Buổi sớm mai trong một chợ phiên, người người qua lại đông đúc. Xe ngựa chạy như mắc cửi. Thật phải dùng câu cao dao này mà tả:
“Phồn hoa thứ nhất Long Thành.
Phố quanh mắc cửi, đường quanh bàn cờ.”
Là vào cái thời vua Lê Hiển Tông lập ra ba sáu phố phường vào cuối năm Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ chín. Chung qui một chợ phiên nơi làng nghèo này mà có được khung cảnh ấy cũng lạ lùng thay. Nhưng thôi, chuyện muốn kể ở đây chính là cuộc hàn huyên của các thiếu nữ trong một quán nước nhỏ.
Trà dư tửu hậu, sau vài chuyện phiếm thì phải nói đến cái chuyện muôn thở: Là tình duyên! Và một nàng vừa đến tuổi cập kê cất tiếng hỏi thế này:
- Các tỷ có biết quanh đây có miếu Bà nổi tiếng không?
- Dĩ nhiên là biết. - Nàng khác trả lời - Miếu Bà ở dưới chân cầu Khuê, nhiều người đến vái lạy lắm. Nghe đâu xin quẻ bói về tình duyên cũng rất linh ứng.
- Thế, mạo muội hỏi ở đây có tỷ nào từng xin chưa? Có thật là linh không?
- Rất là linh ứng đấy!
Mấy nàng tại đây đưa mắt nhìn nhau, bởi cái chất giọng thánh thót đó không phải phát ra từ trong quán nước. Hiển nhiên ai nấy phải nhìn xem thử là ai.
Đó là một thanh nữ mặt sáng như trăng rằm, đôi mắt long lanh ánh lên vẻ thông minh, nét cười duyên dáng đọng trên khuôn mặt đầy đặn thanh tao kia thật khiến người ta chẳng thể rời mắt. Một cách tự nhiên, nàng bước đến chỗ họ.
- Các muội cho phép tỷ được ngồi cùng chứ?
Nhận được những cái gật đầu, bấy giờ nàng ta ngồi xuống, nhẹ nhàng đặt bó rau cùng con cá ở bên cạnh. Đảo mắt nhìn khắp lượt, nàng cười nói:
- Miếu Bà ấy, tỷ đây dám khẳng định là xin quẻ tình duyên rất linh.
- Nói có sách mách có chứng, phàm nói chuyện đâu thể nói suông.
- Được rồi, vậy để tỷ kể các muội nghe câu chuyện có thật của một thiếu nữ đã từng đến miếu Bà xin quẻ hỏi về tình duyên...
---------------
Cách đây hai năm rồi, tất cả bắt đầu cũng vào một buổi sớm như thế này, ở trong miếu Bà dưới chân cầu Khuê vang lên những chuỗi âm thanh ồn ào.
Nào là tiếng gõ mõ tụng kinh, tiếng bàn luận khe khẽ, tiếng keo rơi xuống mặt đất và cả tiếng lách cách của những que xăm trong ống xăm. Mùi nhang khói quẩn quanh, cay xè cả mắt mũi.
Trong dòng người đến miếu vái lạy, một thiếu nữ tuổi mười bảy, đứng bên cửa đang chỉnh trang lại y phục và đầu tóc.
Nói chút về nàng thì nàng họ Điệp tên Dao, ái nữ độc nhất của thầy lang Điệp Tang nhà ở cuối làng, bao năm hành nghề y cứu người.
Điệp Dao được phụ thân cho đi học, một điều có thể xem là vô cùng hiếm hoi thời bấy giờ, khi mà những quy củ của xã hội phong kiến vẫn còn đè nặng. Nàng học hành chuyên tâm lắm, may thay lớn lên cũng theo học phụ thân hành nghề y.
Dẫu là nữ tử trí thức nhưng Điệp Dao cũng như những những thiếu nữ tuổi cập kê khác, tức là cũng có người trong mộng, cũng trải qua nhung nhớ lẫn cảm giác phiền muộn khi tình duyên có đôi phần trắc trở.
Nữ nhân khắp thế gian này đều muốn tìm được lang quân như ý, nàng nào đâu ngoại lệ. Điệp Dao có ý trung nhân rồi, là Ngô Văn, công tử dòng họ Ngô giàu nhất làng này.
Nghe đâu miếu Bà xin quẻ hỏi tình duyên rất linh ứng nên Điệp Dao cũng muốn đến cầu xin xem sao, nếu được thì thật tốt còn không được thì cũng có mất mát gì.
Điệp Dao đi vào quỳ xuống cúi lạy Bà Thiên (tương truyền bà là người bảo hộ của làng), rồi nàng cầm keo áp trước ngực, miệng khấn vái. Hai tay buông ra, đôi keo rớt xuống đất, đúng một sấp một ngửa. Thế nghĩa là Bà ưng thuận cho xin quẻ. Nàng liền cầm ống xăm lắc lắc, nhắm mắt thành tâm cầu nguyện.
Rời điện thờ, Điệp Dao bước vào một gian nhà nhỏ, nơi đây được ghi là “Giải xăm”. Lúc nàng đến nơi, cũng thấy có rất nhiều người ra vào, mang đủ mọi sắc mặt: hoan hỉ có, sầu muộn có.
Chiếc bàn mộc kê cạnh cửa là nơi để gặp thầy giải xăm. Khi nhận giấy giải, nếu lòng chưa hiểu những lời được ghi thì thầy sẽ giải thích tỏ tường hơn.
Nàng bước đến bên bàn vừa lúc một người đã rời đi, hơi cúi mặt khi nói ra số xăm vừa xin. Thầy giải xăm tìm từng cái hộc rồi rút một mảnh giấy. Lúc nàng toan đón lấy giấy thì đột ngột thay, lại nghe thầy cất tiếng hỏi:
- Cô nương đây ngày hôm qua đã vào đây xin giải xăm?
Thường, thầy giải xăm có bao giờ nhớ nổi mặt những người đến đây, ấy thế mà người này lại nhớ ra Điệp Dao. Lấy làm lạ, bấy giờ nàng mới ngước lên nhìn.
Trước mặt, không phải thầy giải xăm cao tuổi mọi lần nữa mà là một nam nhân trạc đôi mươi, tóc búi cao và ăn vận tươm tất, trông mặt mũi xán lạn xem chừng cũng là học giả chứ chẳng phải thường. Chàng ta trông nho nhã, cử chỉ cũng điềm đạm.
Người này thấy Điệp Dao cứ nhìn mình chăm chú, mới bảo:
- Nếu tôi nhớ không lầm thì hôm qua cũng gặp cô nương rồi.
Điệp Dao thiết nghĩ, bao nhiêu người ra ra vào vào, sao lại chỉ nhớ mỗi nàng?
- Thầy giải xăm lúc trước không còn ở đây nữa ư?
- Đó là thầy tôi. Độ nửa tuần trăng trước, thầy nhiễm phong hàn. Vì cao tuổi nên bệnh trở nặng hơn, thế là tôi đến đây thay thầy ấy.
Câu giải thích đó đã kết thúc cuộc trò chuyện ngẫu hứng này. Điệp Dao cầm lấy mảnh giấy và rời đi. Đôi ba lần trước cũng có nhờ thầy giải xăm nhưng nay gặp phải người lạ, lại còn nhận ra nàng ngày hôm qua, thành thử lòng có chút bối rối.
Trên đường trở về, Điệp Dao mở mảnh giấy xem xăm nói gì. Lại là “Hạ hạ”, không phải một quẻ cát như nàng mong đợi. Đọc vài dòng thơ cùng lời giải, nàng cũng tự hiểu ra đôi phần. Vẫn là nàng với công tử họ Ngô chẳng có mấy cơ duyên. Nàng gấp mảnh giấy lại, buông tiếng thở dài buồn phiền.
Về đến nhà, Điệp Dao thấy phụ thân đang giã thuốc. Thầy lang Điệp nhìn nhi nữ mang dáng vẻ trầm tư, liền hỏi:
- Từ sáng đến giờ con đi đâu?
- Dạ... con ra chợ phiên mua ít đồ.
- Lại đến miếu Bà xin quẻ nữa phải không?
Nỗi buồn biến mất, đôi mắt Điệp Dao đầy sự ngạc nhiên. Nàng không muốn phụ thân lo lắng nên mỗi lần từ miếu trở về, đều viện cớ nói dối. Mà tính nàng lạ ở chỗ, nếu nói dối trót lọt thì thôi nhưng hễ bị phát hiện thì sẽ thành thật nói hết.
- Con cũng xin quẻ bình an cho người.
- Phụ thân rất khoẻ mạnh nên con đừng xin nữa. - Thầy lang Điệp lắc đầu nhìn nhi nữ - Người ta là công tử giàu có, rồi cũng sẽ lấy người môn đăng hậu đối, chứ đời nào chú ý đến một nhi nữ con nhà tầm thường.
- Con gái thầy lang có đến mức bị gọi là “tầm thường” không chứ...
- Phụ thân nói để con hiểu, nên chớ xảo biện này nọ nữa. Con à, nhà ta không thích với cao, con hãy cứ lựa chọn nam nhân phù hợp với mình.
- Quanh đây có ai đâu ạ? - Điệp Dao vẫn cố chấp.
- Có Đại Lương đấy thôi.
Điệp Dao thầm than thở, lại là tên Đại Lương ở nhà sát vách. Thuở nhỏ, nàng chơi đùa cùng hắn, thành thử được xem là “thanh mai trúc mã”. Nói ra thì mẹ hắn đặt tên con trai cũng thật cao sang.
Mỗi lần nghe mẹ hắn gọi cái tên “Đại Lương” khiến nàng không khỏi nghĩ đến nước Lương khai sinh do công tử Khang - con trai Tần Trọng, quân chủ thứ tư nước Tần - được Chu Bình Vương phong cho đất.
Sau cùng, nàng đành vờ cáo lui vào nhà bằng cách nói với phụ thân là nàng sẽ mang đống thuốc mới hái đem ra sân phơi nốt. Nàng không muốn nghe ông nhắc đến tên Đại Lương ấy cũng như nói rằng Ngô Văn rồi sẽ sớm có nữ nhân khác.
***
Dẫu tự nhủ bao nhiêu lần là không nên đến miếu Bà xin quẻ nữa, thế nhưng Điệp Dao chẳng thể làm được. Lòng nàng cứ mãi để tâm chuyện nhân duyên với công tử họ Ngô, và đôi chân nàng thì không tài nào nghe lời mà tự ý rẽ qua miếu khi nàng chỉ vừa bước xuống chân cầu Khuê. Lúc lấy lại được tâm thức, nàng phát hiện mình đã ở trong điện thờ tự lúc nào.
Thấy người ta quỳ quỳ lạy lạy, thắp nhang cúng vái, nàng làm sao đành lòng quay lưng rời khỏi đây?
Thôi, chỉ duy nhất một lần này nữa, lần sau ta nhất định kiên tâm đến cùng! Tự hứa với lòng như thế, Điệp Dao đi vào quỳ lạy Bà Thiên rồi gieo keo xin quẻ. Ngặt cái là, mỗi lần xin keo đều cho một sấp một ngửa, cứ y như rằng Bà cho phép nàng hỏi chuyện tình duyên vậy.
Rời điện thờ, nơi tiếp theo nàng đến dĩ nhiên là nhà “Giải xăm”. Vừa hay nghĩ đến nam nhân hôm qua, nàng lại sợ bị phát hiện, liền lấy nón vải đội lên đầu. Mảnh vải thòng xuống che hết mặt, đố ai nhận ra ai?
Ấy vậy mà Điệp Dao nhầm tai hại. Thì cũng bởi lúc nàng vừa cầm lấy mảnh giấy giải xăm là đã nghe chất giọng kia cất lên, hỏi một câu:
- Là cô nương hôm qua đến xin xăm và hỏi về thầy tôi phải không?