Chi Nga tỉnh dậy trong tiếng reo hò ầm ĩ của nhiều đứa trẻ nhỏ. Cô cố gắng mở mắt ra. Treo giữa nhà là một bóng đèn tròn 60 W. Ánh sáng làm mắt Chi Nga phải nheo lại nhưng cô vẫn nhận ra mình đang nằm trên một cái giường được làm bằng gỗ xoan, cô nhận ra cái mùi không lẫn đi vào đâu được của gỗ xoan vì khi còn bé xíu cô đã ngủ mấy năm liền trên một cái giường như thế. Dưới lưng Chi Nga là chiếu cói chứ không phải là ga đệm, bao lâu rồi cô không nằm chiếu nhỉ? Chi Nga đang gối đầu vào đùi… mà là đùi ai đây? Cô dụi mắt, cố gắng nhìn lên.
“Tỉnh rồi à? Sao vừa ăn cơm xong đã ngủ thế?”
Người đang cười với cô chẳng phải là mẹ sao? Nhưng sao mẹ lại trẻ thế? Ánh mắt yêu thương và quan tâm của mẹ khiến sống mũi Chi Nga cay xè, cô choàng tay ôm chặt hông mẹ bật khóc. Hồi bé mẹ luôn bận rộn, bố thì công tác xa, số lần về thăm nhà thật hiếm hoi. Người thường xuyên chăm sóc Chi Nga là bà ngoại, bởi thế cô vốn không mấy thân thiết với bố mẹ, họ lại giận cô vì cô quyết định ở lại trong nước khi cả gia đình di cư sang Canada năm cô mười tám tuổi. Sau đó không lâu Chi Nga gặp Quang và dọn về ở chung với anh mà không được sự cho phép của bố mẹ thế nên sự liên lạc giữa cô và gia đình ngày càng thưa thớt. Chi Nga tự hỏi: đã bao lâu rồi cô chưa ôm mẹ? Vòng eo mẹ mảnh khảnh hơn trong trí nhớ của cô rất nhiều, nhưng sao vòng tay cô ôm mãi không chặt? Chi Nga nhỏm dậy, chăm chú nhìn hai bàn tay bé xíu của mình. Cô kinh ngạc nhận ra không chỉ bàn tay, chân và người cô cũng bé xíu.
“Hoan hô!”
“Đánh chết đi!”
Tiếng reo hò của đám trẻ con đang xem phim Tôn Ngộ Không được chiếu từ một cái ti vi đen trắng 14 Inch kéo sự chú ý của Chi Nga về đôi tay và đôi chân bé xíu của mình sang đám trẻ con đang ngồi dưới sàn nhà. Người vừa reo to nhất chẳng phải là anh trai cô hay sao? Anh trai cô cũng còm nhom bé xíu, nhìn chưa đến mười tuổi. Đứa trẻ bên trái anh trai, cao hơn anh, là Dũng, con cả của dì hai. Đứa bên phải anh trai thấp hơn anh trai, là Tuấn con út của dì hai. Chi Nga còn nhớ, nhà cô là nhà thứ ba mua tivi trong làng. Lại mua đúng vào lúc truyền hình Việt Nam chiếu Tây Du Ký nên thường có trẻ con sang xem nhờ.
Không lẽ, không lẽ cô… trọng sinh? Ý nghĩ này khiến Chi Nga sửng sốt.
Mẹ kéo cô vào trong lòng, lo lắng hỏi:
“Con bé này, sao tự dưng khóc thế?”
“Mẹ, con mấy tuổi?”
Ánh mắt của mẹ nhìn cô ngoài lo lắng còn có sự nghi hoặc.
“Sáu tuổi, con sao thế?”
Đúng rồi năm nhà cô mua ti vi là năm cô sáu tuổi. Vậy, đúng là cô trọng sinh thật hay sao? Vậy bà ngoại thực sự đã thực hiện được phép trọng sinh cho cô? Bà nói “không biết vận mệnh sẽ đưa cháu trở về thời điểm nào” và sự thực là biểu tượng định mệnh ấy đã đem cô trở lại không phải 21 ngày trước, hay 21 tháng trước mà 21 năm trước. Cô lại một lần nữa trở thành đứa trẻ sáu tuổi sao? Nếu, nếu đúng là như vậy thì cô thực sự có thêm một cơ hội nữa rồi. Trên mặt cô ngoài sự kinh hoảng còn cả sự vui sướиɠ. Cô sáu tuổi, vậy anh mới mười tuổi. Chỉ nghĩ đến việc vẫn còn được hít thở chung một bầu không khí với anh đã khiến Chi Nga run lên vì kích động. Phải mất một lúc Chi Nga mới kiềm chế được cơn xúc động mà cười toe tóet khoe ra toàn bộ hàm răng sún. Vậy là cô chưa mất anh, cô vẫn còn cơ hội.
“Sao lại vừa khóc vừa cười thế này?”
Mẹ lấy tay gí trán Chi Nga đẩy một cái, giọng bà đã bớt lo lắng. Chi Nga nhìn mẹ mủm mỉm cười. Nếu mà cô nói với mẹ là: “Mẹ à, mẹ biết không, tuổi thực của con bây giờ chỉ kém mẹ vài tuổi thôi!” không biết mẹ có phát hoảng không nhỉ?
Chi Nga lấy tay che miệng cười trộm, bất chợt cô nhớ tới hàng chữ trước khi cô bất tỉnh:
cái giá phải trả của phép trọng sinh. Nụ cười trên môi cô tắt vội. Cô không kịp đọc dòng cuối cùng, nên không hiểu mình phải đối diện với cái gì.
“Con sao vậy?”
Mẹ Chi Nga rất ngạc nhiên vì biến đổi thoắt buồn thoắt vui trên mặt con gái.
Chi Nga ngẩng đầu nhìn thấy mẹ thì vội vàng hỏi:
“Mẹ, bà ngoại đâu, bà ngoại đang ở đâu ạ?”
Bà ngoại là người viết cuốn sách, chắc chắn bà biết. Nhưng đối diện với ánh mắt chờ mong của Chi Nga là đôi mắt lo lắng, ngạc nhiên của mẹ.
“Con hỏi bà ngoại làm gì?”
“Con muốn hỏi bà ngoại một chuyện, bà đang ở đâu hả mẹ?”
Môi mẹ cứng đờ lại, ánh mắt nhìn Chi Nga lại như nghi hoặc, lại như khó tin.
“Chi Nga, con sao vậy? Bà ngoại mất trước khi con sinh ra mà? Con không nhớ sao?”
Bàn tay nắm gấu áo mẹ trượt xuống, biểu cảm trên mặt Chi Nga trở nên sững sờ. Rõ ràng bà còn sống đến năm cô hai mươi tám tuổi cơ mà, tại sao lại mất trước khi cô sinh? Cô quét mắt nhìn cả căn phòng, nó giống hệt như trong trí nhớ của cô, khuôn mặt mẹ, anh trai, mấy đứa em họ, và cả lũ nhỏ hàng xóm. Không có gì thay đổi, vậy thì tại sao?
Cái giá phải trả cho việc trọng sinh của cô chính là tính mạng của bà ngoại cô sao?
Chi Nga che miệng ngăn lại tiếng nức nở, nhưng nước mắt đã chảy dài lăn qua kẽ ngón tay, ướt mu bàn tay. Có lẽ cả cuộc đời này Chi Nga không thể biết cái giá phải trả cho việc trọng sinh là mạng sống của người thực hiện phép trọng sinh hoặc một nửa tuổi thọ của người được trọng sinh. Bà ngoại đã đem bí mật của nửa sau sự thật đó xuống mồ. Cuộc sống mới này, bà ngoại đã mất trước khi cô sinh ra, nhưng tình thương bà giành cho cô không hề thay đổi. Bà yêu đứa cháu gái này hơn cả mạng sống của mình.
Chi Nga khóc dữ dội, nói năng lộn xộn rồi mê sảng và sốt cao mấy ngày liền, nên sau đó không ai hỏi lại chuyện cô mơ thấy bà ngoại nữa. Mẹ Chi Nga ngồi trông cô hai ngày đêm cô mới tỉnh lại. Khi tỉnh lại thấy mẹ ngồi bên cạnh ngủ gật, bàn tay vẫn đặt trên tấm khăn đắp trán cho cô. Nhìn khuôn mặt còn trẻ của mẹ và hai bàn tay bé xíu của mình, nước mắt Chi Nga lại lặng lẽ rơi. Tất cả không phải là giấc mơ, vậy thì bà ngoại đúng là đã mất rồi. Cô không thể tin được sự tuyệt vọng của mình đã khiến bà ngoại từ bỏ cả mạng sống để làm việc này vì cô. Hối hận cũng không ích gì, xin lỗi và cám ơn bao nhiêu lần cũng không đủ, cô chỉ có thể cố gắng phải sống thật tốt ở kiếp này để không phụ lòng bà ngoại.