Chương 1
Miền quê nghèo nàn chỉ nắng với gió và những ruộng lúa trải dài bất tận. Nơi mà những công nghệ hiện đại của đô thị không thể đặt chân tới. Đâu đó quanh quẩn giữa những tán cây, giữa những ruộng lúa lấp ló mái nhà tranh đơn sơ, giản dị. Nó, thường được ông nội gọi là Tí cũng như những đứa trẻ khác ở đây, da đen nhẻm, đầu khét nắng, chân trần chạy khắp các triền đê với đủ trò hấp dẫn: đá dế, tắm sông, hái trộm trái trong vườn, câu cá, thả diều hay nằm ngủ dài trên cỏ, không có net, chat cũng không có điện thoại để nhắn tin, và chắc chắn một điều không hề có games thủ…
Nó, có cái tên trong giấy khai sinh là Phạm Minh Hoàng mới học hết lớp năm, chữ đọc cũng trôi, những con toán đơn giản cũng biết nhưng hơn nữa thì… Nó không theo lên nổi cấp hai đầu tiên có lẽ là do không có tiền đi học, học phí không nhiều nhưng những thứ đi theo cái việc học lại chiếm một con số không nhỏ, thêm nữa nhà nó lại quá xa để có thể đến được trường, chưa kể nó chỉ còn có mỗi một ông nội già nua để nương tựa. Sức ông không được như thời trai tráng có thể nuôi cha nó lẫn bà nội, giờ đây ông chỉ lo cấp đủ cho hai ông cháu ngày ba bữa cơm, và mớ quần áo cho thằng cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, quần áo cứ là liên tục ngắn và chật, cũng may nó chuyên đi chân đất không thì còn phải tốn thêm cái khoảng giày dép. Không phải nó không có dép, ông nó cũng mua một đôi kha khá lớn với cỡ chân hiện tại để phòng hờ khi cần mang và cũng phòng khi nó lớn nhanh một chút vẫn có thể mang được.
Ba mẹ nó mất trong một trận nước lũ từ năm nẳm năm nào nó cũng chẳng nhớ, nó chỉ nhớ có mỗi ông nội nuôi nó. Nhà nó nằm sâu sâu, không biết sâu bao nhiêu nhưng theo đường bờ, à lội bộ thì phải cả tiếng đồng hồ mới ra tới con đường đất lớn, rồi từ đường đất đó muốn ra tới con đường nhựa to lớn dẫn đến thị xã thì còn xa xa lắm, mà xa bao nhiêu thì nó không biết bởi nó chưa từng đi tới. Chỉ biết mỗi khi ông nó có việc cần phải lên tới đường nhựa thì phải đi từ tờ mờ sáng và đến tối mịt mới về nhà. Còn đi làm gì mất bao lâu thì nó không biết cho nên nó rốt cuộc cũng không biết ra đến nơi đông người đó thì mất bao lâu và xa đến cỡ nào.
Nhưng chuyện trong nhà nó thì nó biết rõ, ông nó có ba mẫu ruộng, không giàu đâu vì đất ở đây rẻ bèo nhèo. – Là nó nghe ông nội nó nói chuyện với ông Hai bên hàng xóm vậy chứ có biết bao nhiều là đắt là rẻ.- À mà ông Hai là hàng xóm nhà nó, ông Hai và ông nội nó cũng trạc trạc tuổi nhau, cùng lớn lên không biết có phải ở gần quá không mà tới chuyện con cái cũng giống nhau. Ông nội nó có một mình ba nó, ông Hai bên đó cũng chỉ có một người con trai. Cả hai đều vợ mất sớm chỉ khác cái con trai của ông nội nó, ờ thì là ba nó, cũng mất sớm còn con trai của ông Hai thì lập nghiệp ở thành phố rồi lấy vợ trên đó.
Nó hay nghe ông Hai khoe với ông nội nó là con trai ông gần đây thành đạt lắm hay bảo ông Hai bán đất đi rồi lên đó sống. Ông Hai thì không thích lắm bởi vì đất là đất ông bà để lại rồi còn mồ mả tổ tiên, nhất là còn mộ bà Hai nằm ngay sau nhà nữa, ông bảo ông đi rồi ai chăm sóc. Vậy là ông cứ ở lì mặc cho thằng con thỉnh hết lần này đến lần khác, thậm chí không thèm về thăm để làm áp lực với ông ông cũng chẳng buồn thay đổi ý kiến. Ông Hai bảo ở đây có ông nội nó nhậu chung là tốt rồi… nó cũng chả hiểu, ở thành phố vui hơn chứ. Nó đi coi ké tivi trên đường lớn thấy người ta bảo vậy.
Sáng nay nó thức dậy trời còn tờ mờ sáng, ông nội nó đã ra đồng từ sớm, trên bàn có cái ***g bàn úp củ khoai nướng còn âm ấm, bữa ăn sáng của nó. Nó còn đang nhấm nhá bữa sáng của nó ở hiên sau thì ông Hai gọi nó.
– Tí qua ông bảo.
Nó dạ rân rồi ba chân bốn cẳng nhảy qua con lạch nước giữa hai nhà mà sang, chẳng cần qua cầu qua cửa gì ráo. Chắc chắn ông Hai có đồ ngon cho nó, ông Hai thường vậy, có món ngon ở thành phố gởi về hay ông bắt được con cá to cũng hay kêu nó qua chia một ít cho hai ông cháu nó, kèm theo nó cũng có thêm chút quà như cái bánh quy hay sang hơn là cái bánh tây còn nguyên trong bọc giấy kiếng xanh xanh đỏ đỏ.
Vừa vô tới cửa bếp, nó chuyên đi bằng cửa sau chủ yếu là đề vào bếp cho lẹ, ông hai đang đứng bên bàn cơm. Trời, cơ man nào là đồ, bọc to bọc nhỏ, xanh xanh đỏ đỏ đủ cả. Thấy nó trố mắt nhìn, ông hai khoái chí khoe.
– Thằng cháu nội ông vừa từ thành phố lên. Nó cũng cỡ cỡ tuổi con đó, con chưa gặp nó bao giờ phải không. Nó có về đây vài lần hồi còn nhỏ xíu chắc con không nhớ đâu. Nè mang cái này về cho ông nội con, còn cái này cho con đó…
Ông hai đưa cho nó cái bọc nhỏ nhỏ gói hai cái hộp gì đó vuông vuông, còn cho nó là một khoanh tròn tròn nhỏ nhỏ.
– Chả lụa đó, ăn sáng chưa ăn luôn đi cho ngon.
– Dạ con cám ơn ông Hai.
Thấy nó còn nấn ná tò mò nhìn lên nhà trên, ông hai cười…
– Nó chưa dậy đâu, còn ngủ. Lát nó dậy con qua dẫn nó đi chơi, ở đây nó không quen ai hết.
Thấy ông hai nói trúng tim đen việc nó đang tò mò muốn nhìn người từ thành phố lên, nó lỏn lẽn chào ông hai rồi nhảy mương về nhà. Tầm trưa trưa ông nội nó cũng đi đồng về, nó cũng lặn hụp trong cái mương gần nhà gom được mớ cá đem vô chiên xù, nó ríu rít kể chuyện nhà ông Hai có cháu về chơi còn cho nó cục chả lụa ngon quá trời.
– Ngon thế có chừa ông miếng nào không đó?
– Có chứ, một miếng lớn luôn.
Kỳ thực nó chừa ông có một phần ba, là cố lắm rồi đó. Chắc ông nó cũng thông cảm, ông nó vốn có thằng cháu ham ăn mà.
– Ông Hai gởi cho ông nội hai gói thuốc lá. – Nó trịnh trọng báo cáo.
– Ừ, Vậy hôm nay có món ngon rồi đây. Con cám ơn giùm ông chưa?
– Dạ rồi.
Ông nó hay hút thuốc rê, cái cục đen đen vấn với giấy mỏng, thuốc lá gói là hàng thượng phẩm với ông. Nhưng ông bảo hút cho biết chứ không đủ đô.
– Ông Hai nói cháu nội ông Hai cùng tuổi với con?
– Ừ, lớn hơn con cả mười tháng ấy chứ. Nhưng cùng một năm. Mà con cũng từng gặp nó rồi, hồi nó năm tuổi nó có theo ba nó về một lần, mà lần đó nó bị con xô té lọt mương uống nước gần chết. Nghe đâu tại chuyện đó mà mẹ nó không cho về nữa.
Nó trợn trắng con mắt, không ngờ nó có một quá khứ hoành tráng như vậy, xô người thành phố té lọt mương. Nó không tin…
– Nhưng con nhỏ hơn mà, sao đủ sức xô người ta lớn hơn con chứ? – Nó cãi.
– Nói là nó lớn hơn con thiệt nhưng con lúc đó to gần gấp đôi nó rồi.
– À!
Nó có phát hiện mới, người thành phố nhỏ con hơn nó dù nó nhỏ hơn người thành phố những mười tháng. Vậy nó có thể coi như em út không ta. Nó không có anh em gì, không chừng một lát người thành phố dậy nó có thể có đứa em dẫn đi chơi rồi. Nó bắt đầu thắc thỏm chờ động tịnh của nhà bên kia.
Nó coi vậy chứ năm nay được mười bảy tuổi rồi. Thân hình khỏe khoắn, gánh vác rất nhiều việc nặng thay ông nội già nua. Nhưng chắc do ở quê có ít thông tin để học hỏi, trong nhà không có ai để có thể gọi là còn nhỏ cho nên nó được ông nội cưng như trẻ mười tuổi, thêm ông Hai bên kia cũng coi nó như trẻ con chưa lớn rốt cuộc nó mười bảy tuổi bẻ gảy được sừng trâu nhưng cứ như con nít. Thỉnh thoảng tụ năm tụ ba với đám con trai trong xóm nói chuyện người lớn một chút nó cũng chẳng hiểu rõ là mấy, nhưng thôi hiện nay nó có mối quan tâm đặc biệt hơn mấy chuyện tuổi nó và chuyện nó lớn hay nhỏ.
Tới trưa ông nội nó leo lên võng mắc ngoài gốc cây đánh một giấc từ đời nào nó vẫn còn canh me nhà bên kia, “khϊếp ngủ gì mà lắm thế”… Không phụ lòng nó, một người lạ từ trong nhà bước ra sân, vươn vai một cái. Nó chắc trăm phần trăm đó là người thành phố rồi, người gì mà mỏng te, ốm nhom chả bù cho nó bắp chân bắp tay rắn chắc do nhiều năm phụ ông nội nó việc đồng áng mà. Nó bước lại gần cái mương, đu người lên nhánh ổi hướng sang bên kia gọi.
– Người thành phố.
Tên con trai được gọi là người thành phố quay phắt lại ngó quanh quất, sau khi phát hiện nó đang ở trên nhánh cây ngoắc ngoắc, người thành phố chau mặt nhìn nó vẻ khó chịu.
– Cậu gọi tôi?
– Chứ còn ai.
– Tôi không phải tên là “người thành phố”
Nó than thầm, “Chết cha, không có hỏi tên của người thành phố nên cứ như vậy gọi người ta.”
– Tại tôi không biết tên cậu.
– Tôi tên Thanh. Gọi tôi có việc gì?
– Rủ cậu đi chơi. Ông hai bảo khi nào cậu dậy thì dẫn cậu đi chơi, ở đây cậu không quen biết ai hết.
– Không cần.
Hai chữ không mấy thân thiện vừa thốt ra khỏi miệng người thành phố làm nó cụt hết hứng, chưa biết phải làm gì mặt cứ vậy đơ ra…
– Ở đây có gì chơi?
Chắc thấy cái mặt nó kỳ quá nên người thành phố miễn cưỡng đáp lại thiện chí của nó, nghe vậy nó như bắt được vàng, lôi một thôi một đống những thứ nó hay chơi ra rủ. Nhưng nó ỉu xìu ngay khi cái mặt người thành phố không có vẻ gì hào hứng muốn tham gia.
– Ở đây chỗ nào có tiệm net? – Người thành phố bất chợt hỏi, làm nó đơ ra vài phút mới trả lời được.
– Trên thị xã.
– Gần không? Đi bằng gì?
– Lội bộ ra đường, bắt xe đi…chắc phải mất mấy tiếng. – Nó áng chừng vậy, nó có lên đó bao giờ đâu.
– Trời, nói chơi hay nói giỡn vậy. Thiệt tình.
Vậy là nhờ lên tiệm net xa quá mà người thành phố mới chịu theo nó đi chơi.
Người thành phố, à mà không nó đã biết tên người ta rồi thì gọi tên cho gọn. Thanh, nó dẫn Thanh ra sau hè nhà nó chỉ vô đống bảo bối của nó nào cần câu nào bẫy chim rồi mấy cái cây dùng để lấy trứng kiến làm mồi câu hay để hái trái còn cả con diều bằng giấy tập nữa. Nó rủ rê:
– Câu cá nha.
– Không, ai rảnh ngồi như tượng cả buổi.
– Tắm sông đi.
– Ghê, nước sông dơ thấy mồ.
– Bẩy chim đi.
– Có gì hay.
– Thả diều đi.
– Nắng lắm.
– Leo cây hái trái đi, ăn luôn trên cây đã lắm.
– Không thích.
– ……. – Nói gì thì nó cũng cố hết cỡ rồi, người thành phố sao mà khó chiều đến thế hay chỉ tại tên này khó thôi.
Thấy nó không nói gì nữa mà cứ đực mặt nhìn mình Thanh nhìn qua cái đám bảo bối của tên nhà quê một lượt rồi vớt vát.
– Có máy game không?
– Không, nó như thế nào?
– Thôi coi truyền hình cap đỡ đi.
– Không có cái thứ đó. – Nó tròn mắt lắc đầu.
– Vậy đi mướn phim coi.
– Không có đầu máy, lên đường mới có. Cậu thích thì tui dẫn đi.
– Lại tới cái chỗ phải đi mấy tiềng đó hả?
– … – Gật gật.
– Thôi, vô mở tivi coi đi. Chiều tính.
– Không có tivi. – Nó thành thật trả lời.
– …… – Thanh trố mắt nhìn lần nữa rồi quay ngoắc bỏ đi.
– Này cậu đi đâu? – Nó vội chạy theo.
– Về xạc pin nghe nhạc, may là còn đem máy nghe nhạc theo.
– Không có điện đâu.
– Cúp điện? – Thanh ngừng lại bất tử làm nó suýt tông cả vào Thanh. – Trời vậy ở đây có cái gì chơi hả trời!!
Nó thấy Thanh lấy cái gì ra bấm bấm rồi nói chuyện. Qua câu chuyện trong thái độ bực bội của Thanh nó áng chừng cậu ta gọi điện thoại về thành phố cho cha cậu ấy và đòi về ngay lập tức nhưng cuối cùng cậu ta đành phải ở lại một tuần.
Thanh sau khi la lối trong điện thoại xong quay qua nhìn nó, nó nhìn lại cũng chẵng biết nói gì. Nó thấy trong lòng không vui vì Thanh mới đó đã đòi về, hình như Thanh không thích chơi với nó như nó thích chơi với Thanh. Nhìn một lát nó thua.
– Thôi cậu không thích chơi thì tui ra ruộng làm cỏ phụ ông nội.
Nói rồi nó vô nhà lấy cái nón lá rách beng ụp lên đầu tay cắp thêm cái ki đất với cái liềm. Ra tới cửa nó thấy vẫn Thanh đứng yên chỗ đó, không lẽ đi luôn nó hỏi cho có lệ chứ không có hy vọng gì. Rủ đi chơi không đi không lẽ chịu đi nhổ cỏ với nó.
– Đi hông?
Thanh nhìn vô nhà rồi nhìn nó vài giây cuối cùng gật đầu làm nó chưng hửng. Thanh thiệt kỳ hồi thì rủ gần chết cái gì cũng không chịu giờ rủ đi nhổ cỏ lại chịu. Nó bảo Thanh về lấy nón đội vô, ra ruộng nắng lắm.