Chương 6

6.

Ta và Nghi Hoa nối gót theo sau hai người phía trước.

Nghi Thanh công chúa chẳng mấy hứng thú với cờ hiệu, chỉ muốn được nhìn thấy những động vật quý hiếm trong rừng. Nhưng thực tế, để bảo đảm sự an toàn của chúng ta, Hoàng thượng sớm đã sai người đuổi phần lớn động vật trong rừng đi rồi, còn lại toàn là những con thú nhỏ. Có điều những con thú nhỏ này cũng không thể coi thường được. Thế nên, mấy người chúng ta cứ lang thang hết chỗ này đến chỗ kia.

Nhưng cứ đi như vậy cũng không phải là cách. Nghi Hoa cứ liên tục nháy mắt ra hiệu cho ta, muốn ta khuyên Nghi Thanh công chúa chuyển hướng sang tìm cờ hiệu. Nhưng ta chẳng thèm để ý, chỉ dùng ánh mắt để nói với con bé: “Muốn khuyên thì tự đi mà khuyên.”

Hết cách, Nghi Hoa đành bày ra nụ cười lấy lòng: “Nghi Thanh tỷ này, đã là động vật quý hiếm thì sao có thể tìm thấy dễ dàng thế được, tỷ nhìn xem, xung quanh còn có nhiều cờ hiệu lắm, hay là chúng ta đi lấy mấy cái đã nhé?”

Nghi Thanh nhíu mày: “Sao muội biết là không tìm được?”

Nghi Hoa nghe xong thì càng to gan hơn, lấy ra trong túi áo một chiếc sáo nhỏ, giơ lên trước mặt Nghi Thanh rồi nói: “Chiếc sáo này không tầm thường đâu, ngoại tổ phụ của ta được một người tặng trong một lần đi du ngoạn, chỉ cần thổi nó là có thể gọi được bách thú. Nếu Nghi Thanh tỷ đã muốn xem như vậy thì để ta gọi một con đến cho tỷ xem.”

Ta vươn tay chặn lấy tay Nghi Hoa: “Không được.”

Nghi Hoa chẳng thèm quan tâm: “Đừng sợ, những con thú lớn đều bị phụ hoàng đuổi đi hết rồi. Ta nghĩ cũng chẳng gọi được con nào lớn đâu.”

Nói xong con bé liền đưa sáo lên miệng thổi. Sau một hồi sáo, xung quanh im ắng không một tiếng động.

Nghi Hoa đắc ý: “Thấy chưa, ta đã nói là không có rồi mà.”

Bỗng dưng ta nghe thấy tiếng thở gấp nhè nhẹ vang lên đâu đó. Ta và Nghi Thanh quay sang nhìn nhau. Hai chúng ta vội vàng kéo hai người còn lại chui vào một bụi cây cao gần đó, trốn sau tán cây. Ta nói thầm với hai người còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra kia: “Im lăng!”

Qua tán lá cây nhìn ra, chỉ thấy một con hổ trắng chầm chậm bước đến, nó đi đi lại lại ở vị trí Nghi Hoa vừa đứng thổi sáo.

Xem ra vẫn còn sót lại một con hổ này.

Lá cây bay xào xạc trong gió, trong lúc không để ý, một chiếc lá bất chợt bay vào mũi Nghi Hoa.

“Hắt xì!”

Con hổ trắng vừa nghe thấy tiếng động đã phát hiện ra chúng ta, chỉ thấy nó hơi cúi xuống, bày ra động tác chuẩn bị vồ mồi.

Nghi Thanh hét lên: “Chạy!”

Ta lập tức túm lấy Nghi Hoa, còn Nghi Thanh kéo theo Phùng Vi cùng chạy. Con hổ vồ hụt một phen thì tức giận gầm gừ, đuổi theo mấy người chúng ta mãi không dứt. Bốn người chúng ta chạy về phía rừng cây, nhưng vì khinh công mỗi người không giống nhau nên kiểu gì cũng có người bị tụt lại phía sau.

Ám vệ lúc này có lẽ đã đến nơi khác tuần tra, không chú ý đến động tĩnh nơi này.

Cứ thế này mãi thì không được.

Trong lúc nguy cấp, ta nhìn thấy cờ hiệu màu xanh cắm ở hai bên đường phía trước. Ta cắn răng, vươn tay giật lấy chiếc sáo của Nghi Hoa, sau đó đẩy con bé vào một chiếc hố được sắp đặt thành bẫy gần đó. Sau đó lại vội vàng đẩy Nghi Thanh và Phùng Vi xuống một cái hố khác. Khoảnh khắc rơi xuống hố, Nghi Thanh biết được ta muốn làm gì, tức giận hét lớn: “Cố Nghi An, tỷ bị điên à!”

Cũng chẳng còn cách nào khác, ai bảo ta là trợ giảng của bọn họ làm gì, trợ giảng cũng tính là một nửa thầy. Học sinh gây họa thì thầy phải tự thu dọn thôi.

Ta đưa sáo lên miệng thổi thật to, con hổ kia nghe thấy tiếng sáo thì không thèm để ý đến ba người dưới hố nữa, ngẩng đầu gầm lên mấy tiếng rồi xông thẳng đến chỗ ta. Ta nhảy lên một cái cây cao tiếp tục thổi, con hổ trắng mắt đỏ ngầu, tiếng gầm ngày càng dữ dội.

Gầm to nữa lên! Ta không tin ám vệ lại không phát hiện ra động tĩnh lớn như vậy.

Đuổi qua đuổi lại một lúc, thể lực ta cũng dần cạn kiệt.

Ta vừa thổi sáo vừa thở hổn hển, bỗng dưng tay chạm vào một thứ gì đó cứng cứng trước ngực.

Đúng rồi, sao ta lại không nghĩ ra nhỉ. Ta xoay người tránh cú lao đến của con hổ, giật lấy thứ đó ra khỏi cổ, hướng vào mông con hổ, ấn mạnh. Một giây sau, hàng loạt những chiếc kim lớn nhỏ bắn ra như mưa, toàn bộ đều cắm lên mông con hổ.

Con hổ trắng gầm lên, tiếng gầm như chấn động cả khu rừng. Ta đứng cách nó một khoảng vẫn cảm thấy được đầu mình rung lên.

Tiếng gầm của nó ngày một nhỏ dần, sau đó lăn quay ra đất, không động đậy. Lúc này ám vệ tuần tra cũng đuổi đến, định giương cung lên muốn gϊếŧ chết con hổ nhưng bị ta ngăn lại: “Trói lại là được, nó còn lâu mới tỉnh lại được, loài hổ này cũng hiếm thấy lắm.”

Thứ mà ta vừa dùng để hạ gục con hổ chính là vũ khí mà đại tỷ chế tạo ra, vừa nhỏ gọn lại tiện dụng. Còn thuốc mê tẩm trong kim thì do nhị tỷ điều chế, chỉ cần một chiếc kim bạc cũng đủ hạ gục một con bò, huống gì mấy chục cái kim cùng lúc, ta không tin con hổ đó có thể tỉnh lại được trong hôm nay.

Ám vệ hành động rất nhanh, một lúc sau đã trói gọn được con hổ rồi khiêng đi. Còn lại một vài người đang kéo Nghi Thanh và Phùng Vi lên khỏi hố. Thủ lĩnh ám vệ khó xử nói với ta: “Nghi Hoa công chúa không chịu lên.”

“Được rồi, ta biết rồi, vất vả cho các vị, chuyện còn lại cứ để ta lo.”

Sau khi ám vệ lui xuống, ta quay người nói với Nghi Thanh: “Ta xuống dưới đó đưa Nghi Hoa lên, Nghi Thanh công chúa ở đây nghỉ ngơi một lát, giúp ta giữ dây thừng nhé, không cần phải kéo, cứ buộc vào cây là được.”

Sắc mặt Nghi Thanh trông rất khó coi, không đáp lời, cũng không từ chối.

Phùng Vi đứng bên cạnh vội tiếp lời: “Cố trợ giảng cẩn thận nhé.”

Ta gật gật đầu sau đó nhảy xuống hố mà Nghi Hoa đang ở dưới.

Không biết vì bị ta đạp đau hay vì ngã xuống đau quá mà Nghi Hoa cứ khóc mãi không thôi.

Nhìn thấy ta nhảy xuống hố, con bé lại khóc càng to: “Ta cứ tưởng tỷ chết rồi, hu hu hu…”

Ta bước đến vỗ vỗ vào lưng Nghi Hoa: “Làm gì có, ta vẫn còn sống sờ sờ đây mà. Muội tưởng cái chức trợ giảng này ai cũng làm được à. Không khóc nữa, không khóc nữa.”

“Lúc nãy Nghi An tỷ đá ta đau lắm đấy nhé, hu hu hu…”

“Được rồi, được rồi, ta xin lỗi.”

“Tỷ phải dỗ dành ta, hu hu hu…”

“Được rồi, ta dỗ muội. Không khóc nữa, ngoan nào~”

“Tỷ phải hát cho ta nghe cơ, hu hu hu..”

??!!

Nghi Hoa thấy ta không chịu thì càng khóc lớn hơn. Ta bất lực đỡ trán, chỉ đành cất tiếng hát: “Hái sen ở Giang Nam, lá sen mọc um tùm, cá bơi về hướng đông, cá bơi về hướng tây, cá bơi về hướng bắc, cá bơi về hướng nam…”

Đây là bài hát mà tổ mẫu thường hát ru ta lúc ngủ. Tổ mẫu được sinh ra ở vùng sông nước Giang Nam, tính tình ôn hòa dịu dàng như chính vùng đất đó vậy. Tổ phụ nói lần đầu tiên gặp được tổ mẫu là lúc bà đang hát khúc ca này cạnh hồ sen. Gió nhẹ thổi qua hồ sen trắng muốt, người thiếu nữ khi đó còn xinh đẹp hơn cả phong cảnh kỳ diệu trước mặt.

Ta cứ hát mãi hát mãi đến khi Nghi Hoa ngủ thϊếp đi trong lòng ta. Ta nhẹ nhàng đặt con bé nằm xuống nền cỏ, quyết định đợi đến khi con bé tỉnh lại thì mới leo lên mặt đất.

“Tuế Tuế.”

Ta giật mình, tưởng rằng bản thân bị ảo giác.

“Tuế Tuế.”

Người phía sau lại gọi lần nữa.

Ta quay đầu lại nhìn, chỉ thấy một dáng người cao lớn trong bộ y phục màu xám, ánh mắt như lấp lánh ngàn vạn vì sao. Hắn cứ đứng đó im lặng nhìn ta, không biết có phải do ảo giác hay không, ta thấy trong mắt hắn chứa đựng thâm tình vô tận.

Hai chúng ta cứ im lặng nhìn nhau, trời đất xung quanh dường cũng biến thành một mảng yên tĩnh.

“Ninh vương sao lại biết tên hồi nhỏ của ta?”

Trong mắt hắn thoáng qua nét hiu quạnh, sau đó cười đáp: “Chính miệng ngươi nói mà, chuyện này mà ngươi cũng quên à?”

Ninh vương chậm rãi bước đến gần ta: “Ngươi từng nói nhũ danh của ngươi là Tuế Tuế, là do tổ mẫu đặt cho, ngụ ý là trăm năm hạnh phúc, trọn đời bình an.”

Có lẽ là bởi vì nụ cười hiếm thấy của hắn, hoặc là một chút cô quạnh thoáng qua trong mắt hắn kia khiến ta hơi chột dạ: “Sau khi ta bị ngã thì quên đi một số chuyện, Nghi Hoa còn nói ta quên trả tiền cho con bé nữa cơ.”

Ninh vương dừng bước, mỉm cười không nói gì, chỉ nghiêng đầu nhìn Nghi Hoa đang nằm ngủ ngon lành trên đất.

Ta sợ hắn lo lắng nên vội nói: “Lúc nãy con bé bị dọa sợ, khóc mệt rồi ngủ một giấc là sẽ ổn thôi.”

“Ngươi không sợ à?”

“Sợ chứ, sao lại không sợ!” Ta tìm một nơi thoải mái rồi ngồi xuống: “Ta còn trẻ như vậy mà, nếu chết thì đáng tiếc quá.”

“Nếu vậy…” Ninh vương bước đến ngồi cạnh ta, đoạn vỗ vỗ lên vai mình: “Có cần dựa vào đây khóc một lúc không?”

Ta nghĩ đến cảnh tượng bản thân dựa vào vai hắn khóc sướt mướt mà nổi hết cả da gà.

Thôi vậy, Cố Nghi An này không dễ dàng rơi nước mắt vậy đâu.

Ánh mắt Ninh vương chạm đến chiếc sáo bên hông ta: “Thứ này không thể thổi tùy tiện được.”

Ta gật đầu: “Ừ, hôm nay coi như được chứng kiến rồi.”

Hắn ngả người về phía sau, tựa lên thành hố, nói tiếp: “Loại sáo này có thể gọi thú dữ, nhưng phải thổi đúng bài, nếu không thì chỉ chọc giận bọn chúng thôi.”



Đợi đến khi lên được mặt đất thì mặt trời đã ngả về hướng tây.

Nghi Thanh và Phùng Vi vẫn đứng ở chỗ cũ đợi chúng ta. Còn cả Trương Thư, có lẽ là đi cùng Ninh vương.

Trương Thư đề nghị: “Cách đây không xa có một con sông, đêm nay chúng ta nghỉ ngơi ở đó đi.”

Bên bờ sống rất quang đãng, nước sông trong vắt như nhìn thấy được tận đáy.

Sợ đêm đến trời lạnh, ta đi kiếm mấy hòn đá lớn quanh đó, xếp lại để nhóm lửa. Ninh vương thì nói đi bắt vài con cá, Trương Thư định đi săn mấy con thỏ, Nghi Thanh ngồi nhắm mắt nghỉ ngơi, Phùng Vi thì thỉnh thoảng lại đỏ mặt nhìn trộm Ninh vương, còn Nghi Hoa thì ngồi chăm chú đếm cờ.

Đợi đến khi trăng lên thì bữa tối cũng hoàn tất, có cá nướng, thỏ nướng và cả mấy bình rượu ta lấy được từ dưới hố.

Nghi Hoa thèm thuồng nhìn chiếc đùi thỏ trong tay ta, muốn ta nhường cho con bé. Ta nhướng mày: “Vẫn quy tắc cũ, ta đọc câu đầu, muội đọc câu tiếp theo.”

“Hứ, xem thường ai thế hả?”

“Nhị thập tứ kiều minh nguyệt dạ.”

“Tùy phong trực đáo dạ lang tây.”

“...”

Nghi Thanh cảm thán: “Ta chưa thấy người nào ngu ngốc đến mức này.”

Ninh vương im lặng bày ra vẻ mặt “hôm nay thì thấy rồi đấy”.

Nghi Hoa bất mãn: “Ngốc thì sao nào, người ngu có phúc của người ngu nhé.”

Nghĩ đến những chuyện xui xẻo hôm nay, ta buột miệng: “Người ngu có phúc của người ngu, nhưng người thiếu não thì không.”

Tất cả mọi người quay lại nhìn ta.

Nghi Hoa tức quá òa lên khóc.

Ta vội vàng nhét chiếc đùi thỏ trong tay vào miệng Nghi Hoa: “Không phải, không phải, ta không nói muội! Ta mệt mỏi suốt cả một ngày, đầu óc hồ đồ nên mới nói xằng nói bậy thôi, đáng đánh, đáng đánh.”

Mọi người ăn xong bữa tối thì nằm nghỉ tạm trên đống cỏ mà Trương Thư đem về.

Sợ rằng lại có thú dữ xuất hiện nên ta với Ninh vương quyết định sẽ thức đêm để trông chừng.

“Nghi An”. Ánh lửa ấm áp bập bùng chiếu rọi khiến gương mặt Ninh vương dịu dàng hẳn đi.

“Sau này…đừng mạo hiểm như vậy nữa.”

Ta cúi đầu nhìn đống lửa, cảm thấy trong lòng như có một dòng nước ấm áp chảy qua.

“Được.”



Sáng hôm sau chúng ta xuất phát từ sớm, vượt qua trùng trùng những cơ quan bố trí khắp nơi, đến tận trưa mới đến được nơi bắn pháo hiệu. Sau đó thì có thể cưỡi ngựa trở về doanh trại.

Thái tử Trường Cẩn và Ân tiểu quốc công săn được một con cáo lửa có bộ lông đỏ rực. Các tiểu thư, công tử khác cũng săn được không ít loài vật quý hiếm.

Hoàng thượng lần lượt khen ngợi và ban thưởng cho tất cả mọi người, sau đó còn không quên căn dặn chúng ta phải chú tâm học hành, không được xao nhãng.

Mấy ngày sau đó là thời gian tự do hoạt động, cưỡi ngựa, đi săn, ngắm cảnh, muốn làm gì cũng được. Lại qua mấy ngày, hội săn mùa xuân cuối cùng cũng kết thúc, mọi người đều thu dọn đồ đạc trở về kinh thành.