*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Phương Mục Dương mang quà cho cả Martin lẫn người nhà của ông ấy.
Martin rất chào đón Phương Mục Dương, còn chuẩn bị riêng cho anh một căn phòng để ở. Trước khi trở thành nhà môi giới chứng khoán thì Martin vẫn luôn muốn được làm họa sĩ, sau khi buộc phải nhận ra mình không hề có năng khiếu vẽ tranh, ông ấy đã từng buồn bã vô cùng. Phu nhân của Martin là đối tác của một phòng trưng bày tranh, nhờ có Martin đứng giữa, Phương Mục Dương đã ký được hợp đồng với họ.
Bọn họ xem Phương Mục Dương như một họa sĩ đồng quê, mà lúc trước cũng chính Phương Mục Dương đã giới thiệu bản thân với Martin như vậy, anh nói trước khi trở thành bồi bàn thì mình vừa làm nông vừa vẽ tranh. Khi ấy Phương Mục Dương còn muốn thảo luận với Martin về ngành nông nghiệp ở Mỹ, chỉ tiếc là Martin chưa từng sống ở nông thôn cho nên không thể nói nhiều về đề tài đó. Martin coi Phương Mục Dương như một chàng trai hồn nhiên ở quê vẫn chưa bị nhuộm đen bởi sự đời, một cậu em nhỏ ngoài vẽ tranh ra thì chẳng biết chuyện gì hết, cho nên đã sắp xếp mọi chuyện thỏa đáng chu đáo cho anh. Ông ấy nhìn thấy một niềm vui trẻ thơ trong tranh của Phương Mục Dương, cho nên cũng nhận định Phương Mục Dương là con người giản dị ngây thơ như thế.
Ban đầu Phương Mục Dương vốn định mua một tấm bản đồ để tự mình dạo quanh thành phố, anh không muốn làm phiền người khác, càng không thích bị sắp đặt, nhưng vì hành trình mấy hôm đó của anh đều đã được Martin lên kế hoạch kín kẽ nên anh làm khách chỉ đành phải nghe theo chủ. Trước kia Phương Mục Dương từng nói với Martin, một nửa số thịt mà anh ăn đều đến từ việc săn bắn, vậy nên Martin đã dẫn Phương Mục Dương đến câu lạc bộ săn bắn của Long Island tham quan. Phương Mục Dương tới New York cả một tuần mà chưa đến được phòng trưng bày tranh hay xem một bức họa nào, nếu không phải đi săn hoặc chèo thuyền thì cũng là nằm phơi nắng ngoài bãi biển. Dưới sự giám sát của Martin, Phương Mục Dương còn tự lái một chiếc ô tô. Sau mấy ngày bị chủ nghĩa tư bản đầu độc, Phương Mục Dương không hâm mộ những thứ khác, nhưng đã bắt đầu hi vọng có một chiếc xe của mình. Anh không cần xe quá tốt như xe của Martin, chỉ cần một chiếc Ford cũ là được, muốn chở Phí Nghê đi đâu thì đi đấy. Đồng thời qua các hoạt động săn bắn và chèo thuyền, Phương Mục Dương đã chứng minh được sức vóc nông dân của mình.
Phương Mục Dương từ chối những sắp xếp đầy thiện ý của Martin kế đó, anh nói ở quê anh còn không đi lạc được nữa là một thành phố như New York. Sau khi mua một tấm bản đồ, anh chỉ mất có mấy ngày là gần như đã biết hết mọi ngóc ngách của New York. Phương Mục Dương không chỉ không có tiền ăn tiệm mà ngay cả những quầy hotdog nhỏ trên phố anh cũng không nỡ mua, chỉ đành mua ít thực phẩm ở khu vực sắp hết hạn trong siêu thị rồi vừa ăn vừa dạo bộ. Sau khi đã có ấn tượng chung về toàn bộ thành phố, anh bắt đầu nhắm tới các phòng trưng bày tranh, ngày nào cũng ngồi tàu điện ngầm đi xem tranh, mỗi một lần đi đều hết trọn vẹn một ngày. Các món ăn trong nhà hàng đương nhiên không chuẩn bị cho những người nghèo như anh, anh vẫn ăn thực phẩm sắp hết hạn, vừa ăn bên ngoài phòng trưng bày tranh vừa quan sát những người đi lại xung quanh đấy. Vào những ngày đẹp trời, quan sát người khác cũng là một kiểu niềm vui. Mỗi lần như thế anh lại nhớ tới những ngày tháng ở nông thôn, dân làng làm việc xong thì ăn cơm luôn ngoài đồng, hiện tại anh chẳng khác với bọn họ là mấy, chỉ khác là bọn họ ngồi ăn, còn anh thì đứng. Ăn xong rồi, anh lại vào trong xem tranh. Giờ có thể nhìn được bút tích thật của những bức họa trước kia anh và Phí Nghê xem trong sách, tất nhiên phải ngắm kỹ thêm vài lần nữa. Phí Nghê không ở bên cạnh, anh liền xem thêm cả phần của cô.
Ban ngày Phương Mục Dương tới các phòng trưng bày tranh xem tranh, buổi tối lại ở nhà Martin truyền bá văn hóa nước nhà, bỏ chút thời gian dạy các con của ông ấy viết chữ Trung Quốc. Tuy rằng trình độ văn hóa của anh có hạn, nhưng ở cạnh ông Phương lâu ngày cũng xem như là mưa dầm thấm đất, về khoản thư pháp cũng có chút ít nền tảng. Anh dạy mấy đứa nhỏ viết hai chữ “Phí Nghê” theo lối tiểu triện, lối chữ lệ và chữ khải(1)… Chỉ vài ngày sau, bọn trẻ đã “vẽ” được chữ Phí Nghê theo nhiều phong cách khác nhau.
(1) Tiểu triện là phong cách viết phát triển từ chữ đại triện thời Chu, ra đời sau khi Tần Thủy Hoàng đề ra chính sách thống nhất văn tự và có thể coi là kiểu chữ thống nhất đầu tiên của Trung Quốc. Chữ lệ được giản lược từ chữ triện, xuất hiện từ thời Chiến Quốc nhưng do lựa chọn của Tần Thủy Hoàng nên bị mai một một thời gian, chỉ được bắt đầu sử dụng lại phổ biến sau thời Tây Hán thay cho chữ triện nhờ tính đơn giản hữu ích của nó. Chữ khải xuất hiện khoảng giữa thời Đông Hán và Tào Ngụy, được phát triển từ chữ lệ và là kiểu chữ viết phổ biến của Trung Quốc ngày nay.Phòng trưng bày tranh có quá nhiều tranh đang đợi Phương Mục Dương xem, ngày nào anh cũng đi, cũng có những khi cầm bút vẽ, không phải trên vẽ trên vải vẽ mà là vẽ trên áo phông. Anh đã tìm được một loại áo phông màu trắng có chất vải rất hợp để vẽ tranh, vì mua được ở khu chợ từ thiện nên giá cả cũng rất rẻ. Phương Mục Dương không vẽ tranh theo kiểu nghiêm túc, anh hoặc sử dụng phong cách hoạt hình, hoặc biến tranh sơn dầu thành phong cách tự do, hoặc là trực tiếp trừu tượng hóa thành những đường nét thô kệch. Sau khi vẽ xong mặt trước anh lại bảo đám nhóc nhà Martin viết chữ lưu niệm cho anh ở mặt sau, vậy là sau lưng Phương Mục Dương lúc nào cũng đầy những chữ Phí Nghê với vô số phong cách viết…
Ở những phòng trưng bày tranh nơi xứ người, Phương Mục Dương ngang nhiên mặc toàn áo phông với các kiểu chữ “Phí Nghê” sau lưng, cứ như là Phí Nghê thật sự đứng sau lưng để ngắm tranh cùng anh vậy. Những đứa trẻ nhà Martin rất thích áo phông của anh, Phương Mục Dương cũng vẽ lên quần áo cho chúng, từ áo phông trắng đến sơmi trắng hay váy trắng… Các bức vẽ khác hẳn nhau, nhưng mặt sau đều viết tên Phí Nghê cả, chẳng qua là phong cách viết thì không giống. Phương Mục Dương mượn máy ảnh, chỉ huy bọn nhỏ đứng vào một chỗ, chụp một tấm hình toàn lưng của chúng.
Phương Mục Dương dẫn đám nhóc nhà Martin đến phòng trưng bày tranh, những bộ quần áo độc nhất vô nhị không thấy ở cửa hàng nào của chúng đã thu hút được không ít sự chú ý. Đặc biệt là những chữ “Phí Nghê” xếp chồng ở sau lưng kia, quả thực là cô đọng lịch sử thư pháp Trung Quốc.
Tuy nhiên phần lớn thời gian Phương Mục Dương vẫn đi một mình, anh thích được ở riêng hơn.
Phương Mục Dương cũng mặc một chiếc áo phông tự chế tại buổi tiệc rượu khai mạc triển lãm tranh của mình. Không phải buổi triển lãm tranh của riêng anh, mà là cùng với vài tay lính mới khác trong thế giới hội họa nữa. Anh là người ngoài rìa nhất trong số họ, những người kia nhiều ít gì thì cũng đã có chút danh tiếng, trong đó còn có cả người có chung nhà phê bình với một họa sĩ nổi danh. Phương Mục Dương đoán mình bị người ta nhét vào nơi này. Trước đó đôi ngày anh vừa ghé thăm cả thảy hai mấy phòng trưng bày tranh, đã có hiểu biết tương đối về xu hướng lưu hành của các tác phẩm nghệ thuật trên thị trường, có thể nhận ra những bức tranh anh mang tới không phù hợp với trào lưu sưu tập hiện tại. Song anh không hề tiếc nuối, vẽ tranh là chuyện mang nhiều tính chất cá nhân, thứ mà anh hưởng thụ nhất sẽ mãi mãi là khoảnh khắc cầm bút vẽ. Còn việc những người khác đánh giá như thế nào thì chẳng những không ảnh hưởng đến tâm trạng của anh mà còn không ảnh hưởng tới cảm nhận của anh về bản thân mình, nó cùng lắm chỉ ảnh hưởng tới nhà anh ở mà thôi.
Đã vậy phòng trưng bày còn định giá tranh của anh rất cao – những cái giá vượt quá tầm một họa sĩ trẻ không danh tiếng. Phương Mục Dương cảm thấy mức giá này rất khó bán, anh thà bán tranh với giá thấp một chút, đủ để về nước mua một cái sân là được, mà không mua được sân thì mua máy giặt tự động cũng chẳng sao, một chiếc máy giặt hoàn toàn tự động vừa được ra mắt ở trong nước, coi như giải phóng cho đôi tay của anh và Phí Nghê. Nhưng bên môi giới đã nâng tầm giá trị con người của anh như vậy, anh cũng không thể làm bọn họ mất hứng được. Dù sao anh cũng đã được xem rất nhiều tranh trong các phòng trưng bày khác nhau, chuyến đi này cũng coi như là đáng giá.
Việc tranh có thể bán được hay không sẽ được quyết định trong buổi tiệc rượu khai mạc. Phương Mục Dương ở cùng gia đình Martin một thời gian, nói năng cũng lưu loát hơn hồi mới đến rất nhiều, không chỉ đối thoại tiếng Anh trôi chảy mà còn có thể sử dụng tiếng Anh để kể chuyện tiếu lâm. Anh không chờ mong nhiều ở việc bán tranh của mình, nhưng lại rất có hứng thú với việc thưởng thức rượu và thức ăn trong bữa tiệc. Phương Mục Dương không hạ thấp bản thân, cũng không tự đi khoe mẽ. Anh không chủ động bắt chuyện cùng người khác, nhưng nếu có người tìm anh nói chuyện, anh cũng sẽ vừa ăn vừa tán dóc với đối phương đủ các thể loại trên trời dưới bể. Số người chủ động nói chuyện với Phương Mục Dương vượt qua dự tính của anh, so sánh với những bức tranh của anh ở trong phòng trưng bày, bọn họ càng có hứng thú với con người anh và tranh vẽ trên quần áo của anh hơn. Tranh của anh quá hiện thực, mà ở cái thời buổi này, chủ nghĩa hiện thực đã lỗi thời từ lâu rồi.
Một người đàn ông trung niên ăn mặc lịch sự nói với Phương Mục Dương: “Tôi đã từng gặp cậu.” Ông ta từng thấy Phương Mục Dương ở một phòng trưng bày khác, cả anh lẫn những bộ đồ anh tự chế đều bắt mắt một cách kỳ lạ. Tuy nhiên lúc ấy, trong mắt Phương Mục Dương chỉ có mỗi tranh mà thôi.
Nếu Phương Mục Dương là nữ thì có lẽ sẽ nghi ngờ người trước mắt đanh tìm cách v3 vãn anh. Anh không có ấn tượng gì với ông ta, nhưng điều đó cũng không ngăn được anh giới thiệu những con chữ sau lưng mình với người đàn ông này. Anh thậm chí còn dạy ông ta cách đọc tên Phí Nghê bằng tiếng Trung nữa.
Người đàn ông nọ hi vọng có thể ký được quyền sử dụng tranh của anh để sản xuất trang phục hàng loạt.
Phương Mục Dương nói một cách rất chính thức rằng anh sẽ để luật sư của mình thương thảo các điều kiện cụ thể với ông ta. Anh căn bản không có luật sư, nhưng anh có thể nhờ Martin tìm người giúp mình ngay lập tức.
Nếu Martin có mặt ở đấy thì chắc chắn sẽ nghi ngờ cậu trai nhà quê chất phác Phương Mục Dương vừa tới New York chưa được mấy ngày mà đã bị chủ nghĩa tư bản đầu độc thành cái dạng đó.
Những bức tranh nghiêm túc của Phương Mục Dương không bán được, nhưng anh lại kiếm được bộn tiền nhờ mấy bức tranh tùy tiện vẽ trên quần áo. Số tiền đó nhiều hơn hẳn anh mong đợi.
Là một người tán thưởng tranh của Phương Mục Dương, Martin thấy tranh anh không ai hỏi thăm thì đã chủ động mua một bức trong số đó. Phương Mục Dương lại một lần nữa thể hiện sự đơn thuần chưa bị chủ nghĩa tư bản đầu độc của mình, anh nói mua gì mà mua, tôi tặng ngài luôn là được. Tuy cũng là tay làm ăn lọc lõi nhưng Martin không thể nào lợi dụng một người nhà quê vô tư như Phương Mục Dương, ông ấy kiên trì viết séc cho anh. Ông ấy đã nhất quyết cho, Phương Mục Dương cũng bèn nhận, tranh cãi về chuyện tiền bạc không phải tác phong của anh.
Cầm tiền trong tay, Phương Mục Dương tức khắc mời cả gia đình Martin đến nhà hàng Trung Quốc đắt nhất thành phố ăn một bữa no nê, sau đó lại mua quà tặng cho từng người, cảm ơn họ đã chiêu đãi anh mấy ngày nay.
Phương Mục Dương dành thêm mấy ngày cuối cùng để vẽ tranh trong phòng trưng bày, sau đó mua vé máy bay đến California thăm chị gái.
Anh chuyển lại quà của cha mẹ và Phí Nghê cho chị hai, còn quà của anh tặng cho Mục Tĩnh là một tấm séc.
Mệnh giá của tấm séc ấy không nằm trong phạm vi tưởng tượng của Mục Tĩnh.
Chị gái của anh dĩ nhiên không cho rằng anh là một người nhà quê chất phác, vậy nên Phương Mục Dương đành phải kể lại vận may đặc biệt của mình cho chị nghe.
Mục Tĩnh nói trước mắt cô không thiếu tiền, bảo Phương Mục Dương cầm tiền về tiêu cho bản thân mình.
Phương Mục Dương cười nói: “Nếu chị thật sự không thiếu tiền thì có thể thêm vào một ít rồi đến phòng trưng bày mua tranh của em, cũng coi như đề cao giá trị con người giúp em.”
Mục Tĩnh không ngờ anh lại nói vậy, không khỏi phì cười.
Phương Mục Dương lại lấy ra một chiếc phong bì.
Trước khi đi anh đã gọi điện thoại cho anh rể, hỏi anh ấy có muốn đưa gì cho chị hai không. Anh rể của anh rất thực tế, chỉ gửi qua một phong bì, trong phong bì toàn tiền đô, nói là tiền cho Mục Tĩnh mua tạp chí. Khi ăn thực phẩm sắp hết hạn trong siêu thị, Phương Mục Dương cũng chưa từng mở cái phong bì này ra.
Mục Tĩnh nhìn tiền bên trong, phản ứng đầu tiên chính là sao lại nhiều vậy.
Mục Tĩnh biết tiền lương và tiền thưởng của Cù Hoa, căn bản không dư ra được ngần này. Có lẽ anh đã bán tem đi đổi lấy tiền, cô biết bộ sưu tập tem của anh rất có giá trị.
Ngoài tiền ra, trong phong bì còn có một bức thư.
Mục Tĩnh cầm thư, hỏi em trai mình: “Anh ấy còn nói gì nữa không?”
“Những gì anh ấy muốn nói đều viết ở trong thư rồi.”
Mỗi lần Cù Hoa gửi thư, Mục Tĩnh đều nghi ngờ không biết có phải anh muốn nói chuyện ly hôn với cô hay không.
Mục Tĩnh vốn là học giả được mời đến, đến đây rồi, cô lại cảm thấy dù thế nào cũng phải lấy được cái bằng tiến sĩ thì chuyến đi này mới coi như đáng giá. Trước đây cô chỉ có bằng cử nhân, nhà trường đã tổ chức một chức ủy ban bảo vệ để tiến hành đánh giá học lực cho cô, phải thông qua buổi đánh giá mới có thể chính thức đăng ký học tiến sĩ. Vượt qua buổi bảo vệ ấy không khó, điều khó khăn chính là nói chuyện này với Cù Hoa. Lúc trước cô nói với anh sẽ về nước sau khi kết thúc chương trình du học kết thúc, mà hiện tại cô lại muốn học lên tiến sĩ. Khoảng cách từ lúc đăng ký đến khi tốt nghiệp là một khoảng cách rất xa, sinh viên chính quy bình thường muốn lấy được bằng tiến sĩ của Mỹ ít ai mất dưới năm năm, sáu bảy năm mới tốt nghiệp cũng không phải là hiếm thấy.
Mỗi lần viết thư được nửa chừng, Mục Tĩnh lại xé đi viết lại. Cô chụp mấy tấm hình rồi gửi về cho Cù Hoa, trong bức hình nào trông cô cũng rất ra dáng, rất giống một người đáng để chờ đợi. Mục Tĩnh viết thư cho Cù Hoa, nói anh đợi cô hai năm, trong vòng hai năm cô sẽ cầm học vị tiến sĩ trở về. Nếu hai năm sau cô không quay về, anh muốn ly hôn hay muốn như thế nào cũng được. Cô còn bảo Cù Hoa gửi một tấm ảnh nhỏ cho cô, cô cũng muốn được nhìn anh một chút.
Ở Mỹ hai năm mà lấy được bằng tiến sĩ, đúng là người si nói mộng. Nhưng cô không thể để Cù Hoa đợi lâu hơn, bởi anh cũng là một người đàn ông s1nh lý bình thường, mong muốn có một cuộc sống hôn nhân bình thường. Anh đối tốt với cô, là vì cô là vợ anh, chứ không phải vì cô là Phương Mục Tĩnh, mà pháp luật lại cho phép anh ly hôn rồi đổi một người vợ mới.
Ngoài thư ra Mục Tĩnh còn gửi về cuốn tạp chí khoa học thần kinh mà cô mua cho Cù Hoa, Cù Hoa cũng cần biết những người đồng nghiệp của anh ở nước ngoài đang làm gì. Cô nhận được hồi âm của Cù Hoa, Cù Hoa không nói là có đợi cô hay không, chỉ gửi lại một tấm ảnh theo như cô đã yêu cầu. Ảnh của anh không nghiêm chỉnh như ảnh cô chụp, nhìn có vẻ như tùy tiện chụp lúc vừa ra khỏi phòng mổ xong. Cô luôn mang theo tấm ảnh đấy bên người.
Sau đó Mục Tĩnh lại gửi cho Cù Hoa nhật ký mà cô viết cùng với tạp chí khoa học thần kinh mà mình đặt mua. Trong nhật ký, cô kể với anh về cái ngày mà cô mặc một chiếc váy rộng thùng thình, bởi vì gió thổi liên tục nên làn váy cứ dán vào chân cô rồi lại bị gió thổi bay, cảm giác giống như anh đang vuốt v e cô vậy. Cái cảm giác ấy dễ chịu tới mức cô đã phải đi chậm lại, để nó kéo dài lâu hơn một chút. Những lời này cô không thể nói trước mặt Cù Hoa được, nhưng mà viết ở trong thư thì lại chẳng thẹn thùng tí nào. Để hồi tưởng cảm giác đó, cô thậm chí còn mua thêm một chiếc áo sơmi với chất liệu giống hệt nó.
Mục Tĩnh không nói cho Cù Hoa biết, chiếc sơmi ấy cô đã mua ở chợ bán đồ cũ với giá một đô la rưỡi, một cái giá tương đối đắt đỏ với cô, những chiếc áo sơmi nam cỡ nhỏ mà trước kia cô mặc chỉ cần khoảng năm mươi xu là mua được. Ngày nào cô cũng mất mười tám tiếng học tập, nhưng vẫn phải dành ra thời gian để là quần áo. Cô luôn chuẩn bị sẵn một đống vấn đề nhỏ để suy ngẫm trong lúc là, vậy mà áo sơmi cô là vẫn không có lấy một nếp nhăn, những người không biết còn tưởng đồ cô mặc rất đắt tiền. Ở trường học có không ít người theo đuổi cô, trong số đó có cả tiền vệ chính của đội bóng bầu dục, rất được các cô gái trẻ mến mộ, tuổi cũng nhỏ hơn cô nhiều. Nhưng cậu trai đó đã hoàn toàn hiểu lầm cô, không chỉ hiểu lầm tuổi tác mà còn hiểu lầm thân phận của cô. Mục Tĩnh lười giải thích nhiều, chỉ nhìn vào cặp mắt xanh da trời kia mà nói cô đã kết hôn, chồng cô là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Mục Tĩnh trước nay chỉ tán thưởng vẻ đẹp của người phương Đông, nếu không phải ngoại hình Cù Hoa phù hợp thẩm mỹ của cô thì chắc hẳn cô sẽ mất rất nhiều thời gian thuyết phục bản thân cưới anh, nhưng lúc ấy hình như cô còn chẳng nghĩ ngợi gì mà đã nhận lời ngay lập tức. Khi đó cô cần anh trên mọi phương diện, cô hận khởi đầu như thế, cô đã chọn anh trong tình cảnh bản thân không có bất cứ một lựa chọn nào, giống như việc “cô chọn anh” chẳng hề đáng giá lấy một xu vậy.
Mục Tĩnh thường xuyên viết lại những tâm trạng vụn vặt của mình, tất cả đều được viết vào giờ cơm lúc nghỉ giải lao. Không chỉ lấy tín chỉ và viết luận văn, cô còn vô số việc khác cần làm, không dành ra được chút thời gian nào để viết thư cho đàng hoàng cả. Viết được tương đối nhiều rồi, cô lại gửi qua bưu điện cho anh. Cô không kể với anh về việc người ta theo đuổi cô, cho dù tình cảm của đối phương là thật lòng hay giả dối thì mang việc ấy đi khoe cũng thật quá ư vô vị, hơn nữa Cù Hoa không phải kiểu đàn ông ấy – cái kiểu đàn ông tuy ghen tuông nhưng vẫn coi chuyện người khác theo đuổi vợ mình là một loại vinh quang. Cù Hoa không giống với họ, nếu cô cố ý viết những chuyện đó để phô trương giá trị bản thân, có lẽ Cù Hoa sẽ khinh bỉ cô, còn thấy cô thật tẻ nhạt.
Ngoài thư ra cô còn gửi kèm tạp chí. Tiền mua tạp chí cũng ngốn một khoản không nhỏ, nhưng cô chưa bao giờ nhắc đến trong thư, nói ra thì nghe sẽ như là cô kể công vậy. Hơn nữa cô còn sợ Cù Hoa đòi trả chỗ tiền ấy lại cho cô, cô không muốn bọn họ rạch ròi với nhau đến thế.
Cuối cùng Cù Hoa vẫn trả tiền tạp chí cho cô, hơn nữa còn trả rất nhiều.
Mục Tĩnh mở thư ra, ban đầu cô còn không dám đọc. Nhưng sau khi đã đọc từng dòng một, cô lại không khỏi mỉm cười.Bonus
Chữ triện
Chữ lệ
Chữ khải