- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Phương Tây
- Tình Nhân
- Chương 6
Tình Nhân
Chương 6
Đêm tân hôn
Helga đã làm mình thất vọng khủng khϊếp – cô bực bội nghĩ, vừa dùng lưng đẩy hết sức cái cánh cửa thép nặng nề lại làm những mẩu gạch vỡ và những mảnh thủy tinh của cái bóng điện vỡ vụn ra trên nền bê tông.
Cô muốn được ở hoàn toàn một mình trong hai tiếng cuối cùng này. Ngoảnh mặt về phía cánh cửa để tra chìa vào ổ khóa, cô chợt nhìn thấy phía trên đầu mình cuốn lịch mà Hedda đã treo trên một chiếc đinh rỉ ở cánh cửa.
Hedda bé bỏng của tôi – cô xúc động nghĩ, nhớ lại cái cảnh diễn ra cách đây vài hôm. Đó là vào một buổi sáng sớm. Tất cả còn đang nằm trên giường. Từ lâu mọi người đã quen với những tiếng nổ từ bên ngoài, nhưng lần này nó ở gần đến nỗi bé Heide đang nằm nép sát vào cô giật mình thức giấc và bắt đầu khóc. Khi đó Hedda vẫn đang mặc váy ngủ, chạy chân trần trên nền bê tông, đẩy cái ghế vẫn hay để ở gần phòng vệ sinh ra gần cửa, đứng lên đó và treo cuốn lịch lên cái đinh gớm guốc ấy. Và khi bước xuống, cái váy ngủ bị vướng vào thành ghế, rách ra. Cô nhớ là Hedda đã cười to đến nỗi Helmuth, đứa vốn không cả thức giấc cho dù lựu đạn có nổ ngay bên tai, đã phải mở mắt. Còn Hedda, mặc dầu chưa đầy bẩy tuổi, đầy tự tin, điềm tĩnh bỏ lại miếng váy ngủ bị móc vào ghế, ngẩng cao đầu đi về giường.
Hedda bé bỏng, Hedda yêu dấu của tôi …
Hôm nay cả nó cũng bình thản uống ống thuốc mà Stumplegger, tay bác sĩ nhãi ranh, run rẩy vì sợ hãi đưa cho. Nó uống và tự tin dịch người trên đi-văng, còn Stumplegger thì lắp bắp khiến Hedda sợ hãi nhìn tôi.
Hedda bé bỏng của tôi…
Chính nó đã treo cuốn lịch ấy. Và sau đó, cả bảy người, cô và bọn trẻ - Joseph ở boongke chính gần Futhrer – bắt đầu mỗi ngày từ việc Hedda xé tờ lịch. Nó tập trung và chú ý như đóng kịch, để váy ngủ không bị móc vào ghế - những lúc ấy bao giờ họ cũng cười. Chỉ Helmuth vẫn ngủ như thường lệ. Và cả sáng hôm nay cũng không có gì khác. Hedda trèo lên ghế và xé tờ lịch. Tờ lịch cuối cùng. Ngày một tháng 5 năm 1945. Thứ năm.
Hedda bé bỏng của tôi…
Cô vặn chìa trong ổ khóa của cánh cửa thép ngăn phòng cô với hành lang đến cửa chính và tiếp tục đến những bậc cầu thang dốc xuống hai tầng nữa là boongke chính. Cô không thể chịu nổi chỗ này. Làm sao mà Joseph có thể đồng ý để cô và bọn trẻ sống ở cao như vậy, ngay sát mái cánh trái của boongke?! Trên đầu họ chỉ còn lớp đất trong vườn cạnh Văn phòng Đức Quốc xã. Những vụ nổ, những chuỗi tiếng nổ từ bên ngoài đã trở nên không thể chịu nổi. Anh ấy có một khoang thuận tiện ở thấp hơn mười sáu mét, ngay bên cạnh phòng ngủ của Fuhrer trong boongke chính, và hoàn toàn không nghe thấy cái địa ngục này!
Cô quay lại và đi qua đi-văng cạnh chậu rửa. Cô còn chính xác hai giờ mười bảy phút nữa. Bây giờ là 17h30. Joseph sẽ đến đây đúng 19strong0: Anh sẽ vẫn ăn mặc lịch sự như mọi khi. Mũ phớt, găng tay da mầu trắng. Không biết là anh ấy có đi cái đôi mà cô đã tặng vào ngày sinh lần thứ bốn mươi tư của anh?
Một năm trước đây, theo đề nghị của cô, Hana đã cùng bay với họ đến Venise vào ban đêm. Họ bay từ Tegel. Joseph hoàn toàn không ngờ tới chuyện này; ở trong một chiếc limousine cô nói với anh là cô sẽ “lôi anh đến một nơi rất tốt”. Điều đó thật hứng khởi. Cho tới bây giờ cô vẫn không biết làm thế nào mà Hanna lại từ Berlin bay được đến đây. Joseph bảo là Hanna bao giờ cũng có giấy phép vào những vùng đặc biệt. Họ ở đúng cái khách sạn mà năm 1936 họ đã ở hồi đến đây theo lời mời cá nhân của Mussolin. Nhưng mọi cái không còn giống như hồi ấy nữa. Hoàn toàn không. Hồi ấy họ đã yêu nhau đến suốt đêm và sáng hôm sau Joseph đã đến cuộc họp báo muộn. Bây giờ thì Joseph thậm chí không đυ.ng tới cô và suốt đêm chỉ đọc những bản báo cáo gì đó và kể cho cô nghe về “những cố vấn tồi của Fuhrer”, về “cảm giác có lỗi vô cùng vì chưa giải quyết triệt để vấn đề người Do Thái”. Và khóc vì bất lực, thỉnh thoảng anh không hề nói với cô, mà chỉ thuyết phục như thuyết phục những người nguyên thủy mù chữ trong một làng hẻo lánh nào đó gần Hamburg trong một cuộc gặp gỡ. Ngày hôm sau cô mua cho anh đôi găng tay trắng đó trong một cửa hàng gần khách sạn và đến tối thì đơn giản là họ cùng Hanna quay về Berlin. Cô không muốn ở Venise thêm một đêm nữa với ngài bộ trưởng tuyên truyền.
Josehp sẽ đến vào lúc 19strong0. Họ sẽ nói chuyện về “lũ trẻ đã ra đi một cách xứng đáng”. Tất nhiên là cô sẽ không kể cho anh nghe Helga đã xử sự như thế nào. Cô con gái đầu lòng yêu quý của anh, Helga Goebbels, người mà chính Fuhrer đã giữ ở gần cho đến lễ đặt tên. Không! Cô sẽ không kể với anh về chuyện này. Anh sẽ tức giận và chắc chắn cô sẽ không kịp làm anh dịu đi trước giờ biệt ly. Mà Joseph và Magda Goebbels thì chưa bao giờ đến muộn. Chưa bao giờ. Và cả lần cuối cùng này họ cũng sẽ không đến muộn. Và sẽ phải như thế. Và sự thật về họ phải được ghi lại như vậy trong lịch sử. Vì thế mà cô sẽ không kể với anh, là lúc chiều cô đã phải dùng sức để đổ axit xyanhydric vào họng Helga. Và rằng cái thằng thò lò mũi xanh, con số không, cái thằng Stumpfegger, thậm chí không đáng bị xử bắn ấy, khi nhìn thấy Helga quỳ xuống sàn nhà khóc nức nở đã chạy mất và hét toáng lên ngoài hành lang, để Helga lại hoàn toàn một mình.
Vậy là Joseph sẽ đến vào lúc 19strong0, xem xét cô từ đầu đến chân và khi mọi chuyện đã đâu vào đấy, họ sẽ đi theo những bậc thang qua hai tầng xuống boongke chính. Chính xác vào 19h30, như đã thông báo hôm qua. Tất cả phải có mặt. Joseph đã quyết định như vậy. Do đó tất cả sẽ có mặt. Và do đó cô còn phải là cái chân váy và sửa sang lại cái áo vét màu tím than. Bốn ngày trước đây cô đã mặc đúng cái áo ấy, trong bữa tối, hoàn toàn bất ngờ Fuhrer đã tháo cây thánh giá nhỏ bằng vàng ở quân phục của ông ra, chậm rãi đi đến chỗ cô và trước mặt tất cả mọi người, ông đã gắn cây thánh giá ấy vào cái áo vét tím than của cô, đệ nhất phu nhân của Đức Quốc xã. Và khi đó cô đã cảm nhận niềm tự hào chói lóa. Một cảm xúc huyền bí và ý muốn khi đó cô đã thực sự cảm thấy “sự ưu ái mà số phận đã hào phóng ban tặng cho cô, cho Joseph và tất cả các con của họ: Helga, Hilda, Helmuth, Holde, Hedda và Heide lớn lao tới mức họ có thể ở đây cùng với Ông, với Fuhrer và sau đó cùng Ông rời bỏ thế giới này”. Và khi đó cô biết rằng “Chúa sẽ cho cô sức mạnh, để cô hoàn thành nhiệm vụ ấy, còn lúc này cô sửa lại cái áo vét tím than, đính cây thánh giá và chờ Joseph. Còn sau đó, ngay sau 19h30, khi đã từ biệt mọi người, họ sẽ đi theo những bậc thang lên trên và sẽ kết thúc. Joseph sẽ tự bắn, còn cô sẽ uống ống thuốc của mình. Người phụ tá của Joseph được lệnh phải thiêu xác của họ, nhưng trước đó phải dùng súng lục bắn vào đầu họ “để đảm bảo là chắc chắn họ không còn sống”.
Cô còn một ít thời gian nữa.
Cô bỏ giày và nằm lên đi-văng được phủ một tấm thảm đã bị bọn trẻ làm dây nhiều vết bẩn. Về nguyên tắc, thay vì nằm, lẽ ra lúc này cô phải ngồi bên cái bàn cạnh chậu rửa để viết nhật ký. Song cô không còn sức để viết nữa. Mặc dù cô phải viết. Hơn nữa, sáng mai vào bữa sáng Joseph sẽ không còn hỏi cô như vẫn hỏi từ bao nhiêu năm nay: “Em đã ghi lại ngày hôm qua chưa?”
Không. Ngày mai anh không còn hỏi câu hỏi ấy nữa. Đơn giản là mai họ không còn cùng ăn sáng nữa.
Do đó mà hôm nay tuyệt đối không có ý nghĩa gì, nếu Joseph bảo cô “ghi lại cuộc sống của mình”, còn cô lại không làm điều đó. Buổi tối, bao giờ anh cũng nhắc bọn trẻ: “Bố của các con chưa đi ngủ khi nào chưa viết xong lịch sử mà bố làm nên trong một ngày vừa qua”. Bởi Joseph tin rằng anh không ngừng làm nên lịch sử. Đôi khi cô tò mò – không biết anh làm nên lịch sử gì nhỉ - bởi đó không phải là Lịch sử - của mỗi ngày trong cái Bộ Tuyên truyền ấy của mình. Cô rất tò mò.
Cô cũng tò mò không biết anh có ghi lại câu chuyện không được nghiêm túc lắm với cái con ranh “nghệ sĩ” làm phách ở Praha, con diễn viên thảm hại Lida Barova. Cô đang mang thai, đi với Hoda, đứa con thứ tư của họ, còn anh thì mời Barova ấy đến Bộ Tuyên Truyền và quan hệ với cô ta ngay trên nền đá hay trên cái bàn làm việc gỗ sồi trong phòng làm việc nhắc người ta nhớ đến lâu đài của Neron. Khi thư ký của anh, Karl Hanke, người thầm yêu cô, cho cô biết chuyện thì Joseph cố làm cô cảm động bằng một câu chuyện vớ vẩn, “yêu một thiên thần như vậy thật bất cẩn và nguy hiểm chết người”, và bằng những lời huyên thuyên, rằng anh tôn trọng cô và họ có thể bằng cách nào đó “giải quyết giữa ba người”. Thật hay ho là khi chuyện chỉ vừa đến tai Fuhrer thì tình yêu dành cho “thiên thần” đã biến mất tăm ngay lập tức và không để lại dấu vết gì. Khi Hitler nhận được thông tin do SS(6) xác nhận, rằng bộ trưởng tuyên truyền ông ta muốn ly dị với người mẹ đang mang thai của ba đứa con Aryan mẫu mực, thì đơn giản là ông bị sốc. Một tên phát xít thực thụ. Miệng sùi bọt, chạy khắp văn phòng và dọa dẫm: “Cái thằng què Goebbels này sẽ phải kết thúc như một nắm tro trong Buchenwaldmà chúng ta đang xây thôi”. Hitler càng tức tối thêm vì đúng lúc ông ta lên kế hoạch thôn tính Czech, một đất nước chẳng cần cho ai, của Barova này, còn báo chí thì đằng nào cũng đã giày vò ông vì đã dễ dãi với bộ trưởng chiến tranh, thống chế Blomberg, người đã yêu và lấy một trong những cô gái điếm nổi tiếng nhất của Berlin làm vợ. Vì năm 1936 ở Đức vẫn còn tự do báo chí nên có thể viết về các thống chế. Còn viết về gái điếm thì lại càng thoải mái.
Chuyện đó xảy ra đã lâu lắm rồi…
Cô không thể thôi nghĩ đến Helga. Nó làm cô thất vọng! Và lại chính là Helga, đứa mà khiến cô luôn tự hào. Cả Joseph cũng thế. Nhưng nó là lớn nhất và nó có thể nhận thấy là hôm nay, mà thực ra là từ đám cưới của “bác Adolf” với “ cái cô Braun ấy”, mọi cái khác hẳn.
“Cô Braun ấy”…
Tất cả mọi người dù chỉ một lần được đến gần văn phòng của Đức Quốc xã hay Obersalzberg, nơi ở của Hitler đều gọi ả ta như vậy. “Cô Braun ấy” với trọng âm ở “ấy”. Bởi Fuhrer chính thức thì – mà chủ yếu là do Joseph tại các cuộc gặp gỡ vẫn đích danh gào lên cái điều nhảm nhí phi lý – “không có cuộc sống của riêng mình, ngày đêm phục vụ dân tộc Đức”. Dân tộc thì đương nhiên là không tin. Và thế là đúng. Vì ít nhất cũng mỗi tháng một lần, hay thỉnh thoảng là đôi là Fuhrer phục vụ lúc đầu là ban ngày, và dần dà cả ban đêm nữa, cô con gái bà thợ may ở Monachium, Eva Braun “ấy”, bà Hitler quá cố. Đó là thời kỳ đầu, hồi còn ở Monachium, tại nhà của Hitler ở Prinzregentenplatz, năm ba mươi hai, khi cô gái hai mươi tuổi Braun luôn lui tới cái “sofa của Wilk”(7) , và cứ như vậy cho đến tận sau này trong các phòng ngủ của Fuhrer trong dinh thự ở Obersalzberg, bắt đầu từ năm ba mươi sáu. Cô biết chính xác điều này từ Gretl, cô bạn gái thân của người chị gái của Braun. Cô bạn Gretl Braun rất thích “giao du trong không khí bạn bè”, nên đều đặn mời cô, tất nhiên là những khi không có Joseph ở đó, đến nhà họ ở Berlin, để biết được chính xác chuyện giữa Braun ấy và Wilk “đã đi xa” như thế nào. Mọi chuyện “đã đi xa” nhưng rất hiếm hoi, bởi Wilk hiếm khi có thời gian và ý thích lăn lộn trên sofa với bất cứ ai.
Ngoài ra rất hiếm khi ông là sói. Cô nhớ mình đã xúc động thế nào khi nghe câu chuyện, “thề trước Chúa, rằng đó là sự thật”, Eva đã than thở với bà chị gái, rằng cô “không phải là người đàn bà của A., mà chỉ là một người mẹ”. Hitler đã yêu mẹ mình một cách mù quáng. Mọi người đều biết điều đó. Bao giờ ảnh của bà cũng được treo trên giường của Hitler. Thậm chí cả ở trong những khách sạn nhỏ, chỉ cần ông ta dừng lại quá ba đêm. Nhưng những gì mà cô bạn Gretl Braun kể thì như thể không thuộc về thế giới này. Eva than thở với bà chị gái rằng “Adolf bắt cô phải xịt vào ngực loại nước hoa mà mẹ ông ta vẫn dùng, sau đó ông ta đến giường của cô vừa bú, vừa giả làm tiếng khóc của trẻ con vừa nhắc đi nhắc lại tên “Clara”. Đó là tên mẹ của Hitler!!! Câu chuyện đã khiến cô xúc động đến nỗi tối về cô đã kể lại với Joseph trong phòng ngủ. Cô quan sát anh rất kỹ để có thể ghi nhận những phản ứng của anh. Anh điềm tĩnh hỏi từ đâu mà cô biết và không một lời phủ nhận. Cô hiểu anh rất rõ. Joseph chỉ phản ứng như vậy đối với những điều có thật. Anh chỉ khuyên không nên kể lại chuyện này cho bất cứ ai, vì “bạn gái của Gretl và thậm chí chính Gretl có thể chẳng mấy chốc sẽ không bao giờ còn kể được gì nữa nếu Gestapo biết”. Sau đó anh chỉ trở lại đề tài này một lần duy nhất.
Đó là một ngày sau vụ ám sát Hitler tại pháo đài của ông ta ở Ketrzyna. Quả bom do bá tước Stauffenberg lén đưa vào đã nổ không đúng lúc. Đúng vào lúc Hitler chuyển ra phía sau bàn hội nghị và lại ở đúng phía sau cái chân bàn bằng bê tông. Đó là vụ ám sát tiếp theo. Vụ ám sát tiếp theo không thành. Giống như thể đó là định mệnh của Fuhrer. Khi cô nói với Joseph điều này, anh không hề ngạc nhiên mà còn kể cho cô bằng giọng hết sức bí mật một câu chuyện không thể tin được, khẳng định rằng “Fuhrer có thiên thần hộ mệnh của mình, vị thần sẽ đưa ông ta tới thắng lợi”. Cho tới phút cuối, cô cũng không thể khiến cho Joseph từ bỏ những ý nghĩ điên rồ mang tính tuyên truyền phô trương ấy khi nói chuyện với cô.
Thực chất, thiên thần hộ mệnh của Adolf Hitler, thủ tướng của Đệ tam Quốc xã, một đế chế lẽ ra phải tồn tại vĩnh cửu, chính là một công nhân Do Thái ở Braunau phía trên Inn, vùng giáp ranh giữa Áo và Đức, nơi Adolf, đứa con thứ tư của Clara Hitler thuộc gia tộc Poelz đã chào đời vào ngày Chủ nhật Phục sinh hai mươi tháng Tư 1898. Mùa xuân năm 1891, cậu bé Adolf chưa đầy hai mươi tuổi, do một phút sao nhãng của bà mẹ đã ra khỏi sân nhà ở Braunau, đi về phía Inn và bị ngã xuống nước. Một công nhân Do Thái đi đánh cá cũng đi lối ấy, không một phút do dự đã nhảy xuống lòng sông băng giá cứu cậu bé. Ngày hôm đó, người Do Thái ở Braunau này đã làm thay đổi lịch sử thế giới.
Về cơ bản, cô không thể chịu nổi Eva của nhà Braun, bà Hitler quá cố. Cơ bản nghĩa là giống như cô không thể chịu nổi cái đống tiết trộn mà cô nôn ra hồi còn bé.
Đó là dạo còn ở Bruksel. Đầu tiên mẹ cho cô ăn một món “gì đó” rất lạ trong bữa ăn trưa, sau đó người bố nuôi mà cô rất yêu quý ở công sở về đã nói cho cô biết món tiết trộn được làm như thế nào và từ cái gì. Vì ông vẫn nói với cô tất cả cho dù cô vẫn còn là một đứa trẻ. Và thực sự chỉ có ông là lúc nào cũng có thời gian cho cô và trong nhiều tháng năm dài, chính là ông luôn hiện lên trong đầu cô mỗi khi cô nghĩ đến hay nói đến từ “bố”.
Nhưng sau đó thì cô đã biết là người bố dượng đó thực sự là ai. Không bao giờ Joseph quên điều đó. Cô nhớ - bố dượng của cô mất đã lâu lắm rồi – một lần anh ở Bộ về rất bực bội và nổi cáu với cô trước mặt bọn trẻ. Anh đã xỉ vả cô vì cô có “một tiểu sử Do Thái, không xứng đáng với một đệ nhất phu nhân của Đế chế”. Là như là cô có ảnh hưởng đến việc ba mươi năm trước đây mẹ cô đã lên giường với ai. Mà bà thì đi với Richard, một nhà công nghiệp Do Thái kinh doanh trong ngành da.
Do đó mà Joseph muốn xóa tên Friedlander ra khỏi lịch sử của trái đất này. Anh không thể cho phép thế giới cười nhạo mình khi biết rằng một người Do Thái đang sống, mang tên Friedlander lại là một cái gì đó theo kiểu bố nuôi của vợ ngài bộ trưởng tuyên truyền, TS. Goebbels. Mặc dù không bao giờ họ nói chuyện về ông ta, những cả hai đều biết rằng như vậy là tốt hơn cả. Friedlander nằm trong danh sách một trăm người Do Thái đầu tiên bị đưa đếnBuchenwald năm 1938. Joseph đã làm việc này hết sức kín đáo. Chưa đầy một năm sau, Friedlander từ Buchenwald trở về Berlin còn kín đáo hơn nữa. Trong một cái bình đựng tro. Với giá chuyên chở qua đường bưu điện là 93 RM(8).
Tuy nhiên, cô không chịu nổi cái ả Braun ấy chủ yếu là vì Hitler gọi ả ta chứ không phải ví dụ như gọi cô là “Evuniu”(9) hoặc là “viên ngọc”, vì rằng ả trẻ hơn cô đến mười tám tuổi, và rằng cứ mỗi lần họ cùng đến thăm Obersalzberg, Joseph cứ nhìn vào bộ ngực vĩ đại của ả như bị bỏ bùa.
Hitler nhìn thấy gì nhỉ ở cái con ranh ngu ngốc ấy, cho dù đã hai mươi tuổi mà vẫn chỉ đọc sách về Winnetou, hoặc là đọc mãi mấy cái chuyện tình vớ vẩn mua theo cân ấy?! Đã thế lại còn sặc mùi thuốc lá! Ai là người sặc mùi thuốc lá và chuyên xịt những loại nước hoa đắt tiền của Paris nhỉ? Bởi ả hút thuốc lá liên tục. Tóm lại là ả không thể ngồi lâu hơn lấy mười lăm phút mà không có thuốc lá. Trên sân thượng ở Obersalzberg, Hitler đã nói về tác hại của ni-cô-tin đối với sức khỏe của “những phụ nữ Đức’, còn ả bày tỏ thái độ bằng cách huýt sáo ngay cạnh ông bài Smoke gets in your eyes. Ông ta chỉ cười thích thú. Joseph kể với cô rằng hồi sống ở Obersalzberg, Braun mỗi ngày thay quần áo đến bảy lần. Nhưng kể cả vậy cũng chẳng khá hơn. Người ả lúc nào cũng sặc mùi thuốc lá.
Ngoài ra Braun còn không thuộc một đẳng cấp nào! Ả không ngừng làm cho Futher, Tổ quốc và phụ nữ Đức bị tổn thương. Thậm chí ả không cả biết phải tự sát như thế nào để ngày mai mọi người không phải xấu hổ vì ả. Đầu tiên ả “không trúng” đạn từ khẩu súng lục của ông bố và viên đạn đã nằm lại trong cổ ả. Còn hai năm sau đó, khi Hitler lại coi ả chỉ như một phụ nữ dành cho “một số nhiệm vụ”, ả đã nuốt hai mươi viên thuốc ngủ - mặc dù đã có một gã khùng nào đó viết trong báo cáo gửi Hitler, có lẽ để gây thêm ấn tượng, là ba mươi nhăm, nhưng chị của Ils đã tình cờ cứu được ả. Bởi ả đâu có muốn tự sát! Ai lại đi tự sát bằng cái thuốc an thần ấy bao giờ?! Như vậy có khác gì dùng Vitamin C để an thần thay cho mooc phin. Nhưng Hitler lại để mình bị lừa dối bằng chuyện đó và mê mẩn với “tình yêu đến tận cùng và sự dâng hiến” ấy. Ông mua cho ả hai con chó con bẩn thỉu luôn mồm sủa – làm sao có thể thích được những con chó chẳng khác gì những con chuột béo ú với hai cái tai vểnh lên?! – mà ả vẫn mơ ước và ông bắt đầu xuất hiện cùng với ả - như một thư ký riêng, tất nhiên – trong các bữa tiệc ở Monachium và Berlin. Đã có lần họ đến chỗ vợ chồng cô, đến ngôi nhà ở nông thôn bên hồ Bogen. Chính cô nghe thấy, khi nói chuyện với bộ trưởng quân khí Albert Speer, mặc dù Braun đứng ngay bên cạnh và chắc chắn nghe thấy, Hitler đã nói rằng: “Những người trí thức cần phải quan hệ với những phụ nữ ngu ngốc và bản năng”.
Còn ả Braun ấy đứng đó và im như thóc. Thậm chí ả không thể tỏ thái độ bằng cách bỏ ra ngoài. Ả đã đóng vai thư ký cho đến phút chót. Speer chỉ cười và rít tẩu thuốc thật sâu.
Hoặc là chuyện này! Joseph thảo luận với Hitler trong phòng làm việc của ông ta ở Obersalzberg. Còn cô thì ngồi trong phô tơi cạnh cửa sổ và đọc báo để chờ họ xong việc. Có tiếng gõ cửa. Một lát sau Braun bước vào cùng với bó hoa vừa hái được trong vườn. Ả cười với Hitler và muốn cắm hoa vào cái bình để trên mặt lò sưởi bằng đá hoa cương. Hitler chỉ gầm gừ: “Tôi không muốn có bất cứ một cái xác nào trong phòng này”. Braun mặt đỏ dừ, cầm hoa và đi ra.
Thế đấy, nhưng ả chịu đựng tất cả, cốt sao được trở thành “bà Hitler”. Khi bắt đầu mơ ước điều này, ả hai mươi tuổi và mãi tới ba ngày trước đây, sau mười ba năm ả mới được làm “bà Hitler”. Trong hai đêm và một ngày rưỡi. Thêm vào đó, Hitler đã không ngủ cùng ả trong hai đêm đó.
Còn toàn bộ cái đám cưới ấy?! Cái trò hề nhạt phèo ngay trước nửa đêm hai tám tháng Tư ấy? Và cái đêm tân hôn ấy. Trong đêm tân hôn, ai đã viết di chúc thay vì lên giường với người vợ mới cưới?!
Mãi đến 18 giờ 38 Joseph mới kể với cô chuyện này. Cô không thể tin được, khi anh bước vào boongke của họ và nói bằng giọng đầy hưng phấn.
- Trước nửa đêm nay, anh với Bormann sẽ là nhân chứng cho đám cưới của Fuhrer với Eva. Anh muốn em và Helga có mặt ở dưới kia nửa tiếng trước nửa đêm.
Khi Helmuth hỏi một câu chẳng đâu vào đâu, anh chỉ cười khó hiểu:
- Tại sao lại chỉ có Helga? Con cũng muốn xem bác Adolf hôn cô Braun như thế nào?
Hai mươi ba giờ họ đã xuống boongke chính. Giống như lúc chiều, Helga mặc váy trắng, đi đôi găng tay trắng dài đến khuỷu. Cô mặc áo vét màu tím than và váy ngắn màu nhũ. Cô đính cây thập tự. Đeo sợi dây chuyền vàng mà Joseph đã tặng cô nhân ngày sinh nhật lần thứ bốn mươi. Cô thích chuỗi ngọc trai hơn, nhưng nó lại không hợp lắm với cây thánh giá vàng. Cô biết là Braun sẽ đeo lên người tất cả những đồ trang sức mà ả đã nhận của Hitler trong suốt cuộc đời mình, cho nên cô không muốn ở bên cạnh Braun, trông mình như một bà chị họ nghèo khổ ở tầng boongke trên. Hơn nữa, cây thánh giá quan trọng hơn. Ngoài ra cô vẫn nhớ vẻ nhăn nhó trên khuôn mặt Braun khi Fuhrer gắn cây thánh giá cho cô và nói: “Cho đệ nhất phu nhân của Đức Quốc xã”. Và do đó cô đã đính cây thánh giá và đeo sợi dây chuyền vàng.
Khi cô với Helga xuống dưới, tất cả đã có mặt trừ Joseph. Bormann bực bội đi dọc tường và đi kiểm tra lại xem tất cả tài liệu cần thiết đã ở trên bàn chưa. Trong boongke, đặc biệt sáng. Tất cả các đèn đều được bật lên. Kể cả những cái ngoài hành lang. Đêm hôm ấy, Bormann, mặc dù có lệnh tuyệt đối tiết kiệm xăng vì sợ bị bắn, vẫn ra lệnh cho tất cả các máy phát điện làm việc.
Khoảng 23 giờ 45, Hitler, Braun và Joseph từ cửa bên bước vào. Chưa bao giờ cô nhìn thấy Braun cười tươi đến thế. Ả bước vào, Hitler khoác vai ả và họ đi ngay đến bàn làm việc. Người thư ký đứng sau bàn tuyên bố lễ cưới. Braun mặc chiếc váy lụa màu be cài cổ và đúng như cô đoán, đeo hàng tá đồ trang sức. Ả tỏ ra rất sốt ruột. Sau đó Joseph kể rằng khi ký vào bản đăng ký kết hôn, ả đã nhầm và bắt đầu bằng chữ “B”. Nhưng ả đã xóa đi và lần đầu tiên – và cũng là lần cuối cùng – gì thì gì ả cũng đã được ký với tư cách là Eva Hitler.
Sau buổi lễ, Joseph dẫn Helga lên boongke trên mặc cho con bé phản đối dữ dội. Khi anh quay lại, Hitler đang nâng cốc chúc mừng “vì nhất định rồi lịch sử sẽ đánh giá đúng vấn đề của chúng ta và những hy sinh của chúng ta”. Braun mà về nguyên tắc là bà Hitler ấy đã không có mặt ở đó vào thời điểm ấy! Đúng lúc ả ra ngoài hút thuốc.
Chỉ một số người được mời Sâmbanh. Những người còn lại nâng cốc với loại rieslingrẻ tiền trong một cái thùng do Julius Schaub, viên sĩ quan phụ tá của Hitler mang đến. Schaub ứng xử đặc biệt phải phép. Anh ta từ chối uống sâm banh do chính Braumann đưa cho và uống vang mà anh ta đem đến cùng với tất cả mọi người.
- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Phương Tây
- Tình Nhân
- Chương 6