Lúc Phương Mục Dương ra cửa, có một gia đình đang làm tương cà chua ngoài hành lang. Cà chua mùa hè chẳng đáng mấy xu, nhưng tới mùa đông đã thành của ngon vật lạ, mùa đông phương bắc rau dưa nghèo nàn đến mức đáng thương. Vậy nên nhiều người vẫn thường tranh thủ dịp hè mà mua thật nhiều cà chua, rửa sạch, xắt hạt lựu, chưng lên thành tương rồi rót vào chai thủy tinh, dùng nút bấc đậy chặt lại, tới mùa đông mang ra dùng. Những chiếc chai kia đã được khử trùng bằng nước sôi, giờ phút này đựng toàn tương cà chua, bày đầy trên mặt bàn bếp. Còn có người đang rán cá lù đù vàng nhỏ, mùi cá xộc thẳng vào mũi mọi người.
Chiều tối gió thổi vi vu, ve kêu râm ran. Tầng một có hộ gia đình bày bàn ăn dưới tán cây, cả nhà quây quần bên nhau, một ông bác đã đứng tuổi đang lấy đũa chấm vào bia rồi đưa đến miệng thằng cu bên cạnh.
Phương Mục Dương đứng trước cổng một hồi lâu rồi mới giơ máy chụp ảnh. Một phút sau đó, khi khuôn mặt một cô gái xuất hiện ở trên máy ảnh, anh mới chụp được vài tấm.
Phí Nghê đạp xe luôn ngồi cách yên một khoảng. Gió chiều lọt vào phía sau cổ áo của cô, khiến cho chiếc sơmi trắng phồng lên. Hôm nay cô mặc áo sơmi ngắn tay cùng với quần túi hộp(1), trang phục điển hình của nữ công nhân trong nhà xưởng. Dưới chân cô mang một đôi giày thể thao màu trắng, rất rất trắng, không phải trắng kiểu giày mới mà là trắng bợt kiểu đã bị cọ quá nhiều.
(1) Quần túi hộp: Loại quần ống rộng với nhiều túi vuông để tiện đựng các dụng cụ lao động, phổ biến trước năm 1980.Phí Nghê dừng xe, vừa ngẩng đầu lên đã trông thấy Phương Mục Dương. Anh cũng mặc một chiếc áo sơmi trắng, hai cúc trên cùng để mở, ống tay áo dài được xắn lên tới khuỷu tay. Thông thường những người xắn tay áo như vậy hay có một chiếc đồng hồ thép đi kèm, hiệu Thượng Hải. Nhưng Phương Mục Dương không có đồng hồ, anh chỉ có đôi cánh tay rắn chắc đang cầm máy ảnh cùng một nụ cười hướng về phía cô, một nụ cười chông chênh giữa tử tế và vô lại. Phí Nghê cũng cười với Phương Mục Dương, chiếc máy trong tay anh đã bắt kịp khoảnh khắc ấy. Cô cúi đầu khóa xe, trên ghi đông có một chiếc túi lưới lủng lẳng, trong túi là quả dưa hấu mà Phí Nghê vừa mua về.
Phương Mục Dương bước đến gần Phí Nghê, từng nét mặt của Phí Nghê lại càng rõ hơn trong tầm mắt anh.
Anh móc một tờ giấy từ túi quần ra đưa cô: “Hoa hải đường của cô nở đẹp lắm, lúc đấy không có máy ảnh nên tôi vẽ cho cô xem.”
Phương Mục Dương vốn vẽ bằng bút chì, nhưng sau đó có một người anh từng họa nhờ anh tô thêm ít màu, còn cố ý mua màu vẽ cho anh, vậy nên khóm hải đường này cũng được điểm thêm màu sắc.
Phí Nghê nhìn bức vẽ của Phương Mục Dương, có thể đoán được tiết trời trong lúc anh vẽ cũng như cách anh tưới cây, bởi vì trên những lá hải đường này có lấm tấm vài giọt nước, trông như có thể trượt xuống bất cứ lúc nào. Phí Nghê bảo Phương Mục Dương khi tưới hoa, nước không nên rơi khỏi hoa mới đúng.
“Sao cô biết thế?”
“Bức tranh của cậu nói cho tôi biết. Mấy năm nay cậu vẫn không ngừng vẽ tranh đúng không?”
Phí Nghê vẫn nhớ có một năm Phương Mục Dương thi vẽ được giải thưởng lớn, bà ngoại anh còn mời bạn học đến nhà liên hoan. Phương Mục Dương vẫn luôn nhận mình là cháu chắt người nhặt ve chai, nhưng khi tới nhà bà ngoại anh rồi, Phí Nghê mới biết một phần hiện thực có khi khác biệt một trời một vực so với hiện thực chân chính. Bà ngoại Phương Mục Dương sống một mình trong một căn nhà nhỏ kiểu Tây, các con trai bà đều định cư ở nước ngoài, còn con gái ruột duy nhất – cũng chính là mẹ của Phương Mục Dương – vẫn luôn canh cánh chuyện bà là nhà tư sản sống bằng thu nhập cố định chứ không tham gia lao động sản xuất, vậy nên thường ngày hiếm khi qua lại.
Phương Mục Dương trưởng thành dưới lá cờ đỏ, anh chào đời cũng vào lúc giới tư bản đã trở nên ôn hòa hơn trước, ít nhất ngoài mặt là thế. Anh chưa từng tận mắt chứng kiến giai cấp tư bản áp bức bóc lột quần chúng nhân dân, đương nhiên chẳng thể sinh lòng căm thù sâu sắc. Những người tư bản trong mắt Phương Mục Dương luôn là đối tượng có thể đoàn kết, thế nên anh vẫn thường xuyên sang chơi nhà bà ngoại mình.
Thời đại thay đổi, nhà bà ngoại Phương Mục Dương cũng đã tiết kiệm hơn xưa, tuy nhiên loại tiết kiệm ấy chẳng qua chỉ là cho thợ làm vườn nghỉ việc và để người ở trong nhà kiêm luôn công việc coi sóc vườn tược. Hoa hồng trong vườn vẫn nở rộ, xe vẫn là xe là của Đức, loại cà phê vẫn không đổi, đĩa nhạc vẫn phát những bài ca mới nhất, toàn bộ nhà cửa cũng vẫn bố trí y nguyên. Điểm thay đổi duy nhất chính là, bên cạnh những bức danh họa của Tề Bạch Thạch, trên tường hiện đã có thêm mấy bức vẽ nguệch ngoạc của cháu trai bà.
Sau này bà ngoại của Phương Mục Dương qua đời, nhà để lại cho anh, thế nhưng bà mất còn chưa đầy tuần thì mẹ của Phương Mục Dương đã quyên góp luôn căn nhà, hiện giờ chủ nhà là ai bọn họ cũng chẳng biết nữa. Năm ngoái Phí Nghê từng một lần đạp xe qua khoảnh sân đó. Cô liếc mắt vào trong nhà, chẳng thấy hoa hồng cùng ong mật đậu trên hoa dưa leo đâu, nơi ấy đã biến thành một phong cảnh rất đỗi xa lạ.
“Trước kia tôi cũng từng vẽ tranh à?”
Phương Mục Dương hỏi bâng quơ, nhưng lọt vào tai Phí Nghê thì ý nghĩa lại khác hẳn. Cậu ta vẫn chưa nhớ ra, là cô đã hiểu lầm rồi. Phí Nghê nhìn bức họa, thầm nghĩ ký ức cơ bắp chung quy vẫn khắc sâu hơn hết thảy, cậu ta chưa khôi phục được trí nhớ, nhưng lại tìm về khả năng vẽ tranh. Cô ngẩng đầu nhìn Phương Mục Dương, người này hiện giờ chẳng biết buồn đau là gì, âu cũng có cái hay của nó. Cậu ta đã quên hết những chuyện phiền não trước kia, lại có cái ăn cái mặc, có thể vẽ tranh hàng ngày, thậm chí còn thừa tiền để đi chụp ảnh và dạo phố. Nhớ lại, chưa chắc đã là chuyện tốt.
Phương Mục Dương thấy Phí Nghê nhìn tranh của mình chằm chằm, cảm giác như cô thật sự thích nó, bèn hào phóng nói: “Dù sao ngày nào tôi cũng được ngắm hoa thật, bức họa này cô cứ giữ lại đi. Nếu như cô thích, về sau tôi lại vẽ tiếp.”
Phí Nghê bấy giờ mới thôi suy nghĩ miên man: “Sao cậu lại xuống dưới này?”
“Nhà cô nhiều người quá, tôi sợ cô không thấy tôi.”
Phí Nghê không nhịn được cười: “Cậu to cao như thế, sao tôi có thể không thấy cậu được?”
“Cô xem, quanh đây nhiều người như vậy, nhưng lúc chụp ảnh tôi chỉ thấy mình cô thôi, những người khác đều là cảnh nền cả.”
Phí Nghê không hiểu sao lại nghe ra ngụ ý trong lời Phương Mục Dương nói, nhưng vẫn cảm giác như mình đã nghĩ nhiều rồi. Cô trực tiếp chuyển đề tài sang cái máy ảnh anh cầm: “Chiếc máy ảnh này ở đâu ra thế?”
“Mua tại cửa hàng ủy thác. Nếu như cô thích, khi nào lấy phim ra rồi tôi sẽ đưa máy cho cô.”
“Cậu cứ giữ lại đi, đừng có thứ gì cũng tùy tiện tặng người khác. Mà sao tự nhiên cậu lại mua máy ảnh vậy?”
“Tôi muốn chụp cho cô mấy tấm hình.”
Phí Nghê nhất thời không biết phải nói gì nữa, vẫn là Phương Mục Dương lên tiếng phá vỡ sự im lặng giữa hai người: “Trời nóng thế này, cô cài hết cúc làm gì? Cởi hai cúc áo ra đi.”
Phí Nghê cũng không nghĩ nhiều, chỉ nói: “Tôi không thấy nóng.”
Phương Mục Dương vẫn chưa chụp ảnh, chỉ đứng đó nhìn cô cười. Ánh mắt của anh lướt qua người cô tựa như một gợn gió đêm, quẩn quanh đây đó, người khác không nhìn thấy, song Phí Nghê cảm nhận được. Gió cuốn vốn là lạnh lẽo, nhưng ánh nhìn của anh lại khiến tai cô nóng bừng, cả cơ thể cũng trở nên gượng gạo.
“Thật sự không nóng à?” Phương Mục Dương vẫn nhớ trên xương quai xanh của Phí Nghê có một nốt ruồi son, nhưng hiện tại nó đã bị áo sơmi che kín.
“Tôi nói không nóng thì là không nóng, cậu nhiều chuyện quá.” Phí Nghê ngoan cố không chịu cởi cúc, Phương Mục Dương đành mặc cô.
Phí Nghê nhớ tới tương lai không mấy lạc quan của Phương Mục Dương, lại hỏi: “Sau này cậu có dự định gì chưa?”
“Tôi vẫn còn chưa nghĩ xong.” Phương Mục Dương nhìn vào đôi mắt của cô thông qua màn hình máy ảnh, thuận tiện nhắc tới Lăng Y. “Cô có quen Lăng Y không?” Cậu bạn học cũ tới thăm nhắc đến Lăng Y quá nhiều, anh không thể không tò mò.
Máy ảnh chụp được vẻ sững sờ của Phí Nghê.
“Cậu hỏi chuyện đấy làm gì?”
“Tôi và cô ấy thân nhau lắm à?”
“Rất thân, thân thiết vô cùng. Trước kia cô ấy là bạn gái cậu, cậu rất thích cô ấy, thích đến mức nhường luôn cả suất vào đại học cho người ta.” Phí Nghê nghe người khác kể mới biết Phương Mục Dương quả thực đã vì Lăng Y mà từ bỏ cả cơ hội vào đại học. Khi nghe chuyện này, cô không cảm động trước sự thâm tình của anh, chỉ cảm thấy anh ấu trĩ đến mức nực cười. “Nếu như trước kia cậu muốn ở cạnh cô ấy, cũng không nhất thiết phải nhường lại chỉ tiêu vào đại học. Cậu vào đại học, cô ấy làm thanh niên trí thức ở quê, cậu muốn kết hôn, cô ấy sẽ thấy cảm kích. Cậu nhường suất học lại rồi, cô ấy vào đại học, cậu ở quê kiếm điểm công, cô ấy lại chê cậu không xứng với cô ấy. Bây giờ cô ấy không đi thăm cậu, tuy rằng có chút phũ phàng nhưng cũng là chuyện nằm trong dự liệu. Nếu như đổi lại là tôi, tôi sẽ không nhường suất học đã tới tay mình cho bất cứ ai hết. Muốn giúp người cũng chẳng phải giúp kiểu đấy. Chính cậu đã tự tay đẩy cô ấy ra khỏi mình. Nếu như cậu vào đại học, nói không chừng cô ấy sẽ không ngại cực khổ mà chăm sóc cậu…”
Phương Mục Dương lại không cảm thấy mình bỏ lỡ chuyện gì quan trọng, nhắc tới Lăng Y cũng có phần khá thờ ơ: “Tôi có cô rồi, không cần cô ấy chăm sóc.”
Lời này chẳng hề khiến Phí Nghê vui mừng chút nào, cô thậm chí còn tức giận: “Tôi nợ nần gì cậu hả? Cô ấy lấy mất suất vào đại học của cậu, cô ấy phải chăm sóc cậu mới đúng. Dựa vào cái gì mà chuyện tốt cô ấy chiếm hết, còn chuyện xui xẻo…” Phí Nghê kịp thời ngậm miệng, nếu nói thêm nữa thì tổn thương người ta quá.
Vậy mà Phương Mục Dương lại hoàn toàn nắm sai trọng điểm: “Cô muốn vào đại học lắm à?”
“Cậu đúng là đồ ngốc.” Bởi vì cảm thấy Phương Mục Dương quá ngốc nên Phí Nghê lại không nhịn được mà dạy dỗ thêm. “Bệnh viện xem chừng không trị được bệnh ngốc của cậu đâu, cậu đừng có nằm lỳ ở viện mãi nữa, bảo hội thanh niên trí thức mau mau giải quyết công việc với chỗ ở cho cậu đi. Không phải cậu biết vẽ tranh hay sao? Tầm tuổi này của cậu đội tuyên truyền chẳng có mấy ai vẽ đẹp hơn cậu, cậu cứ cứng rắn tí đi, một lần không được thì nói nhiều lần. Cậu phải có công việc chính thức, như thế cậu và Lăng Y mới có cơ hội trở lại với nhau…”
Khuôn mặt Phí Nghê có nét thanh tú điềm đạm, hiện giờ cô nói chuyện, vẻ mặt có chút không tương xứng với ngũ quan. Chiếc máy ảnh trên tay Phương Mục Dương vừa lúc ghi lại được biểu cảm này của cô.
“Đừng có chụp tôi mãi thế.” Áo sơmi của Phí Nghê vẫn cài kín đến tận cổ. Cô giơ tay che mặt, ánh sáng luồn qua kẽ tay, đậu lại trên gương mặt cô.
Phương Mục Dương lấy tay chọc chọc Phí Nghê qua những khe hở giữa ngón tay đó, cười nói: “Được, không chụp.”
“Đừng có động tay động chân, tôi không thích như thế đâu.” Phí Nghê nghiêng mặt, không thèm nhìn anh nữa. “Sao cậu biết tôi ở đây?”
“Tôi muốn tìm thì sẽ có cách tìm được. Ngày mai cô có rảnh không? Tôi mời cô ăn kem, vẫn chỗ ngồi hôm trước nhé.”
“Tôi không rảnh.” Phí Nghê nhịn không được, lại cất lời khuyên nhủ. “Cậu để dành tiền đi, tóm lại là tiêu càng ít càng tốt. Sau này cậu còn nhiều chuyện cần dùng tiền lắm.”
“Cha cô bảo gần đây cô bận đi xem phim với người khác, phim có hay không?”
Phí Nghê muốn biện bạch, muốn nói mình không bận đi xem phim với người khác, nhưng lời ra đến miệng lại biến thành: “Cũng tạm.” Thực ra bộ phim ấy cô đã cùng Phương Mục Dương xem một lần, sau này chẳng còn hứng thú với nội dung nữa.
“Có phải vì đi xem phim với người khác nên cô mới không đến thăm tôi nữa không?”
“Phải thì sao nào?” Phí Nghê có thể nhận ra ý chất vấn trong lời của Phương Mục Dương. Nhưng cô đâu có nợ nần gì cậu ta, cô thích đi xem phim cùng ai thì đi, thích qua lại với ai thì qua lại, cô nào có nghĩa vụ phải đến thăm cậu ta chứ?
Phương Mục Dương cười rất khoan dung: “Nếu cô muốn đi xem phim, cô có thể đi cùng tôi.”
Gió càng lúc càng thổi mạnh, lá cây xào xạc rụng xuống thềm đất.
Phí Nghê lại thầm mắng Phương Mục Dương là đồ ngốc, cô di chuyển ánh mắt mình từ đám mây này qua đám mây kia: “Cậu có biết đường về bệnh viện không đó?”
“Biết.”
“Thế cậu về đi, không lại chẳng kịp ăn tối bây giờ.”
Hai người im lặng hồi lâu, đều nói phải đi, nhưng chẳng có ai xoay người. Cuối cùng vẫn là Phương Mục Dương lên tiếng trước: “Cô lên nhà đi.”
Phí Nghê bước được mấy bước, khi chuẩn bị vào cầu thang cô lại ngẩng đầu nhìn trời, thấy như có vẻ sắp mưa. Cô quay đầu lại, trông thấy Phương Mục Dương vẫn đứng nguyên tại chỗ, trên tay còn cầm máy ảnh.
Cô gọi to về phía anh: “Chờ tôi một tí, tôi đi lấy ô cho cậu.”
Mẹ Phí thấy con gái quýnh quáng chạy lên trên nhà, liền hỏi: “Không phải con bảo đi mua dưa hấu à? Dưa hấu đâu?”
Phí Nghê như chẳng nghe thấy lời bà nói. Cô chạy ù vào nhà, lấy chiếc ô treo sau cửa rồi lại chạy qua giá sách cạnh máy quay đĩa, nửa quỳ trên mặt đất, lục tìm những quyển truyện tranh liên hoàn(2) mà cha mình vẫn hay xem. Rất nhiều họa sĩ có chút tiếng tăm đều đã vẽ tranh liên hoàn, chỉ vẽ mỗi hải đường thì chẳng có tiền đồ gì hết.
(2) Tranh liên hoàn: Một loại hình nghệ thuật truyền thống xuất hiện từ thời nhà Tống, bao gồm những bức tranh nối nhau liên tiếp nhằm kể lại một cốt truyện nhất định.Cô lấy báo bọc hết mấy cuốn tranh liên hoàn nhỏ lại rồi ôm thẳng ra ngoài cửa, quên luôn trong nhà vẫn còn có khách đang ngồi.
Mới ra đến cửa, Phí Nghê đã thấy Phương Mục Dương đầu cầu thang, vai khoác túi máy ảnh, tay cầm túi lưới đựng dưa, hình như đã đứng được một lúc rồi, nhưng lại chẳng tiến thêm bước nào nữa.
“Dưa hấu của cô này.”
“Hiện giờ hướng đi tốt nhất của cậu chính là vẽ tranh liên hoàn, cậu cầm về nghiên cứu một chút đi.”
Trên tường treo đầy tỏi ớt, hai người đứng giữa hàng lang chật hẹp, lặng lẽ trao đổi ô, tranh liên hoàn và dưa hấu.
“Cậu biết mở ô như thế nào chưa?”
“Tôi cũng đâu ngốc đến vậy.” Phương Mục Dương cười với Phí Nghê, bật ô “phập” một tiếng, giơ lên trên đầu hai người, cảnh tượng quái dị khôn tả.
Phí Nghê nói: “Tôi quay vào đây.”
“Ừ, cô đi đi.”
Phí Nghê định chờ Phương Mục Dương đi rồi thì mới xoay người, nhưng anh vẫn cứ chôn chân tại chỗ, thế nên cô cũng chỉ có thể đứng nguyên đó.
Cửa sổ đóng chặt, hành lang ngột ngạt, không khí giữa họ như ngưng đọng lại.
Vẫn là Phương Mục Dương đợi không được nữa, sốt ruột giục cô: “Cô xách dưa hấu không thấy nặng sao? Mau vào nhà đi.”
Mẹ Phí nhìn con gái đứng bên cầu thang, thở dài một tiếng.
Phí Nghê quay đi trước. Cô đặt quả dưa hấu vào trong một chiếc thùng thiếc, ngâm nước lạnh một lát rồi mới vớt nó lên. Lúc vào nhà, cô lại liếc mắt nhìn ra cầu thang, trông thấy chị gái cùng anh rể của mình lên gác.
Phương Mục Dương đã chẳng thấy bóng dáng đâu nữa rồi.
Mẹ Phí trách con gái không được thấu tình đạt lý: “Người ta đến nhà chơi lâu như thế, sao không giữ lại ăn cơm?”
“Không phải mẹ sợ cậu ta làm hỏng chuyện của con à?”