Lan tươi cười trở lại, tôi nghe lòng mình nhẹ nhõm muôn phần.
Trước lúc tôi lên xe ngựa, Hoàng phệ dúi vào tay tôi một miếng ngọc bội. Tôi nhìn lấy ngọc, chợt nhớ ra đây là vật trước kia trên người Nam: “Năm ấy cậu thanh niên kia đến đây, dùng miếng ngọc này để đổi lấy một cây trâm. Bao năm qua tôi vẫn giữ nó vì không thể nào định giá được. Bây giờ tôi giao nó lại cho cô.”
Tôi nắm chặt miếng ngọc trong tay, cho đến khi xe ngựa rời khỏi Châu Lạng khá xa, tâm trạng vẫn chưa lấy lại được sự bình tĩnh. Năm xưa, Nam lấy miếng ngọc này, để đổi lấy cây trâm tặng tôi. Là yêu hay là hận? Là nhớ nhung hay chán chường? Tôi đã không thể trả lời nữa rồi.