Chương 1

Sống có tiền, chết cũng có tiền, người nằm đó đợi người đến nhận

Giàu cũng chôn, nghèo cũng chôn, quan đóng cửa chờ quan mở cửa.

-0-

Dân làng đang tụ tập rất đông ở bến để coi người tự xưng là "thầy Tư Lĩnh" làm phép vớt xác, đuổi ma da. Hơn mười ngày nay, khúc sông đi qua làng Hưng Trị, tổng Thanh Phong, Bạc Liêu như đảo lộn bởi tin đồn có ma da.

Cứ độ bốn năm giờ sáng, người nào chài lưới đánh cá ngang khúc sông này đều kéo lưới được thứ gì đó trông như cái đầu lâu. Lưới vừa kéo ra khỏi mé nước thì thứ ấy gào lên, khiến ai cũng hồn vía lên mây, có người té ra sông, sợ quá bơi một mạch vào bờ, lát sau mới cùng hơn chục người khác ra xem thì thấy lưới bị đứt tan tành, tựa như có thứ gì đó xé toạc ra.

Ban đầu chỉ là sợ hãi, vì có câu: "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá", nghề chài lưới đánh cá làm gì có kết cục tốt đẹp, sông nước lúc nào chẳng bí ẩn ma quái, có người đánh bạo, cho rằng sông có thuồng luồng thủy quái, chỉ có thứ đó mới đủ sức cào rách tấm lưới đến như vậy.

Thấy ý kiến này có vẻ khả dĩ, nhiều người lại bàn thêm, kể ra đủ thứ hình dạng, nào là có cá sấu to bằng hai cái xuồng, có người nói thấy thứ như con trăn, người nói là con cá hô. Dù là gì, thì đều như vắt chanh, sáng sớm nào, khúc sông này cũng gặp thứ ấy cào rách lưới, nói không hoảng sợ lại thành ra nói xạo. Chuyện ấy được chừng năm, sáu ngày, chẳng ai dám bén mảng đến khúc sông đó mà đánh cá chài lưới gì nữa, con nít không dám tắm, đàn bà không dám giặt giũ.

Mới đây, đang lúc nửa đêm, ông Sáu Đèn Cầy đang nửa đêm nằm ngủ thì nghe nhà sau, chỗ sàn nước, có tiếng "oàm oạp" như con gì đó quẫy nước. Nghĩ rằng có cá sấu, ông bật dậy, kêu thằng lớn cầm theo cây chĩa, đốt đèn dầu, hai cha con cùng tiến ra nhà sau. Ra nhà sàn, ở vùng miền tây này thời đầu thế kỷ trước, hầu như nhà nào đều có một nửa nằm trên đất, mặt tiền hướng ra đường lớn, nửa sau dựng cột tràm, làm sàn gỗ, vừa mát mẻ, vừa tiện sinh hoạt. Sàn gỗ này thường cặp nhau, nhà này làm động, nhà kia nghe ngay, nhờ vậy, ông Sáu Đèn Cầy mới thấy, mấy nhà xung quanh cũng đều có người đốt đèn ra coi, chắc vì tiếng động này lớn quá, nhà nào cũng nghe.

Ông Sáu lớn tuổi, chỉ mấy người hàng xóm: "Bây coi, kiểu này là cá sấu chắc rồi. Thằng Tư Hớt có bận mày đi săn sấu rừng U Minh, mày coi dẫn thằng hai thằng nữa nhử coi sao?"

Nhà kế bên vang lên tiếng: "Con thấy không phải sấu đâu ông Sáu. Sấu không động kiểu như vầy, với lại, rọi đèn mà có thấy con nào nổi lên đâu? Cái này... cái này con thấy hay quây lưới lại, rồi phóng chĩa vào cho chắc!"

Ông Sáu gật đầu, cả đám thanh niên chừng tám, chín người mới chuẩn bị lưỡi và xuồng lớn, bơi sát mé, lăm lăm chĩa, đuốc sáng rực, soi sáng cả khúc sông. Mặt nước lúc này bỗng tĩnh lặng đến lạ thường. Đám thanh niên bơi xuồng không xa, hướng đuốc vào dưới sàn gỗ, nơi vừa mới nãy còn phát ra tiếng động. Mãi chẳng thấy gì, có một hai người bạo gan thấy bực mình, liền phóng xuống, đứng nước ngang thắt lưng, bảo những người khác yểm trợ, hai ba người lùng sục kỹ bên trong. Có ba thanh niên đi xuống. Đuốc không soi hết được không gian bên trong sàn nước, lại bị che bởi những cột tràm, tầm nhìn hết sức hạn chế. Bỗng nhiên một bọt nước rất lớn nổi lên ngay góc sàn nước của ông Sáu Đèn Cầy, lớn đến nỗi nó phát ra tiếng "bụp", khiến mấy chục người để ý. Tiếng động ấy vừa vang lên, bỗng nhiên tứ phía, tiếng quạ bỗng kêu lên dồn dập liên hồi, nghe qua tưởng như đang ở nơi tử địa vậy. Tiếng quạ kêu làm những người trên xuồng phân tâm, lúc này nước lại quẫy lớn cái nữa, quay lại thì đã thấy ba người thanh niên kia đang cắm đầu xuống nước, hai tay chổng lên trời như bị ai giật ngược lên!

Khỏi nói cũng biết mọi người hoảng hốt, liền phóng xuống, lao đến cứu, ai dè khi kéo ba người lên, thấy họ ai nấy mắt trợn trắng, họng đầy tóc, tóc dài, nhớp nhúa tanh hôi vô cùng. Lúc kéo, cảm thấy có thứ gì đó nắm rị họ lại, ai dè lúc để lên xuồng thì thấy dấu tay rõ mồn một.

Phen này gặp ma da thật rồi. Đám thanh niên kia khi tỉnh dậy hỏi thì u u mê mê, chỉ nhớ được có một ánh mắt dữ tợn nhìn họ, rồi họ không còn tri giác gì nữa. Sáu Đèn Cầy chủ trì mọi người họp lại, phen này nên làm cái gì. Bỗng lúc đang họp thì có một người đàn ông trung niên, vẻ mặt đạo mạo, râu dài tóc hoa râm, hai mắt sắt quắc, mặc áo Tàu, đội nón nỉ, đeo tay nải bạc, dắt theo một con dã nhân, trông sơ qua như khỉ, vai ông ta có một con mèo mù. Người đàn ông này nhắm mắt, đi xăm xăm đến trước mặt Sáu Điệp, vật cản đều tránh né hết sức thuần thục như đang mở mắt. Con dã nhân đi theo sau.

Đến trước mặt Sáu Đèn Cầy, ông ta mới mở mắt, điềm tĩnh nhìn ông Sáu và dân làng, nói: "Bần đạo vô tình đi ngang qua đây, vốn dĩ cũng rất bận, nhưng thấy họa không thể không cứu, làng này có ma nước, oán khí nó lên cao lắm rồi, tuy hiện nay chưa có ai chết nhưng không sớm thì muộn, nó cũng bắt vong làng này để thế mạng cho nó mà thôi!"

Sáu Đèn Cầy nghe xong thì bán tín bán nghi, nhìn dân làng, thấy họ cũng nghĩ như ông, bèn nói thử: "Vị đạo trưởng đây quả thực có tài phép có thể bắt được ma nước hay sao?"

Người kia đáp: "Hái sao trên trời, cân mây đếm gió thì bần đạo không làm được, nhưng chuyện này bần đạo đã kinh qua không ít lần."

Một người đứng dậy, nói: "Ông anh, có nói có, không nói không, làm được thì làng này hậu tạ, không được thì ông anh tính làm sao?"

Người kia cười lớn, nói: "Khi ấy mạng của bần đạo tùy hỷ quý vị định đoạt!"

Người đạo sĩ là Tư Lĩnh. Đàn tế được bày ra, loáng cái lễ vật cúng kiến đều đủ cả. Khi ấy đã gần giữa trưa, ông Sáu hỏi rằng đợi chính ngọ mới hành lễ hay sao, Tư Lĩnh cười, nói: "Không cần, nhanh thôi!"

Tư Lĩnh quay sang con dã nhân, kêu "xùy xùy" mấy tiếng, nó hiểu ra gì đó, liền phóng ùm xuống sông, bơi một mạch ra giữa sông, đập tay liên hồi. Dân làng hiếu kỳ đổ ra xem rất đông, Tư Lĩnh đứng chắp tay trên bờ, trông thư thái lạ thường, con mèo vẫn ngồi trên vai không lay động. Chừng nửa nén nhang, con dã nhân kêu "khẹc khẹc", rồi bơi lại vào bờ, lúc này giữa sống nổi bọt trắng rất nhiều. Con dã nhân lên bờ, Tư Lĩnh cầm lư hương, bốc hết tro ra, rải đều xuống sông, bốc ba chân nhang ngậm ngang miệng, ba chân nhang nhét vào dây đai lưng, miệng vừa ngậm nhang vừa lầm rầm thứ gì đó như khẩu quyết, hai tay ông cầm theo một số cây nhang đang cháy, rồi đi từ từ ra sông.

Sông này khá sâu, giữa sông dễ đến bảy mét, ấy vậy mà thấy Tư Lĩnh bước ra đã xa mà nước chỉ tới thắt lưng, tay ông chắp trước ngực, tựa như ông đang đứng thẳng trong nước. Lúc này, dân làng không giấu được sự thán phục, kêu lên vì tài phép của Tư Lĩnh. Tư Lĩnh rõ ràng đứng ở giữa sông, vẫn tư thế ấy, hai tay ông dang ra, rồi lại chắp vào, nhang chưa cháy hết thì thấy ông cắm nhang xuống mặt nước, rồi trở lại bờ. Tổng cộng Tư Lĩnh "cắm" ba cây nhang lên...sông, trước sự chứng kiến của hàng trăm người.

Tư Lĩnh lên bờ, Sáu Đèn Cầy run cầm cập, chưa kịp hỏi gì thêm thì thấy nhang bị thứ gì đó kéo tuột xuống nước, chưa kịp định thần lại thì thấy có thứ gì đó rẽ nước, tiến đến bờ chỗ Tư Lĩnh đang đứng, đến khi thứ ấy tấp vào rồi, dân làng mới tá hỏa thì ra là ba xác người tím tái căng phồng, tóc trên đầu đều rụng cả, da đầu lở loét, mắt bị cá rỉa, người tròn như bơm hơi.

Tư Lĩnh nói với dân làng: "Ba người này chết ở đầu nguồn, trôi xuống đây, mắc kẹt dưới nhà sàn, hàng ngày hứng chịu xú uế mọi người đổ xuống, oán khí tích tụ lại nên mới bày trò quậy phá dân làng, nay mỗ đã thanh tẩy cho họ, giờ sẽ đem họ đi tìm chỗ đế chôn cất tử tế, làng ta hãy gom góp một chút tiền bạc làm lễ cho họ, bần đạo không cần lấy gì thêm!"

Mọi người nghe xong, cho là phải, bèn rủ nhau mỗi người góp một chút, ai cũng cám ơn Tư Lĩnh đã làm phước giúp làng, Tư Lĩnh cúi chào, rồi xin một chiếc xe kéo để chở xác ba người này đi. Dân làng tiễn đi hơn một dặm, ai cũng coi Tư Lĩnh như thánh sống.

-0-

Khuya. Lúc này đã qua canh hai. Con dã nhân kéo xe đi sau, Tư Lĩnh đi trước, vừa đi vừa vuốt râu, ánh trăng mờ ảo soi mặt lão ta, trông nham hiểm vô cùng, lão vừa vuốt râu vừa ngâm nga mấy câu: "Tại nhân hữu kim tiền, y nhân bất tri phiên, quan nhân kim ngọc khẩu, cổ nhân tác trọng thiền..."

Con đường Tư Lĩnh đi càng lúc càng tối và vắng vẻ, thôn xóm gần nhất cũng cách cả dặm, xung quanh chỉ toàn là đồng ruộng. Bỗng Tư Lĩnh hướng về con dã nhân, kêu lên: "Tới rồi, thằng ngu! Tụi bây kéo tụi nó vào đây!"

Con dã nhân hoảng sợ kêu: "Dạ, dạ!"

Một cái xác trong ba cái xác cũng ngồi dậy, lột phăng cái thứ nhớp nhúa vốn là da mặt ra, để lộ bên trong dung mạo quái dị, mắt to, lồi, không có môi, miệng trề ra, trông chẳng khác gì con cá trê. Thứ này cũng lên tiếng cùng lúc với con dã nhân: "Dạ ông."

Tư Lĩnh đứng chắp tay sau lưng, nhìn con quái cá trê và con dã nhân bồng hai cái xác vào con đường mòn, hai bên toàn tre và chuối mọc dày đặc, nhìn lên không thấy trăng, nhìn hai bên cũng chỉ một màu đen đặc. Tư Lĩnh để hai tên kia dẫn đường, ngoằn ngoèo một chút thì đến một nghĩa địa rộng mênh mông.

Tư Lĩnh thận trọng quan sát. Cả nhóm Tư Lĩnh đều mặc toàn đồ đen, trong nghĩa địa vốn dĩ từ cách năm sáu bước chân thì nhìn chẳng ra được, Tư Lĩnh chỉ là cẩn thận mà quan sát, không hiểu sao hôm nay ông ta cảm giác như có ai đó đang theo dõi. Sau đó, Tư Lĩnh dẫn đến một ngôi mộ mới đắp, có lòi ra một mảnh ván hòm ẩn sau bụi cỏ. Con dã nhân đặt xác chết xuống, kéo cái nắp quan ra, trông như vô cùng quen việc. Nắp quan mở ra, bên trong là một cái huyệt rỗng, vách bên trái có một thống đạo nhỏ.

Con dã nhân và con quái cá trê đặt hai xác chết còn lại nằm song song đối diện với huyệt, Tư Lĩnh móc trong túi ra hai gói vải, bên trong mỗi gói là hai con mắt mờ đυ.c, trông như bị lấy ra lúc người ta vừa chết. Lúc này, trời đang lặng gió bỗng rít lên từng cơn lạnh ngắt khiến Tư Lĩnh giật mình, trăng bị mây kéo đến che khuất, Tư Lĩnh bấm quẻ, chỉ kịp kêu lên: "Con mẹ nó, hỏng rồi! Lấy dầu cho tao, nhanh!"

Con dã nhân và quái cá trê liền móc trong túi ra hai lọ gốm nhỏ, nhưng chưa kịp làm gì thì một trong hai cái xác bật dậy, nắm chặt lấy tay Tư Lĩnh, đớp lão một phát, cái xác còn lại lao đến con dã nhân.

Tư Lĩnh phản xạ nhanh chóng, biết rằng đã gặp cương thi, có giật tay lại cũng chẳng ăn thua, bèn ngả người ra sau, dùng chân đạp mạnh vào mặt cái xác, chỉ nghe tiếng chân lão đá sượt qua lớp da thịt bủn, Tư Lĩnh xoay người để khóa cái xác, nhưng nó quá nhanh, một tay cào trúng ngực Tư Lĩnh, để lại vết thương sâu hoắm! Tư Lĩnh gào lên đau đớn, gom hết sức bình sinh, đá thẳng vào yết hầu cái xác, làm nó rụng cả da cổ, nhờ vậy lão mới thoát ra được, lui ra sau mấy bước.

Gió vẫn gào thét tại nghĩa địa, nhưng không hiểu sao mây đang dày, lại tản đi hết cả, để lộ ánh trăng mờ ảo, soi dáng một người thanh niên đang đứng trên đυ.n đất gần đó. Người thanh niên lên tiếng: "Hành tẩu coi ý trời, cắm Hương coi ý đất, Hành Hương qua nhà tổ?"

Tư Lĩnh nghe thì mừng rõ, vội kêu lên: "Hành Gia! Hành Gia! Nghe giọng có phải Đường huynh?"