- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Trọng Sinh
- Tìm Lại Anh Và Một Lần Nữa Yêu Anh
- Chương 6: Đi học
Tìm Lại Anh Và Một Lần Nữa Yêu Anh
Chương 6: Đi học
Sáng thứ hai bố lại đạp xe đi làm từ sớm. Chi Nga tỉnh dậy, tự đi rửa mặt thay quần áo. Anh trai đi học rồi. Mẹ phần cho cô hai bắp ngô làm đồ ăn sáng. Vừa gặm ngô Chi Nga vừa nghĩ, đã bao lâu rồi cô mới có lại cuộc sống nhàn nhã này? Mới cách đây chưa lâu ngày nào cô cũng quay cuồng với công việc, ngày nào cũng chỉ có hai điểm đến là nhà và bệnh viện. Cô luôn than thở là không có thời gian để đọc mấy cuốn tiểu thuyết ngôn tình mà cô thích. Chả ngờ bây giờ cô lại rảnh đến mức cả ngày ngồi nói chuyện với kiến, chán đến mức xòe tóc ra đếm sợi.
Vừa gặm xong bắp ngô, thấy ngoài cổng lố nhố ba cái đầu nhòm vào, có đứa bé gái chắc cũng sáu, bảy tuổi nhìn thấy Chi Nga thì cười cười vẫy tay. Chi Nga quen cô nhóc này sao? Thấy cô trừng mắt nhìn mình, con bé cũng ngượng ngùng thu tay lại, quay sang nói gì đó với hai đứa còn lại. Đúng lúc ấy mẹ từ bếp đi ra, thấy thế thì cười cười, kéo Chi Nga từ trên hè xuống đẩy ra ngoài cổng.
“Con đi chơi với các bạn đi.”
Chi Nga vô cùng muốn phản đối nhưng có đứa trẻ sáu tuổi nào lại từ chối đi chơi không nhỉ? Cô đành giả bộ tươi cười chạy ra cổng.
Hóa ra mấy đứa nhóc này là bạn hồi nhỏ của Chi Nga, nhưng cô không có ấn tượng gì nhiều về ba người này. Chỉ mang máng nhớ được người vẫy tay gọi cô tên là Hường. Hai cô nhóc này đều bằng tuổi Chi Nga, thằng nhóc thì hình như hơn Chi Nga một tuổi. Nửa năm sau gia đình Chi Nga chuyển lên thị trấn, sau đó không còn chơi với mấy người bạn này nữa, đó là lý do Chi Nga không nhớ nhiều về họ.
Mấy đứa nhóc dắt Chi Nga vào vườn chuối nhà thằng Cường ở xóm trên chơi trò làm nhà. Muốn chơi làm nhà phải cắt lá chuối làm lá lợp, bẻ que làm khung nhà. Thằng Cường thường trông nhà, thấy trẻ con đến chơi là đuổi cút. Nó hơn tuổi mấy đứa Chi Nga, lại to con nên đứa nào cũng sợ nó. Nhưng dạo trước trước ông nội Chi Nga vừa nện cho thằng nhóc đó một trận vì dám bắt nạt anh trai cho nên nhìn thấy Chi Nga thằng nhóc không dám đuổi. Chỉ sợ động phải cô thì ông nội cô lại tới nhà trói nó vào cột nhà, rồi bố mẹ lại nện cho nó một trận. Vì thế mà đám nhóc này muốn chơi ở vườn nhà thằng Cường thì nhất định phải rủ Chi Nga.
Làm nhà chán, hai người bạn nhỏ một người tên Hường, một người Chi Nga mới biết tên là Huệ nhặt được mấy cái nắp nước ngọt và nắp bia làm bát. Cậu nhóc duy nhất trong nhóm tên Dương cười hì hì đem “bảo vật” ra khoe. “Bảo vật” là một lưỡi dao lam cạo râu đã dùng đến cùn của bố Dương. Có dao cắt, có bát đĩa, bốn đứa: ba trẻ con, một đang giả làm trẻ con lại quay sang nhặt cỏ, hoa chuối thái thái nấu nấu chơi trò nấu cơm.
Nhìn khuôn mặt ngây thơ hoạt bát của ba người bạn nhí, Chi Nga không nén nổi tiếng thở dài. Trẻ con sau này đúng là đánh mất tuổi thơ. Cu Tít với bé Mít con anh Kha lúc sáu tuổi đều đi học cả ngày để ôn thi vào lớp một. Nếu không học nghiêm chỉnh thì không thể vào được trường điểm. Có chút thời gian rảnh thì chị dâu lại cho hai đứa nhóc đi học thêm. Ai đời, thân làm cô như Chi Nga mà tới nhà thăm cháu năm lần thì may ra gặp được một lần vì lần nào cháu nó cũng đi học. Chẳng biết giáo dục như thế bọn trẻ sau này sẽ tốt đến đâu nhưng hẳn là chúng sẽ rất tiếc nuối vì không có thời gian chơi đùa khi còn bé.
Tiếng í ới gọi của mấy bà mẹ cắt đứt dòng suy nghĩ của Chi Nga. Nhanh như thế đã đến giờ cơm rồi sao? Không ngờ một đứa ghét trẻ con như mình lại có thể chơi cả buổi sáng với mấy đứa nhóc này. Chi Nga vừa cười vừa lắc đầu đi về phía hướng gọi của mẹ. Tiếng gọi của các bà mẹ trước bữa cơm có lẽ là điểm đặc trưng của các miền thôn quê.
Rửa tay xong đi vào bếp, anh trai đang ê a đọc bài thơ
Thương ông
cho ông nghe.
“Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy…”
Thấy anh trai ngập ngừng, có vẻ không thuộc lắm, Chi Nga nhanh nhảu đọc tiếp:
“Khập khiễng khập khà
Bước lên thềm nhà
Chân bước khó quá…”
Anh trai quay sang phấn khích.
“Đúng, đúng rồi. Anh nhớ mãi không ra cái câu
Khập khiễng khập khà.”
Ông và mẹ thì ngạc nhiên nhìn Chi Nga. Chi Nga chột dạ, đổ mồ hôi hột trong lòng. Mẹ hỏi:
“Sao con biết bài thơ này vậy?”
Cô phải giả bộ ngây thơ nói:
“Tối hôm qua con nghe anh Kha đọc mà.”
Thấy Kha định mở miệng nói bài này sáng nay anh mới được học thì Chi Nga đã dúi vào tay anh hai viên tròn tròn. Không cần nhìn xuống cũng biết là hai viên kẹo bòn bon nên Kha ngậm chặt miệng lại. Tối qua có đọc bài kia hay không đâu có quan trọng, có kẹo ăn là được rồi. Kha thấy lạ là sau cái hôm sốt cao ấy, em gái nó dường như thay đổi. Mà thay đổi như thế nào thì khó nói lắm. Hình như là… khôn hơn thì phải. Lâu rồi Kha không có bắt nạt được con nhóc này.
Tiếng của mẹ vang lên đầy ngạc nhiên:
“Con nghe đọc thôi cũng thuộc sao?”
Chi Nga tươi cười gật đầu. Mẹ quay sang ông nội cảm than:
“Biết vậy năm nay con cho con bé đi học luôn rồi.”
Ông cũng cười quay sang xoa đầu Chi Nga khen giỏi. Chi Nga sinh cuối năm, nên đầu năm học này đi học thì còn thiếu đến năm, sáu tháng mới đủ sáu tuổi. Mẹ sợ đi học sớm nên để năm sau mới cho đi học. Mắt Chi Nga chợt sáng lên. Sao cô lại không đi học nhỉ? Mấy ngày nay cô đã chán ở nhà đến phát ngấy rồi. Tivi ngày chỉ phát có bốn tiếng và có độc một kênh duy nhất, không sách báo, không internet. Ngày nào cô cũng ngồi ngốc từ sáng đến tối. Lâu lâu chơi với bọn trẻ con một tí thì thấy mới lạ, chứ ngày nào cũng bắt cô chơi làm nhà với nấu cơm chắc cô sớm điên mất. Cô đã hai tám, là hai tám tuổi rồi đấy.
Ăn trưa xong, mẹ lấy cặp xách ra chuẩn bị đi dạy. Chi Nga chạy theo tóm yên xe đạp làm mẹ phải ngoảnh đầu lại.
“Cho con đi học, cho con đi học đi mẹ!”
Mẹ cười cười xoa má cô.
“Năm sau sẽ cho con đi.”
“Không cho con đi, cho con đi bây giờ đi mà!”
Mẹ chỉ cho là con nít làm nũng, kêu Kha lôi em gái vào ngủ trưa còn mình thì leo lên xe đạp đi dạy. Chi Nga không ngủ nổi, cô chán quá đành lôi đống sách vở lớp một của anh trai từ dưới đáy tủ sách ra, bày đầy giường. Kha thấy em gái lục lọi đồ thì hé mắt nhìn, hỏi:
“Lại muốn anh dạy học à? Được mấy hôm thì ném sách?”
“Trước anh dạy em học à?”
Kha làu bàu nói:
“Sao dạo này hay quên thế?”
Đúng rồi, bây giờ Chi Nga mới nhớ, mẹ bận rộn vì thế luôn bắt anh trai trông cô. Anh trai rất hay lôi sách báo ra đọc cho cô nghe. Rảnh rang thích chơi trò thầy giáo, còn lôi sách lớp một ra dạy cô. Chi Nga còn biết đọc trước khi đi học cơ, điều này khiến mẹ khi đó vô cùng ngạc nhiên. Nhưng mà anh trai dạy đến lúc nào thì cô mới biết đọc? Bây giờ đã biết đọc hay phải đầu năm học sau? Chi Nga vớ lấy cuốn sách tập đọc lớp một. Bỏ qua đoạn ghép vần, trực tiếp mở một đoạn văn.
“Anh Kha xem em đọc đoạn này có đúng không nè?”
Chi Nga lay lay vai anh trai. Kha dụi dụi mắt, lật người, nửa nằm nửa bò nhìn vào cuốn tập đọc. Máu làm thầy giáo lại nổi lên.
“Đọc sai anh vụt thước kẻ đấy!”
Chi Nga dạ thật to rồi, giả vờ chầm chậm đọc hết đoạn văn mẫu.
Trái với suy nghĩ của Chi Nga là Kha sẽ ngạc nhiên, anh trai chỉ nhíu nhíu mày rồi nói:
“Sao lại đọc tốt hơn tháng trước nhỉ? Chả sai từ nào. Rõ là cả tháng trước em không học mà?”
Thấy không bắt được lỗi nào của Chi Nga, Kha chán nản xoay người nằm ngủ tiếp. Chi Nga như mở cờ trong bụng. Hóa ra ở độ tuổi này cô đã biết đọc rồi sao? Cô có lên cười lớn vỗ ngực tự phụ không đây? Thế mà hơn tháng này cô phải giả vờ làm người mù chữ.
Năm học đã sắp hết một học kỳ rồi nhưng học sinh lớp một thời này ngoài yêu cầu biết đọc, biết ghép vần, đếm được đến 100 và làm phép tính cộng trừ trong phạm vi 20 là đạt. Vậy thì cô có thể nhảy vào học lớp một bất cứ khi nào. Điểm thuận lợi là mẹ cô lại là giáo viên ở trường tiểu học duy nhất trong xã này.
Buổi chiều mẹ về sớm. Thấy trên giường ở phòng khách bày la liệt sách vở. Mẹ túm lấy cái chổi ở góc nhà nện hai cái vào tường.
“Kha, sao lôi hết sách vở ra thế? Về nhà dọn giường cho ông nội ngay!”
Kha đang chơi bắn bi cách đó không xa chạy vội về, cau có nói:
“Chi Nga, không phải con. Con bé lôi sách vở ra từ trưa đến giờ.”
Lúc này mẹ mới chú ý, trong đống sách vở là đứa con gái nhỏ bé của bà, đang ngồi xổm cầm bút chì tập tô. Bà dịu giọng hỏi:
“Chiều mẹ không cho đi học, nên tự học ở nhà hả?”
Chi Nga cười khanh khách, đáp “vâng ạ”. Mẹ ngồi xuống nhìn nhìn quyển tập tô cũ của Kha, không nhìn ra được chữ nào do Kha viết, chữ nào do Chi Nga viết nên không thấy ngạc nhiên. Hơn nữa, thân thể nhỏ bé này lần đầu cầm bút nên Chi Nga có cố viết thế nào thì chữ cũng không đẹp, có chút run rẩy như mới tập viết. Mẹ lại hỏi:
“Thế ở nhà Chi Nga tự học được gì rồi?”
“Con không tự học, anh Kha dạy con học!”
Mẹ cười lại càng tươi. Anh trai thì hai mũi phổng lên. Chi Nga lật sách ra đọc một đoạn văn cho bà nghe. Lúc đầu bà không chú ý vì tưởng Chi Nga học vẹt, nhưng sau đó thì kinh ngạc khi nhận ra là con gái mình biết đọc thật. Vừa lúc đó chú út đi vào tìm ông. Mẹ lắp bắp nói:
“Chú, chú xem, Chi Nga nó… nó biết đọc này!”
Chú út không tin lắm, xé mảnh báo bọc túi đồ trên bàn thờ, chỉ chỉ vào ý muốn bảo Chi Nga đọc. Chi Nga cầm cầm tờ giấy, giả bộ nghĩ nghĩ. Khi mà cả mẹ và chú út đều cho rằng Chi Nga quả nhiên học vẹt thì cô bắt đầu chầm chậm đọc.
“… tìm người… thân… tên là… bỏ nhà ra đi vào ngày… khi đi mặc áo trắng quần ka ki… ai tìm thấy xin liên hệ…”
Nhìn ánh mắt kinh ngạc và vui mừng của mẹ và chú út, Kha bĩu bĩu môi nói:
“Là con dạy em đấy, em còn đọc được hết bảng cửu chương rồi.”
Chi Nga bĩu môi nghĩ trong bụng: mấy hôm trước thấy anh trai đọc sai bảng cửu chương nên mới tốt bụng nhắc nhở, sao qua miệng anh trai lại là cô được anh trai dạy? Thôi, vậy cũng tốt, đỡ phải giải thích sao cô biết đọc, biết làm toán.
Mẹ xoa đầu hai đứa luôn miệng khen “giỏi”. Chi Nga mè nheo nói:
“Cho con đi học đi mẹ, đi mà!”
Vừa nói Chi Nga vừa đưa ánh mắt cầu xin sang chú út. Tốt xấu gì thì mấy hôm trước cô cũng trông bé Thanh cho chú cả buổi, phải ủng hộ cô chứ?
Chú út cười hì hì.
“Học hết lớp một cũng chỉ biết đến thế này thôi. Chị cho cháu nó đi học đi, nó đang thích!”
“Nhưng bây giờ đã kết thúc một kỳ rồi.”
Chi Nga lại mè nheo.
“Mẹ dạy ở trường mà, cho con đi học, đi mà!”
Mẹ nói chuyện với chú một lát sau đó nấu cơm. Tối tắm rửa cho Chi Nga xong thì mẹ đặt Chi Nga và Kha lên xe đạp, đạp lên thị trấn và dừng lại ở một bưu điện nhỏ. Mẹ cho hai anh em Chi Nga vào buồng điện thoại cùng mẹ. Hóa ra mẹ gọi điện cho bố. Mẹ giải thích cho bố chuyện muốn cho Chi Nga đi học sớm rồi đưa máy cho Chi Nga. Đầu dây bên kia là giọng nói ấm áp của bố.
“Chi Nga muốn đi học hả?”
“Vâng ạ!”
“Vậy phải ngoan, không được làm mẹ giận nhé?”
“Vâng ạ!”
Vậy là việc đi học của Chi Nga được quyết định. Giữa tháng mười hai Chi Nga được cho vào học lớp 1B trường tiểu học Ngọc Thiện. Mẹ nói với cô giáo chủ nhiệm tên Triển, cũng là bạn thân của mẹ là cho Chi Nga “học nhờ” vài buổi. Sỹ số lớp không có tên cô. Mẹ muốn quan sát thêm việc học của Chi Nga, dù sao xen ngang vào học giữa năm thế này cũng khó nói.
Vì Chi Nga biết đọc và biết làm tính rồi cho nên việc theo học không gặp khó khăn gì. Trong lớp còn nhiều bé chưa ghép vần thành thạo thì Chi Nga đã đọc trôi chảy, cho nên cô giáo cứ trách mẹ sao không cho Chi Nga đi học sớm. Thấy Chi Nga dễ dàng theo học, mẹ cũng có chút sốt ruột nghĩ cách nói chuyện với hiệu trưởng để cô được nhập học chính thức.
Vài hôm sau lớp có người dự giờ đột xuất. Đoàn dự giờ có một nhân viên của huyện, có hiệu trưởng, hiệu phó nên cô giáo Triển vô cùng lo lắng và áp lực. Học sinh thì lại khác, nếu cô Triển có thời gian chuẩn bị và nhắc nhở học sinh một chút thì có lẽ chúng còn cảm thấy chút áp lực. Còn bây giờ mấy đứa trẻ con chỉ thấy tò mò, chốc chốc lại quay lưng nhìn mấy người lớn đằng sau.
Cô Triển cầm phấn viết tên bài tập đọc, nhưng chắc vì run mà làm rơi phấn. Cô luống cuống cúi xuống nhặt. Chi Nga ngồi bàn đầu nhanh tay nhặt phấn đưa cho cô, không quên cười một cái thật ấm áp động viên cô. Nghe nói cô Triển học chế độ 10+2 ngày xưa, tức là học mười năm phổ thông, rồi học tiếp hai năm nghề sau đó dạy học. Mà thời gian gần đây bộ giáo dục đang muốn thay thế dần số giáo viên này. Do đó cô Triển có áp lực lớn, sợ bị mất việc.
Bài đọc hôm đó là bài
Cánh đồng. Người đọc trôi chảy nhất lớp này không ai khác là Chi Nga. Nhưng Chi Nga không phải là học sinh chính thức của lớp, dù những người dự giờ không biết nhưng cô giáo Triển cũng không dám gọi cô đọc bài. Một bạn gái ngồi giữa lớp được gọi đọc. Giọng không to lắm, thỉnh thoảng vấp mấy từ. Bài đọc độ nửa trang giấy nhưng cũng mất đến năm phút mới đọc xong. Thấy cô Triển thở phào một cái, Chi Nga thầm nghĩ hóa ra tiêu chuẩn cũng không cao. Bé Tít nhà anh Kha sau này, lớp một đã có thể đọc rất nhanh và rõ rồi.
Tiếp đó cô Triển ghi ra một số từ trong bài đọc, sau đó gọi các bạn lên đọc lại và mỗi bạn đặt câu với một từ. Đa phần các bạn đều thuận lợi đặt câu. Nhiều câu nghe rất buồn cười, nhưng như thế mới phù hợp với suy nghĩ ngây ngô của trẻ nhỏ. Cứ từ nào được đặt câu cô Triển sẽ gạch bỏ từ đó. Trên bảng còn một từ duy nhất: thửa ruộng. Ôi, các bạn nhỏ có vẻ gặp khó khăn với từ này nhưng Chi Nga nhớ khi cô học lớp một đã từng đặt câu với từ này. Cô giáo chủ nhiệm ngày đó còn tìm mẹ khen nức nở.
Mắt thấy mồ hôi cô Triển rịn đầy trán, cô ấy không thể kết thúc được phần này vì còn một từ chưa đặt câu. Nếu rơi vào tình huống này, đáng ra cô ấy chỉ cần nói từ cuối cùng này sẽ là bài tập về nhà, ngày mai cô sẽ kiểm tra lại xem các em đã đặt câu được chưa. Nhưng có thể nghiệp vụ sư phạm của cô chưa tốt hoặc cô Triển quá run mà không nghĩ ra nên cứ luôn miệng hỏi có em nào đặt được câu không.
Chi Nga quay lại thấy thầy hiệu trưởng đang chăm chú nhìn cô Triển, lòng cô chợt động. Nếu gây được ấn tượng tốt với thầy, thì việc nhập học của cô hẳn là dễ hơn nhiều. Nghĩ vậy Chi Nga bèn giơ tay. Cô Triển như chết đuối vớ được cọc, vội vã gọi. Chi Nga đứng thẳng, mỉm cười với cô.
“Thưa cô, câu của em là: Ngoài cánh đồng, các bác nông dân đang cày bừa hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác.”
Đây là câu mà Chi Nga đã đặt cách đây hai mươi mốt năm, thật không ngờ đến bây giờ vẫn còn nhớ. Câu này tình cờ lại có tới một nửa số từ vựng mà cô Triển ghi trên bảng. Chi Nga cảm giác thầy hiệu trưởng đang nhìn cô. Cô hắng giọng nói tiếp:
“Một câu khác là: Em đang học đặt câu với từ thửa ruộng.”
“Câu nữa là: Thửa ruộng nhà em to gấp đôi nhà bạn Tí.”
“Câu nữa là:…”
“Được rồi, chỉ cần một câu thôi. Tốt lắm, em ngồi xuống đi.”
Ở cuối lớp Chi Nga đã nghe thấy tiếng cười của mấy thầy cô. Ai đó còn nói “em học sinh này thật thú vị”, chắc hẳn là một ai đó trong đoàn người dự giờ. Giờ giảng kết thúc, cô Triển thấy thành công, còn Chi Nga thấy mình gây ấn tượng không tồi. Học sinh nghiêm chào cô rồi túa ra về. Thầy hiệu trưởng và hiệu phó tiến lên nói với cô Triển mấy câu. Chi Nga cố gắng sắp xếp sách vở thật chậm để xem họ nói gì, cũng là cố gắng để thầy hiệu trưởng nhìn lại cô một cái.
Quả nhiên khi nhìn thấy Chi Nga thầy hiệu trưởng thân thiết hỏi:
“Tên em là gì?”
“Thưa thầy, tên em là Chi Nga ạ!”
Chi Nga lễ phép trả lời. Cô Triển bên cạnh cũng nhanh nhảu.
“Con gái cô Ngân đó thầy, học sinh học ké lớp em được nửa tháng rồi.”
Thầy hiệu phó ồ lên một tiếng, quay lại hỏi Chi Nga:
“Sao em không nhập học từ đầu năm?”
“Vì không đủ tuổi ạ.”
Cô Triển thay Chi Nga trả lời.
“Nhưng mà đáng tiếc lắm, bài kiểm tra học kỳ một, con bé đạt điểm cao nhất lớp.”
“Thật sao?”
Thầy hiệu trưởng hứng thú hỏi. Chi Nga cười khanh khách, hồn nhiên mở cặp đưa bài kiểm tra ba môn: văn, toán và chính tả cho thầy xem. Ba con mười đỏ chót. Thầy hiệu trưởng nhìn bài kiểm tra rồi lại nhìn Chi Nga, ánh mắt có vẻ đang cân nhắc cái gì. Chi Nga biết nếu muốn vào học giữa năm thế này thì kết quả kiểm tra rất quan trọng, thế nên mới cẩn thận giữ bài kiểm tra này lại.
Tối đó, Chi Nga giả bộ ngây thơ kể chuyện buổi chiều đi học cho mẹ nghe. Mẹ nghe cẩn thận, sau đó có vẻ vui. Lúc chú út xuống chơi, mẹ kể lại chuyện, cười cười nói việc xin vào học của Chi Nga hẳn có khả năng rồi. Chỉ cần thầy hiệu trưởng đồng ý là được, mai mẹ sẽ đề cập chuyện này với thầy.
Chi Nga thở phào. Rốt cuộc cũng được chính thức đi học, như thế này còn tiết kiệm được một năm học nữa chứ. Nếu mà có thể tiết kiệm được bốn năm học thì có thể cùng vào đại học với Quang rồi. Kiếp trước điều đáng tiếc nhất của cả hai người là không được làm một đôi campus couple.
Năm thứ hai đại học Chi nga mới quen Quang, khi đó anh đã tốt nghiệp đại học. Khi anh quyết định quay lại học văn bằng hai thì cô cũng tốt nghiệp. Mỗi lần xem phim, thấy những đôi tay trong tay, dung dăng dung dẻ đi trong sân trường, Chi Nga lại thấy tiếc nuối. Cô luôn miệng nói tại sao em lại kém anh bốn tuổi, tại sao em lại không gặp anh sớm mấy năm? Anh cười nói: vì ông trời thương anh, muốn anh tập trung học hành cho xong nếu không sẽ bỏ học mà đi tán gái mất. Quả thực năm đó Quang rất vất vả mới theo đuổi được Chi Nga.
Năm đó hai mươi tuổi cô mới gặp anh, còn bây giờ sáu tuổi cô đã biết anh, vậy thì giấc mơ làm campus couple* có khi nào thực hiện được không nhỉ? Chi Nga cười thầm, bốn năm cách biệt sao? Trong đầu cô đã có một kế hoạch nhỏ.
*Campus couple: Cặp đôi trong trường học.
- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Trọng Sinh
- Tìm Lại Anh Và Một Lần Nữa Yêu Anh
- Chương 6: Đi học