- 🏠 Home
- Teen
- Phương Tây
- Tìm Lại Chính Mình (Airhead 1)
- Chương 6
Tìm Lại Chính Mình (Airhead 1)
Chương 6
Lần tiếp theo mình thức giấc, trời đã tối mịt. Frida đang cúi xuống dòm vào mặt mình, như thể đang nhìn một sinh vật lạ không bằng.
Vừa thấy mình mở mắt, nó hoảng hồn nhảy bắn ra xa cả mét, hai mắt mở to đầy sợ hãi.
Chưa bao giờ mình thấy Frida hoảng hốt đến như vậy.
“Sao thế?” – mình hỏi, bằng cái giọng vẫn không phải là mình, vừa thánh thót vừa… có cái gì đó đầy nữ tính – “Mặt chị bị dính gì à?”.
Mình giờ ta lên sờ quanh mặt. Ô hô, sao hôm nay da mặt mình mịn màng thế nhỉ. Không ngờ nằm viện có mấy ngày mà da mình đã cải thiện rõ rệt như thế. Không còn dấu vết của một cái mụn trứng cá nào. Đúng là thần kỳ!
“Ở đây có nước hay thứ gì uống được không?” – mình có cảm giác như cả tháng nay mình không được giọt nước nào vào miệng rồi ý. Khát khô cả cổ. Có lẽ vì thế mà giọng mình nghe mới khác đến vậy.
“N-nước ý ạ?” – Frida ngập ngừng – “Chị muốn uống n-nước ạ?”
“Ờ” – mình gật đầu.
Mình tính ngồi dậy một chút cho nó khỏe người nhưng…
Sai lầm nghiêm trọng! Mấy cái máy quanh mình lập tức rú lên inh ỏi. Toàn bộ đám dây dợ trên người như muốn kéo giật mình trở lại xuống gối.
Chưa kể đầu mình đau như búa bổ ngay khi mình vừa định ngóc đầu lên.
“Em không nghĩ là…” – Frida hoảng hốt – “Em nghĩ là chị chưa nên cố ngồi dậy vội”.
“Ừm, chị cũng nghĩ thế” – mình uể oải nói. Mình giơ tay sờ lên đầu và phát hiện ra có cả đống dây loằng ngoằng đang dính vào đầu mình bằng băng dính. Mình tiện tay rút đại một cái ra. Không có tiếng bíp bíp nào cả.
“Em nghĩ chị không nên làm như vậy” – giọng Frida đầy e dè.
“Không sao đâu” – mình lần lượt bóc từng cái băng dính ra. Tất nhiên mình không biết rồi sẽ có chuyện gì không nhưng quan trọng là mình không muốn dính với đám máy móc này thêm một phút nào nữa. Mình cảm thấy khỏe rồi mà. Trừ mỗi cái đầu hơi biêng biê một chút và cái cổ họng khô rát.
“Quanh đây có nước không thế?” – mình hỏi Frida – “Em nghe giọng chị có thấy lạ không?”.
Nhưng Frida chỉ đứng trơ khấc ra một chỗ, mắt rưng rưng như muốn khóc.
Giờ để ý kỹ mới thấy mấy hôm nay Frida không hề chải chuốt, ăn diện như thường ngày. Tóc nó buộc túm một cách cẩu thả phía sau gáy, khuôn mặt thì nhợt nhạt không phấn son, còn quần áo thì không thể lôi thôi hơn. Thay vì bộ cánh xì tin 9X như mọi khi, hôm nay cô nhóc mặc mỗi cái áo len cũ của mẹ cùng chiếc quân bò bạc phếch của mình.
Chính điều này đã khiến mình thấy có gì đó hơi bất an, hơn cả việc Gabriel Luna mua tặng hoa hồng cho mình, hay chuyến viếng thăm kì kạ của Lulu Collins. Bởi Frida luôn chăm chút cho vẻ bề ngoài của bản thân từ khi nó còn rất nhỏ. Không bao giờ nó ra khỏi nhà khi khi chưa chuốt mascara. Một mụn đầu đen trên mũi thôi cũng đủ khiến nó ăn uống ngon, ngủ không yên. Vậy mà bây giờ trông bộ dạng nó nhếch nhác thế này đây, mặt mũi thì bơ phờ không phấn không son.
“Này” – mình vẫy tay hỏi – “Có chuyện gì thế? Trông mặt em như thể danh sách thí sinh lọt vào cuộc thi Thần tượng âm nhạc Mỹ đã chốt rồi không bằng”.
“Em…” – Frida chớp mắt là nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt nó – “Em chỉ là không dám tin… đây là chị”.
“Ơ cái con này, không là chị thì là ai?” – con nhóc này đúng là có vấn đề thật rồi. Mình luôn cho rằng Frida tốn quá nhiều thời gian ám ảnh vẻ bề ngoài của mình, thay vì bỏ thời gian để đọc sách, thậm chí là truyện tranh. Nhưng phản ứng thế này thì quả là có hơi quá. Trông nó bây giờ nhợt nhạt như xác người chết trôi ý.
Nghe thấy vậy Frida bật òa khóc nức nở. Khóc như chưa bao giờ được khóc.
“Thôi nào. Nói chị nghe xem có chuyện gì nào” – mình vỗ về cô em gái nhỏ.
“Ồ, xem ai vừa thức giấc này?” – một giọng nói sang sảng vang lên từ phía cửa khiến cả hai chị em giật nẩy cả mình. Mình nghiêng đầu sang một bên và thấy bác sỹ Holcombe cùng bố mẹ hớn hở bước vào phòng. Gương mặt bố mẹ lộ rõ vẻ mừng rỡ khi thấy mình đã thức giấc.
“Chị ý… chị ý muốn uống nước” – Frida mặt tái xanh như vừa bị bắt quả tang đang làm việc xấu không bằng.
“Bác nghĩ giờ chúng ta có thể đáp ứng yêu cầu đó rồi” – bác Holcombe vui vẻ nói – “Cháu giúp bác ra bảo mấy cô y tá lấy cho một bình nước và một cái cốc nhé Frida!”
Nghe thấy vậy con bé mừng húm, vọt thẳng ra cửa và cắm đầu chạy một mạch. Làm như thể vừa thoát hang hùm không bằng. Bác sỹ Holcombe phát hiện ra mấy mẩu băng dính vứt lăn lóc trên gối – dây vẫn còn dính nguyên – mà mình vừa bóc ra, liền chậc chậc lưỡi. “Xem nào, xem nào” – trong khi tay bác ấy thoăn thoắt dán lại cái dây lên trán mình – “Bác thấy mừng là cháu thấy khỏe hơn rồi nhưng đừng khẩn trương cô bé quá. Cháu vẫn còn đang rất ốm cô bé ạ”.
“Cháu chẳng thấy đau nhức chỗ nào cả” – mình cãi lại – “Trừ cái đầu. Nhưng chỉ một chút thôi ạ”.
Mình quay sang nhìn bố mẹ cầu cứu. Rõ ràng ông bác sỹ này đang nghiêm trọng hóa mọi việc lên. Mình cảm thấy bình thường mà. Nếu bị ốm thì mình phải biết chứ?
Nhưng bố và mẹ trông vẫn đầy lo âu và căng thẳng.
“Con yêu, con phải làm theo những gì bác sỹ Holcombe dặn” – mẹ vuốt nhẹ cánh tay mình động viên – “Bác ý biết phải nên làm gì”.
Đành rằng là vậy nhưng…
“Con bị bệnh gì thế ạ? Chuyện gì đã xảy ra?”
“Các bác sỹ đã phải cho con dùng một loại thuốc đặc trị liều cao vì thế con có thể thấy hơi buồn ngủ” – bố giải thích. Trông mặt bố lúc này như thể ai ép bố phải cố tỏ ra tươi tỉnh, làm như không có chuyện gì trước mặt mình. Không biết tại sao nhưng mình có cảm giác như vậy.
“Đúng thế” – bác Holcombe xen vào – “Và nếu may mắn chúng ta có thể sớm giảm dần liều lượng thuốc xuống. Nhưng hiện tại bây giờ thì chưa”.
Hoá ra bao lâu nay mình đã bị dùng thuốc ngủ. Hèn gì mình luôn trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh thế này. Không bị ảo giác mới lạ!
Nhưng còn đám hoa hồng trên bậu cửa sổ kia thì làm sao? Không thể coi đó là ảo giác được.
“Bao lâu cơ ạ?” – mình hỏi.
“Bao lâu thì chúng ta có thể giảm liều lượng thuốc ý à?” – bác Holcombe lúi húi mở cái bệnh án dầy cộp trên tay – “Cũng khó xác định chính xác…”
“Không, ý cháu là đã nằm viện bao lâu rồi ạ? Cháu đã bỏ bao nhiêu buổi học rồi?”.
“Con không phải lo về chuyện đó, Em ạ” – bố vẫn nói bằng giọng giả vờ vui vẻ – “Bố mẹ đã nói với các thầy cô giáo của con và…”
Cái gì??? Bố mẹ đã tới trường và gặp các thầy cô của mình? Ôi Chúa ơi! Tại sao chuyện này không phải là ảo giác thay cho chuyện Lulu Collins nói cô ấy là bạn thân nhất của đời mình?
“Thực sự là bao lâu rồi ạ?” – mình hỏi lại, giọng hơi run run.
“Cũng không lâu lắm đâu” – bác Holcombe mỉm cười nói – “Chỉ hơn một tháng thôi”.
“Một tháng ý ạ?’ – mình suýt nữa thì ngồi phắt dậy, nếu không phải bị đám dây dợ kéo ngược trở lại và mấy cái máy đầu giường lại kêu inh ỏi, nhất là cái máy đo nhịp tim. Chắc là tại khi ấy tim mình đập liên hồi do nghĩ tới lượng bài vở phải học đuổi theo mọi người trong lớp. Đột nhiên mình thấy chóng hết cả mặt. Đầu óc quay cuồng.
Đúng lúc đó Frida đẩy cửa bước vào, trên tay là cái bình nước và một cái cốc. Hình như con bé tưởng mình đang lên cơn đột quỵ hay gì đó. Mặt mũi nó tái mét, toàn thân như hóa đá nơi bệ cửa.
“Có phải chh-chị ý… Chị ý…” – Frida lắp bắp nói không ra hơi.
“Chị không sao” – mẹ dùng tay ấn người mình nằm xuống – “Em, thôi đi nào. Con còn nhiều điều quan trọng hơn cần lo lắng, chứ không phải chỉ là chuyện bài vở ở trường đâu”.
Mẹ, đùa à? Ngoài chuyện ở trường học ra thì còn cái gì quan trọng hơn nữa chăng nữa chứ?
“Con sẽ không chịu học lại đâu!” – mình khăng khăng nói – “Sẽ không có chuyện con phải học lại lớp 11 đâu!”.
“Không, sẽ không có chuyện đó đâu!” – mẹ vỗ về mình – “Em, làm ơn đi con. Bình tĩnh nào. Bác sỹ, ông có thể cho cháu nó một chút…”
“Ối không” – mình hét ầm lên – “Đừng có bắt con ngủ nữa! Con muốn có cái laptop của con! Ai đó về nhà và mang cho con cái laptop đến đây để con còn ôn bài. À mà cái phòng này có wifi không
“Nào, nào” – bác Holcombe khẽ lắc lắc đầu – “Cháu phải làm từng thứ một không thể ngay lập tức như thế, cô bé ạ. Frida, mang cho bác cốc nước tới đây”.
Frida, vẫn nhìn mình như nhìn sinh vật lạ, từ từ bước tới run run rót nước đưa cho bác sỹ.
“Dạ, đ-đâyy ạ”.
Mình chìa tay ra đón lấy cốc nước. “Cám ơn em. À, cám ơn cả về bộ móng tay nữa. Không ngờ em khéo tay thế”.
“Em… Em đâu có làm móng gì cho chị đâu’ – Frida ngạc nhiên nói.
“Vậy sao” – mình đưa cốc nước lên miệng. Vừa nằm vừa uống thế này quả đánh đố người khác. Chẳng hiểu sao mình đưa chệch cốc nước thế nào mà làm đổ cả cốc nước đó vào cổ và quần áo bệnh viện.
Điên tiết, mình cáu nhặng hết cả lên. “Cái quái gì thế này?”.
“Từ từ nào” – bác Holcombe rút vội cái khăn tay lau cổ cho mình – “Cháu đã hiểu ý của bác chưa? Phải từ từ làm từng việc một, không thể hấp tấp được. OK? Bài tập ở trường có thể đợi. Giờ cháu muốn thử uống lại không?”.
Mình thật thê thảm, đến uống nước còn để rớt ra ngoài.
Lần này thì mẹ giúp mình đưa cốc nước lên miệng và cuối cùng thì mình cũng thỏa được cơn khát lâu ngày. Đây quả là cốc nước lạnh tuyệt vời nhất mà mình từng được uống.
“Đấy, vậy là được rồi. Cháu có muốn thử ăn chút gì đó không?”
Chỉ từ ăn thôi cũng đủ khiến bụng mình sôi lên òng ọc. Mình vội gật đầu lia lịa và điều đó khiến bác Holcombe mỉm cười đầy hài lòng.
“Frida” – bác quay qua gọi – “Cháu chạy xuống căn tin bệnh viện và mua món gì đó mà chị cháu vẫn thích nhé. Cháu cảm thấy thích ăn gì hả Emerson?”
“Tôi biết cháu nó thích ăn gì” – mẹ vội xen vào – “Một cốc kem đá bào mát lạnh. Đúng không, Em?”
“Kèm theo bánh chíp sô-cô-la nữa” – bố hào hứng kể thêm.
“Chị có muốn thế không… Em?da hỏi dò.
Thật kì lạ, nhưng đó không hẳn là thứ mình thèm ăn lúc này.
“Tất nhiên rồi” – mình nói bừa. Trước giờ mình chưa bao giờ nói không với kem đá bào và bánh chíp cả. Trừ hôm nay.
Cũng may là mình nói có bởi ngay khi vừa nghe thấy mình nói vậy Frida đã nhoẻn cười rất tươi. Đây là lần đầu tiên kể từ khi mình tỉnh dậy con bé mới nở một nụ cười. “Em sẽ quay lại ngay” – nói rồi con bé tung tăng chạy ra ngoài.
Chưa bao giờ thấy Frida vui vẻ làm việc gì giúp mình đến thế. Cộng thêm sự căng thẳng trên nét mặt của bố và đôi mắt rưng rưng như sắp khóc của mẹ, chứng tỏ mình đã phải bị thương rất nặng.
“Cho con biết đi” – mình quay qua hỏi mẹ – “Tại sao con ở đây? Có phải con bị tai nạn không? Không lẽ là tai nạn tàu điện?”.
Mẹ nhíu mày. “Con không nhớ gì sao? Chuyện con tới trung tâm Stark ý?”.
Mình, đến trung tâm Stark á? Anh chàng Gabriel cũng nhắc gì đó tới trung tâm Stark. Một buổi khai trương. Mình chỉ nhớ mang máng nhưng không hề rõ nét, hơn nữa càng cố nhớ lại thì mình càng có cảm giác nó như muốn tuột ra khỏi tầm với của mình…
“Chúng ta không cần phải nói về chuyện đó bây giờ” – bác Holcombe vội cắt ngang lời mẹ – “Hãy tập trung làm sao để cho cháu khỏe lên đã”.
“Nhưng cháu nghỉ học lâu quá rồi. Không lẽ cháu bị hôn mê sao?”.
“Ừm… vụ tai nạn đó không hề khiến con bị hôn mê” – mẹ nhẹ nhàng giải thích – “Bác sỹ Holcombe đây đã đưa con vào trạng thái hôn mê bằng thuốc để con có thể lành bệnh một cách nhẹ nhàng hơn, mà không phải chịu đau đớn. Mấy ngày vừa qua, bác ý đã từng bước đưa con thoát khỏi trạng thái hôn mê đó để xem tiến triển bệnh của con như thế nào”.
“Vấn đề là con bị thương ở chỗ nào? Bởi vì con cảm thấy rất khỏe trừ cái đầu ra. Và giọng nói nữa. Mẹ có thấy giọng con nghe buồn cười không?”.
Bố mẹ quay sang nhìn bác sỹ Holcombe. “Emerson, sự thật là vết thương của cháu cực kỳ nghiêm trọng. Các bác đã phải dùng một phương pháp để cứu mạng sống cho cháu. Bởi vết thương mà cháu gặp phải thực sự là một vết thương chí mạng
“Nhưng cháu vẫn sống sờ sờ đây mà” – mình chớp mắt ra điều không hiểu.
“Chính nhờ phương pháp điều trị đặc biệt kia đó con” – bố nói.
“Phải thừa nhận một điều, sự hồi phục nhanh chóng của cháu quả là vượt quá mong đợi của các bác. Mọi người đã không hề hy vọng là cháu lại có thể nói chuyện, cử động và nhận thức hoạt bát được như vậy. Cứ ngỡ sẽ phải mất hàng tuần, thậm chí là hàng tháng nữa cơ. Không ai dám chắc 100% về kết quả của ca phẫu thuật này. Cháu sẽ thấy nhiều thứ – ví dụ như giọng nói – của cháu sẽ không còn giống như trước đây”.
“Do đó con phải tuyệt đối nghe theo lời dặn của bác sỹ và y tá” – bố nhắc.
“Nhất là không được tháo mấy cái máy cảm ứng này ra” – bác Holcombe dính nốt một cái dây còn sót lên thái dương mình”.
“Và không bài tập bài tiếc gì cả” – mẹ ngừng khóc và đang cố gượng cười – “Con hiểu chứ? Đầu tiên con phải tập trung sao cho khỏe lên đã. Sau đó chúng ta sẽ tính tiếp tới chuyện ở trường”.
“Vầng” – mình xịu mặt xuống. Tại sao mọi người lại đối xử với mình như một đứa con nít học lớp 1 thế nhỉ? – “Nhưng… con ở đây đã một tháng rồi cơ á? Ít ra cũng cho con gọi điện cho Christopher và hỏi thăm sự tình ở trường thế nào cái đã! Cậu ấy hẳn đang rất lo lắng không biết con biến đi đâu. Con là bạn duy nhất của cậu ấy mà…”
Vẫn chẳng ai chịu nhúc nhích đi lấy cho mình cái điện thoại, ngoài việc lặp đi lặp lại câu “con cần phải nghi ngơi, Christopher vẫn khỏe” và rằng mình sẽ sớm được thấy cái laptop của mình. Bác Holcombe đã gọi một cô y tá vào tháo bớt một số dây đang cắm trên người mình ra (hóa ra không phải tất cả đều được dính bằng băng dính). Ơn Chúa, cuối cùng cũng thoát được mấy cái máy cứ động tí là réo lên inh ỏi.
Khi Frida quay lại với cốc kem đá bào và bánh chíp mọi người có vẻ quay lại đối đãi với mình giống một người bình thường hơn là một bệnh nhân vừa thoát chết sống lại.
“Của chị đây” – Frida trộn đều cốc đá bào lên và đặt vào cái khay cô y tá đã chuẩn bị từ trước cho mình. Bên cạnh ly đá bào là một cái bánh sô-cô-la to đùng, món khoái khẩu hằng ngày của mình. Nếu để tự nhiên một mình mình cũng xơi được tới 4-5 cái.
Ấy vậy mà chỉ riêng cái ý nghĩ phải đưa cái thứ đồ ngọt kinh người kia vào miệng cũng đủ khiến mình thấy nôn nao. Thật lạ! Bình thường cứ thấy món tráng miệng này là mắt mình sáng hết cả lên cơ mà!
Trong khi đó mọi người – mẹ, bố, Frida, bác sỹ Holcombe, ba cô y tá luôn túc trực quanh phòng mình và chú bảo vệ mình từng nhìn thấy trong ảo giác mấy hôm trước (không thể có chuyện Lulu Collins tới thăm mình… cùng con chó bông cún của Nikki Howard được) – đều như đang nín thở chỉ chờ xem mình đút thìa kem Frida vừa mua vào miệng.
Vì thế mình chẳng còn cách nào khác, đành bấm bụng xúc một thìa đầy từ từ đưa lên miệng. “Ừmmmm”.
Tất cả đồng loạt thở phào nhẹ nhõm. Và mỉm cười. Thậm chí mấy cô y tá và chú bảo vệ còn quay qua vỗ tay chúc mừng nhau.
Mình vớ vội lấy cốc nước đặt cạnh đó tu một hơi thật lâu. Sao mà cốc kem đó ngọt thế không biết? Kinh không thể tả được!
Chuyện gì đã xảy ra với mình thế này? Từ bao giờ mình quay ra ghét kem đến vậy?
Ông bác sỹ này đã làm gì với mình thế này?
Thật may, không ai để ý thấy thái độ khác thường đó của mình. Bởi mọi người còn đang mải hớn hở chúc tụng nhau trước sự tiến triển nhanh của mình.
Mình bị thương ở đâu? Mình đã gặp phải chuyện gì? Tại sao mọi người lại mừng rỡ đến như vậy khi thấy mình uống được nước, và ăn được kem?
Chính xác thì liệu pháp “đặc biệt” mà họ đã dùng để chữa trị cho mình là gì?
Bác Holcombe đã đúng ở một điều: mình bắt đầu nhận thấy có một số thứ khác hẳn với trước khi xảy ra sự cố gì đó.
Không chỉ một chuyện mình không thích ăn kem nữa. Điều lạ lùng nhất đó là cái cách mọi người trong gia đình cư xử trước mặt mình… như thể họ không hề quen biết mình.
Như thể… mình biết nói ra thì nghe có vẻ hơi điên – nhưng như thể mình là một người khác vậy.
- 🏠 Home
- Teen
- Phương Tây
- Tìm Lại Chính Mình (Airhead 1)
- Chương 6