- 🏠 Home
- Linh Dị
- Tâm Linh
- Tống Xác - Hành Hương
- Chương 3: Rước tang, đưa cưới
Tống Xác - Hành Hương
Chương 3: Rước tang, đưa cưới
Hồng Quán chụp vai Tư Lĩnh, chỉ về hướng của đoàn đưa tang kỳ quặc. Không khí này đúng là tổng hợp lại tất cả điều cấm kỵ của khẩu quyết: mây dày, trăng sáng, gió lạnh, sấm vang chớp giật, đều là những thứ bất thường cả. Hai người thấy xung quanh bất chợt lạnh ngắt, tưởng như hơi thở bị ngưng đọng, không gian chìm trong mơ ảo ma quái.
Hồng Quán ăn bát cơm Hành Gia cũng đã lâu, hành sự tuyệt đối kín kẽ, mắt vừa thấy có đoàn người, chân lập tức quét một đường, hất cát dập lửa, tay đập thêm mấy nhánh cỏ lên, loáng cái đống lửa ban nãy chỉ còn lại tro than, thậm chí cả làn khói mỏng cũng không còn. Cả hai người kéo nhau, nấp sau một bụi cỏ. Tư Lĩnh nói: "Thứ đó là gì vậy nhị ca, giờ này ai đâu mà đi đưa tang kỳ cục như vậy?"
Hồng Quán: "Chính xác. Mặc dù thiên tượng đang phạm vào những điều cấm kỵ của Hành Gia, nhưng anh thấy chuyện này có điều chưa ổn, tạm thời cứ nấp vào đây đã!"
Đoàn đưa tang vô cùng bề thế, cũng đầy đủ kèn trống, cờ, đi đầu là hai người nam, chừng ba mươi tuổi, mặc đồ tang, xõa tóc, cúi mặt cầm một bát hương đỏ cả nhang. Kế bên anh ta là một người thanh niên khác, chừng hai mươi ngoài, mặc áo bà ba, chân quấn xà cạp, ra dáng là dân học võ. Phía sau là đoàn đưa tang hơn hai mươi người, quan tài có hình dáng kỳ lạ, trông như một cái kiệu dài, cao chừng nửa thước, dù vẫn có mái và rèm hệt như kiệu xưa, được sơn đỏ, tay kiệu sơn đen, đầu tay kiệu có vẻ chạm khắc hình đầu con phụng và con hoàng. Hồng Quán cố quan sát kỹ, cũng nhờ có ánh đuốc từ đoàn người, Hồng Quán có thể tin rằng đúng là có họa tiết ấy, quan tài được giả làm kiệu, hông kiệu vẫn là họa tiết "Phụng Hoàng Đằng Hải", nghĩa là phụng hoàng bay qua biển, ngụ ý nam nữ cùng nhau vượt qua khó khăn sóng gió.
Tư Lĩnh giục: "Nhị ca, đệ thấy ở đây làm chi, cuốn gói đi là hơn, lỡ như bị phát hiện thì sao?"
Hồng Quán chặn tay, lại, "suỵt" một tiếng rồi nói: "Linh cảm của anh quả không sai! Cái này không phải đưa tang đâu!"
Tư Lĩnh ngơ ngác: "Rõ ràng là đưa tang mà?"
Hồng Quán cười nhẹ, hỏi: "Em có nghe đến chuyện "rước tang mồng mười đưa cưới mồng ba" chưa?"
"Chưa nghe qua, phải là đưa tang rước cưới chứ? Phải chăng là từ đồng dao?"
Hồng Quán lắc đầu: "Không phải đâu, đồng dao là để con nít đọc lúc chơi trò chơi ngoài ruộng đồng, ai lại dạy con nít mấy thứ đồng dao vớ vẩn ấy. Em xuống núi đã lâu mà chưa biết đến chuyện rước tang đưa cưới, thì còn thiếu sót lắm đó!"
Hồng Quán kể, tập tục mai táng, hoặc những thứ liên quan đến tâm linh ở vùng này từ thuở xa xưa tồn tại rất nhiều điều kỳ quặc. Nếu có một cặp vợ chồng chẳng may bệnh chết cùng lúc, người ta tin rằng họ vì sống chết có nhau mà chẳng nhớ được đường về nhà, cũng như là dễ bị ngạ quỷ lôi kéo, gây chia cách, cho nên có một tập tục trước ngày "cửu tức", nghĩa là bốn mươi chín ngày, chọn ra một ngày mùng mười, làm lễ thỉnh họ từ phần mộ, đưa vong hồn quay về nơi thờ tự tại gia để tránh thành ma đói, cái đó gọi là rước tang.
Đưa cưới thì thấy nhiều hơn, nếu có người chết trẻ, mà chưa thành gia lập thất, nếu họ là con nhà quyền quý, thế nào gia đình cũng sợ kiếp sau họ cô đơn lẻ loi, lại trở thành cô hồn vất vưởng, bèn làm lễ cưới cho họ với một hình nhân giấy, nếu nhà giàu hơn nữa thì dùng người thật. Lựa canh ba mồng ba đến bên mộ, làm lễ y như cưới thật, xong xuôi cho người đó ngủ lại trên nắp quan qua đêm thì coi như đã làm xong "đám cưới ma". Dĩ nhiên trường hợp này, người kia hẳn phải nghèo mạt rệp mới chọn cách như vậy. Dân ở đây không gọi là "đám cưới ma" đơn thuần, mà gọi là "đưa cưới", ngụ ý rằng dù người chết kia có là nam hay nữ, thì hành động "cưới" này cũng như là thủ tục để tiễn họ về thế giới bên kia, như cô dâu về nhà chồng, mới dùng từ "đưa" cho thuận miệng.
Hồng Quán chỉ vào đoàn người đằng kia, quan tài kiệu, họa tiết phụng và hoàng, kiệu đỏ tay đen, lại có chạm khắc phụng hoàng song thủ ở hai đầu tay kiệu, Quán cho rằng đây chính là "rước tang" chứ không gì khác. Tư Lĩnh nghe xong, tuy đã hiểu "rước tang đưa cưới" là cái gì, nhưng vẫn không hiểu tại sao Hồng Quán muốn ở lại.
Hồng Quán thở dài: "Em thử nghĩ xem, để làm đám rước tang như anh nói, một là nhà đó giàu, hai là phải chưa quá bốn mươi chín ngày, em đoán xem đoàn rước tang đó đang đi rước mồ nào?"
Tư Lĩnh giật mình: "Trời đất, chẳng lẽ là cái mộ mà đệ "bốc bát"?
Hồng Quán gật đầu: "Chứ còn gì nữa! Người đứng ra làm mấy cái vụ rước tang này, đều là dân thầy bà đạo hạnh cao thâm, nếu để họ phát hiện ra xác bên dưới đã bị "bốc bát", thế nào cũng lần ra được manh mối của đệ, Hành Gia kỵ nhất chuyện bị phát hiện, đệ "sàng tro" lại quá bất cẩn, nên chú ý hơn!"
Tư Lĩnh chậc lưỡi, chuyện đi "sàng tro", tức là đem xác dưới mộ đi lừa gạt, lão tiến hành tương đối gần nơi bốc bát, trời xui đất khiến thế nào lại dính ngay bát hương chuẩn bị rước tang, may mà Hồng Quán phát hiện sớm, bằng không sắp tới Tư Lĩnh không về Bạc Liêu làm ăn được nữa.
Tư Lĩnh hỏi: "Làm sao bây giờ nhị ca?"
Hồng Quán suy nghĩ, kề tai Tư Lĩnh nói nhỏ gì đó. Cả hai chia ra hai hướng để hành động.
Đoàn người tiến lại gần mộ, người nam đi đầu nói: "Phía trước đó đạo trưởng, mời ngài qua xem!"
Người mặc áo bà ba kia tiến lên. Khuôn mặt vô cùng uy dũng, mắt như diều hâu, mũi to, trán rộng, không để râu, nhìn khuôn mặt tuy trẻ nhưng vô cùng rắn rỏi. Người này đảo mắt qua phần mộ, chính xác là mộ mà Tư Lĩnh đã bốc bát, hệt như dự đoán của Hồng Quán. Bỗng nhiên, anh ta thấy có người nằm sõng soài giữa hai nấm mộ, đang rên lên ư ử, vội chạy đến xem, thì ra là Hồng Quán!
Đám người đằng sau kêu lên nhao nhao: "Gì vậy cậu Hai Sửu?"
Người cầm lư hương là Hai Sửu, quay ra sau nói: "Tụi bay để yên cho thầy làm, hình như có biến, tránh ra xa một tí!"
Người mặc áo bà ba đến bên Hồng Quán, xem còn thở không, đưa đèn đến soi kỹ khuôn mặt, thấy dính đầy đất cát, trong họng còn rất nhiều sình non, cổ có dấu tay bóp, kẽ miệng rỉ ra bọt trắng, đoán chừng là bị ma giấu.
Người này dựng Hồng Quán dậy, cho người xoa dầu, móc họng, anh ta thì lấy ra một nhúm cỏ khô để trong túi, vò nát, trộn với dầu gió, đổ vào miệng Quán, chừng nửa nén nhang thì Quán ho sặc sụa rồi từ từ mở mắt ra, vừa thấy đám người trước mặt liền kêu rống lên: "Đừng gϊếŧ tôi, đừng gϊếŧ tôi, trời ơi ma!"
Người đạo trướng chụp lấy vai Quán, bóp mạnh, nói: "Đừng sợ, chúng tôi là người!"
Tất cả đứng im nhìn, Quán sợ hãi, run lập cập: "Người... người gì mà...đi đưa tang nửa đêm như vầy? Mà đây là chỗ nào?"
Người đạo trưởng giải thích cho Quán nghe là anh ta đang làm một số thủ tục giúp âm phần của nhà này, vô tình gặp Quán, trông như bị ma giấu, bèn hỏi lại sự tình. Quán uống nước, ngồi thở lại bình thường rồi kể.
Bận chiều, Quán đi bộ về hướng xã, đi ngang con đường đất cỏ cây um tùm thì thấy có hai người, một nam một nữ, trông như cặp vợ chồng, đang bán bánh bao. Bánh bao thơm lừng, Quán cũng đang đói bụng, liền ghé vào mua hai cái. Ngộ cái là hai người kia chẳng ai nói lời nào, cứ cúi đầu, ra dấu. Quán thấy bánh thơm ngon, ăn liền hai cái, lát sau tự dưng thần trí bất minh, thấy hai ông bà kia đứng lên, rẽ cỏ đi vào trong bụi cây thì đi theo, tỉnh dậy thì thấy mình đã nằm ở nghĩa địa này!
Đạo trưởng nghe xong liền thất kinh, vội bấm quẻ, nói: "Không ổn rồi! Hành xung gặp quỷ khí, thiên tượng "quang dã lôi dã", là điềm bất tường, không khéo bên dưới đã thành cương thi rồi cũng nên!"
Quán nghe đến đó thì giật mình, phen này gặp phải cao nhân, may mà bày mưu ra trước, bằng không thì hỏng với tên đạo trưởng này.
Người kia lui ra, bảo Quán đứng về sau, nói đoạn anh ta quay sang, kêu gia đinh lên đập mộ ra nhanh lên, bằng không khi để hóa cương thi hoàn toàn, cả làng cả tổng này sẽ gặp họa lớn. Quán nghe thấy vậy thì im lặng lui ra, không biết Tư Lĩnh liệu có làm đúng như lời dặn hay không.
Tám người lên đập mổ, đạo trường ngồi xếp bằng trước bia mộ, im lặng, nhưng khóe môi mấp máy như đang đọc chú. Quán hồi hộp chờ đợi. Chừng sáu nén nhang, phần mộ ở trên đã dọn xong, bắt đầu đào lên, bỗng người ở kêu: "Cậu Hai ơi, không hiểu sao đất nóng quá!"
Hai Sửu chạy lên, lay vai đạo sĩ: "Thầy Ba, Thầy Ba coi dùm con, có cái gì vậy Thầy?"
Người kia trừng mắt, đứng dậy, sờ đất trong huyệt, nói: "Mấy người leo lên nhanh!"
Đám người ở phải đi rước tang trong đêm ma quái thế này vốn đã sợ cúm giò, nay đào huyệt gặp đất lạnh thì không nói, lại là đất nóng, nghe đạo sĩ kêu vậy thì ba chân bốn cẳng phóng vèo lên hỗ, đứng ngóng xuống, xem đạo sĩ làm gì. Đạo sĩ đứng ở mé huyệt, dùng một cây đòn gánh to dùng để khiêng những cái rương lớn phía sau, một tay đóng thật mạnh xuống huyệt. Đất lập tức sụp xuống.
Trong sát na đó, Quán chợt kêu lên: "Á trời ơi ma!"
Cả đám người rước tang đang lo sợ nơm nớp, nghe tiếng kêu thất thanh bất chợt vang lên, ai nấy cũng hồn vía lên mây cả, đồng thanh hét lên, quay sang nhìn thì thấy Quán đang bò lui dưới đất, nói: "Lúc nãy có cái đầu bay ngang qua đây!"
Đám người lại nhao lên lo sợ, Hai Sửu vội lắp bắp nói với đạo sĩ: "Thầy Ba, có gì đó..." chưa nói hết câu thì Hai Sửu giật mình khi nhìn xuống huyệt, một cột lửa phụt lên, bên trong huyệt đang cháy rất mạnh, nồng nặc mùi hôi thối như đốt một con thú bị thối rữa bằng dầu thông!
Đạo sĩ khoanh tay trước ngực, thở dài: "Thiên kiếp, thiên kiếp, xác nhị vị song thân đã hóa cương thi, bần đạo đã thi triển đạo pháp, chỉ còn cách hỏa thiêu mới tránh được!"
Hai Sửu nhìn cột lửa mà sợ đến ngồi thụp xuống, mặt cắt không còn giọt máu, nói: "Được... được... không sao không sao, nhà tôi yên ổn làm ăn là được rồi... giờ... giờ về được chưa Thầy Ba?"
Đạo sĩ lại thở dài, nói: "Các người về trước đi, tôi thu xếp chỗ này ổn thỏa mới về được!"
Hai Sửu nhìn đường ra khỏi bãi tha ma, nhăn mặt: "Có cần gấp vậy không thầy? Hay thầy đi cùng bọn con về, sáng mai làm?"
Đạo sĩ đanh mặt: "Hay anh muốn vong hồn song thân anh về nhà vật cho chết không chừa ai anh mới sợ? Đông người lắm chuyện, cứ về trước đi, tôi phải làm xong mới về được!"
Hai Sửu sợ quá, đành lủi về, không quên kêu mấy đứa người ở đi đầu cho đỡ sợ ma. Hồng Quán thấy chuyện êm xuôi, định hòa vào đám người kia, bỗng nhiên vị đạo sĩ cười lớn, nói: "Đường Hồng Quán, đệ tử của Hành Gia Thiên Quân mà nay phải giả trò này để che giấu chuyện bốc bát hương à?"
Hồng Quán vừa nghe thì giật mình, may là đám người kia đã đi xa, không nghe được. Quán giả điếc, tiếp tục đi, đạo sĩ nói thêm: "Không định đến lôi đồng bọn của anh ở cái huyệt giả đằng kia lên à? Đồng đội gì mà thiếu trách nhiệm vậy?"
Đến lúc này, Hồng Quán không thể giả điên được nữa, quay lại đối mặt với người đạo sĩ nọ. Quán chắp tay thi lễ, nói: "Đường Hồng Quán, Hành Gia, chẳng hay cao danh quý tánh của đạo hữu?"
Người đạo sĩ cười lớn, cũng chắp tay, nói: "Đoàn Phúc Nguyên, Lý Tôn Tử, nghe danh đã lâu, đúng là muốn diện kiến lại không được, vô tình mà lại có duyên là đây!"
Tư Lĩnh nấp dưới huyệt, nghe được cuộc nói chuyện, biết lúc này đã có thể xuất hiện, liền đứng lên, đi về phía Phúc Nguyên.
Phúc Nguyên nhìn Tư Lĩnh thì chào: "Nghe danh Cao Ma Lĩnh đã lâu, hân hạnh hân hạnh!"
Tư Lĩnh nói: "Nhị ca, tên này là sao vậy?"
Hồng Quán nhìn Phúc Nguyên một hồi, nói: "Có nghe danh ông anh đây giỏi trừ yêu diệt ma, nằm trong một giới bí mật của giang hồ lục tỉnh, nay sao lại che giấu chuyện bọn tôi bốc bát ở đây?"
Phúc Nguyên nói: "Ôi, quan tâm đám trọc phú ác ôn đó làm gì, chúng chết rồi, bị Hành Gia các anh bốc bát, e cũng là chưa đền được tội đâu, tôi còn định hạch sách hù dọa chúng thêm nữa, nhưng khi phát hiện các anh là Hành Gia, tôi lại hết hứng, chỉ muốn đuổi chúng về để nói chuyện cùng các anh mà thôi!"
Hồng Quán hỏi làm sao Phúc Nguyên biết được anh là Hành Gia? Phúc Nguyên nói, nhìn anh giả vờ bị ma giấu rất đạt, nhưng trong nghề cả, xem sình non trong miệng anh có dấu dùng tay anh nhét vào, rồi đất dưới huyệt có mùi dầu hỏa tràm keo, vốn là thứ Hành Gia đem theo đốt cương thi. Phúc Nguyên đoán biết được, có lẽ mộ này đã bị bốc bát, Hồng Quán câu giờ để Tư Lĩnh lẻn vào, đổ dầu châm lửa, thiêu quan tài, xóa vết tích.
Hồng Quán gật đầu: "Khen cho anh biết rõ về Hành Gia như vậy!"
Phúc Nguyên cười: "Không dám không dám, tôi quả thực cũng lăn lộn giang hồ đã lâu, nhưng dĩ nhiên vẫn có nhiều chuyện thua các anh!"
Tư Lĩnh nói: "Hia đây chớ nên vòng vo như thế, phải chăng có kèo muốn hợp tác cùng làm ăn?"
Phúc Nguyên cười, đáp: "Ô hay, Cao huynh nói đúng lắm, Nguyên tôi đến với thiện ý muốn hợp tác!"
Hồng Quán hỏi: "Chuyện gì mà giang hồ ẩn mật bọn anh lại muốn hợp tác cùng Hành Gia bọn tôi?"
"Dĩ nhiên là có thứ nằm dưới mộ, tôi muốn lấy, nhưng trong tuyệt kỹ của giới bọn tôi, chẳng có cách nào làm được, vậy nên đi tìm Hành Gia giỏi để cùng bốc cái bát. Bát hương này rất dày, thuộc loại Cổ Nhân, của nả các anh cứ lấy, tôi chỉ lấy một thứ!"
Con mèo mù trên vai Tư Lĩnh dường như linh cảm được gì đó, nó dựng lông, rên lên hừ hừ.
- 🏠 Home
- Linh Dị
- Tâm Linh
- Tống Xác - Hành Hương
- Chương 3: Rước tang, đưa cưới