Chương 16
Cái chuồng này do cậu với ông Hai hùng hạp làm ăn. Hoàng thì không biết chứ ông Năm biết rõ mười mươi là ông hàng xóm muốn giúp thằng cháu nội ông làm thêm kinh tế. Hôm trước khi hỏi ý ông ông Hai có nói:
- “Người ta nuôi heo nuôi gà vịt được lắm, cho thằng Tí nuôi đi mai này tăng đàn nhiều rồi thì để nó ở nhà chăn nuôi. Để thằng nhỏ đi ruộng riết cực cho nó quá. Ruộng cứ cho người ta thuê.”
Ông không phải không biết ông hàng xóm nói có lý, ông đã lớn tuổi, cả đời lao động cực nhọc bây giờ không còn bao nhiêu sức. Dạo này còn bị chứng tăng xông, lỡ nằm một chỗ ai phụ thằng Tí một tay một chân. Công chuyện đồng ruộng nặng nhọc vô cùng. Nên cuối cùng ông đồng ý để ông hàng xóm giúp thằng cháu, chứ hai ông cháu ông thì không thể lấy đâu ra tiền mà tậu heo tậu gà tậu vịt.
Đồng ý với ông Hai cũng là có thêm một lý do khác. Thực ra từ ngày xảy ra chuyện tình cảm lỡ dở của hai thằng cháu, ông hàng xóm càng giữ ý với ông hơn. Ông nghèo hơn hàng xóm không phải tội của ông Hai nhưng ông Hai cứ nhất nhất cư xử thật cẩn thận sợ làm ông tự ái. Con trai đã sống sung túc ở thành phố nhiều lần về thuyết phục cha lên sống cùng nhưng ông Hai vẫn không đi, ông biết chứ, ông biết ông Hai không đi là vì ông. Hai nhà trót dây dưa chuyện tình cảm mãi không dứt khoát, không đến với nhau được chỉ có thể mang hai căn nhà ọp ẹp để cạnh nhau tối lửa tắt đèn có nhau, mỗi ngày gặp mặt, tới khi nằm xuống cũng sẽ nằm cạnh nhau đó cũng là một niềm hạnh phúc. Cứ ngỡ sẽ như vậy cho tới ngày thực sự về với đất, ai ngờ…
Hai thằng nhỏ hai nhà không biết tính toán chuyện gì tự nhiên một đứa bỏ ruộng bỏ vườn đòi ra thành phố lập nghiệp. Một đứa thì tự động chu toàn chuyện cả hai nhà. Tới khi vỡ lở ra thì… Nhân duyên không có, nói trách thì ông cũng không có trách nhưng giận bảo làm sao không giận. Giận thì cũng giận thằng con người ta không giống người ta nặng tình nặng nghĩa mà lại bạc trắng như vôi. Nhưng từ khi thằng con người ta phụ con ông rồi thì người ta cũng giống như người mang tội nói một tiếng cũng cân nhắc nặng nhẹ, làm gì cũng đoán già đoán non ý ông mới dám làm. Ngay cả căn nhà cũng không dám sửa chữa cho kín gió chắn mưa làm ông cứ xót lòng xót dạ. Cứ ông mà không sửa được mái nhà không ăn được món ngon thì bên hàng xóm cũng y như vậy dù thằng con ở thành phố giàu nứt đố đổ vách.
Tới khi thằng cháu xảy ra chuyện người ta càng làm như mình phạm thêm đại tội vậy. Già gần sáu bảy chục tuổi rồi mà cứ trông mặt kẻ không dây mơ rễ má gì như ông để sống, ông cũng thấy mình có lỗi.
Không phải ông chưa từng khuyên người ta lên thành phố hưởng phước với con cháu nhưng mở miệng nói ra thì người ta cứ làm như ông không thương người ta nữa ấy.
Phải rồi, từ cái thời trai tráng ông đã thương người ta đứt ruột đứt gan, người ta cũng vậy. Con cháu ông không thăng tiến như thiên hạ để ông hưởng phước âu cũng là do ông không tích đủ phước nhưng báo hại người ta cũng chịu cực khổ giống ông thì ông lại không đành lòng. Miệng khuyên người ta nên về sống với con cháu nhưng thật ra ông sợ người ta đi đến cháy cả lòng. Biết người ta không đi ông không bao giờ dám nhắc lại sợ bên đó có ngày đổi ý. Ông đành giúp nhà bên đó che gió chắn mưa. Ở bên này có thứ gì ngon ông cũng mang qua, ngược lại bên kia cũng vậy. Sở dĩ ông không nhận bất cứ sự giúp đỡ quý giá gì về vật chất từ nhà hàng xóm là vì sợ bị khi dễ rồi tình cảm cũng chẳng còn.
Mà thôi sao cũng được, ông không trách móc gì chỉ giận người ta bộ nghĩ ông không thương người ta nữa sao mà cứ khúm núm sợ sệt, có biết rằng ông cảm ơn người ta biết bao nhiêu không vì đã không bỏ ông lại với những chuỗi ngày cô đơn vật lộn với cuộc sống. Không có người ta ở đây ông làm sao vượt qua được nỗi đau tre già khóc măng non rồi còn bao nhiêu thứ khác cần người chia sẻ động viên an ủi.
Thấy người ta rào trước đón sau mãi chuyện giúp thằng Tí chút vốn chăn nuôi thôi thì ông cũng bằng lòng cho người ta vui cũng giảm ớt áy náy. Nhìn người ta vui vẻ hăng hái đi giúp thằng Tí dựng chuồng mua heo ông cũng thấy vui. Ông lần đầu tiên ước gì thời gian quay lại…
Nói là hùng hạp với thằng Tí nên ông Hai ngày nào cũng qua phụ giúp cho heo ăn rồi dọn chuồng heo, mong mỏi đến ngày nó có thể cho ra một đàn con béo tròn. Làm tới làm lui thế nào cuối cùng thành ra ông Hai hoàn toàn chăm sóc con heo.
Ông Năm hôm trước bị choáng té ngoài ruộng may mà không sao, ông Hai lẫn Hoàng đều không cho ông đi ruộng nữa. Hoàng cáng đáng hết chuyện ruộng nương nên chỉ cho ông Năm lo chuyện trong vườn. Có thêm con heo rồi chuyện đi học bổ túc buổi tối cũng chiếm không ít thời gian công sức của Hoàng, lắm lúc cậu mệt quá cũng muốn bỏ học, đi học rất mất thời gian. Trường thì xa thời gian đi lại mất nhiều hơn thời gian học, cậu lại chậm chạp nên phải dùng thêm thời gian tự học ở nhà để theo cho kịp chương trình. Hầu như thời gian ngủ nghỉ của cậu không còn như trước. Nhưng cứ nghĩ lại thực mình không cố gắng thì thua thiệt người ta biết bao nhiêu. Cùng một tuổi mà Thanh phấn đấu hơn cậu nhiều tương lai sáng sủa, mình thì chẳng chút tiến bộ. Cậu không muốn mình tiếp tục quá tệ so với Thanh.
Dù biết Thanh đã thích người khác nhưng Hoàng cũng mong một lần gặp Thanh để hỏi cho rõ ràng…mà hỏi cho rõ chuyện gì thì cậu cũng không biết chỉ là muốn gặp để hỏi…
Cậu không biết đó chính là cảm giác cậu vẫn thích Thanh nên muốn gặp muốn làm rõ muốn níu kéo, nhưng Hoàng vốn chẳng có chút kinh nghiệm tình trường nên mọi cảm giác đều mới mẻ. Cậu cũng không xác định được nó là cảm giác gì.
- Hừm..ưm!!! – Ông Năm nhẹ hắng giọng.
- Anh Năm, anh mới qua chơi. – Ông Hai đang ngồi lặt lặt mớ rau cho bữa cơm chiều nghe giọng hắng liền ngẩng đầu nhìn.
- Thằng Thanh vê rồi chứ? – Ông Năm không nhìn xung quanh tìm mà chỉ trực diện ông Hai mà hỏi.
- Tui kêu nó về rồi, anh đừng giận không khéo lại lên máu.
- Chắc…? - Nhưng lần này ông Năm lại thấy kỳ lạ, ông hỏi “chắc không?” nhưng lại có cảm giác không muốn nghe cậu trả lời mà ông biết ông sẽ được nghe.
- Chắc mà anh. Tui sợ nó làm bậy nên hộ tống ra tận xe luôn, xe chạy rồi mới trở vô. Anh đừng giận quá, có gì tui làm ông nội nó tui xin lỗi với anh.
- … - Ông Năm im lặng.
Nghe ông Hai tận tình áp giải thằng cháu ra xe thì chắc chắn thằng nhóc kia không thể chạy đi kiếm thằng cháu ông rồi. Nhưng đồng thời ông cũng nhận ra một điều là ông lại mong nó sống chết ở lại, như ngày xưa khi ông biết chuyện thằng con trai ông, ông cũng mong kẻ nó yêu quay về, cho tới ngày bên nhà hàng xóm treo đèn kết hoa ông mới thôi hy vọng.
Ai nói người già như ông không biết yêu ái là gì, ngọt ngào cay đắng của tình yêu ông cũng nếm đủ cả. Huống chi con cháu mình có ai mong muốn nó không hạnh phúc. Không phải ông không giận Thanh, ông còn muốn gϊếŧ thằng nhóc đó luôn cho rồi… nhưng ông cũng nhận ra một điều dù ông có không thích không muốn thì người duy nhất làm thằng Tí vui là nó. Y như cha nó ngày xưa, khi Kẻ đó đi rồi thì bao nhiêu hạnh phúc vui sướиɠ không con tồn tại, dù có lấy vợ dù có sinh con thì nỗi buồn luôn ở trong mắt trong lòng.
Nhiều lúc ông nghĩ hay là có bao nhiêu hạnh phúc ông giành hết cả rồi nên con cháu ông không còn gì để hưởng. Tại sao cùng một dòng máu mà người ta của ông một lòng một dạ tới vậy còn tụi nhỏ... Ông chỉ còn biết thở dài.
- Anh Năm, anh thiệt không cho thằng Thanh một cơ hội sao anh? Tui thấy nó ân hận thiệt tình mà.
- ...
Ông Năm lúc này biết nói làm sao. Ông thực ra chạy qua đây cũng muốn coi cái thằng mắc toi đó có cố ở lại năn nỉ xin lỗi thằng Tí hay không. Nếu nó sống chết đòi ở lại thì ông may ra còn nghĩ lại, đằng này nó lại bỏ đi mất... nhưng nó đi là vì bị ông nội nó bắt đi... mà ông nội nó là vì sợ ông tức giận lên máu nên mới một hai bắt nó quay về... Thật không biết có nên để bụng nó chuyện này không. Thôi thì mặc tụi nó vậy.
- Đã bảo sang ăn chung với ông cháu tui lại cứ không chịu. Ăn một mình mãi như vậy có gì vui? – Nhìn mớ rau với nồi cơm trắng đạm bạc, ông Năm làu bàu.
- Không sao mà, tui mỗi ngày cũng không có chuyện gì làm. Nấu nướng chút cho động tay động chân giữ sức khỏe.
- Thì mỗi sáng tập thể dục cũng được rồi. Ăn có bao nhiêu...
Ông Hai không phải chưa từng có ý muốn góp gạo nấu cơm chung khi bà Hai lẫn bà Năm lần lượt về với ông bà. Ông không hổ thẹn vì khi vợ còn sống ông đã không làm gì có lỗi với vợ. Ông sống tròn trách nhiệm làm chồng làm cha, yêu mến tôn trọng người chung chăn gối. Khi vợ mất ông có ý muốn góp gạo thổi cơm chung với người mình cả đời yêu thương cũng không có gì xấu hổ…
Nhưng khổ nỗi cái vụ góp gạo thổi cơm chung mới vừa gợi ý chưa được bên kia cho ý kiến thì đùng một cái ba thằng Tí bỏ đi xa làm cho câu hỏi kia không bao giờ có lời giải đáp và bản thân ông cũng không có gan lập lại. Bây giờ thì lại càng không.
Ông Năm không hiểu sao lại nhắc tới chuyện này, mà nhắc cứ như là ông ấy bảo sang ăn cơm cùng từ lâu lắm mà ông không nhận lời vậy. Đúng là ông Năm có từng nói để thằng Tí qua nấu cơm dùm, ông già cả rồi mắt mũi kèm nhèm lỡ bị phỏng thì sao. Nhưng ông cũng đâu có già đến nỗi không thể tự nấu cơm nên đành từ chối.
- Không sao mà! – Ông Hai cười cười từ chối.
Không nhắc thì thôi, nhắc tới liền thấy giận ở trong lòng. Đồng ý con dại cái mang nhưng ông cũng đâu có muốn sự việc thành ra như vầy đâu. Sống cun cút một thân một mình, ông muối mặt đề nghị nấu cơm chung mà mười mấy năm nay một câu trả lời cho rõ ràng cũng không có. Tưởng ông không biết giận sao? Chỉ vì ông đặt hết lòng hết dạ ở đây chứ không thì ông đã theo con trai về thành phố hưởng phước rồi. Ông sợ người ta ở đây một mình buồn, nhưng không lẽ người ta không thấy một mình ông thui thủi ăn cơm cũng buồn lắm sao.
Bây giờ khi không chạy qua đây đổ thừa cho ông, ông nhất định không cho qua. Đã lỡ ăn cơm một mình mấy chục năm còn vài năm nữa là về chầu ông bà, ăn thêm vài năm cũng không sao.
- Sáng nay tui giận quá lỡ lời. – Ông Năm xoay sang chuyện khác.
- Không có gì, tại thằng cháu tui nó không tốt. – Giọng ông Hai có chút hờn giận.
Ông Năm nhìn ông Hai lại cúi xuống lặt tiếp mớ rau đành thở dài. Đúng là chuyện tụi nhỏ không phải lỗi của người ta, nhưng ông cũng không tránh được xót con xót cháu mà có đôi khi nặng nhẹ vô cớ. Biết rằng già rồi nói chuyện yêu đương thì thật kỳ quái nhưng chuyện giữa hai người có thể nói kết thúc từ khi cả hai đi lấy vợ mà cũng có thể nói tới giờ vẫn cứ lằng nhằng không dứt vì cứ âm ỉ cháy hoài.
- Làm vài ly cho ấm nha? – Ông Năm đề nghị.
- Bữa nay nghe trong mình không khỏe lắm, uống chút trà là được rồi. – Ông Hai vẫn không ngừng lặt lặt mớ rau đã bị lặt tới lặt lui mấy bận.
- Không khỏe thế nào?
- Già cả ê ẩm mình mẩy thôi mà.
Ông Năm cũng không nói gì thêm nữa. Rõ ràng thái độ người ta hôm nay cố giận ra mặt đây. Mọi khi hay đon đả vuốt giận ông lắm, bữa nay nói cái gì cũng không. Không lẽ sáng nay ông đã lỡ nặng lời dữ lắm sao?
- Không phải tui ghét bỏ gì thằng Thanh, cháu ông cũng như cháu tui. Nhưng nó không thực lòng thực dạ mà thằng Tí lại khờ khạo dễ tin...
- Tui biết mà, nhưng tụi nó còn nhỏ bồng bột. Thằng Thanh nếu... nếu nó biết sai thì cũng cho nó cơ hội sửa sai một lần, đừng để nó giống cha nó sai một lần là cả đời. Năm nào cũng như năm nào cứ tới ngày cha thằng Tí mất... nhìn nó cứ loanh quanh con sông đó gậm nhấm sai lầm của mình tui thiệt chỉ biết nuốt ngược nước mắt mà thôi. Tuy nó tự làm tự chịu nhưng mà...
- ...
- Thằng Thanh đang học ở bển, sắp ra trường rồi. Biết mình sai nên nó vội vàng chạy về bỏ bê cả chuyện học hành. Cũng tội nó mà, vả lại thằng Tí cũng còn mong nhớ nó. Anh Năm bỏ qua cho nó một lần đi.
- ...
- ...
- Thôi tui về. Một lát chuẩn bị cơm nước xong tui qua kêu. Bữa nay thằng Tí đi học về muộn tui cũng ăn cơm một mình thôi. – Nói rồi ông Năm bỏ đi một nước.
- Anh Năm, anh Năm... Thiệt nhất định không bỏ qua sao.
Không có tiếng ông Năm trả lời cho vần đề này, ông Hai nhăn mặt bực mình đậy luôn mớ rau lại không nấu nữa, dù gì đã có người mời cơm rồi. Nhưng mà người ta cũng thật quá khó chịu mà, đã vậy ông sẽ giúp tụi nhỏ huề lại, ai không đồng ý thì mặc kệ.
...
Thanh quay trở lại trường học mà không nói không rằng với ai lý do tại sao đột ngột về nhà, với Đường Quân thì cũng như vậy chẳng giải thích gì.
- Nè, cậu mua đủ chưa vậy. Bao nhiêu đó cậu ăn hết một mình hả?
- Không, nhưng thấy ngon nên mua để dành.
- Cậu mua toàn đồ ăn không à, chưa kể mấy món lưu niệm này nữa. Nói thật nha, từ hồi quen biết với cậu tui thấy cậu tích trữ mấy thứ này hơi nhiều đó.
- Quà cho người nhà thôi.
- Nè, lúc này nói năng kỳ cục quá nha. Nói chuyện với người yêu mà không ngọt ngào chút nào hết vậy?
- Người yêu cái đầu cậu. Đáng ra ngay từ lúc bắt đầu tôi với cậu đều biết mình sai thì nên chấm dứt mới phải, vậy mà vẫn cứ cắm đầu vô. Cậu có coi tôi là người yêu sao?
- Cậu cũng thấy vậy hả? Ngay từ đầu? – Đường Quân thản nhiên hỏi y như bản thân cậu cũng biết trước không có gì phải ngạc nhiên.
- Không hẳn là ngay từ đầu, thực ra thì một thời gian sau mới nhận ra.
- Tôi cũng vậy. Có lẽ là sự sai lầm của cảm xúc...
- Không cần nói văn hoa như vậy. Nói đơn giản là ham của lạ, ăn nhầm đồ. – Thanh trả lời cộc lốc.
- Nè, dù gì chúng ta cũng chưa có làm gì mà. Sao gọi là ham của lạ được. Bất quá hôn nhau vài cái...
- Đừng nhắc nữa nha...
- Lần vừa rồi về xin lỗi người ta phải không?
… Tôi xin lỗi, là tôi cố chấp hại cậu...
- Đúng đó! Là cậu báo hại... Nhưng cũng là tui tự hại mình. – Thanh thở dài.