[Tháng ba và tháng tư năm 1975 trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện miền Nam.
Bắt đầu ngày bốn tháng ba đến ngày ba tháng tư cùng năm, chiến dịch Tây Nguyên với mật danh “Chiến dịch 275” do Quân giải phóng phát động tấn công vào Buôn Ma Thuột khiến cánh nam của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân trên địa bàn Tây Nguyên để giữ miền duyên hải Trung Bộ, nhưng với quyết định sai lầm này đã khiến Quân đoàn II của Việt Nam Cộng Hòa tan rã rồi tháo chạy trên con đường số 7 định mệnh.
Chiến dịch Tây Nguyên tạo nên biến động lớn trên chiến trường miền Nam, mở ra cuộc tấn công cuối cùng là “Chiến dịch mùa xuân 1975” diễn ra trong năm mươi lăm ngày xuân và Quân giải phóng khiến Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn sụp đổ.
Trưa ngày ba mươi tháng tư, xe tăng của Quân giải phóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập trong sự hân hoan, vui mừng của dân miền Nam.
Chấm dứt hoàn toàn chiến tranh tại Việt Nam và thống nhất đất nước sau hai mươi mốt năm bị chia cắt.]
…
Trong dòng người đang đứng reo hò trước chiến thắng lịch sử thì tôi bật khóc.
Trước ngày giải phóng một ngày, tôi hay tin anh hi sinh…
***
Sài Gòn, tháng tám năm 1977.
Tôi ngồi trong một quán nước nhỏ bên góc đường công trường Lam Sơn, bên cạnh tôi là An Phương đang giương đôi mắt tròn xoe hiếu kỳ nhìn khung cảnh người người qua lại, lúc này đang là buổi sáng đầu thu mát mẻ vô cùng.
Tôi ngồi đây tầm nửa tiếng rồi, khi tôi uống xong nửa ly nước cam thì chiếc ghế phía đối diện tôi được kéo ra, người đàn ông da ngăm đen, hơi thấp và ốm, nụ cười vui vẻ.
- Có phải chị Hoa, vợ anh Khởi hôn?
- Đúng là tôi, anh là người chiều qua gọi điện cho tôi hả?
- Phải rồi chị! Trời ơi may quá, cuối cùng tôi cũng tìm được chị!
Tôi thấy anh ta lau mồ hôi bịn rịn trên trán, gọi chủ quán cho ly chanh đường. Uống một hơi gần cạn hết ly, bấy giờ anh ta đưa mắt nhìn lại tôi, giới thiệu:
- Tôi tên Hiếu, hồi trước ở cùng đơn vị với anh Khởi, đúng hơn là cấp dưới ảnh.
- Không biết anh Hiếu gọi tôi ra đây có chuyện chi?
- Trước khi nói cái đó, tôi có thể biết giờ chị ở đâu, làm gì? Nửa năm rồi, tôi tìm đến nhà chị dưới Vĩnh Long mà nghe người ta nói má con chị dọn lên Sài Gòn rồi.
- Sau giải phóng, ở dưới đấy cũng khó khăn, tôi không tìm được công việc gì để làm, quân y như tôi trở về nhà cũng đâu được trợ cấp gì nhiều, rồi tôi có một chị hồi trước làm cùng đơn vị rủ lên Sài Gòn làm thợ may, tụi tui làm cũng tốt lắm nên tôi đưa má với con gái lên đây sống luôn. Nhà chỉ là do ba má hồi trước mua để lại, có hai gian, chỉ cho tui thuê một gian.
- Vậy hả chị, thế tôi cũng yên tâm. Bé năm nay nhiêu tuổi vậy chị?
- Cũng gần ba tuổi rồi anh.
- Nhìn bé giống anh Khởi quá nghen.
Anh Hiếu vuốt nhẹ cái má bầu bĩnh của An Phương, cười cười rồi nói tiếp:
- Hồi giải phóng tới giờ cũng hai năm rồi, thiệt tình tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ mắc công người còn sống đau lòng chị à. Là về anh Khởi...
Thời gian qua nhanh thật, mới đấy đã hai năm trôi qua, từ ngày giải phóng cũng là ngày tôi mất chồng.
Người ta nói anh bị nổ bom không tìm thấy xác, chỉ có duy nhất cánh tay phải của anh nằm bên cạnh những thi thể không nguyên vẹn khác của đồng đội.
Đám tang anh, tôi ôm con gái gục bên quan tài trống rỗng, ngay cả thân xác anh tôi cũng không được nhìn thấy, không được giữ lại.
Suốt một năm đầu, đêm nào tôi cũng khóc vì nhớ anh. Vợ chồng chị Miên và anh Khánh, rồi má, ở bên liên tục an ủi vỗ về, và cũng nhờ có An Phương, nên tôi dần vượt qua nỗi đau to lớn này. Hiện tại tôi chú tâm vào công việc, chăm sóc con gái, thỉnh thoảng nhớ đến chồng, l*иg ngực tôi vẫn còn thắt lại nhưng đã thôi khóc.
- Nếu là chuyện quan trọng xin anh cứ nói, tôi bây giờ cũng đỡ buồn rồi anh à.
Tôi nghe tiếng anh Hiếu thở dài, như chuẩn bị cho một câu chuyện buồn nào đấy, chậm rãi lấy trong túi áo ra một bì thư ngay ngắn đặt ở trước mặt tôi.
- Nhờ anh Khởi mà tôi sống tới giờ đó chị... Ảnh vì cứu tôi nên không kịp chạy khỏi vùng địch, tôi nghe tiếng bom nổ ở phía sau, quay trở lại thì ảnh với mấy đồng chí hi sinh rồi. Chắc chị cũng nghe nói chỉ còn cánh tay phải của ảnh, và tôi thấy nó nắm chặt tấm hình. Tôi thề nhất định phải trao kỷ vật này lại cho chị.
Thật sự tôi không nghĩ rằng sau hai năm, sẽ có người tìm đến để trao kỷ vật của Phong Khởi cho mình, bởi nghĩ thân xác anh còn không ở lại thì sẽ có thứ gì trao cho tôi đây?
Tâm trạng tôi lúc này nửa vui nửa sợ, vui vì cuối cùng cũng còn một vật mà anh để lại cho tôi từ chiến trường, sợ vì khi nhìn thấy rồi tôi khó kìm lòng.
- Lúc đó tôi bị thương nặng, nằm điều trị mấy tháng trời, đám tang anh Khởi tôi không tới dự, rồi khi khỏe lại thì tôi tìm không thấy chị, mãi tận bây giờ mới được...