Edit: Sa
[29] – Đứng tuổi
Thời gian qua mau, cuộc sống êm đềm, quan hệ của tôi và 187 cũng ổn định. Chúng tôi bắt đầu thương lượng chuyện ra mắt gia đình.
Bố mẹ 187 là những người mang tư tưởng cực kỳ truyền thông, ngay từ thuở 17 và tôi mới chớm hẹn hò, hai bác đã dặn 187: “Yêu đương là chuyện rất nghiêm túc, nếu đã xác định là con gái nhà người ta thì phải nhanh chóng đến thăm nhà gái để xin phép qua lại. Có như thế người ta mới an tâm mà để con gái cháu gái họ qua lại với con.”
Có lẽ là chủ nhật cuối cùng của tháng 4 năm 2019, sau khi thương lượng cùng bà nội và bố mẹ, tôi chính thức dẫn anh về nhà mình.
Bình thường nhìn 187 chững chạc, điềm tĩnh là thế, nhưng trước khi chính thức tới thăm nhà tôi, anh vẫn rất căng thẳng. Tôi biết điều đó không phải vì anh nói với tôi hay để lộ nỗi lo lắng mà là vào một buổi chiều nọ, đồng chí giản dị “đồ không hư thì xài hoài, quần áo không rách thì mặc mãi, trong tủ quần áo trừ một loạt quân phục bốn mùa ra thì chỉ có vài bộ quần áo thường ngày” lần đầu tiên chú trọng bề ngoài.
Ký ức về hôm đó vẫn còn mới tinh trong đầu tôi.
Tôi ngồi trên giường, nghi hoặc nhìn vị đại ca ấy ngó chằm chằm cái tủ quần áo, lấy mấy bộ đồ ít ỏi ra, ướm lên người, nhìn vào gương, vẻ mặt vô cảm thử đồ.
Tôi: …?
Đầu tiên, 187 cầm cái áo sơ mi màu trắng kẻ sọc lên, mặc vào. Mặc xong, anh ngó mình trong gương rồi ngoảnh đầu hỏi: “Cái này thế nào?”
Tôi đánh giá anh, một giây trôi qua, hai giây trôi qua, rất khó nói thành lời.
187 như nhìn ra, nói: “Hỏi em đó.”
Tôi suy tư: “Anh muốn nghe lời thật không?”
187: “…”
“Cái này anh mua hồi đại học hả? Trông hơi chật, hmmm… Với cả mẫu sơ mi trắng kẻ sọc lỗi thời lắm rồi, bây giờ chả có trai trẻ đẹp nào mặc mẫu này nữa đâu, nhìn hơi già, quê nữa, như thời xưa ấy.” Tôi vô cùng thành thật.
“…”
Hiển nhiên, lời nhận xét thẳng thừng của tôi như gáo nước lạnh giội lên người 187. Anh lặng thinh, cởϊ áσ sơ mi ra, thay cái khác, sau đó xoay người hỏi tôi: “Còn cái này?”
Cái này trông đỡ hơn, màu đen, phần vải ở hàng khuy áo có màu xám, nhưng vẫn lỗi thời. Cũng may vị đại ca này được dáng dấp vớt lại, thần thái cứ ngời ngời.
Tôi nhíu mày, tỏ vẻ sâu xa, nói bằng giọng địa phương: “Cái này nhìn đỡ hơn. Nhưng vẫn hơi già, làm anh hơi đứng tuổi.”
187: “…”
Có lẽ giọng điệu của tôi đã đâm trúng chỗ đau của thanh niên này, anh lạnh mặt rì rầm: “Thì anh có phải là “trai trẻ đẹp” đâu nên quần áo cũng phải già chứ.”
Tôi phì cười, đi tới kéo tay anh: “Không phải do anh đâu.”
187 cởϊ áσ ra, mặc cái thun ba lỗ màu xám rồi đi tới ngồi xuống bàn máy tính, không nói gì.
Tôi thấy sai sai, cúi đầu hỏi: “Buồn à?”
187 cứng miệng: “Không.”
Không mới lạ. Em viết tiểu thuyết ngôn tình bao năm, chẳng lẽ không nhận ra chút tâm tư của anh?
Tôi suy nghĩ một lúc mới nhận ra là mình thẳng thừng quá đáng. Tuy vị đại ca này chưa bao giờ nói ra miệng nhưng tôi biết anh rất để ý tới tuổi tác vì tôi thỉnh thoảng trêu anh tụt hậu thời đại, ngay cả “vả mặt” là gì cũng không biết, rồi còn trêu anh già …
Càng nghĩ tôi càng áy náy. Tôi vốn dễ mềm lòng, nhìn cái lưng mặc áo thun ba lỗ tủi thân ngồi trên ghế, tôi cảm thấy cực kỳ tội lỗi.
Tôi ngồi xuống bên cạnh anh, chân thành nói với anh: “Anh đẹp trai mà, đẹp hơn đám trai trẻ ngoài đường nhiều.”
187 lườm tôi.
Tôi tiếp tục nghiêm túc: “Tuy rằng anh y như ông cụ non, lông mày nhíu lại đủ để kẹp chết con ruồi.”
187 phì cười, vung tay làm bộ muốn đánh tôi: “Nhóc con ngứa đòn phải không?”
Tôi ôm gối cười to.
187 bình thường trở lại, không còn nhăn nhó nữa, im lặng một hồi thì nói: “Chuẩn bị đi, ăn tối xong thì đi mua sắm với anh.”
Tôi tưởng mình nghe nhầm, sửng sốt: “Hả?”
“Anh muốn mua quần áo.” Vị đồng chí này vô cùng lạnh lùng hừ một tiếng, rồi lại vô cùng lạnh lùng lườm tôi, ngượng nghịu nói: “Tránh tới hôm đó bố mẹ em chê anh đứng tuổi, không xứng với em.”
***
[30] – Quà
Tối đó, tôi dẫn 187 đi trung tâm thương mại để mua quần áo.
Anh cao ráo, vai rộng, vóc dáng rất đẹp, da cũng trắng, rất dễ lựa quần áo. Tôi đưa anh đi thử ở vài cửa hàng quần áo nam, phát hiện chỉ cần không quá lòe loẹt thì áo sơ mi hay áo khoác, anh mặc đều rất đẹp.
Cuối cùng, tôi chọn cho anh hai cái áo sơ mi đơn giản, một cái màu trắng, một cái màu đen, lại chọn thêm một chiếc quần kaki tối màu thích hợp mặc đi chơi lẫn các trường hợp trang trọng.
Đồng chí 187 không có yêu cầu gì về quần áo của mình, tôi đề nghị sao thì anh chịu vậy.
Chọn xong, anh vào phòng thử đồ thay lại quần áo của mình, tôi không nói với anh mà đi thẳng tới quầy thu ngân để thanh toán. Chờ 187 đi ra, nhân viên bán hàng đã đóng gói quần áo vào túi xong xuôi.
187 tỏ rõ ngạc nhiên, hỏi tôi: “Em tính tiền?”
“Vâng.” Tôi nhận lấy túi đồ từ tay nhân viên bán hàng, không nói gì nữa mà khoác tay anh đi ra khỏi cửa hàng.
187 giành xách túi đồ, nắm tay tôi kéo đi, im lặng hồi lâu. Tôi thấy anh có vẻ không vui nên nói: “Ôi dào anh đừng nghĩ nhiều mà, mấy bộ đồ này đâu đáng bao nhiêu tiền.”
187 lầm bầm: “Nào có chuyện anh mua đồ lại để em chi tiền chứ.”
Tôi nghe xong, cho rằng anh bị chạm vào “tự ái của đàn ông”, nghĩ cũng đúng, từ lúc bắt đầu gặp gỡ cho tới bây giờ, anh luôn xem tôi còn nhỏ, tôi mà mua quần áo hay làm gì cho anh là anh sẽ thấy bứt rứt.
Tôi ngẫm nghĩ, cố gắng bình tĩnh phản bác: “Quan điểm của anh hơi sai đấy nhé. Anh cũng thường mua quần áo, đồ đạc cho em đấy thôi, sao chỉ có anh được mua cho em chứ em không được mua cho anh? Con gái thì sao chứ? Chẳng lẽ em không được mua quần áo cho anh à? Cứ như đàn ông các anh làm gì cho phụ nữ cũng đúng, còn phụ nữ bọn em làm gì cho các anh đều sai vậy.”
187 nghe tôi nói hết, im lặng hồi lâu mới bình tĩnh đáp lại: “Anh không nói em sai. Anh chỉ thương em vất vả kiếm tiền, ngày nào cũng phải ngồi ôm máy tính viết truyện rất lâu, lại thường xuyên thức khuya. Anh không muốn tạo thêm gánh nặng cho em.”
“…”
Tôi thoáng giật mình.
Tôi vốn nghĩ 187 không vui là vì cảm thấy mất mặt khi để phụ nữ trả tiền cho mình chứ hoàn toàn không ngờ anh lại thương tôi kiếm tiền vất vả, cho rằng mình tăng thêm gánh nặng kinh tế cho tôi.
Tôi lặng thinh.
Chúng tôi nắm tay nhau đi dạo trung tâm thương mại, đằng trước có tiệm bán nước ép, 187 biết tôi có thói quen uống nước khi đi mua sắm nên hỏi: “Khát không? Có muốn uống gì không?”
Lúc ấy đầu tôi rối như tơ vò, làm gì còn tâm trạng uống nước nên bèn lắc đầu.
Chúng tôi tiếp tục đi. Đi đi đi, tôi chợt dừng lại, nhìn anh, nheo mắt, tỏ thái độ “nguy hiểm”.
187: “?”
187 khó hiểu, nhíu mày nói: “Ánh mắt của em là ý gì thế?”
Tôi trịnh trọng hỏi anh: “Anh trả lời thành thật cho em. Trong lòng anh, em nghèo cỡ nào?”
187: “…?”
Lúc ấy rõ ràng 187 thảng thốt trước câu hỏi của tôi nhưng đáng phục là vẻ mặt của vị đại ca này vẫn hết sức điềm tĩnh. Anh nghiêm túc suy nghĩ, sau đó nghiêm túc trả lời: “Anh không thấy em nghèo, anh chỉ thấy em viết truyện kiếm tiền rất vất vả thôi.”
Tôi lại hỏi anh: “Anh giàu lắm hả?”
Đại ca 187 vô cùng điềm nhiên: “Không.”
Tôi: “Anh kiếm tiền dễ dàng lắm hả?”
187 lắc đầu: “Không.”
Tôi: “Anh không giàu, anh kiếm tiền vất vả, nhưng anh lại mua đồ cho em. Anh có thấy em tăng thêm gánh nặng cho anh không?”
187 nói: “Nào giống. Anh thích em, anh rất vui khi mua đồ cho em.”
“Thế đó.” Tôi cười, “Em thích anh, vì vậy em cũng rất vui khi mua đồ cho anh. Hơn nữa hôm nay là ngày lễ, mấy bộ quần áo này cứ coi như quà em tặng anh đi.”
187 suy tư vài giây, gật đầu: “Có lý.”
Tôi hớn hở: “Chứ sao!”
187 không nói thêm gì nữa, tiếp tục dắt tôi đi dạo, sau đó kéo tôi vào thang máy. Chúng tôi tới khu nữ trang, anh kéo tôi vào một cửa hàng quần áo nữ.
“Làm gì vậy?” Bổn cô nương thông minh quá đỗi sao có thể không biết anh muốn làm gì chứ! Tôi dở khóc dở cười, trêu anh: “Em mua quần áo cho anh nên anh mua lại quần áo cho em để coi như trả lại à?”
“Em bảo hôm nay là ngày lễ mà.” 187 bình thản trả lời, “Nên mua quà cho em.”
Cuối cùng, “món quà nhân ngày lễ” mà đồng chí 187 “ngố tàu” tặng tôi là cái váy hồng cánh sen.
Ừm, rất thích.