Chương 6: Hồi Ức

Suốt năm năm qua, từ lúc ôn thi cho đến bốn năm đại học, Uyển Nhi luôn bỏ công bỏ sức chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm hiểu thông tin, nhưng kết quả vẫn hoàn toàn mù mịt. Biển người vội vã, người cô muốn tìm không rõ tên tuổi nhân thân, đúng là mò kim đáy bể. Nhưng cô vẫn kiên trì, bởi vì đó là ký ức còn sót lại trong khoảng thời gian từ năm cô mười chín tuổi đến hết năm hai mươi mốt tuổi. Cũng là lý do duy nhất giúp cô cố gắng chống chọi trên cuộc đời cô độc này.

Để đi tìm người, Uyển Nhi đã phóng to thu nhỏ bức hình này không biết bao lần để tìm nét đặc trưng. Cô tự mình vẽ lại thành tranh, tưởng tưởng phỏng đoán đầy đủ khuôn mặt mà phác hoạ ra chân dung anh ta cho dễ tìm kiếm. Cô đăng trên facebook, zalo (1), mong có ai quen biết nhìn ra. Nhưng nhận lại chỉ là những bình luận đại loại như: “tìm người yêu cũ à?”, “bắt gặp chân ái của đời mình sao?”, “anh trai hay ai mà đẹp thế?”, “đã tìm ra chưa?”, “mình có chia sẻ trên facebook của mình, nếu có thông tin gì sẽ cho hay…” Tất cả đều như cục đá ném xuống nước, bặt tăm không phản hồi.

Uyển Nhi muốn đến các bệnh viện để hỏi thăm, ôm hi vọng mong manh biết được bệnh viện nơi Dương Phước An mất, xem có tìm được tin tức gì không. Nhưng bệnh viện là nơi nào chứ? Bệnh nhân vô ra liên tục, đã nhiều năm như vậy, bước vô hỏi có bệnh nhân nào tên Dương Phước An nằm đây nhiều năm về trước, chắc mọi người sẽ hỏi cô “rảnh quá ha?” Uyển Nhi lại không quen biết ai để nhờ tìm hồ sơ. Cứ vậy thời gian trôi đi trong vô vọng, cô thấy thật có lỗi với Dương Phước An, có lỗi với con gái của cô ấy, không biết hiện giờ bé sống như thế nào, hạnh phúc hay khổ sở. Càng nghĩ tim cô càng đau nhói, đầu thì nhức buốt.

Bỏ chiếc điện thoại của Phước An xuống, đồng hồ đã chỉ hơn sáu giờ sáng. Tiếng đồng hồ tích tắc vang lên khô khốc trong căn phòng nhỏ hẹp. Ngoài đường, xe cộ đã bắt đầu nhộn nhịp, tiếng động cơ, tiếng kèn xe bắt đầu rền vang. Ánh nắng len lỏi xuyên qua cửa sổ, xuyên qua tấm rèm nhảy múa trên người của Uyển Nhi, nhưng cô chưa muốn dậy. Cô cuộn tròn ôm lấy thân thể của chính mình, cố sưởi ấm xua đi cái rét lạnh xuất phát từ trong tâm khảm. Lúc này trái tim đau đớn của cô đang nhớ về khoảng thời gian ấm áp trước năm mười chín tuổi…

Gia đình Ngô Uyển Nhi không phải giàu có, nhưng vẫn đủ đầy, đặc biệt là hạnh phúc ấm áp không bao giờ thiếu. Ba cô là hoạ sỹ, mẹ là giáo viên ngữ văn, vợ chồng yêu thương tương kính nhau. Trong trí nhớ của Uyển Nhi, chưa bao giờ cô nghe ba mẹ lớn tiếng. Họ chỉ có mỗi một mình Uyển Nhi là con nên hết mực yêu thương. Uyển Nhi xinh xắn như búp bê, từ nhỏ đã được mọi người yêu mến. Được kế thừa năng khiếu vẽ của ba, cộng thêm tâm hồn nhạy cảm của mẹ, từ nhỏ Uyển Nhi đã yêu thi ca, hội hoạ. Từ khi biết bò ba cô đã cho cô cầm bút vẽ, chấm phá màu vẽ lung tung đầy nhà. Trong suốt những năm học phổ thông Ngô Uyển Nhi luôn là con ngoan trò giỏi, lại hăng say công tác tình nguyện, được thầy cô, bạn bè hết mực yêu quý.

Mỗi năm hai lần, ba mẹ đưa Uyển Nhi về quê ngoại ở Gia Lai ở lại vài tuần. Mỗi lần đi thì anh chàng bạn học Mạc Anh Khôi đều tháp tùng, ba mẹ cô cũng quý anh, xem như con trai nên cả nhà rất hoà hợp. Họ thường đi thăm các em nhỏ ở mái ấm Ánh Sáng ở ngoại ô Pleiku. Tại đây Uyển Nhi và Anh Khôi kết bạn với Dương Phước An – lớn hơn Uyển Nhi bốn tuổi, hơn Anh Khôi ba tuổi. Dương Phước An sống tại mái ấm từ khi mới lọt lòng, có người nhặt được cô ấy ở trước cửa nhà, mang đến cho mái ấm Ánh Sáng nuôi dưỡng.



Dương Phước An hiền lành, chắc lúc nhỏ ở mái ấm thường bị ăn hϊếp, nên khi gặp được hai người bạn Uyển Nhi và Anh Khôi, cô ấy rất vui, lại lớn tuổi hơn nên thường chăm sóc, nhường nhịn hai em. Tuy ở xa nhưng ba người họ chơi với nhau thân thiết. Tấm hình trong ví của cô chụp vào dịp hè năm cô học hết lớp mười một, Mạc Anh Khôi thì tốt nghiệp lớp mười hai, chuẩn bị một chân trời mới, Dương Phước An lúc đó đã đi làm trở về thăm lại mái ấm. Không ngờ đó là tấm hình chụp chung cuối cùng của bọn họ.

Học xong lớp mười hai, Uyển Nhi nghĩ rằng mình chắc chắn thi vô đại học Mỹ thuật, thì biến cố ập đến. Ba mẹ Uyển Nhi trong lúc đi công việc về, trên đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây bị xe ngược chiều đâm phải. Khi Uyển Nhi đến bệnh viện Chợ Rẫy thì họ đã hôn mê. Sáu tháng trời như thế, bao nhiêu đồ có giá trị ở trong nhà cứ lặng lẽ ra đi, nhưng không giữ được sinh mạng cho ba mẹ cô. Họ trút hơi thở cuối cùng khi cô chuẩn bị bước sang tuổi mười chín. Ba mẹ Uyển Nhi đều là con một, ông bà thì mất đã lâu, không họ hàng, vậy là Uyển Nhi chỉ còn biết lẻ loi sống một mình. Từ cô tiểu thư được bao bọc trong vòng tay ba mẹ, Uyển Nhi dần bước ra xã hội tự mưu sinh, ước mơ học hành đành gác lại.

Trong thời gian này Uyển Nhi được Dương Phước An giúp đỡ rất nhiều để ổn định cuộc sống, giúp cô làm thêm tại quán ăn mà Phước An đang làm. Nhưng cuộc sống sau đó của hai người như thế nào, đã xảy ra chuyện gì thì Uyển Nhi lại không nhớ rõ, chỉ thỉnh thoảng mơ thấy những mảng rời rạc như giấc mơ lúc nãy. Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, tại sao trí óc của Uyển Nhi lại mất đoạn quá khứ này, cô cố tìm mà không cách nào hiểu được. Mọi thông tin về khoảng thời gian này đều không có, mà Uyển Nhi cứ nghĩ đến là đầu đau, tim cũng đau.

******

Chú thích:

(1) Facebook, zalo: mạng xã hội và ứng dụng chat, trò chuyện phổ biến tại Việt Nam