Chương 18: Nguồn gốc của kẻ đẹp mã (13)

NGHI VẤN VỀ KIỂU MẪU TINH TINH

Tuy nhiên, có một số vấn đề nghiêm trọng khi dùng hành vi của tinh tinh để tìm hiểu xã hội loài người thời tiền sử. Trong khi tinh tinh phân chia cấp bậc cực kỳ rõ ràng, thì các nhóm hái lượm ở người về cơ bản lại theo chủ nghĩa bình quân. Chia thịt chính là trường hợp mà sự phân chia cấp bậc ở tinh tinh thể hiện rõ nhất, nhưng với các xã hội hái lượm thì những trường hợp này lại tạo ra các cơ chế cào bằng quan trọng nhất. Đại đa số các nhà linh trưởng học đều đồng ý về sự rõ ràng trong ý thức quyền lực ở tinh tinh. Nhưng có lẽ là hơi sớm khi khái quát từ những quan sát ở Gombe*, trong điều kiện các quan sát được thực hiện ở nhiều địa điểm khác nhau - chẳng hạn Taï, ở Bờ Biển Ngà thuộc Tây Phi - lại cho thấy tinh tinh hoang dã xử lý việc chia thịt theo những cách khiến người ta liên tưởng đến người hái lượm nhiều hơn. Nhà linh trưởng học Craig Stanford thấy trong khi tinh tinh ở Gombe “cực kỳ gia trưởng và xảo quyệt” trong việc chia thịt thì tinh tinh ở Taï chia thịt cho từng cá thể trong nhóm đi săn, dù là bạn bè hay kẻ thù, họ hàng hay kẻ lạ không cùng huyết thống*.

Như vậy, trong khi dữ liệu về tinh tinh do Goodall và những người khác ở Gombe nghiên cứu ủng hộ quan điểm cho rằng hành vi điển hình của tinh tinh là tàn nhẫn và ích kỷ có tính toán thì thông tin từ những địa điểm nghiên cứu khác lại trái ngược hoặc làm suy yếu kết luận này. Với những khó khăn cố hữu khi quan sát hành vi của loài tinh tinh hoang dã, chúng ta cần thận trọng về việc khái quát từ những tư liệu hạn chế có được từ lũ tinh tinh di chuyển tự do. Và với trí thông minh không thể bàn cãi cũng như bản chất giao tiếp của mình, chúng ta cũng nên hoài nghi không kém đối với những tư liệu thu thập được từ tinh tinh nuôi nhốt, vì việc đó cũng chẳng hơn gì đem hành vi của tù nhân ra khái quát hóa loài người.

* * *

Còn có cả những câu hỏi liên quan đến mức độ bạo lực của tinh tinh nếu không bị ai quấy rầy trong môi trường sống tự nhiên của mình. Như chúng tôi sẽ thảo luận trong Chương 12, một vài nhân tố hẳn đã làm biến đổi mạnh mẽ hành vi quan sát được của tinh tinh. Nhà sử học văn hóa Morris Berman giải thích rằng nếu chúng ta “thay đổi những thứ như nguồn thực phẩm, mật độ dân số và khả năng thành lập cũng như giải tán bầy đàn một cách tự phát thì sẽ loạn hết cả - khỉ cũng loạn lên như người thôi”.

Ngay cả khi chúng ta tự giới hạn bản thân ở hình mẫu tinh tinh, có thể sự tự tin mờ mịt của những kẻ bi quan thuộc trường phái Hobbes mới ngày nay là không có cơ sở. Chẳng hạn, nhà sinh học tiến hóa Richard Dawkins có lẽ đã hơi thiếu chắc chắn trong nhận xét ảm đạm của mình về bản chất con người: “Hãy lưu ý là nếu bạn mơ ước, giống như tôi, xây dựng một xã hội trong đó các cá thể hợp tác với nhau hào phóng và vô tư hướng tới lợi ích chung, bạn chẳng thể trông chờ vào bản chất sinh học. Hãy cố gắng rao giảng về sự hào phóng và đức tính vô tư, bởi chúng ta sinh ra đã ích kỷ rồi.” Có thể, nhưng tinh thần hợp tác cũng chảy sâu trong giống loài chúng ta. Các phát hiện gần đây về trí thông minh tương đối của linh trưởng đã khiến hai nhà nghiên cứu Vanessa Woods và Brian Hare phải tự hỏi phải chăng động lực hợp tác là chìa khóa mở ra trí thông minh của giống loài chúng ta. Họ viết: “Thay vì khởi đầu với những con người thông minh nhất sống sót và sản sinh thế hệ tiếp theo, như người ta vẫn thường nói, có lẽ con người đã từng bước biết hợp tác hơn - vì họ giỏi cùng nhau giải quyết vấn đề hơn - và đạt một mức độ thích nghi cao hơn cho phép việc chọn lọc hỗ trợ giải quyết những vấn đề phức tạp hơn.”* Họ giả định rằng, con người trở nên thông minh bởi tổ tiên của chúng ta đã học được cách thích nghi.

Dù bẩm sinh có ích kỷ hay không thì tác động của việc cung cấp thức ăn và môi trường sống bị cạn kiệt đối với cả tinh tinh hoang dã lẫn người hái lượm đều cho thấy Dawkins và những người đã lập luận rằng con người là những quái vật bẩm sinh hung hãn, ích kỷ nên thận trọng trong việc trích dẫn các tư liệu này về tinh tinh nhằm ủng hộ cho kết luận của họ. Các nhóm người có xu hướng phản ứng trước hiện tượng dư thừa và lưu trữ thực phẩm bằng hành vi như được thấy ở tinh tinh: tổ chức xã hội theo cấp bậc, bạo lực giữa các nhóm, bảo vệ chu vi lãnh thổ và liên minh kiểu Machiavelly*. Hay nói cách khác, con người - giống như tinh tinh - có xu hướng đánh nhau khi có thứ gì đó đáng để đánh nhau. Nhưng trong phần lớn thời tiền sử, làm gì có thực phẩm dư thừa để cướp hay bị giành mất và cũng không có nhà ở để phải bảo vệ.