Cuối tháng tư, ngày đã bắt đầu dài hơn.
Ở phương Bắc, tiết lạnh của mùa xuân vẫn lần lữa chưa chịu rời đi, chỉ có màu xanh non mơn mởn là lác đác hiện lên trên mặt cỏ bên vệ đường.
Trong một gian phòng riêng nhỏ trên lầu hai của nhà khách đường sắt, một chiếc giường sưởi nhỏ đủ cho hai người nằm vừa được đốt lên.
Điền Thúy Phân không mặc nổi áo khoác ngoài nữa, cởi ra treo lên giá áo ở cạnh cửa.
Lúc này bà ta mới xách phích nước nóng bọc trúc ở cạnh chân tường màu xanh ngọc, rót cho hai chị em ngồi đối diện một cốc nước.
Bà ta áng chừng trước ngực mình:
"Đã hơn năm năm rồi chúng ta chưa gặp nhau nhỉ? Lúc bác đi, Vạn Huy mới cao chừng này thôi."
"Không ngờ chỉ chớp mắt cháu đã cao lớn như vậy rồi, lúc nãy ở nhà ga bác còn không dám nhận người quen.
Đáng tiếc là giường sưởi trong nhà vừa bị sụp, hai ngày nay vẫn đang đắp lại, ngay cả chỗ đặt chân cũng không có, chỉ có thể để các cháu ở tạm nhà khách này."
Ngoài miệng thì nói như vậy, nhưng trong lòng bà ta chỉ ước gì đối phương đừng ở lại nhà mình, tốt nhất là đừng đến luôn.
Năm đó cải cách ruộng đất, ông Lý nhà bà ta làm thu ngân cho một cửa hàng, là thành phần khá nhạy cảm.
Để không bị ông chủ làm liên lụy, họ chỉ đành hy sinh đứa con trai duy nhất trong nhà, cho đính hôn từ bé với con gái của ông ba nhà họ Hạ, đại đội trưởng dân quân.
Ông ba Hạ có năng lực, là người chính trực, mấu chốt còn là con nhà lính, tuy khó khăn nhưng vẫn nhanh chóng vượt qua được cửa ải này.
Vẻ ngoài của con gái ông ba Hạ cũng không có gì để chê.
Vợ của ông ba nhà họ Hạ vốn là người đẹp nổi tiếng trong thôn, Hạ Thược giống mẹ cô, phơi nắng cả một mùa hè nhưng làn da vẫn trắng nõn đến mức có thể véo ra nước.
Lúc nãy ở nhà ga, cũng là áo xanh lam xanh lục và tóc thắt bím, nhưng chỉ có cô là có thể thu hút ánh nhìn của người khác.
Có điều dù xinh đẹp thế nào cũng không xứng với Lý Bảo Sinh nhà bà ta.
Ở nơi hoang vu như vùng Đông Bắc này, sau khi dựng nước vẫn luôn thiếu công nhân.
Ông Lý có đường riêng, năm 57 đã dẫn theo cả gia đình đến Đông Bắc, bây giờ là kế toán của một cửa hàng thực phẩm phụ.
Lý Bảo Sinh cũng được tuyển làm công nhân trong xưởng máy móc.
Còn nhà ông Hạ còn đang kiếm ăn ở vùng quê trong Quan*.
(Quan: vùng Sơn Hải Quan hoặc Gia Cốc Quan, Trung Quốc)
Nếu có thể cưới một người vợ trong thành phố, ai lại muốn cưới một con nhóc nhà quê cơ chứ?
Thế nhưng chính ông ba Hạ đã giúp đỡ gia đình họ, bọn họ vẫn không thể chủ động nhắc đến chuyện từ hôn, chỉ có thể kéo dài, tránh bị người ta nói là vô ơn.
Cho nên bốn năm trước Hạ Thược tròn mười tám tuổi, bọn họ không nhắc gì đến chuyện kết hôn.
Thậm chí còn chẳng gửi một lá thư nào vào trong Quan.