Hôm sau, Phong Khởi cùng tiểu đội lên đường, còn rất nhiều những trận chiến đang chờ đợi họ. Phẫu sư đoàn chúng tôi cũng chuyển đến chỗ khác.
Sau lần đó, lòng tôi tràn đầy hi vọng lẫn chờ đợi, dẫu thứ mình đợi thật mơ hồ.
Thời chiến, gặp gỡ rồi chia xa là điều rất hiển nhiên.
Không ai trong chúng tôi biết được định mệnh phía trước của mình là gì, sẽ ra sao. Dù vậy, những con người mang trong mình trái tim thanh xuân này vẫn tiếp tục hành trình gian khổ vì lý tưởng lẫn khát vọng về một tương lai hòa bình.
…
[Và năm ấy, xảy ra một sự kiện lớn, đó là Chiến dịch Xuân - Hè, còn gọi là “Mùa hè đỏ lửa 1972”, bước ngoặt vô cùng quan trọng gần như thay đổi cục diện chiến tranh miền Nam bấy giờ.
Chiến dịch kéo dài gần một năm, bắt đầu từ tháng ba năm 1972 đến tháng giêng năm 1973 do Quân Giải phóng miền Nam hòng chống lại chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Cuộc tấn công diễn ra với quy mô lớn, tiến thẳng vào tuyến phòng ngự quan trọng ở Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Thời điểm đó mây Quảng Trị nhuộm một màu đỏ, Tây Nguyên khói lửa ngày đêm, những con đường miền Tây ngập tràn lửa đạn, một phần các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh được giải phóng với mười tám tháng ròng rã của chiến dịch Nguyễn Huệ trước khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết.]
…
Thắng trận nhưng thương vong cũng không ít.
Ngoài tiền tuyến bộ đội chiến đấu ngày đêm, nơi hậu cần quân y chúng tôi không biết một ngày phải tiếp nhận bao nhiêu thương binh, trải qua bao nhiêu cuộc phẫu thuật xuyên đêm.
Kỳ lạ thay, dù mệt mỏi đến đâu, hay trong những giấc ngủ chập chờn, thì tôi vẫn luôn nhớ về một hình bóng rất xa xôi.
Nhớ ngày hôm đó, hình ảnh chàng trai đẩy tôi vào khe đá và đứng chắn bên ngoài bảo vệ, nhớ nụ cười của anh, đôi mắt sáng lấp lánh, cả bông hoa dại anh lấy xuống từ mái tóc tôi…
Thời chiến đầy gian khổ mà cũng kỳ diệu thay, người ta có thể mang trong mình bóng hình không bao giờ gặp lại, hay một lời hứa chưa từng được nói ra, vậy mà vẫn chẳng cách nào quên được.
Tôi không hề nghe tin tức gì về tiểu đội của anh, thậm chí là về anh.
Nhưng tôi vẫn luôn hi vọng, ngày nào đó…
Thời gian thấm thoắt trôi, đến đầu tháng tư năm 1973, phẫu sư đoàn chúng tôi có dịp quay lại rừng An Giang. Để rồi duyên phận lần nữa đưa đẩy, tôi và anh thật sự gặp lại nhau.
Phong Khởi đứng trước mặt tôi vẫn cao lớn như thế, với làn da ngăm đen hơn, khuôn mặt nam tính ngày càng dày dạn, riêng nụ cười đó vẫn rất duyên và đôi mắt lấp lánh.
Lúc nãy vào rừng tìm lá thuốc, tôi cảm nhận có cơn gió nhẹ thổi tràn đến, mát dịu trong lành. Khi về lại lán, chị Miên chạy tới báo tôi hay tiểu đoàn của anh Khởi đến kìa! Chạy vội tới chỗ anh, tôi không kịp thở.
- Tiểu đội trưởng, anh vẫn bình an.
- Tôi vui khi thấy đồng chí Hoa ở đây, sao cô gầy đi nhiều vậy?
Tôi năm nay mười chín rồi, cao hơn lần đầu chúng tôi gặp mà cũng gầy nhom đi. Chiến tranh thiếu thốn, làm việc đêm ngày, có ai không như tôi? Ngay cả Phong Khởi cũng gầy hơn xưa. Tôi chỉ cười lắc đầu.
Đợt này tiểu đội anh có vài đồng chí bị trúng đạn nhưng nhẹ thôi, tôi thấy may vì anh không bị thương nhiều. Hai chúng tôi hỏi thăm nhau dăm ba câu, sau đó mỗi người có việc riêng.
Kể từ lúc đó, lòng tôi cứ bồi hồi suốt, vì cảm nhận được sự hiện diện và hơi thở của anh ở đây.
Tối ấy, băng bó xong cho thương binh cuối cùng, chị Miên nói tôi về lán nghỉ cho lại sức, ở đây để mình chị trực cũng được.
Tôi vừa rời lán vài bước, anh Khánh từ đâu đi tới, hình như đã chờ tôi khá lâu. Đứng dưới gốc cây nghe tiếng dế kêu ri rỉ, tôi nhìn anh lấy trong túi áo ra tờ giấy gấp tư, nói nhỏ nhẹ:
- Anh mới làm bài thơ, em mang về mà đọc.
Thời gian này anh Khánh hay viết thơ tặng tôi, những con chữ tràn đầy tình cảm, và tôi biết anh có tình ý với mình. Lần này tôi không nhận, bảo rằng:
- Đồng chí đừng chép thơ nữa, em không thích đọc.
- Thì em cứ giữ lấy cho anh vui.
- Em biết đồng chí nghĩ gì nên mới không muốn nhận.
- Hoa à, hổng lẽ em không hiểu tấm lòng của anh?
- Nhưng em đối với đồng chí chỉ như anh em, thôi em mệt rồi phải đi nghỉ.
Tôi quay đầu bỏ đi tuốt, nghe từ sau lưng tiếng thở dài của anh Khánh như đuổi theo mình.