Chương 62: Ba Trăm Bốn Mươi Bốn Mét Trên Giây - 344M/S (2)

Chapter II

Ruồng bỏ. Lời hứa 344m/s. Nụ hôn đầu tiên.



Tôi thích mọi người gọi mình bằng cái tên Mi. Bản giao hưởng số ba Mi giáng, Eroica (tiếng Ý nghĩa là Anh hùng ca), của Beethoven mang âm hưởng mạnh mẽ hào hùng. Đó là một trong những bài tôi thích sau Beethoven Virus, Passion với bản giao hưởng Định Mệnh.

Beethoven soạn bản giao hưởng số ba xuất phát từ lòng mến mộ Napoleon Bonaparte nhưng sau đó, Napoleon muốn thành lập đế chế Pháp thì Beethoven phản đối kịch liệt và đã tự tay xé bỏ bìa tổng phổ có hình vị vua lừng danh ấy.

Cuối cùng, ông mới đổi tên tác phẩm này thành Eroica. Ông muốn thể hiện hình ảnh người anh hùng lý tưởng của riêng mình.

Tôi cũng từng có tâm trạng thất vọng giống Beethoven. Chỉ có điều, người tôi yêu thương, sùng bái không phải là một vị hoàng đế lẫy lừng như Napoleon. Cha tôi. Ông đơn thuần là người cha, người chơi đàn violon, người giúp tôi hiểu được ý nghĩa hai từ “ruồng bỏ” khi tôi chỉ mới lên năm.

Tôi là đứa trẻ không được mong đợi. Cha tôi, một phút lầm lỡ đã qua đường với một người phụ nữ mà chẳng bao giờ tôi biết mặt hay gọi mẹ, để rồi sinh ra tôi. Bà ấy bỏ đi. Cha mang tôi về nhà. Có lẽ vì trách nhiệm hoặc đại loại kiểu như tình người nên ông đã không vứt bỏ đứa con gái đó dù ông chẳng hề yêu thương nó.

Cha, trong mắt tôi chẳng hơn gì một chiếc bóng lặng lẽ. Ông đáng sợ nhất khi không cười. Và điều đáng buồn, mỗi lần thấy tôi thì ông chẳng bao giờ nở nụ cười. Tôi sợ, sợ cái cảm giác lúc đôi mắt cha xoáy sâu vào mình, cái nhìn của sự trống rỗng, căm ghét, trách cứ hệt.

Lúc chỉ mới năm tuổi, tôi sớm nhận ra mình bị cha ruồng bỏ. Tôi đã biết cái từ ấy trước khi học đánh vần nó.

Cha tôi rất yêu âm nhạc. Đặc biệt, ông thích những bản nhạc giao hưởng của Mozart, Beethoven, Haydn. Ông thường dành hàng giờ bên chiếc violon say sưa chơi nhạc quên cả thời gian.

Ông chơi đàn rất giỏi. Có lẽ vì thừa hưởng dòng máu âm nhạc từ ông nên ngay từ khi còn nhỏ tôi đã vô cùng thích thú với những giai điệu, cung đàn. Tôi có thể nghe và cảm nhận sự chuyển động lạ kỳ của nốt nhạc.

Tôi vẫn thường đứng ngoài cửa phòng, chăm chú quan sát cha khi ông kéo cây vĩ. Nhẹ nhàng. Uyển chuyển. Lúc nhanh lúc chậm. Đó là khoảnh khắc đầu tiên âm nhạc gõ cửa tâm hồn tôi. Tôi yêu nó, không cưỡng lại được. Và tôi bắt đầu nhìn những bản giao hưởng, cầm đàn violon rồi kéo cây vĩ, chơi nhạc.

Thế giới xung quanh tôi bừng sáng. Tôi yêu cuộc sống hơn, hy vọng hơn, mạnh mẽ kiêu hãnh hơn. Tôi chẳng còn quan tâm đến mọi điều tệ hại khác nữa, tôi dần dần bước ra khỏi bóng tối của sự ruồng bỏ, cô độc, chán chường. Âm nhạc đã cứu rỗi linh hồn tôi.

Tôi chơi đàn ngày càng nhiều. Say sưa. Mãnh liệt. Đam mê. Để rồi vào một ngày nọ, điều kỳ diệu bỗng dưng xuất hiện, thứ phép màu mà tôi nghĩ rằng chẳng bao giờ mình có được, âm nhạc mang cha đến bên tôi. Khi vào một buổi sáng, lúc mở cửa phòng, cha kinh ngạc thấy tôi chơi đàn bên khung cửa sổ.

Cha bắt đầu thích điều ấy, thích việc tôi đàn violon trên các bản giao hưởng của Beethoven. Ông có thêm thói quen mới, quan sát tôi chơi nhạc. Những lúc như vậy, trông gương mặt ông thật hiền, đôi mắt cứ sáng rực mỗi lần tôi kéo nhanh cây vĩ.

Cha tôi đột nhiên có những hành động mà từ trước đến giờ chẳng khi nào ông làm với tôi: nói chuyện nhiều hơn, vỗ tay tán thưởng, mỉm cười, gọi tên tôi, vỗ đầu và ôm tôi. Ông nói, tôi có năng khiếu. Khoảng thời gian ấy, đối với tôi thật hạnh phúc. Tôi vui vì sau cùng, mình đã có thể sống.

“Cha. Âm nhạc. Cho tôi một thứ mà tôi gọi tên là Hạnh phúc.”

Vì cha, tôi chơi đàn nhiều hơn nữa. Đôi tay tôi cũng dần dần trở nên tê cứng. Tôi mệt mỏi hơn bởi những lúc thức đến tận khuya chỉ để kéo cây vĩ hàng tiếng đồng hồ cho ông nghe hết bản nhạc này đến bản khác. Rồi điều gì đến sẽ đến. Tôi xuống sức hẳn. Tôi không thể chơi đàn hay như trước.

Âm nhạc đưa cha đến bên tôi thế nhưng cũng chính nó mang ông rời xa tôi. Một lần nữa, tôi mất cha. Chẳng còn gì cả ngoài gương mặt đáng sợ. Đôi mắt vẫn với vẻ vô hồn, căm ghét, ông trở về là con người trước kia. Cha ép tôi chơi đàn, thậm chí những khi tôi bệnh. Ông điên tiết lúc tôi mệt mỏi buông rơi cây vĩ. Ông xé nát tôi và cả trái tim…

“Cha. Âm nhạc. Cho tôi một thứ mà tôi gọi tên là Sụp đổ.”

Chiều hôm đó, trời đổ mưa. Tôi sốt nặng nằm trên giường. Cửa phòng mở, cha bước vào. Tôi bị lôi xộc ra ngoài rồi bị ném vào phòng nhạc. Ông lạnh lùng đưa chiếc violon cho tôi. Tôi, mồ hôi ướt đẫm người, thở mệt nhọc đưa tay đón lấy. Mắt tôi hoa lên. Tôi không còn nhìn rõ những nốt nhạc nữa và đàn sai.

Cha, gần như phát điên, lập tức đẩy mạnh tôi ngã xuống đất. Đầu óc quay cuồng nhưng vào lúc ấy, tôi vẫn nghe rõ từng lời đay nghiến của ông:

“Mày thật vô tích sự! Mày không thể đàn! Vậy tao cần mày làm gì? Cút!”

Tôi sững sờ nhìn cha cầm chiếc violon lên và đập mạnh nó vào tường. Nát. Vô số các mảnh gỗ văng ra tung toé khắp nền nhà.

Tôi ngồi lặng đi. Lòng thật sự chết.

“Cha. Âm nhạc. Cho tôi một thứ mà tôi gọi tên là Từ bỏ.”

Mau chóng đứng dậy và nhìn cha bằng đôi mắt ráo hoảnh rồi tôi quay lưng chạy ra khỏi nhà. Mặc mưa lớn, mặc cơ thể đang sốt nhưng tôi vẫn chạy thục mạng trong làn nước buốt giá. Kể từ giây phút này, tôi quyết tâm từ bỏ nơi đó, nơi có một người cha chưa từng xem mình là con. Tôi xé hình ảnh ông trong trái tim mình!

Nếu tôi không chơi đàn giỏi, nếu tôi không yêu âm nhạc, nếu tôi không có niềm đam mê khi cầm cây violon trên tay thì chẳng bao giờ cha ở gần, hay ôm tôi. Ông đến bên tôi chỉ vì tôi có những thứ đó. Bất giác tôi nhận ra một điều cay đắng, không có âm nhạc thì tôi không bao giờ là con ông. Mãi mãi như vậy…

Tôi thật sự vui vẻ khi sống ở cô nhi viện. Vì tại đây, người ta chấp nhận tôi, chấp nhận con người thật của tôi không bởi lý do nào hết kể cả vì âm nhạc. Tôi kết bạn với Rê, một cô bé thân thiện. Chúng tôi trở thành đôi bạn thân suốt hai năm.

Tôi tiếp tục chơi đàn. Tôi không trốn tránh. Tôi không muốn quá khứ tồi tệ kia đập tan niềm say mê lẫn tình yêu thương vô hạn dành cho âm nhạc.

Một bản nhạc hay cần có nhiều cấp độ, cung bậc khác nhau và tôi hiểu rằng… Một cuộc đời trọn vẹn là nó phải trải qua nhiều thăng trầm của cảm xúc, chịu mọi tổn thương, đau đớn cùng với hạnh phúc, vui sướиɠ.

Biến cố giúp tôi trưởng thành. Tôi mong sẽ tạo ra bản giao hưởng về cuộc đời mình.

Cái tên Mi ra đời từ đó. Lúc tôi cầm đàn violon lên và chơi lại bản Eroica. Năm ấy tôi mười tuổi.

Một năm sau, lại vào buổi chiều mưa, trong lúc ở phòng nhạc chơi đàn, tôi tình cờ gặp cậu ấy. Cậu bé với những dòng nước mắt chảy dài khi nhìn tôi đàn bản giao hưởng Định Mệnh. Tôi tìm cho cậu ấy cái tên Đô. Nó hợp với cậu ấy. Đô rất thích violon dù cậu ấy chưa một lần nhìn thấy nó.

Âm nhạc, thêm lần nữa xuất hiện điều kỳ diệu, đã mang Đô đến bên tôi.

Tôi, Đô và Rê cùng nhau chơi đàn. Ba chúng tôi rất hợp. Mỗi ngày chúng tôi luôn dành ra nửa buổi để tập đàn từ những bản giao hưởng của Beethoven. Tôi vui. Tình cảm của cả ba ngày càng sâu sắc.

Âm nhạc kéo chúng tôi, những đứa trẻ xa lạ, đến gần nhau để cùng hoà nguyện tâm hồn trên nốt nhạc.

Ba năm nữa trôi qua mau, giờ chúng tôi mười lăm tuổi. Đô đã chơi khá thành thạo violon. Cậu ấy cảm nhận âm nhạc giống tôi.

Đô học nhanh bởi lẽ cậu ấy có năng khiếu. Còn Rê, tư chất kém hơn nên vẫn thua Đô mặc dù cậu ấy học đàn từ nhỏ.

Quá khứ của Rê tôi không rõ. Tôi cũng chẳng hỏi vì đơn giản những đứa trẻ sống ở cô nhi viện, nếu từng có quá khứ thì hẳn chỉ là điều tồi tệ, như tôi. Tất cả chúng tôi phần lớn đều được dán lên người ba chữ “bị bỏ rơi”, số còn lại thì cha mẹ mất.

Cuộc sống êm đềm của ba chúng tôi cứ lặng lẽ trôi. Âm nhạc. Đàn. Bản giao hưởng. Tình bạn. Yêu thương. Đùm bọc.

Tôi nhớ nhất, vào một buổi trưa đầu mùa hạ, cả ba đã có với nhau một lời hứa. Chính xác, ước mơ cho tương lai.

***

Ngồi đung đưa chân trên ghế đá, tôi bất chợt quay qua Đô và Rê, hỏi:

“Hai cậu có biết vận tốc âm thanh trong không khí là bao nhiêu không?”

“Không! Là bao nhiêu?” Hai người bạn của tôi lắc đầu, đồng thanh

Tôi mỉm cười, ngẩng mặt lên cao nhìn qua mấy kẽ lá, trả lời:

“344m/s. Những nốt nhạc truyền đến tai ta cũng thế.”

Dứt lời, tôi cầm violon lên, dùng tay phải kéo cây vĩ vào đàn. Khi các sợi dây nylon chạm vào nhau thì âm thanh nhẹ nhàng phát ra. Vận tốc rất nhanh. Thật kỳ diệu! Nhạc hay lời nói, đều chỉ là 344m/s không đổi.

Rê lém lỉnh, hỏi vặn vẹo tôi:

“Sao cậu biết hay vậy? Đọc sách à?”

“Ừm, chứ còn gì, cậu nên chịu khó xem sách vở đi, sẽ giúp ích lắm.”

“Hổng thèm, tớ đọc những bản nhạc là được rồi.”

“Khi chúng ta mở miệng ra nói thì âm thanh đã lập tức truyền đến tai đối phương. 344m/s. Quá nhanh! ” Đô, bắt đầu lập luận như nhà khoa học.

“Trên đời này, hoá ra còn vô vàn những điều lý thú nhỉ?” Rê tròn xoe mắt, ngây ngô, “như âm nhạc chẳng hạn. Nó có sức mạnh cứu rỗi chúng ta.”

Tôi lẫn Đô đều gật đầu đồng tình. Âm nhạc, thứ được tạo ra từ thanh khí và nhạc khí, khi nó vang lên là đã truyền đến tai người nghe với vận tốc 344m/s, lại có khả năng làm thay đổi cả thế giới.

Tự dưng tôi nắm tay Rê và Đô, buột miệng bảo:

“Một ngày nào đó, chúng ta sẽ cùng chơi bản giao hưởng Định Mệnh nha? Tớ muốn ba chúng ta trở thành những người chơi đàn giỏi. Chúng ta cùng thành lập nhóm nhạc giao hưởng đi khắp nơi biểu diễn cho tất cả ai yêu dòng nhạc này nghe. Để âm nhạc cứu rỗi linh hồn họ như chính chúng ta vậy, đồng ý chứ?”