edit: Trà Vô Vị
beta: Hạo Nguyệt
Mẹ tôi nhận giữ con của chị họ. Vợ chồng chị ấy cực kì cảm kích, hết lời ca tụng mẹ tôi đã cứu anh chị ấy ra từ dầu sôi lửa bỏng. Bọn họ dù sao cũng là những thành phần tri thức trẻ trong xã hội lại không có bố mẹ bên cạnh bảo ban, chăm sóc một đứa trẻ chỉ mới vài tháng tuổi hẳn cũng là chuyện chẳng dễ dàng gì.
Đứa bé trông dễ thương y chang như những đứa nhỏ được tham gia quảng cáo sữa trên TV, cả ngày cứ bi bô mãi cái ngôn ngữ chỉ mình nó hiểu, đôi mắt đen, to tròn lúng liếng lúc nào cũng đảo quanh như đánh giá cảnh lạ nơi đây.
Tôi bế con bé một cách cẩn thận, cũng tò mò, chăm chú nhìn con bé.
Chị họ thấy tôi như thế liền nói: “Tiểu Liên cũng nên sớm sinh em bé đi, đợi sau này già rồi sinh con lại vất vả”.
Tôi cười: “Em không có khả năng sinh sản vô tính”.
“Chuyện lập gia đình khó khăn hả em?”, nói đoạn chị ấy quay đầu sang hỏi chồng mình: “Công ty của anh có người nào còn đang độc thân không? Tìm vài người thích hợp giới thiệu cho Tiểu Liên đi!”.
Mẹ tôi cực kì hào hứng, nói: “Chỉ cần gia cảnh, tính tình tốt một chút là được rồi. Bề ngoài không quan trọng”.
“Aaaa!”, tôi hét to lên bày tỏ sự kháng nghị chỉ có điều là mọi người chẳng ai thèm nghe.
Chị họ của tôi cũng cực kì vui vẻ, nói: “Công ty của anh không phải mới có một giám đốc của bộ phận kế hoạch vừa chuyển tới sao?”.
Anh rể cười khổ: “Thứ nhất, người ta là sếp của anh. Trên đời này làm gì có chuyện cấp dưới đứng ra mai mối, giới thiệu bạn gái cho cấp trên. Thứ hai, người ta là vừa đi du học về, lại còn là cậu em vợ của sếp lớn. Gia cảnh, tính tình, dung mạo, cái gì cũng tốt cả. Em nói thử xem, người như vậy còn cần người khác giới thiệu bạn gái cho mình sao?”.
Đúng lúc này, đứa trẻ trong lòng bỗng dưng òa khóc. Tôi sợ hết cả hồn.
“Chắc lại đái dầm rồi!”, mẹ tôi đỡ lấy đứa bé, mọi người vội vàng đứng lên. Đề tài đang nói dở cũng được tạm gác sang một bên.
Tôi nhanh chóng nhận được tin tức của Thái Nhiên.
Cậu ta gửi cho tôi một hộp quà rất lớn, bên trong là một bó hoa khô đã được buộc lại khá tỉ mỉ. Có mẫu đơn Thiên Trúc, có cây thạch trúc, còn có cả một loài hoa mà tôi không biết tên. Ngoài bó hoa đó ra còn có cả những thứ kì quái mà cậu ấy mua được từ tay của những người Cát Phổ Tắc, một lọ nước hoa thủy tinh không mấy tinh xảo, một chiếc vòng cổ, ảnh chụp kèm theo một bức thư khá ngắn gọn.
Hiện giờ cậu ấy đang ở nhờ tại nhà của một người thầy giáo cũ của Trương Mạn Quân, căn nhà rất khang trang, sạch sẽ. Tấm ảnh chụp cậu ấy đang cười tươi roi rói, hai vợ chồng vị giáo sư trông rất nhân hậu, họ còn có 2 đứa con nhỏ, chúng cực kì thích Thái Nhiên. À, còn có cả hai con chó nhỏ, cậu ấy rất hay chơi đùa với chúng.
Thái Nhiên rất nhanh sẽ có được cuộc sống mới của mình …!
Chị họ tôi đến đón cháu, nhìn thấy bó hoa trong phòng tôi, cứ ríu rít bên tai tôi mãi: “Ai theo đuổi em à?”.
“Sao chị lại hỏi vậy?”, tôi hỏi.
“Này nhé, những cây hoa mẫu đơn Thiên Trúc (thược được) nhiều màu này rất quý, chỉ đứng sau hoa mẫu đơn thôi, ý nghĩa của nó là “Tôi chỉ nghĩ về em…”, còn nữa, tặng kèm cả hoa thạch trúc thì thành ý còn tăng lên thêm vài phần”.
Chị họ tôi làm việc trong một cửa hàng hoa nên dĩ nhiên là rất rành về mấy thứ này.
Tôi ngây người, không ngờ trong những món quà mà Thái Nhiên gửi tặng lại ẩn chứa những hàm ý sâu xa đến vậy.
Chị họ của tôi thở dài không ngừng: “Người này hẳn cũng phải tốn khá nhiều tâm tư, sao năm đó chị lại không được đối xử như em bây giờ chứ?”.
Sắc mặt của anh rể tôi đột nhiên biến đổi.
Bọn họ đi rồi mẹ tôi mới quay sang hỏi: “Thái Nhiên sao rồi?”.
“Tốt lắm ạ!”, tôi nói: “Gia đình giáo sư ai cũng thích anh ấy, chiếu cố cuộc sống thường ngày của anh ấy”.
“Vừa đi có mấy ngày mà đã kí gửi tâm tư từ ngàn dặm đường đến rồi à?”.
Tôi dở khóc dở cười: “Mẹ! Con là con gái của mẹ, dù không coi trọng thì cũng nên chúc phúc cho con chứ”.
Quả nhiên là gừng càng già càng cay, mẹ tôi đối đáp lại ngay: “Nhìn lại con xem, chẳng có điểm gì đáng để xem trọng, con là cổ phiếu đại hạ giá, mong người đến mua mà chẳng được còn ở đó đòi chúc phúc á?”.
Tôi lườm mẹ một cái: “A, hóa ra trong mắt mẹ, con chỉ là hàng hóa để mua bán, trao đổi thôi sao?”.
“Con gái đứa nào chả vậy!”, mẹ tôi hừ lạnh, xoay người bỏ đi nấu cơm.
Tôi ở nhà nhàn rỗi cũng khá lâu rồi nên đăng kí học một lớp hội họa. Có lẽ năng khiếu mà ông trời cho tôi chính là vẽ vời, trở thành một họa sĩ bình thường chắc cũng không đến nỗi không được.
Dạy nhóm của tôi là một cô gái trẻ tên Kiều Mẫn Nhi, vừa tốt nghiệp học viện nghệ thuật không lâu, tính tình năng nổ. Lớp học phần lớn là những phụ nữ người trung niên nhàn rỗi, chẳng có việc gì làm, chỉ có tôi với cô ấy tuổi xấp xỉ nhau nên chẳng bao lâu chúng tôi cũng thành bạn.
Mẫn Nhi thấy tôi còn độc thân nên dẫn tôi đi giới thiệu với những người bạn cùng lớp. Những người đó cũng trung trung tuổi rồi, không còn trẻ trung gì nữa nhưng cũng chẳng già. Chỉ là vì cuộc sống thuận lợi, xã hội đối đãi với họ cũng không tệ nên có chút khờ dại.
Kì lạ, hai năm trước tôi cảm thấy Thái Nhiên chỉ là một thằng nhóc không có chút kinh nghiệm sống gì nhưng cũng không cho rằng cậu ấy là một người suy nghĩ nông cạn. Cuộc sống vất vả khiến cho cậu ấy phải ra đời sớm, xã hội chèn ép bắt cậu ấy phải trưởng thành và chững chạc. Trong mắt của tôi, Thái Nhiên đã sớm là một cái cây đại thụ có thể hứng chịu gió mưa bão bùng.
Một anh chàng hỏi tôi: “Cô đang suy nghĩ gì vậy? Sao trông có vẻ không được vui?”.
Liệu anh ta có thể hiểu được nỗi khổ cực của một chàng trai với hai bàn tay trắng đang lăn lộn, bươn chải ở nước ngoài không? … Không … Anh ta sao có thể vì Thái Nhiên mà thương tiếc chứ. Anh ta còn bận phải suy nghĩ xem hẹn hò với con gái thì nên tặng loại hoa gì, đi ăn nhà hàng thì nên uống loại rượu nào cho xứng.
Tôi nói chuyện với bọn họ không hợp nên xin phép về trước.
Lần này Thái Nhiên gửi tới là hoa tử đinh hương nước ngoài.
Mẹ tôi hỏi: “Cái này là có ý gì?”.
“Nhớ nhà”.
Mẹ tôi trầm ngâm một lúc lâu: “Nó giờ sao rồi?”.
“Được đến học viện sân khấu học dự thính. Bọn họ có lẽ sẽ đi Paris tham quan Grand Opera House*”.
*Grand Opera House: Còn được gọi là Opéra de Paris hay Opéra Garnier, một nhà hát nổi tiếng của Pháp
“May là không phải lo chuyện tiền nong, nếu không thì muốn đi du học như vậy cũng chẳng dễ dàng gì”.
“Trong thư anh ấy có nói là sẽ tranh thủ đi làm thêm để có cơ hội tìm hiểu về phong tục tập quán”.
Mẹ tôi nhìn ảnh rồi hỏi: “Thế vị mỹ nữ bên cạnh này là ai đây?”.
“Bạn học thôi mà!”.
“Con nên cẩn thận đó!”.
Tôi cười: “Duyên số là do trời định mà mẹ!”.
Anh ấy là chiếc lá nhỏ đang phiêu du ở tít bờ bên kia của đại dương, còn tôi là gốc gây già vẫn đứng đợi mãi ở nơi đây.
Mẫn Nhi đến hẹn tôi: “Sinh nhật anh họ mình có dư cái thiệp mời, cậu đi cùng mình đi”.
Tôi từ chối theo thói quen: “Không được, không quen không biết sao mặt dày đến ăn không uống không của người ta được”.
Cô ấy nhỏ giọng cười: “Khách lạ đến ăn hôm đó chắc chắn không phải chỉ có mình cậu đâu”.
Mẹ tôi ở bên cạnh loáng thoáng nghe được, lớn tiếng nói: “Đi! Phải đi chứ sao lại không?”.
“Được! Được!”, tôi chỉ có thể sửa lại: “Mình đi”.
Trăm ngàn lần cũng không nghĩ tới, anh họ của Kiều Mẫn Nhi này lại là… hàng xóm của Trang Phác Viên.
Tôi để ý thấy căn nhà vẫn đang sáng đèn, chắc chủ nhân của nó đã quay trở lại.
Mẫn Nhi tức giận chạy tới: “Cái tên anh họ kia của mình chưa kịp giới thiệu với cậu thì chị mình bảo anh ta đi ăn chút gì đó đi kết quả là giờ vẫn chưa thấy mò mặt về”.
Tôi cũng không để ý, nói: “Chỗ này có nhiều thức ăn như vây cứ để mình tự nhiên đi, không sao đâu”.
Người đến dự tiệc đều là người trẻ tuổi nên họ toàn bật nhạc sàn, nghe nhức hết cả tai. Chỉ là, bật nhạc to như thế mà nhà hàng xóm cũng chẳng thèm qua trách móc.
Tôi không quen nghe mấy loại nhạc này nên lủi sang phòng trang điểm. Chỗ đó có mấy cô gái trẻ trung xinh đẹp đứng dặm lại phấn, họ đang nói chuyện gì đó trông vui vẻ lắm, cứ ngửa tới ngửa lui cười hi hi ha ha.
Tôi nghe được một cô gái nói: “Tôi có nhờ chú ruột hỏi thăm mới biết ngày đó Đường Bân rời nhà hát sớm lắm, nói quay phim mệt nên phải cáo lui trước. Người quản lí của anh ta bộ dạng già ngắc ngứ, dám lên giọng quát nạt fan hâm mộ. Ghét thật đấy!”.
Cô gái đứng bên cạnh nói: “Nhắc tới chuyện đó mới nhớ, Thái Nhiên rất thân thiện với người hâm mộ của anh ấy”.
“Ai da, anh ta tàn tật rồi, giải nghệ rồi còn nói đến làm gì nữa”.
“Các cô nói thử xem cái tin đồn trên mạng liệu có thật không?”.
“Người hâm mộ của Đường Bân nói ngày trước ở trường quay Thái Nhiên ỷ thế, hϊếp đáp Đường Bân. Lúc Dương Diệc Mẫn không ở bên thì liếc mắt đưa tình ngay với nhân viên công tác”.
“Nghe nói anh ta xuất thân từ phố đèn đỏ”.
“Còn nữa, còn nữa. Người quản lí của Thái Nhiên hay làm mấy cái động tác thân mật mà anh ta chỉ tủm tỉm cười không chẳng thèm phản kháng. Vì muốn nổi tiếng mà trò gì cũng làm được cả”.
“Cái bà cô già đó hả?”.
“Anh ta qua lại với người quản lí của mình là thật hay giả vậy?”.
“Chẳng rõ nữa, chỉ biết là trong cuộc họp báo người quản lí của anh ta phủ nhận hết mọi tin đồn với phóng viên nhưng lại không trả lời là có qua lại với nhau thật hay không”.
“Hắc hắc, Thái Nhiên còn nhỏ như vậy, rất dễ sa vào những mối tình chị em kiểu này”.
“Là luyến mẫu rồi!”.
Mấy cô gái đó cười vang rồi từ từ bước ra khỏi phòng trang điểm.
Lúc này tôi mới đứng lên từ chiếc sô-fa đặt quay lưng đối diện với mấy cô gái đó.
Chỗ này không thể ở lâu.
Tôi xách túi ra ngoài, lặng lẽ rời khỏi buổi sinh nhật ồn ào đó.
Về đến nhà thì trời đã khuya, mẹ tôi cũng ngủ rồi. Cả khu nhà yên ắng, tai tôi chợt ù đi, hình như là dư âm của mấy bản nhạc nghe được trong bữa tiệc.
Tôi bấm máy gọi cho Thái Nhiên, kết nối được rồi nhưng mà …
Người nghe máy là một người nói tiếng Anh, tiếng Pháp loạn xị cả lên. Tôi căng tai lên nghe lõm bõm được vài câu đại ý là Thái Nhiên đi ra ngoài rồi, không có ở đây.
Tôi hỏi: “Khi nào anh ấy mới về?”.
“Chắc là buổi tối. Giáo sư mời cậu ta đi ăn cơm rồi. Có cần nhắn lại gì không?”.
“Không, không!”, những lời tôi muốn nói có thể gói gọn được trong vài lời nhắn sao?
Ăn cái gì? Ngủ như thế nào? Có chuyện gì vui không? Còn nữa cậu ấy có nằm mơ thấy tôi không?
Vấn đề cần hỏi thực sự rất nhiều nhưng gói gọn lại chỉ trong một câu là tôi rất, rất, rất, rất … muốn gặp Thái Nhiên. Những lời như vậy sao có thể nhờ một người xa lạ nhắn lại chứ.
Haiz …. Ngủ thôi.
Ngày hôm sau Mẫn Nhi gọi đến trách cứ tôi: “Sao hôm qua cậu bỏ đi mà chẳng báo trước với mình một tiếng? Anh họ mình quay lại, đang tính giới thiệu hai người với nhau thì lại tìm không thấy cậu. Nghe quản gia báo lại thì mới biết là cậu đã về từ sớm”.
Tôi không ngừng giải thích.
Mẫn Nhi này, bố mẹ đều là người có tiếng tăm, lại có anh họ lắm tiền nhiều của như vậy, nhưng không ngờ cô ấy lại là người ngây thơ, lương thiện, nhiệt tình.
Vợ chồng chị họ tôi bồng đứa nhỏ đến gửi. Con bé cứ khóc mãi, hai người sắc mặt không vui giống như là xảy ra chuyện gì lớn lắm vậy.
Mẹ tôi hỏi: “Hai đứa lại bị gì nữa đấy?”.
Chị họ tức giận nói: “Cái người này, cấp trên mời đi ăn cơm cũng chẳng thèm báo với cháu một tiếng, hôm nay bạn học của cháu lại kết hôn sao mà không đi cho được!”. Chị ấy quay sang mắng chồng: “Đầu của anh chỉ dùng để làm cảnh thôi à?”.
Anh rể phản bác lại: “Em cũng không có nói trước với anh là sẽ đi ăn đám cưới.”.
“Em nói với anh nhiều lần lắm rồi đấy, là anh vốn không thèm nghe thì có”. Chị ấy quay sang tôi, nói: “Tiểu Liên, em nhìn đi, đàn ông ai cũng vậy cả. Trước khi kết hôn thì xem lời nói của em như vàng như ngọc, cưới về một cái thì chẳng còn chút trọng lượng nào ngay!”.
Tôi nghe thấy hài kinh khủng, muốn cười mà lại không dám: “Nếu không như thế thì còn như thế nào? Dù sao thì em cũng rảnh, để em đi với anh rể là được rồi”.
Chị họ tôi hai mắt sáng rực, nắm chặt tay tôi, rưng rưng … Sao tôi cảm thấy nụ cười của chị ấy hình như có chỗ gì đó không hợp lí.