Chương 25: Khác xa với lời đồn

Đám giỗ nhà Thục Khuê nói lớn không lớn, nói nhỏ thì cũng không hẳn là nhỏ. Mấy nhà quyền quý chính gốc trong làng đa phần đều cho người gửi quà đến nhưng không đi, còn lại hễ ai làm ăn buôn bán đều nể mặt đến chơi. Dù sao thì ông Tư Ngưng trong giới buôn bán rất biết mốc nối quan hệ, kể cả quan trên cũng có thể bợ đỡ, đút lót tiền vàng.

Người ăn kẻ ở trong nhà tất bật ngược xui. Ngay cả Thục Khuê cũng phải dậy thật sớm để quán xuyến mọi việc chuẩn bị cho bữa tiệc. Nhà không có bà chủ, cô là con gái lớn, đương nhiên phải đảm nhiệm trọng trách to lớn này.

Thục Khuê ngồi một bên lau lại lá chuối đã được phơi nắng qua, vừa líu lo trò chuyện với người đàn bà độ chừng bốn mươi tuổi: "Cảm ơn dì Năm đã đồng ý đến đây phụ giúp làm tiệc chiêu đãi ngày giỗ má con. Hôm bữa con nói chuyện với Kiến Văn, cứ sợ cậu ấy không ưng."

Dì Năm là mẹ Kiến Văn. Năm nay ngoài bốn mươi. Trải qua năm tháng vất vả một mình nuôi con mà mái tóc đã lăm răm bạc, dưới mắt cũng hiện rõ nếp nhăn, trông già trước tuổi rất nhiều.

Dì Năm đảo đảo nồi nếp to chảng, rụt rè đáp: "Cô Hai khách sao quá rồi. Tôi làm công nhận tiền mà thôi.”

Thục Khuê cười, nói: “Con cứ tưởng Kiến Văn không cho dì tới. Dù sao trước kia chị em con cũng có lỗi với cậu ấy rất nhiều.”

Qua nửa ngày tiếp xúc, dì Năm cảm thấy cô chủ Thục Khuê cũng không trái tính trái nết như lời đồn. Ngoại trừ thân hình có hơi mũm mĩm một chút, nhưng bù lại nói chuyện rất có duyên.

Đối với người có tuổi như dì Năm thì Thục Khuê không có gì đáng chê trách cả.

“Cậu Ba và thằng Văn học cùng trường cùng lớp, khó tránh khỏi những lúc xung đột cãi vã. Thanh niên cọ xát qua lại với nhau cũng là chuyện thường tình. Huống hồ cô Hai cũng giúp đỡ nhà tôi rất nhiều. Tôi sao có thể hẹp hòi so đo chuyện cũ mãi thế.”

Thục Khuê le lưỡi, cô nghe mà ngượng quá chừng. Làm cha làm mẹ, con mình bị đánh có ai không xót? Dì Năm có thể tha thứ cho bọn họ đến bước này, âu cũng là người có tâm địa thiện lương.

Thấy cô có vẻ ngượng ngùng, dì Năm cười, lại nói nhiều thêm mấy câu: “Chuyện năm mươi đồng lần trước, tôi biết ơn cô nhiều lắm.”

Thục Khuê ngượng cúi mặt lộ cả nọng cằm, cười ha ha một cách giả trân, đáp: “Ơn nghĩa gì hả dì Năm. Kiến Văn cứu giúp tôi, tôi trả công cho cậu ấy. Đôi bên sòng phẳng, không ai nợ ai thôi mà.”

Vẻ mặt dì Năm hiểu rõ, khẽ lắc đầu cười, trả lời: “Ngày đó trở về, thằng Văn có kể lại chuyện đó cho tôi nghe. Tôi biết cô Hai có lòng tốt, muốn giúp đỡ thằng Văn nhà tôi mà thôi. Cô Hai không biết đâu, nó dùng năm mươi đồng đó mua sách mới, bọc lại kĩ lưỡng ngày ngày đem theo bên người.” Nói đoạn, bà thở dài, trở tay kéo nồi đậu xanh đã hấp chín đến quết cho vừa nhuyễn vừa mịn, rồi mới tiếp tục câu chuyện: “Cùng là nhận giúp đỡ, nhưng với thân phận là một người mẹ tôi biết ơn cách làm của cô Hai lung lắm. Lần đầu nó mua được sách vở bằng tiền ‘công’ của mình, tôi nhìn ra được nó vui lắm.”

Thục Khuê ngồi một bên lau lá chuối, hoàn toàn hiểu được tấm lòng của dì Năm. Có người mẹ nào không muốn cho con mình những thứ tốt nhất. Ngặt nỗi nhà dì Năm nghèo, cơm ngày ba bữa lo chưa xong chứ nói chi tới việc học hành tốn kém. Kiến Văn có thể tiếp tục đi học là do người trong làng thương tiếc tài năng của hắn. Tuy nhiên, người giúp đỡ đều muốn được trả ơn. Ví dụ như trưởng làng mỗi lần ban cho hắn vài quyển sách cũ kĩ để học tập đều sẽ dành nửa ngày để nhắc nhở hắn ghi nhớ ân tình này thế nào, mai sao đỗ đạt trạng nguyên thì nên làm gì, tương lai làm quan rồi thì cũng phải dốc lòng phục vụ dân làng.



Những lúc như thế, Kiến Văn chẳng khác nào một tên ăn mày đang chờ bố thí.

Dì Năm biết lòng tự tôn con trai mình cao, cũng đau lòng hắn.

Thục Khuê im lặng lắng nghe, không nói thêm gì. Cô lấy lá chuối xếp hai lượt ngang rồi dọc đan xen nhau, múc một vá lớn gạo nếp đổ vào giữa lớp lá rồi dàn gạo đều ra theo chiều ngang lá. Kế đó thì cho đậu xanh lên trên, đổ thêm một lớp gạo nếp rồi cuộn tròn chặt lại. Tiếp theo dùng dây chuối khô tưới thành sợi cột phần giữa bánh để cố định.

Bàn tay béo ú úp lật qua lại hết sức linh hoạt, chẳng mất bao lâu đã gói được một đòn bánh nhân đậu thon gọn đẹp mắt.

Thục Khuê đặt bánh vào rỗ đựng, cười cười nói dì Năm: “Do dì Năm nghĩ nhiều thôi đó ạ, chứ tôi không tốt bụng như vậy đâu.” Dứt lời, cô không muốn tiếp tục đề tài này nữa, bèn lãng sang chuyện khác: “Giờ này hẳn là đã tan học rồi, dì có muốn trở về lo cơm nước cho cậu Văn không đa?”

Dì Năm làm không ngơi tay, đáp: “Không cần đâu cô Hai. Nó vừa tan học đã tới đây phụ giúp tôi rồi. Mà cô yên tâm, nó chỉ đến giúp tôi thôi, không tính thêm tiền công đâu cô.”

“Tôi cũng có tiếc chi mấy đồng đó đâu dì.” Thục Khuê phủi tay, nhìn dáo dác một vòng, lại hỏi: “Thế cậu ta chạy đi đâu rồi dì?”

Dì Năm trả lời: “Nó ra sau hè hái mấy trái dừa giùm tôi rồi đa. Lát nữa cần dùng để kho thịt.”

“À.” Thục Khuê giây trước gật đầu, giây sau bỗng hoảng hồn. Sau hè có hàng dừa cao cao trĩu quả, xung quanh có vô số cây ăn quả xanh um, không gian cực kì thoáng mát và rộng rãi. Đặc biệt, đó còn là “ổ” của thằng Ba và thằng Tư.

Kiến Văn đến đó, khác nào đưa dê vào miệng cọp đâu cơ chứ.

Mí mắt Thục Khuê bỗng giật liên tục, cô vội vàng đứng dậy, chào dì Năm một tiếng rồi chạy đi.

Dì Năm hoang mang nhìn theo bóng lưng hối hả của cô, đột nhiên thấy cũng dễ thương quá chừng.

Sau cùng, ánh mắt bà đảo tới đòn bánh đẹp đẽ nằm trong rỗ, cầm lên ngắm nghía hồi lâu, thầm thì: “Gói bánh đẹp thế này sao có thể là người xấu tánh xấu nết được chớ! Lời đồn quả thật không đáng tin mà.”