Chương 109: Tình Yêu Thời Chiến - Đời Này Bình An (1972) - 14

Trong khi anh Hiếu giải thích lý do cho cuộc hẹn gặp hơi muộn này, tôi mở bì thư, chậm rãi lấy ra một tấm hình trắng đen bị khuyết góc bên trái, vương chút máu đã khô từ lâu, hình chụp Phong Khởi và tôi đang bế An Phương với nụ cười hạnh phúc.

Tôi ngồi yên lặng khá lâu, trong tôi từng dòng cảm xúc tràn đến hệt sóng vỗ, nghĩ đến khúc cuối anh đã nắm chặt bức ảnh gia đình. Cầm một lúc như có điều gì mách bảo, tôi lật ra phía sau tấm hình, tiếp theo bất động vài giây.

- Chị có sao không?

Nuốt nước mắt vào trong lòng, tôi ngước nhìn anh Hiếu, lắc đầu: “Cảm ơn anh đã trao kỷ vật của chồng lại cho tôi…”, sau đó thì không nói gì thêm. Anh ta gật đầu, lát sau anh hướng mắt nhìn ra dòng xe cộ ngược xuôi, buông câu nhẹ tênh:

- Giá mà ảnh chờ thêm chút nữa thì thấy giải phóng rồi.

Khi chia tay anh Hiếu, tôi dẫn An Phương đến sông Sài Gòn. Tôi muốn ngắm nhìn con sông chảy từ Bình Phước, qua hồ Dầu Tiếng, tới ranh giới Bình Dương và Sài Gòn, hợp nhất với sông Đồng Nai rồi đổ ra biển, ngắm nhìn những chiếc thuyền lớn nhỏ neo đậu gần bờ, từng cánh chim chao liệng hay ngọn gió thổi đến.

Tôi nhớ anh từng nói anh tên Phong Khởi, là nổi gió, ở đâu gió nổi lên thì sẽ có anh. Trong thời chiến, cơn gió đó đã bay mải miết, bay lạc đi đâu mất rồi, và lỡ hẹn không thể quay về nơi dừng chân.

Anh lỡ hẹn với tôi, lỡ hẹn với An Phương, lỡ hẹn với hòa bình.

Chỉ còn một ngày nữa thôi, mà anh cũng không chờ được lúc thống nhất.

Anh không thể trông cảnh con gái lớn lên, cắp sách tới trường, vui đùa hạnh phúc khi đất nước giải phóng, anh không nhìn thấy miền Nam lúc này, thấy một đất nước đã hòa bình như anh hằng mơ ước.

Lấy ra tấm hình kỷ vật của Phong Khởi, lật giở ở phía sau hình nơi dòng chữ viết tay bằng mực tím đã nhòe đi, lúc nãy có anh Hiếu nên tôi cố kìm nhưng bây giờ nước mắt cứ vậy mà rơi xuống những con chữ được viết thật nắn nót, khiến nó loang lỗ: “Cho em và con sống đời bình an”.

Bây giờ không tiếng súng nổ hay dội bom, không khói lửa hay loạn lạc, khung cảnh trước mắt thanh bình vô cùng, vậy tại sao lòng tôi vẫn chưa bình yên?

Người đàn ông từng hứa cho tôi sống đời bình an nay đã mất rồi, liệu ở đất nước độc lập này nơi nào sẽ cho tôi bình an?

Đến giờ tôi mới nhớ lời Phong Khởi nói trong đêm tân hôn, “để em không quên anh”, nỗi đau chia cắt bởi sống chết, đời này kiếp này mãi không thể tương phùng. Vì anh, em sẽ chiến đấu với thời gian, giữ hình ảnh anh vẹn nguyên trong tim!

Khi ấy, An Phương ở trên tay tôi liền đưa đôi mắt tròn xoe vô bức hình tôi đang cầm, ngón tay nhỏ xíu chỉ vào Phong Khởi, bờ môi chúm chím gọi lên: “Ba… ba” khiến tôi quay qua nhìn con.

Hồi anh đi con gái chỉ mới đẻ vài tháng làm sao nhớ mặt ba nên sau khi anh mất thì ngày nào tôi cũng ngồi thủ thỉ với con, chỉ cho con xem ba trông như thế nào, kể cho nó nghe anh đã sống và chiến đấu ra sao.

- Phương nhận ra ba Khởi hả, con má giỏi quá.

Tôi đưa tấm hình cho An Phương cầm lấy, nó cứ nhìn mặt ba mà cười.

Tôi ôm chặt con gái trong tay, nghe lòng thanh thản đến lạ.

Hòn máu năm đó anh gieo vào người tôi, trở thành đứa bé đáng yêu của ngày hôm nay, kể từ giờ sẽ là nơi chốn bình an nhất để tôi nương nhờ.

Sông Sài Gòn vẫn chảy, chiến tranh đã kết thúc, con người lại tiếp tục sống.

***

An Giang, tháng tư năm 1997.

Chiếc ô tô chạy nhanh trên con đường đất miền Tây, tôi ngồi trong xe cứ nhìn dáo dác ra bên ngoài với vẻ sốt ruột. Bên cạnh tôi ngay chỗ vô lăng là anh Khánh, phía sau có chị Miên và An Phương lúc này đã hai mươi ba tuổi.

Lý do cho việc chúng tôi tất tả chạy xuống tỉnh An Giang, chính vì một tin hết sức chấn động.

Chuyện phải kể lại một ngày trước, chị Miên xuống dưới này định mua một mảnh đất xây nhà cho vợ chồng chị về sau an hưởng tuổi già, tình cờ thế nào chị gặp một người đàn ông trung niên. “Nhìn ảnh giống y chang anh Khởi nghen Hoa”, đấy là toàn bộ câu nói của chị khi hối hả chạy ngược lên Sài Gòn tới chỗ tôi.

- Người giống người thiếu chi hả chị? - Tôi bảo.

- Hổng phải! Nè nha, người đó cũng cao tầm thước tám, bị cụt mất cánh tay phải. Hồi đó giải phóng, người ta cũng nói ở chiến trường chỉ thấy cánh tay phải của ảnh.

- Vậy sao lúc đó chị không tới hỏi phải anh Khởi không?

- Khổ quá, chị đi nhờ xe đứa bạn, nó có việc gấp không dừng lại lâu được! Mà em biết rồi, chị được cái trí nhớ tốt lắm, dù chạy qua nhanh nhưng chị kịp thấy cái nhà nơi ảnh ở. Nó nằm gần khu rừng ô môi mà hồi trước phẫu sư đoàn mình đóng đó. Giờ mình xuống đấy hỏi người ta thử coi!

- Nhưng lỡ đó không phải ba Khởi thì sao dì Miên? - An Phương hỏi.

- Con à, dì thấy người đó giống y ba Khởi con, dù già hơn xưa nhiều rồi. Thì mình cứ tìm hiểu hỏi thăm, giả sử không phải thì thôi, còn lỡ tìm được người xưa thì tốt quá chớ con. Đâu phải ai cũng được vậy!

- Con chỉ sợ má Hoa thất vọng...

Qua kính chiếu hậu, tôi thấy ánh mắt lo lắng của con gái hướng lên chỗ mình, vẻ như nó cũng hiểu phần nào tâm tư trong tôi lúc này.