Ở quê tôi, nhà ai có con gái đến tuổi lấy chồng thì lúc nào cũng nườm nượp trai làng vào ra tán tỉnh. Ấy vậy mà nhà tôi lại chẳng có ma nào thèm tới lui, dù tôi cũng đã đến tuổi lấy chồng từ hơn chục năm nay rồi! Bởi thế, bố mẹ tôi rất lo tôi ế!
Về hình thức thì kể ra tôi cũng hơi xấu: người lùn một mẩu, đầu tròn như dưa hấu, mặt sần sùi toàn mụn, nhìn như bị thủy đậu. Đã vậy tính tôi lại đầu gấu, đứa nào chỉ hơi nói đểu hay nhìn đểu là tôi nổi cáu, rồi nhảy vào cào cấu. Ngoài xấu ra thì tôi còn khá lười, học dốt, và đần độn. Bố mẹ tôi suốt ngày kêu ca rằng tôi chẳng được cái nết gì. Tôi thì không nghĩ vậy, ngược lại, tôi thấy mình có rất nhiều ưu điểm, chỉ có điều những ưu điểm đó là gì thì tôi chưa phát hiện ra.
Bực hơn nữa là ngay sát nhà tôi có con bé Lành, rất xinh xắn, thông minh, nên mấy anh thanh niên trong xã đến chơi rất nhiệt tình, đông như đi công viên nước. Chứng kiến cảnh đó, bố mẹ tôi không khỏi ngậm ngùi, còn tôi, lại càng thêm buồn tủi. Đã vậy mẹ con Lành – là bà Bôn, có vẻ như rất thích chọc vào nỗi đau của gia đình tôi. Ví như sáng qua, bà ấy sang nhà tôi, hỏi mượn mẹ tôi cái nồi to. Mẹ tôi hỏi mượn nồi to làm gì thì bà ấy bảo là để về đun nước chè mời khách, vì đám thanh niên đến tán con Lành nhà bà ấy đông quá, trong khi cái nồi nhà bà ấy thì nhỏ, nấu nước không có kịp! Bà ấy còn bảo cứ như bố mẹ tôi đâm ra lại nhàn, chả phải lo nước non, khách khứa gì!
Một hôm, bà Bôn bảo tôi:
- Cháu qua nhà cô hái mồng tơi về mà nấu canh! Chả hiểu sao không chăm bón gì mà nó cứ tốt um, xanh mơn mởn!
- Tốt um là phải! Vì khách nhà cô đông quá, lại uống nước nhiều, xong anh nào cũng ra đái vào giậu mồng tơi. Có hôm cháu còn thấy cả chục anh xếp hàng đái cùng một lúc cơ!
- Chắc không phải đâu! Vì nếu đái thì mồng tơi sẽ có mùi khai, chứ đằng này, mồng tơi rất ngọt! Nhà cô vừa ăn trưa nay xong!
- Ngọt thì chắc là trong số các anh đó, có một vài anh bị tiểu đường đấy cô ạ!
Nói thì nói vậy thôi, chứ buồn thì vẫn rất buồn. Dù luôn kiên định trong lòng câu phương ngôn rằng: “FA – già nhưng không ế”, thế nhưng nỗi buồn thì chẳng hiểu cứ từ đâu kéo đến…
Chiều qua, mẹ tôi bất chợt từ ngoài chạy vào, giọng thều thào:
- Có một thằng khá bảnh bao, mặc sơ mi phanh cúc nhìn rất lãng tử, cứ thập thò ngoài đầu ngõ nhà mình. Hình như, nó muốn vào tán tỉnh con, nhưng còn ngại. Con thử ra dò la xem sao?
- Người ta là trâu, con là cọc! Sao cọc lại phải đi tìm trâu?
- Ai chả biết! Nhưng đợi hơn chục năm rồi mới thấy một con trâu tới, nên mẹ lo…
Vậy là sau một hồi bàn bạc, tôi và mẹ đã thống nhất được kế hoạch tiếp cận anh chàng nhút nhát ấy. Theo đó, tôi sẽ ra tắm ở chỗ góc ao ngay đầu ngõ, gần chỗ anh chàng lãng tử ấy đang thập thò, rồi thì tùy diễn biến thực tế mà bắt chuyện, làm quen. Thực sự là dù chưa một lần gặp gỡ, chuyện trò, nhưng tôi rất trân trọng những người đàn ông yêu không vì nhan sắc, không vì trí tuệ, không vì tiền bạc như anh ấy (bởi những thứ đó tôi đều không có).
Chàng lãng tử ấy đã nhìn thấy tôi, nhưng ngượng ngùng quay mặt đi, rồi lại thẹn thùng nép sau bụi chuối. “Đàn ông gì mà nhát thế chứ!” – Tôi nghĩ thầm, rồi từ từ trầm mình xuống làn nước ao mát lạnh dù cơ thể đang hừng hực, râm ran. Bình thường khi tắm ao, tôi hay bơi ùm ũm như chó, rồi chổng mông trồng cây chuối lộn nhào. Nhưng hôm nay thì không vậy được, bởi tôi biết, anh ấy đang núp ở đó, âu yếm dõi theo tôi. Thế nên tôi rất khẽ khàng, dịu dàng vốc từng cục nước rưới lên cổ, lên vai, xuống ngực, bàn tay tôi mềm mại miết trên da thịt, kì cọ nhẹ nhàng. Bên bờ ao, mấy bụi hoa cứt lợn đang nở bung, tỏa hương nghi ngút, càng làm cho khung cảnh thêm tình tứ, mơ màng…
Một đàn bướm từ chỗ mấy bụi hoa cứt lợn ấy bay vụt ra, dập dờn, chao liệng trên mặt ao. Tôi đưa tay vồ lấy một con bướm, rồi cứ thế lấy ngón tay khều khều, mơn mơn, nghịch bướm đầy thích thú…
Bỗng tôi nghe thấy có tiếng ư ử, ư ử! Tôi đã nghĩ đó là tiếng của anh chàng lãng tử. Nhưng về sau tôi mới biết là không phải, bởi ngay sau đó tôi nghe thấy tiếng mẹ tôi chạy huỳnh huỵch từ trong nhà ra, vừa chạy vừa la thất thanh: “Trộm chó! Bớ người ta trộm chó! Đánh chết mẹ thằng trộm chó đê!”.
Tức thì, người từ khắp các ngõ, các ngả túa ra hối hả! Tiếng chân rầm rập, tiếng gậy gộc lộc cộc, rồi sau đó là tiếng hò hét, đánh đập, chửi bới, loạn xạ. Lúc tôi lên bờ, mặc quần áo xong và chạy tới được chỗ đám đông thì vụ đánh đấm đã xong. Thằng trộm chó nằm đó, rúm ró, nhăn nhó. Chiếc áo sơ mi phanh cúc te tua, lấm lem bùn đất càng làm cho anh ấy thêm vẻ lãng tử, phong trần. Hóa ra, tiếng ư ử hồi nãy không phải là tiếng anh ấy mà là tiếng của con chó, đó là lúc con chó bị anh lãng tử siết cái thòng lọng vào cổ. Và tôi cũng hiểu, anh ấy thập thò ở đầu ngõ không phải vì tôi, mà là vì con chó.