Nỗ lực rồi sẽ có kết quả, ngày hôm sau, sau khi Đường Tư Kỳ đã sửa đi sửa lại rất nhiều chi tiết, cuối cùng cô cũng hoàn thành tranh minh họa cung điện Nam Tống trên núi Phượng Hoàng.
Hôm qua trước khi ngủ, Đường Tư Kỳ đang mơ mơ màng màng thì bỗng nảy ra một ý tưởng, lúc tham quan núi Phượng Hoàng, lão Lý đã nói Nguyệt Nham là nơi tuyệt vời để hoàng đế Nam Tống và hậu phi ngắm trăng, cô có thể vẽ tranh minh họa tết Nguyên Tiêu thời Nam Tống, như vậy vừa có cung điện, phong cảnh, lại có ngày lễ và con người, bức tranh cũng sẽ trở nên sinh động hơn.
Sáng sớm nay sau khi thức dậy, Đường Tư Kỳ tiếp tục ngồi ở đại sảnh nhà nghỉ hoàn thành tác phẩm.
Trong bức tranh, vào đêm nguyên tiêu, cung điện trên núi Phượng Hoàng đèn đuốc sáng bừng, đèn Khổng Minh bay lên từ Ngự hoa viên sau núi, dưới chân núi, dân chúng cũng lũ lượt đốt đèn Khổng Minh.
Từng chiếc đèn Khổng Minh tỏa ánh sáng vàng cam bay lên bầu trời, chiếu sáng cả một vùng trời đêm.
Bức tranh này là tác phẩm Đường Tư Kỳ hài lòng nhất trong thời gian gần đây, tuy linh cảm đến từ bức tranh của viên kim cương nhưng trong đó có rất nhiều sáng tạo riêng của bản thân cô.
Hơn nữa đây là bức tranh đầu tiên trong series tranh chủ đề Nam Tống, cô hi vọng sau này còn vẽ thêm thật nhiều bức tranh đẹp về cảnh sắc Nam Tống nữa.
"Aizz, cơ sở vẫn còn chưa vững, lúc trước chủ yếu luyện tập đường nét, còn về phối màu, tỷ lệ nhân vật với kết cấu tranh vẫn còn chưa thông thạo…"
Đường Tư Kỳ nhìn bức tranh, tuy cô hài lòng nhưng vẫn tiếc nuối nói.
Cơm Cháy thấy cô đã hết bận thì đi qua nhìn, cô ấy kinh ngạc thốt lên: "Tiểu Kỳ, đây là cậu vẽ hả?"
Cô ấy nói vậy, có không ít người đang ở đại sảnh cũng đi qua nhìn xem.
"Oa, tranh này vẽ chỗ nào thế?"
"Nhìn kĩ thì hình như là cung điện?"
"Cung điện nào chứ, nước mình có cung điện nào đẹp vậy à? Đợi chút, chỗ xa xa này có phải Tây Hồ không? Chỗ này là… núi Phượng Hoàng?"
Có người đoán được nơi Đường Tư Kỳ vẽ chính là núi Phượng Hoàng, lúc này tất cả mọi người đều kinh ngạc đến ngây người.
"Là núi Phượng Hoàng mà hôm trước chúng ta đi? Cậu dựa vào ngọn núi hoang hôm đấy để vẽ? Trời ơi, tôi chỉ thấy được vài di tích rải rác, vậy mà cậu lại vẽ ra được cả một bức tranh?"
Đường Tư Kỳ thấy hơi ngại ngùng, dù gì thì bố cục của cung điện này cũng không phải do cô nghĩ ra mà có tham khảo chỗ khác, cô nhanh chóng nói: "Mình có tham khảo một ít tài liệu."
Hôm qua lúc vẽ tranh, cô đúng thật là có lên mạng tra cứu, cũng thật sự có tìm đọc tài liệu nghiên cứu về bố cục và cấu tạo tỉ mỉ của từng cung điện.
"Lợi hại quá đi!"
"Đúng đấy, Tiểu Kỳ, không ngờ cậu lại lợi hại như vậy! Tớ đi núi Phượng Hoàng về chẳng nhớ kĩ được cái gì, cậu đi xong lại vẽ ra được bức tranh đẹp như vậy."
Cơm Cháy xúc động nói.
Lão Trương cũng ở đại sảnh, lúc thấy bức tranh, anh ấy cũng thấy vô cùng kinh ngạc, anh cầm điện thoại lên, hỏi: "Tiểu Kỳ, anh có thể chụp bức tranh của em để gửi cho lão Lý được không? Hôm trước anh có thêm phương thức liên lạc của chú, nếu chú thấy được bức tranh của em thì nhất định sẽ vô cùng vui vẻ!"
Đường Tư Kỳ cười nói: "Anh không cần chụp đâu, để em xuất ảnh ra rồi gửi cho anh."
Nói xong, Đường Tư Kỳ xuất ảnh ra rồi gửi cho lão Trương, sau đó cô lại chăm chú viết một đoạn văn giới thiệu núi Phượng Hoàng, rồi đăng cả những ảnh chụp núi Phượng Hoàng hôm trước lên Dianping.
Tranh minh hoạ vẽ thế nào không quan trọng, quan trọng nhất là phải tuyên truyền về di chỉ cung điện Nam tống núi Phượng Hoàng cho ít nhất 5000 người biết, lúc đó nhiệm vụ hệ thống giao mới hoàn thành.
Cơm Cháy nhìn hành động của cô, cũng thấy bài đăng mà cô vừa đăng lên Dianping, cô ấy nói: "Chẳng trách tài khoản của cậu có level cao, cậu xem này, tớ cũng từng đăng bài, 20 người xem, 0 bình luận, 0 chia sẻ, 0 lượt thích."
Đường Tư Kỳ cười nói: "Cậu đăng thêm ảnh là không lo không có ai bình luận rồi."
Cơm Cháy thở dài: "Dù đăng ảnh thì tớ cũng thua, cậu nhìn tranh của cậu đi, hôm qua tớ chụp mấy tấm, chụp xong nhìn không ra cái gì, cho dù mở topic cũng không làm người khác có cảm giác muốn đi, khẳng định cũng sẽ không có ai bình luận, cậu thì khác, cậu vẽ ra cũng điện ngày trước, tớ nhìn mà cũng muốn đi thêm lần nữa."
Đường Tư Kỳ vui vẻ: "Đi đến đấy phải leo núi."
Cơm Cháy lập tức rút lui: "À… Thế thì thôi vậy."
Vẽ núi Phượng Hoàng xong, Đường Tư Kỳ vốn định vẽ tiếp Nguyệt Nham, nhưng sau đó cô nghĩ, series cố đô có 10 địa điểm, nếu check in hết 10 chỗ đó rồi lại vẽ thì tốt hơn.
Vừa lúc lão Lý nghe lão Trương kể về tranh của Đường Tư Kỳ, ông cũng nhìn thấy bức tranh cung điện trên núi Phượng Hoàng của cô, ông vô cùng kích động, lập tức gọi điện thoại cho lão Trương, bảo anh đưa điện thoại cho Đường Tư Kỳ.
"Cháu là Tiểu Kỳ đúng không, Bức tranh này cháu vẽ đẹp quá!"
"Thầy Lý quá khen rồi ạ, cháu cũng chỉ vẽ bừa một chút dựa trên tài liệu lịch sử và tưởng tượng của bản thân cháu thôi." Đường Tư Kỳ khiêm tốn.
Lão Lý nói: "Không không, cháu đây không gọi là vẽ bừa, chắc chắn là cháu đã nghiên cứu cẩn thận, chi tiết nhỏ trên cổng chính này cháu vẽ rất sinh động, còn có vị trí của mấy ngọn núi này, núi Phượng Hoàng Sơn, đỉnh Vạn Tùng, núi Ngọc Hoàng đều vô cùng chính xác, cháu còn vẽ cả Ninh Môn đối ứng với Lệ Chính Môn, bức tranh này có rất nhiều chi tiết nhỏ giống hệt với cung điện Nam Tống mà chú thấy trong mơ, trước đây cũng có người vẽ tranh phục hồi cảnh tượng hoàng cung Nam Tống, nhưng không có ai nghĩ đến việc vẽ nó cùng với đêm hội Nguyên Tiêu, Tiểu Kỳ thật sự quá giỏi, cũng xem như cháu giúp chú hoàn thành giấc mộng rồi."
Mấy câu của Lão Lý làm Đường Tư Kỳ vừa ngại ngùng vừa tự hào.
Cô chưa từng có tác phẩm nào được người khác khen ngợi nhiều như vậy.
Cô bỗng cảm thấy công việc này của mình cũng rất có ý nghĩa.
"Thầy Lý, thầy nói vậy cháu thấy rất vui."
"Tiểu Kỳ, sau này nếu có khó khăn gì trên phương diện lịch sử mà chú giúp được thì cứ hỏi chú."
"Thầy Lý… đúng lúc có một việc cháu muốn nhờ thầy giúp"
Có Lão Lý giúp đỡ, Đường Tư Kỳ tìm được mấy di tích cổ Nam Tống còn tồn tại ở Hàng Châu, sau đó cô tới mấy địa điểm đó check in.
Nơi đầu tiên cô tới chính là khu vực gần núi Ngọc Hoàng - ngọn núi cạnh núi Phượng Hoàng, nơi đây cũng có không ít di tích Nam Tống cổ.
Lão Lý cho Đường Tư Kỳ rất nhiều nhắc nhở, cô đi tới một viện bảo tàng rất nổi tiếng ở phía Nam núi Ngọc Hoàng: Bảo tàng Quan Diêu Nam Tống.
Quan diêu thời Tống vốn là lò nung gốm sứ do hoàng triều Bắc Tống xây ở Biện Lương, nhưng khi hoàng thất Nam Tống dời đô sang Hàng Châu, ngoại trừ dẫn theo một nhóm thợ tay nghề giỏi ra thì còn mời gọi nhân tài ở Hàng Châu, sau đó xây một lò nung gốm sứ quan diêu ở gần hoàng thành.
Bởi vì quan diêu Nam Tống có thời gian nung xấp xỉ Bắc Tống, vậy nên cho dù là kỹ thuật hay đặc điểm đều không mấy khác biệt với quan diêu Bắc Tống nổi tiếng, nhưng giữa hai loại trên cũng có những điểm khác biệt nhất định, gốm sứ quan diêu Nam Tống mỏng và nhẹ hơn so với Bắc Tống. Đồ sứ quan diêu Nam Tống đã trở thành một giai đoạn nổi bật trong lịch sử gốm sứ Trung Quốc.
Sau đó cô tới ruộng bát quái dưới chân núi Ngọc Hoàng.
Nơi này là tịch điền thời Nam Tống, là một trong số không nhiều di tích thời kỳ Nam Tống được bảo tồn hoàn hảo ở Hàng Châu.
Lúc nghe lão Lý nhắc tới, nơi làm Đường Tư Kỳ tò mò nhất chính là ruộng bát quái, tại sao nơi này lại có tên là ruộng bát quái? Có liên quan gì tới ngũ hành bát quái ư?
Đường Tư Kỳ đi tới vòng ngoài ruộng bát quái, đây đúng là một mảnh đất ruộng được chia làm 8 phần, vòng ngoài có nước bao quanh.
Có người nói 8 phần này chính là ngũ hành bát quái, mà mà cái gò ở chính giữa kia, nếu nhìn từ trên xuống thì sẽ là thái cực đồ.
Tiếc là không thể nhìn từ không trung, nếu được thì có thể thấy rõ hơn rồi.
Cô xem giới thiệu, tương truyền sau khi hoàng đế Nam Tống - Triệu Cấu chạy trốn tới Lâm An, vì muốn động viên dân tâm nên đã cho xây hoàng gia tịch điền, nói cách khác đây chính là mảnh đất do ông tự mình trồng trọt.
Đương nhiên, dân chúng đều không tin hoàng đế sẽ đích thân làm ruộng, vậy nên vùng Hàng Châu lưu truyền các tin đồn về vị hoàng đế này ở ruộng bát quái.
Ví dụ như hoàng đế chống gậy gỗ run run rẩy rẩy đi mấy bước đã bảo thái giám đỡ đi nghỉ ngơi, hoặc ví dụ như mỗi lần làm ruộng, ông đều nghỉ ngơi trong lều da trâu, thái giám của ông thì làm cỏ cày ruộng.
Thậm chí còn có lời đồn rằng dân chúng vì muốn biết hoàng đế có tự làm ruộng hay không nên đã chạy đến động Tử Lai trên núi Ngọc Hoàng để tìm hiểu thực hư.
Tất nhiên… không rõ lời đồn là giả hay thật.
Nhưng không thể nghi ngờ rằng ruộng bát quái này đúng là đề tài trà dư tửu hậu của dân chúng về hoàng đế, là “ruộng bát quái” danh xứng với thực.
Mỗi một mảnh ruộng ở đây đều trồng một loại hoa màu khác nhau, cảnh sắc bốn mùa, mỗi mùa mỗi khác, tạo cảm giác thú vị, gần gũi với thiên nhiên.
Đường Tư Kỳ lưu luyến ở ruộng bát quái một lúc lâu, chụp rất nhiều ảnh rồi mới rời đi.
Nếu như nói đứng ở ruộng bát quái không thể thấy hình dáng thật sự của nó, vậy thì núi Ngọc Hoàng bên cạnh chính là nơi tốt nhất để quan sát ruộng bát quái.
Trên núi Ngọc Hoàng có động Nam Quan Âm, thời kì Nam Tống, nơi này là Tịnh Thắng Viện, năm đó hương hỏa nhiều, vô cùng náo nhiệt, lên trên nữa, chính là nơi tế tự của hoàng gia Nam Tống.
Mà xuyên qua đường núi Ngọc Hoàng để xuống núi chính là di chỉ cổng nam hoàng thành: An Hòa Môn, đến triều Minh thì đổi tên thành Phượng Sơn Môn, bây giờ, cổng Phương Sơn Môn, cánh cổng cho cả đường thủy và đường bộ là cổng thành cổ đại duy nhất còn sót lại ở Hàng Châu, nó còn được liệt kê vào danh sách di sản văn hóa thế giới.
Dọc theo Phượng Sơn Môn vào thành cổ Lâm An, theo lời giới thiệu của lão Lý, đây chính là nơi quan lại triều đình Nam Tống sinh sống, sáu bộ được xây dựng ở đây nên gọi là cầu Lục Bộ.
Đi qua cầu Lục Bộ vào bên trong sẽ thấy một địa điểm khá quan trọng, Đường Tư Kỳ còn check in di chỉ Thái Miếu Nam Tống.
Thái miếu, là nơi hoàng đế Nam Tống tế tổ, không biết năm đó Tống Cao Tông Triệu Cấu xuôi nam, định đô ở Lâm An có suy nghĩ gì khi xây dựng thái miếu.
Rốt cuộc là muốn đánh lên phía Bắc, thu hồi cố thổ, làm yên lòng tổ tông trên trời, hay là yên phận ở một góc, trốn ở nơi an nhàn lắm người lắm của là Hàng Châu, hàng năm tới Thái Miếu khóc lóc làm dáng chút là được.
Sau đó Đường Tư Kỳ còn check in ở miếu Nhạc Vương – miếu thờ Nhạc Phi, nơi này được xây bên cạnh Tây Hồ vào thời Nam Tống.
Địa điểm check in cuối cùng chính là 10 dặm Ngự Nhai xung quanh Cổ Lâu, cũng chính là nơi hiện tại đã được khai phá trở thành phố thương mại Nam Tống Ngự.
Nơi đây còn có món ăn vặt có liên quan tới Nhạc Phi là bánh kếp hành và bánh Định Thắng.
"Ài… cuối cùng cũng check in xong!" Đường Tư Kỳ dùng cả ngày đi khắp phố lớn ngõ nhỏ để tìm kiếm những địa điểm có liên quan tới Nam Tống, cuối cùng cô cũng check in hết 10 địa điểm, sau khi check in xong, cô cảm thấy bản thân mệt đến sắp ngất.
[Chúc mừng ký chủ hoàn thành check in 10 địa điểm trạm Hàng Châu (nhiệm vụ sáu cố đô lớn), số người do ký chủ nên biết đến di chỉ hoàng thành Nam Tống hiện tại có: 1100/5000.]
Trước mắt trong số 10 địa điểm, tranh toàn cảnh tết nguyên tiêu tại hoàng thành của cô đã tuyên truyền về nơi đây được cho 1100 người, muốn hoàn thành nhiệm vụ thì phải vẽ nốt 9 nơi còn lại rồi đăng bài lên Dianping mới được!