Chương 4: Trên Tình Bạn Dưới Tình Yêu

Từ đường Lê Duẩn, Văn Nguyễn chở cô đi ra Tôn Đức Thắng rồi qua Nguyễn Tất Thành, dạo một vòng từ bến Bạch Đằng đến bến Nhà Rồng. Sài Gòn về đêm là lúc mát mẻ nhất, gió sông thổi lên mát rượi, thổi tung mái tóc dài của Uyển Nhi. Cô ngửa mặt đón từng cơn gió mơn man trên má, thật sảng khoái. Văn Nguyễn nhìn qua kính chiếu hậu, chỉ thấy được một góc mặt xinh đẹp của cô. Bất giác môi cong lên nụ cười vui vẻ.

Khi mới nhập học trường Mỹ thuật, Văn Nguyễn đã chú ý tới Uyển Nhi. Cô có nét đẹp trong sáng khả ái và quan trọng là tự nhiên không trau chuốt. Thời buổi này, học sinh cấp ba còn thoa son đi học, huống hồ là nữ sinh viên đại học Mỹ thuật. Vậy mà cô hiếm khi son phấn, cách ăn mặc lại giản dị. Nghe nói cô hai mươi hai tuổi mới bắt đầu học năm nhất, hiện giờ hai mươi sáu tuổi, bằng tuổi của anh. Vâỵ mà nhìn cô rất trẻ so với tuổi, đứng với các em mười tám hai mươi không khác gì mấy, chỉ là cô có phần sâu lắng, chính chắn hơn.

Về ngoại hình, Uyển Nhi thừa hưởng nét đẹp của cả ba và mẹ. Mẹ cô là người Gia Lai, làn da luôn trắng hồng. Uyển Nhi giống mẹ làn da, dù sống ở Sài Gòn nhưng đôi má cứ hây hây đỏ, lúm đồng tiền tròn xoe trông như búp bê xinh đẹp. Mẹ cô hơi thấp còn ba thì cao, Uyển Nhi thừa hưởng chiều cao của ba, dáng người thanh mảnh, dong dỏng cao. Ba cô là hoạ sỹ, mẹ là giáo viên ngữ văn, trong nhà luôn đậm chất thi thơ nghệ thuật. Điều đó đã ngấm vào tâm hồn Uyển Nhi từ bé nên cô rất nhẹ nhàng, thanh thoát, lại có nét phiêu lãng của người làm nghệ thuật.

Trong lớp, Uyển Nhi rất thu mình. Văn Nguyễn ít đi học nhưng cũng ý thức được độ nổi tiếng của bản thân, mỗi lần đến lớp các bạn gái khác luôn tìm cơ hội tiếp cận, “chỗ này còn trống”, “làm mẫu vẽ chân dung”, “cùng đi ngoại cảnh…” đủ kiểu. Trong khi đó, Văn Nguyễn dõi tìm mãi mới thấy Uyển Nhi yên tĩnh ngồi trong một góc chăm chú ghi chép bài, không để ý gì đến sự tồn tại của anh. Vào giờ thực hành thì cô sẽ lọt thỏm sau mớ dụng cụ vẽ. Bởi vậy, từ năm thứ ba, khi bắt đầu lập nhóm để làm các đề tài chuyên sâu, anh kéo cô vô nhóm anh để có cơ hội liên lạc trao đổi. Nhờ vậy mà khá quen với cô.

Từ bến Nhà Rồng, Văn Nguyễn chạy về khu Tân Định, ghé “quán cháo không ngủ” của bà Hào trên đường Trần Khắc Chân. Sở dĩ gọi là quán không ngủ vì tận hai giờ sáng mới đóng cửa, để những con cú đêm tha hồ no bụng. Quán bài trí đơn giản nhưng thức ăn thì không chê vào đâu được.

Văn Nguyễn hỏi Uyển Nhi, “Em ăn gì?” Cô nhìn thực đơn một hồi lại ngước lên nhìn anh, “Mình không biết món nào ngon, Nguyễn gọi dùm đi.” Anh gọi hai tô cháo thập cẩm gồm sườn, sụn, cuống họng, lại gọi thêm trứng bắc thảo và trứng gà ốp la ăn kèm.

Cháo được nhân viên quán bưng ra, mùi thịt, hành, tiêu bốc lên thơm nức mũi. Cái bụng cô liền hưởng ứng réo lên “èo èo” khiến cô một phen đỏ mặt. Văn Nguyễn cũng ôm bụng xuýt xoa, “đói quá”, để cứu vãn cho cô đỡ mất mặt.

Buổi khuya ăn cháo nóng thì còn gì tuyệt bằng. Nếm qua hai món gọi thêm, Uyển Nhi thích ăn kèm với trứng bắc thảo, hương vị khá độc đáo, xì xụp ăn một lèo được non phân nửa. Trước mặt Văn Nguyễn cô khá tự nhiên, bởi cô chỉ xem anh như người bạn cùng lớp, chứ không mơ tưởng chuyện nam nữ nên không cần làm dáng.

Đã lưng lửng bụng, vừa ăn chậm lại cô vừa hỏi Văn Nguyễn: “Sao hôm nay lại tặng quà cho mình?”

Văn Nguyễn đang ăn, nhìn cô làm ra vẻ ngẫm nghĩ, rồi xoè bàn tay ra đếm các lý do: “Đa tạ em điểm danh dùm, chép bài dùm, còn làm tiểu luận nộp dùm cho anh nữa. Còn gì nữa ta?”

Uyển Nhi vừa định lên tiếng thì Văn Nguyễn đã đoán ra cô định nói gì, chắc chắn là, “bạn bè giúp đỡ nhau thôi, mình không nhận quà đâu.” Anh với tay lấy túi quà, vừa mở ra vừa nói: “Cũng không tính là quà, em nhìn xem đây là gì?”

Trong tay Văn Nguyễn là hộp gồm sáu tuýp màu Geogrian của hãng Daler Rowney (1). Uyển Nhi nhìn thấy mê mẫn quên cả ăn. Đây là loại sơn dầu cao cấp rất nổi tiếng và đắt đỏ, mỗi tuýp 225 ml mà giá cả triệu đồng. Những ai theo học mỹ thuật sẽ ước ao có được bộ màu đó.

Bởi nó giàu sức biểu cảm, thời thượng, nghệ thuật với sắc màu hiện đại, rực rỡ. Chất màu tối ưu và sử dụng tốt cả khi người hoạ sĩ dùng cọ hay bay (2).



Chưa kịp định thần thì tiếng Văn Nguyễn đã vang lên: “Anh mới mua được sáu màu, để từ từ sẽ sưu tầm cho đủ bộ hai mươi bốn tuýp màu trong và ba mươi mốt tuýp màu đυ.c cho em, à cho nhóm mình.”

Uyển Nhi nghe mà không tin nổi, lại ngước đôi mắt tròn xoe nhìn anh. Văn Nguyễn bị cuốn hút bởi đôi mắt ấy, suýt quên mất câu trả lời. “Anh mua cho em làm bài tập nhóm. Em không được ngồi không hưởng lợi đâu.” Thật ra anh đã mua cả bộ nhưng biết tặng như vậy Uyển Nhi thấy giá trị cao sẽ không chịu nhận, đành chia ra, đợi cơ hội lại tặng tiếp. Anh thấy mình đối với cô cũng thật kiên nhẫn, tặng quà mà còn phải nát óc suy nghĩ làm sao cho cô không từ chối, để cô luôn được tự nhiên không ngại với anh.

Thấy Uyển Nhi đã xiêu lòng, Văn Nguyễn dúi túi quà vào tay cô. Cô nhẹ giọng: “Cảm ơn Nguyễn!” Thật ra Uyển Nhi hiểu tấm lòng của Văn Nguyễn, anh đã nói như vậy cô cũng không khách sáo nữa.

Hai người lại chú tâm chiến đấu với tô cháo. Thêm mười lăm phút, tô cháo chỉ còn thấy đáy, các món gọi ăn kèm cũng sạch trơn. Ôm bụng thoả mãn, anh gọi tính tiền, cô dành trả, “Nguyễn đã tặng quà, để mình trả tiền ăn.”

Anh trừng mắt nhìn cô, ý bảo “lộn xộn”. Anh lấy tiền trả cho nhân viên xong, lại quay sang hỏi cô: “Em có muốn ra cafe bệt ở Nhà thờ Đức Bà ngồi ngắm cảnh không?”

Nhìn đồng hồ đã mười một giờ, Uyển Nhi lắc đầu: “Khuya rồi, để khi khác.”

Anh cũng đoán được câu trả lời, nên vui vẻ đưa cô về. Cô ở trọ tại chung cư Miếu Nổi, từ đường Trần Khắc Chân đi qua chỗ cô rất gần. Tới nơi, cô xuống xe, lần nữa cảm ơn anh. Anh chỉ mỉm cười cốc nhẹ lên trán cô, “Chúc em ngủ ngon và mơ thấy anh!”

Câu này Uyển Nhi nghe Văn Nguyễn nói đã quen tai, bèn chu miệng trả lời: “Em sẽ mơ thấy bộ màu Geogrian của anh!” Nói xong vẫy tay tạm biệt, quay người nhanh nhẹn bước vào sân chung cư. Anh nhìn theo cho đến khi dáng cô khuất hẳn, khẽ huýt sáo, tâm tình thật sự vui vẻ.

Văn Nguyễn thích ở gần Uyển Nhi, cảm giác không giống yêu dương cũng không giống bạn bè, kiểu người ta hay gọi là “trên tình bạn dưới tình yêu”. Mỗi lần gặp cô, anh thấy thoải mái, nhẹ nhàng. Anh biết Uyển Nhi đối với anh chỉ xem như bạn nên cô đối với anh tự nhiên, thoải mái trêu đùa chứ không giữ kẽ như với các bạn nam khác. Về phía Văn Nguyễn, anh xem Uyển Nhi không như những cô gái khác. Với những người mà ba mẹ anh giới thiệu đi giao thiệp, thì dù không thích cũng phải mỉm cười, ga lăng chiều chuộng; còn những cô gái không thuộc dạng làm ăn hay mai mối, thì lại chủ động tìm anh, khiến anh chạy còn không kịp, nhưng dù không thích cũng tìm cách nhẹ nhàng để giữ phép lịch sự và thể diện cho họ. Chỉ có ở cạnh Uyển Nhi, anh mới được là chính mình. Cho nên bất tri bất giác, những lúc rảnh rỗi hoặc có chuyện khó chịu trong lòng, anh lại đi tìm cô, nói chuyện phiếm một hồi là nhẹ nhõm ngay. Anh biết kiểu người như Ngô Uyển Nhi, chỉ cần anh tiến thêm một bước hay bộc lộ tình cảm gì đó, cô sẽ khép mình thành con ốc sên chạy mất. Nên thôi, “tình yêu dễ kiếm, tri kỷ khó tìm”, cứ duy trì quan hệ như vậy.

******

Chú thích:

(1) Sơn dầu Geogrian của hãng Daler Rowney: được chế tạo bằng cách thức truyền thống và hoàn toàn bằng thủ công, đảm bảo độ sệt và tính nhất quán của màu từ khi màu còn ướt đến khi đã khô, không cần chất pha màu vì vậy các họa sĩ có thể sử dụng trực tiếp sơn ngay khi bơm màu từ ống màu. Và chính điều này cho phép họ thỏa sức sáng tạo ngay tức thì.

(2) “Bay”: một loại “dao” vẽ thường được các họa sĩ đương đại sử dụng để thể hiện kỹ thuật và tạo bề mặt chất liệu.