edit: Trà Vô Vị
beta: Hạo Nguyệt
Một đêm nọ bố tôi bỗng nhiên đau bụng dữ dội, phải nhập viện kiểm tra, mới phát hiện ra là bệnh ung thư gan lại tái phát, đã đến giai đoạn cuối rồi.
Tôi chết điếng người, ngồi phịch xuống đất, hai tay túm chặt cái ví da, miếng kim loại đính trên đó đâm vào thịt mà cũng không hề hay biết. Tôi không thể nào tin được, rõ ràng là lần trước đã kéo ông ấy trở về được từ cái chết, sao bây giờ tử thần lại muốn quay lại đòi mạng sống của ông? Không thể nào tin được, chỉ một khối u mơ hồ nào đó mà cũng có thể gây chết người.
Làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ? Tôi giống như trở lại là một đứa trẻ ba tuổi, làm chuyện gì đó sai mà không biết nói sao với người lớn. Một mình đứng trong nhà, khóc lóc như mưa.
Tôi vẫn luôn nghĩ rằng bố, mẹ sẽ sống đến bảy mươi, tám mươi tuổi, nhìn thấy cảnh tôi kết hôn, sinh con đẻ cái rồi mới nhắm mắt xuôi tay.
Bác sĩ đã quen với loại tình huống này rồi, vỗ vỗ vai an ủi tôi: “Sau này sẽ còn vất vả nhiều nữa, cho nên phải lấy lại tinh thần ngay từ bây giờ đi”.
Không thể cứ đau khổ mãi như vậy được tôi bèn đứng dậy đi ra ngoài. Hít một hơi thật sâu, đem nước mắt nuốt ngược vào trong lòng.
Nhưng mà vừa ra ngoài, thấy gương mặt khẩn trương, lo lắng của mẹ tôi, lớp mặt nạ mạnh mẽ đó bỗng dưng vỡ vụn.
Mẹ tôi hiểu ra ngay, nắm lấy tay tôi hỏi: “Làm thế nào đây? Làm thế nào đây?”.
Tôi chỉ biết an ủi bà: “Không sao đâu, còn có con mà. Con sẽ lo liệu được”.
Bố tôi nhập viện ngay lập tức để điều trị. Chúng tôi không nói với ông ấy tình hình thực tế, nhưng tôi nghĩ bố tôi cũng đã đoán được tám phần., nếu không với cái tính sợ thầy thuốc với hay giấu bệnh của mình ông ấy sẽ nhất quyết không chịu nằm viện đâu.
Tôi đến ngân hàng, rút toàn bộ tiền tiết kiệm ra, chuyển bố tôi đến phòng điều trị tư nhân. Mấy năm nay đi theo Thái Nhiên, tôi cũng thành một tiểu phú bà. Nhưng cái chúng tôi thiếu bây giờ không phải tiền mà là sức khỏe.
Bố tôi làm xong hóa trị, đi ra ngoài, gương mặt trắng bệch. Tôi dìu bố trở về, ông ấy nôn lên người tôi. Y tá cùng mẹ tôi vội vàng đỡ ông ấy về phòng bệnh. Lúc tôi lau chùi sạch sẽ rồi trở về thì bố đã ngủ rồi.
Người ta gắn một cái ống dẫn trên tay bố tôi để chuyền nước, ông nằm đó yên lặng ngủ, gượng mặt không một chút biểu cảm. Tôi bỗng nhiên buồn bã vô cùng. Nhìn người thân của mình phải chờ chết, cảm giác đó đau đớn đến nhường nào.
Trước kia Thái Tu Viễn cũng đã mất vì căn bệnh này. Khi ấy Thái Nhiên vẫn còn là một đứa trẻ, nhìn thấy bố mình nằm ở trên giường cứ từ từ mà chết đi, thì còn đau khổ đến mức nào nhỉ?
Đột nhiên tôi muốn tìm cậu ta, hỏi một chút. Hỏi cậu ta lúc trước có bàng hoàng giống tôi bây giờ không? Có nôn nóng như vậy không? Hỏi cậu ta khi đó có ngồi khóc một mình không?
Tôi đương nhiên là phải chuyển về nhà ở để còn sắp xếp mọi chuyện, mẹ tôi chỉ cần nấu ăn thôi là tốt rồi. Nhưng lúc nào bà ấy cũng khóc, tôi không ngừng khuyên nhủ bà ấy đến mức miệng lưỡi đều khô cạn cả. Bố tôi lại rất trầm mặc, nếu không nói chuyện với ông ấy thì cũng chẳng buồn mở miệng.
Dưới lầu của phòng bố tôi nằm có trồng một cây hoa mai vàng đang nở hoa, cả cái cây được bao trùm bởi một màu vàng nhạt, hương thơm man mác nơi đầu mũi. Bố tôi đứng dưới gốc cây, ngắm nhìn nó một hồi lâu.
Tôi nói: “Hay là mình chiết một cành mang vào cắm đi”.
Bố tôi khoát tay nói: “Bố chỉ nghĩ, năm đó lúc con mới sinh, gốc cây này vẫn còn chưa cao đến đầu người. Năm đó tuyết lớn, chỉ chút nữa thôi là nó đã bị chết cóng”.
Bệnh tật làm cho bố tôi chỉ nghĩ đến những ngày cuối cùng.
Tôi đứng cạnh bố, nhìn mái tóc hoa râm của ông, tim đau như bị dao cắt. Bố tôi vất vả cả đời như vậy, vừa mới hưởng được chút hạnh phúc đã sắp phải đi rồi. Tôi kìm lòng không đậu, dựa sát vào bố tôi, ôm ông ấy từ phía sau, vùi đầu dựa vào vai ông. Mỗi khi tôi làm như vậy, dù xin xỏ bất cứ điều gì bố tôi cũng đều đồng ý.
“Bố”, tôi nói: “Chúng ta vào nhà đi, con nhuộm tóc cho bố”.
Bố tôi cười: “Lúc trước chẳng phải con thích nhổ tóc bạc cho bố sao? Càng nhiều thì càng tốt, sau đó còn hỏi, có phải là đến khi tóc bố bạc hết rồi thì sẽ chết không?”.
Tôi xấu hổ, vội vàng nói: “Là con ngu dốt, nói không biết nghĩ”.
Mẹ tôi nhô người ra từ trên lầu gọi xuống: “Trời lạnh rồi đấy, nói cái gì thì vào nhà nói không được à?”.
Tôi vội đỡ bố vào nhà.
Buổi chiều tôi bớt chút thời gian về nhà trọ của mình. Đi mấy ngày về mới phát hiện ra là
có một ô cửa sổ không đóng. Tuyết bay vào nhà, có mấy vệt ố đọng lại trên tường. Chậu lan bên song cửa cũng bị đông đến gần chết rồi. Tôi ngơ ngác đứng giữa phòng khách, trước mắt là một mảnh thê lương.
Điện thoại có hai tin nhắn, đều là của Thái Nhiên, nói cậu ta gọi số di động của tôi mà tôi lại không nghe máy, trong nhà lại không có ai. Cậu ta có chút mất hứng nói: “Trời lạnh như vậy, chị đi đâu đó?”.
Tôi không trả lời, hồi phục lại hộp thoại ghi âm, lần sau cậu ta gọi đến sẽ biết tôi về nhà rồi. Tôi không vội nói về bệnh tình của bố mình, cậu ta cũng không giúp được gì mà lại có thêm một người lo lắng.
Đêm giao thừa, tôi cùng mẹ làm một mâm cơm thật thịnh soạn. Trong TV hình ảnh vô cùng vui vẻ, mấy đứa trẻ ở ngoài sân đốt pháo. Một nhà ba người chúng tôi, quây quần bên nhau ăn uống vui vẻ.
Tôi đem bình rượu quý lâu năm của bố ra. Hồi trước tôi với mẹ cứ bắt ông ấy phải kiêng rượu, nói thứ này không tốt cho sức khỏe. Kết quả là bố tôi kiêng thật, nhưng giờ ông ấy bị bệnh rồi, muốn phòng bệnh cũng phòng không được nữa. Cho nên bây giờ, còn chần chừ gì nữa, sáng nay có rượu thì sáng nay uống thôi.
Tôi cũng tự rót cho mình một ly, uống một ngụm lớn. Cảm giác nóng như lửa đốt truyền từ yết hầu xuống dạ dày, một luồng hơi mạnh mẽ ộc ra, tôi sặc, ho khan, rồi cảm giác được sau đó cơ thể rất thoải mái.
Bố tôi cười: “Mới lúc trước thấy bố uống rượu là đã nói rồi, bố lấy chiếc đũa chấm một chút cho con thử. Cay lắm hay sao mà con cứ oa oa kêu mãi”.
Nhà hàng xóm đối diện chúng tôi bắn pháo hoa, tiếng pháo nổ bao trùm lên tất cả. Tôi đằng hắng: “Bố, con có vật muốn tặng bố”.
Nói xong, lấy chiếc khăn quàng cổ trên tay quàng lên người bố. Sau đó nhẹ nhàng hôn lên trán của ông ấy. Bây giờ người của ông ấy lúc nào cũng tràn ngập mùi thuốc, nó dần thay thế mùi hương quen thuộc ngày xưa.
Bố tôi vuốt ve chiếc khăn quàng cổ, chờ đợt pháo hoa đó chấm dứt, nói với tôi: “Thực ra, bố muốn trông thấy cảnh con được mặc váy cưới nhất”.
Mẹ tôi nhanh chóng quay mặt đi. Tôi im lặng một lúc.
Bố tôi còn nói: “Không phải bố muốn thúc giục con, nhưng mà con nên thật sự suy nghĩ đến vấn đề này. Đến bây giờ mà con vẫn chưa có người yêu thương mình”.
“Sao lại không có? Chẳng phải con đã có bố mẹ rồi còn gì?”, tôi nói.
Bố kéo tay tôi lại, nói: “Bố muốn nhìn thấy con có chốn đi chốn về, lúc đó mới …”.
Lúc đó mới có thể yên tâm mà nhắm mắt…
Trong khoảnh khắc đó, tôi suýt chút nữa là đã không cầm được nước mắt. Đột nhiên tiếng chuông điện thoại vang lên, xóa bỏ cái tình cảnh xấu hổ lúc này.
Là Thái Nhiên gọi về từ nước ngoài. Hình như cậu ta đang ở bên ngoài nên khá khó nghe.
Cậu ta vui vẻ nói: “Chúc mừng năm mới! Năm mới phát tài! Vạn sự như ý!”.
Vạn sự như ý được mới lạ đấy. Tôi nói với cậu ta: “Cậu cũng thế nhé! Đi chơi vui không?”
“Mẹ em vui lắm. Dọc đường đi ai cũng nghĩ bà ấy là chị em”.
Tôi có thể tưởng tượng được cái cảnh cậu ta mặc bộ quần áo rộng thùng thình của người dân bản xứ, nhún nhảy bước đi trước mấy gánh hàng rong, mấy cô gái bên cạnh ngại ngùng muốn gọi lại mà không dám.
Điện thoại rất nhanh được chuyển sang cho chị Tú, chị ấy ở đầu dây bên kia nói: “Mộc Liên, cho chị gửi lời hỏi thăm đến bố mẹ em”.
Tôi dè dặt nói: “Mọi người vẫn khỏe”.
“Sao giọng nói ỉu xìu vậy em?”.
“Không phải, là tiếng pháo hoa bên ngoài to quá”.
Điện thoại lại được chuyển sang cho Thái Nhiên: “Em mua cho chị mấy thứ quà thủ công mĩ nghệ đẹp lắm, chắc chắn chị sẽ rất thích”.
Tôi không còn lòng dạ nào đùa giỡn với cậu ta, chỉ đơn giản nhắc nhở: “Sắp đến lúc “Pháo hoa” công chiếu rồi, cậu sắp xếp trở về đi, biết không?”.
“Sang năm mới mà còn nói chuyện công việc”, cậu ta cười khẽ.
Lúc này bố mẹ tôi đã ra ban công ngắm pháo hoa, tôi thở phào nhẹ nhõm, giọng nói cũng dịu đi chút ít, giống như là giận dỗi nói: “Mấy ngày nay tôi mệt muốn chết”.
“Đừng nói là chị gầy đi rồi nhé? Chị không thể gầy lại được đâu. Nếu không sẽ chẳng bằng được ai đâu. Tết rồi, ăn nhiều một chút. Dù sao cũng không phải ra đường, không ai nhìn thấy đâu mà sợ”.
Thái Nhiên cúi đầu, giọng nói tràn ngập vui sướиɠ hoàn toàn đối lập với âm thanh u ám, bị dồn nén đến mức trầm xuống của tôi. Người con trai này, chỉ vì vậy mà cậu ta có thể hấp dẫn tôi, cậu ta mang đến cho tôi cảm giác thoải mái, vui vẻ, lạc quan để nhìn về phía
trước. Nhìn thấy Thái Nhiên, ngước lên nhìn cậu ta, tất cả những cảm giác không thoải mái đều có thể biến mất.
Tôi ngồi tựa vào ghế sô – fa nở nụ cười: “Tôi toàn thân đều đau nhức. Đúng rồi, dầu dưỡng tóc của Thái Lan cũng không tệ, cậu mang về cho tôi một lọ đi”.
“Mẹ em chọn cho chị một chiếc vòng tay rồi, là ngọc Myanma đó!”.
“Cái đó đắt lắm”, tôi ngượng ngùng nói.
“Mộc Liên”, Thái Nhiên nói với tôi: “Chúc mừng năm mới!”.
“Cậu đã nói rồi mà”, tôi nói: “Sao vậy?”.
“Không có gì. Chỉ là vào ngày Tết tự nhiên rất nhớ chị”.
Tôi nghe những lời nói đó, cực kì vui vẻ, chỉ cảm thấy nỗi buồn trong lòng dường như đã tiêu tan trong nháy mắt. Tiếng pháo hoa ồn ào bên tai bỗng nhiên biến mất, tôi có thể nghe rõ được giọng nói nhẹ nhàng của mình: “Chắc cậu cũng rất nhớ người thân của mình”.
Cậu ta hiểu được ý tứ của tôi, im lặng một lúc, nói: “Ông ấy bị bệnh vào trước đêm giao thừa, lúc đó nhà em thực sự rất túng quẫn, bữa ăn đón năm mới đơn giản chỉ là một nồi lẩu”.
“Có hơi nóng cũng rất tốt”.
“Bây giờ em đã có thể đưa mẹ em quán ăn bữa cơm tối với những món ăn Trung Quốc cao cấp nhất, quản lí thấy em có khi còn chạy lại xin chữ kí”.
‘Tôi lại khơi gợi ra những kỉ niệm buồn của cậu rồi”.
“Chỉ là em hơi xúc động thôi. Đi xa như thế cũng không hy vọng là có người sẽ nhận ra em”.
“Bây giờ cậu cũng rất nổi tiếng mà”.
“Chỉ là rất nhớ chị”.
“Tôi lúc nào mà không thể cùng cậu chia sẻ niềm vui lúc thành công?”, tôi nói: “Nhớ kĩ, bộ phim “Pháo hoa” sắp sửa công chiếu, cậu có thể trực tiếp bay đến gặp Trương Mạn Quân”.
Cậu ta đồng ý, sau đó nói tôi bảo trọng rồi gác máy.
Mùng ba, Thái Bình với Thái An đến nhà tôi chúc Tết. Hai người này mặc chiếc áo khoác
bông kiểu xưa, tay mang một túi lớn miệng lưỡi ngọt ngào vô cùng, những câu chúc Tết hay đều bị bọn họ nói hết.
Thái An tùy tiện nhìn, hỏi: “Bác Mộc sắc mặt không được tốt cho lắm, có phải là cảm thấy không được thoải mái không?”.
Tôi nhất thời sững người. Không ngờ bố tôi lại cười ha ha nói: “Tết mà, chỉ là uống nhiều hơn bình thường chút thôi”.
Chò bọn họ đi rồi, bố quay sang hỏi tôi: “Sắc mặt bố không được tốt thật à?”.
“Thằng nhóc Thái An kia nói hươu nói vượn”, tôi chỉ tay lên trời thề: “Sắc mặt của bố rất bình thường”.
Tôi giải thích cho bố, nói bố nhìn vẫn khỏe lắm, bố tôi lại không tin.