Chương 29

29.

"Con Hà đâu rồi?"

Một vài tiếng sau không thấy Hà ở bệnh viện, Sơn bèn đến tìm tận nhà. Biết chắc là cậu ta sẽ đến, đã nói sẵn với Phương trước. Nó ở tại căn phòng mình, vật vờ giữa cơn trống rỗng lẫn nôn nao. Mà hai mắt cứ lạnh tanh, ráo hoảnh. Hà nằm trên giường, mặt đối diện với trần trắng trên cao. Không ngủ nữa. Sau cơn vật vã với rượu, đứa trẻ của tôi tận cùng cảm nhận được sự trống hoác tại cơ thể. Mà, Hà giữ mình nằm yên, không động đậy. Chẳng làm gì ngoài hít thở đều, đôi mắt vô hồn của nó cứ chăm chăm nhìn lên. Và chỉ nhìn lên thế thôi. Hà thậm chí còn không dán mặt vào điện thoại. Cứ như vậy, một mình tại căn phòng chểnh choảng tối. Đôi khi quặp người như loài sâu chui vào kén. Chờ đợi với thái độ lạnh nhạt như băng.

Hiện tại, căn phòng có nhiệt độ là 16 độ C. Và con bé nghe thấy tiếng bước chân của Phương lẫn Sơn trên bậc cầu thang. Co người, Hà nhắm nhẹ mắt. Và rồi, cũng chỉ mở khi cánh cửa phía trước bật ra. Ở trên giường, Hà nhìn Sơn bước vào. Ngay lập tức, giọng đầu trách mắng đứa nhỏ:

"Mày lười biếng đấy à?"

Lúc cậu con trai đến gần hơn thì con bé liền ngồi dậy. Nó trong tư thế một chân co, một chân duỗi. Như thể là đã đợi thằng này tới. Mặt khác, Sơn thì chả ngần ngại gì cả. Ngồi hẳn lên cả trên giường.

"Sao? Sao hôm nay lại không đến trường? Hồi sáng không thấy cứ tưởng là ở bên phòng thí nghiệm. Ai dè lại còn chưa dậy nữa cơ."

"Ông này! Tại chị tôi thấy người không khoẻ chứ bộ!"

Sau lưng Sơn cũng tiến tới là thằng nhóc con. Khi này, Hà mặc cho cả hai ồn ào một lúc. Ở trên giường với mền gối lộn xộn, nó hoàn toàn im lặng. Chỉ quan sát hai người cãi cọ qua lại. Giờ khắc này đây, tôi vẫn thấy là Hà trống trải. Nó không đau đầu hay nhức mình nhưng thật sự có cái gì đó đã mất. Chỉ mơ hồ hé mắt nhìn về phía trước một cách vô định, con bé cảm nhận được như có ai đã khoét một lỗ tại linh hồn mình. Kẻ đó đã lấy một thứ gì đó đi. Và để lại một cái xác sơ, thối rữa. Tuy nhiên, Hà không cảm thấy đau buồn nổi. Như đã nói, đối mặt với ồn ào, đứa trẻ này lặng câm. Thậm chí, tại thời khắc đỉnh điểm, con bé còn không khóc. Từ tận sâu trong đáy lòng nó trống trơn. Và lạnh ngắt. Cảm xúc của Hà lúc bấy giờ chẳng có gì nhiều để miêu tả. Mà nó dũng không nhớ rằng, mình đã từng thấy thất vọng đến nhường nào. Vì ngược lại với trí tuệ đỉnh cao, Hà có một trí nhớ cảm xúc tệ hại. Nó không ghi nhận khổ đau đã có trong quá khứ. Nên nếu buồn bã khóc lóc hay ăn chơi trác táng vì thất tình... thì cũng là chuyện xảy ra tại khoảnh khắc. Chẳng lạ lẫm vì như bao lần, chỉ có mỗi sự trống rỗng đeo bám con bé. Hoặc nói cách khác, tất cả rồi sẽ lũ lượt rời đi. Chỉ còn lại Hà, với khoảng không trống hoác vô định, tối đen như mực và chẳng có chút âm thanh. Bấy giờ, nó thấy mình như đã ngụp lặn xuống hồ nước. Còn Phương và Sơn vẫn đứng trên bờ cãi co qua lại. Thật nhiệt tình, rộn ràng cho đến khi con bé đột ngột lên tiếng:"Để tao ở đây với nó một mình."

Nó gọi tên thằng bé mà thở cũng chả nổi. Giờ thì mới thấy cổ họng đau. Mũi thì nghẹt tịt. Dẫu vậy, Hà nhìn thẳng vào thằng nhóc con. Và Phương thì áy náy chưa muốn rời đi ngay. Đối diện với cô chị gái vừa mới ốm dậy, thằng bé chả an lòng mà rời đi. Nó muốn quấn quýt túc trực gần bên. Vì ngày hôm qua đã là một đống hỗn tạp không thể lý giải được.

"Tao với Sơn cũng chỉ nói chuyện thôi." Hà xua tay cho dù thằng bé nói gì. "Mày đi xuống nhà đi."

Đến đây thì thằng nhóc đành chịu. Tuy nhiên, nó bướng bỉnh nằng nặc một yêu cầu khác. Với cái nhìn lúc nào cũng chan chứa nhiệt huyết. "Có gì thì cứ gọi em. Em không đi đâu đâu."

Một khi Hà gật đầu thì nó mới quay lưng bước đi.

Phương vừa ra khỏi phòng, Sơn liền hạnh hoẹ bình luận: "Phiền phức y như con em tao."

Và rồi, đứa trẻ ở trên giường lên tiếng. Nó giờ thì đã nói chuyện.

"Mày tìm tao làm gì?" Hà hỏi dù biết. "Tao ở nhà làm đề cũng được. Dẫu là nộp bài đúng hạn thôi."

Sơn đáp, "Tao nghe Hoà kể chuyện hôm qua rồi."

"Chuyện gì?"

"Thì cái chuyện ông Tâm đòi méc cô Nhung về con y tá mới đấy."

Hà im bặt. Chỉ còn lại thằng bé kia vẫn đang tiếp tục nói: "Cả vụ mày thay cả bọn phân bua lại với ổng. Nhất là tao. Tao biết cả rồi."

"Khỏi cảm ơn." Hà đáp lại vẩn vơ.

"Ai đến đây cảm ơn mày?"

Rồi đột nhiên Sơn thấy lấn cấn. Kể cả chỉ đứng nhìn bên ngoài, tôi biết tỏng thằng này thấy khó xử. Vì nó tự dưng im lặng. Sơn vẫn nhìn về phía trước, về con bé kia. Về kẻ đã lên tiếng thay mình và bản thân nó. Một lúc sau, thằng này mới cất giọng tiếp tục:

"Nhưng mày cũng không cần làm vậy." Hà lắng nghe cậu bạn nói rất chậm rãi. "Mà mày đã làm thì mọi người rất cảm kích."

Hà hỏi, "Kết quả thì sao?"

"Như cũ. Mày biết Tâm rồi mà."

Y như lời Sơn, Hà biết quá rõ con người đó. Và đến lúc này đây, nó ghét tính tình đó thậm tệ. Nhưng cớ vì sao mà chính Hà không hiểu nổi. Đó là điều khiến tâm hồn con bé trống trơn.

"Vẫn báo lại với cô Nhung thôi. Tao mới bị khiển trách hồi sáng. Chắc là mai tới lượt mày. À còn chiều nay họp cả đám nữa. Chung một thể."

Có thể thấy là nỗ lực của con bé đã trở nên vô ích. Thật ra, trước đây, nó chưa bao giờ vẫn biết là không được gì nhưng vẫn làm. Thường thì đứa trẻ sẽ xem xét hết mọi khả năng, tình huống sẽ xảy đến. Chẳng dại dột, ngu xuẩn gì mà cứ nhảy vào nếu đã biết sẵn là lửa đỏ. Tuy nhiên, lần này lại là trái ngược thói quen. Kể cả là lẽ sống từng theo đuổi. Giờ thì, với sự chông chênh, nó không biết bám víu vào đâu. Nhưng, nó cúi sát đến mức cằm chạm lên cánh tay. Dù mắt vẫn nhìn Sơn.

"Ông Tâm đã là thế, và ổng không thay đổi vì người khác. Ổng được nuôi dạy tử tế. Trái ngược với tụi mình."

"Mày nói như thế về ba mày đấy à?" Hà hỏi Sơn cắc cớ.

"Ba tao dạy chứ không có nuôi tao."

Có lẽ, không ai nghĩ rằng, hai đứa trẻ này có hoàn cảnh lại gần gần giống nhau. Mà dù gì, chúng cũng đều là kẻ lạnh nhạt độc đoán. Ở tại đây, khác một trời một vực với cái con người tốt bụng kia. Người mà cô Nhung luôn muốn con bé noi gương theo. Người đã nắm lấy tay nó. Rồi chỉ trong phút chốc thì buông bỏ. Đến cả cuộc điện thoại từng quen thuộc cũng biệt tích tăm hơi.

"Mặc kệ ổng. Cứ ngồi với tao là được. Như hồi đi học mày cũng có cần ổng đâu. Chúng mình cứ thế là đã đủ. Tao tính toán hết cả rồi."

"Mày biết là cũng cần có một tiến sĩ nữa phụ trách đề án của cả hai."

"Thì tao thế là nói quá thôi." Sơn trề môi. "Ổng có thế nào cũng không lơ là trách nhiệm đâu."

Ở Tâm, Sơn cũng có điểm tương đồng. Là bọn họ đều là những kẻ nhất quán với quyết định nghĩa vụ của bản thân. Có thể dời bỏ cảm xúc qua một bên, tập trung vào công việc. Quên đi tất cả những cãi vã nhỏ nhặt. Không đáng có.

"Nhưng đúng là ổng chả hỏi thăm gì mày nhỉ? Dẫu sao thì tao cũng thấy chả gì phải lo. Cô Nhung đã bảo là Tâm phụ trách thì ổng không đòi hỏi bỏ ngang đâu."

Có lẽ, Tâm cũng giống như Hà chăng? Đều chẳng nhớ gì về cảm xúc của ngày hôm ấy. Nhất là khi, với anh ta, nó chỉ là chút xíu sự ghét bỏ. Chứ không bốc đồng như con bé của tôi.

"Tao cũng nghĩ thế." Hà mệt mỏi chống tay lên đầu gối. "Nên hôm nay cứ thản nhiên mà nghỉ đó chớ."

Đến đây, thì Sơn bực bội nghiến răng: "Mày." Rồi nó trở lại hối thúc con bé. "Đứng dậy, thay đồ nhanh! Tao chở mày đến trường! Lẹ!"

Hà mở to mắt nhìn Sơn.

"Lẹ! Không có giỡn!" Giờ thì thằng con trai đứng dậy khỏi giường. Cứ vậy, Sơn vỗ hai lòng bàn tay vào nhau. "Nhanh cái chân lên! Lẹ. Lẹ. Lẹ. Mười phút nữa là tao chở mày đi đấy."

Một khi đứa trẻ kia gật đầu, đứng dậy khỏi giường thì Sơn mới rời đi. Cánh cửa đóng kín lần nữa, chỉ còn sót lại con bé ở trong phòng. Ngay tức khắc, Hà ngã người lên chiếc giường trắng lộn xộn, có bộ chăn gối bị chuyển động làm nhàu nát. Nó hít một hơi sâu. Thấy môi miệng nhạt nhòa thì mới ngồi dậy. Mái tóc dài ngang vai rối bời phủ che phân nửa khuôn mặt đứa trẻ. Lúc bấy giờ đây, nó đối diện với cái gương trên cánh tủ đã mở sẵn. Vì Sơn hối thúc mình phải tiếp tục sống đi.

Thằng này còn chẳng có thời gian để chết.

Tại căn phòng lẻ loi, không một ai khác, Hà thờ thẫn nhấc mình để thay bộ quần áo công sở chỉn chu như ngày thường. Hầu hết, chúng có chung một kiểu dáng, chỉ khác màu sắc. Mà cũng chỉ quanh quẩn những gam màu trắng, đen, xanh,... lạnh nhạt. Không thu hút ánh nhìn nào. À mà, giờ thì con bé đeo lại kính. Nó đối diện với Sơn nãy giờ là mắt trần, mơ hồ mờ mẫm. Vì thứ bên dưới lớp da trống không. Thật chẳng khó để nhận ra ai đang đứng trước mắt mình khi cả thế giới bị thiết lập lặng im. Đến hơi thở dài não nề cũng là một thanh âm khiến không gian rung động. Con bé khoác chiếc áo blouse lên. Và, dù thế nào đi nữa, nó vẫn phải chấp nhận mọi thứ đã xong xuôi. Khi ở một mình, đứa trẻ cố gắng nhớ lại sự chán chường bản thân đã có lúc người thanh niên kia nhìn mình. Thật đáng ghét. Tưởng chừng như nó có thể bóp cho nhàu nát nếu cảm xúc cũng hữu hình, tựa cái chăn.

Hà yêu Tâm lúc đó cũng như bây giờ Hà yêu Tâm. Nó không biết làm cách nào, nhưng chuyện đã như vậy. Đồng thời, chẳng thể giúp bản thân rời khỏi vũng lầy ngay tức khắc. Thêm cả, nó không muốn. Tâm thật dịu dàng, tốt đẹp với con bé. Tưởng chừng như là kẻ thoái hoá nhân cách thì không thể biết yêu thương. Tuy nhiên, Hà đã nhận ra điều này, ngay lúc chất vấn nhau. Rằng, cho dù có cố gắng thế nào, cũng không ghét bỏ được nên con bé nghĩ như thế là yêu. Vì không thể căm thù được dù Tâm đã làm mình thất vọng. Đã làm l*иg ngực đứa trẻ nhức nhối, rồi bỏ nó dở dang một mình. Hà không giống như những kẻ khác là có thể nhỏ nước mắt để nguôi ngoai. Và cũng không dùng rượu bia để quên đi nỗi ưu tư. Nó chỉ uống vì môi miệng nhạt thếch. Vì toàn bỏ cơ thể trống rỗng, chẳng đầy ắp như Tâm.

Ở đó, Hà còn không có chỗ đứng. Nên nó vật lộn thoát ra. Dẫu thật khó cất kín lẫn bỏ quên.

Hay là Hà nên giả vờ làm thế? Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Không sao cả. Thuyết phục bản thân mình rằng Hà ghét Tâm. Mặc cho, từng phút từng giờ, con bé đã không thể nhìn hướng khác. Chỉ một mình đơn độc. Phân tâm bản thân, bỏ mặc những gì bất chợt dấy lên. Và rồi tất cả cũng sẽ tiêu tan đi mất. Vì Hà yêu Tâm hồi đó, Hà yêu Tâm bây giờ. Sự da diết này chẳng ai thấy nổi cho dù có mổ sống nó ra. Tiếp tục cất bước khỏi căn phòng, Hà giờ biết cách vờ như mình không còn luyến tiếc cái gì. Nó vờ như mình ghét bỏ Tâm. Có khi, sự im lặng bao trùm cõi lòng con bé chính là thế. Để khoá chặt, rồi dọn dẹp hết những gì bê bối, ngổn ngang.

Bước xuống cầu thang, con bé nhìn thấy lại Sơn và Phương đã đứng sẵn. Thằng nhóc con cố chấp không chịu để chị nó rời đi. Chỉ mới ốm dậy, nó nói. Còn Hà nhìn lên đồng hồ thì đã mười một giờ rưỡi trưa. Giờ này, bệnh viện đông đúc lắm. Mà nắng thì cháy rát cả da. Thậm chí, Hà đói rỗng ruột vì đã nôn thốc nôn tháo. Nhưng con bé quyết định là sẽ vẫn đi. Chẳng màng gì cả. Với bộn bề thì mọi thứ nhạt toẹt. Tôi biết là nó sẽ vẫn đi.

Siết chặt tay chị, tôi không cho phép. Gì? Chị tôi chỉ vừa mới ốm dậy. Còn chưa khỏe hẳn đã phải vác người đến bệnh viện rồi? Không cho. Nghĩ là làm, tôi kéo chị về phía mình. Mặc cho Sơn càu nhàu điều gì.

"Mày cứ làm như nó là con nít ấy." Khuôn mặt hắn cau có. "Bỏ ra coi."

"Không." Nói rồi tôi quay sang chị hai. "Chị không được đi đâu hết. Người còn chưa khỏe hẳn. Bữa trưa cũng chưa ăn."

"Thế nó ăn xong rồi đi?" Sơn hất hàm. Có vẻ như hắn tìm cách thương lượng với mình.

Làm gì dễ thế. Tôi vừa lắc đầu nguầy nguậy vừa bảo không. Nhưng mà chị hai lại cứ dang dở, muốn đi theo người khác. Bấy giờ, trên người chị đã vận sẵn áo blouse trắng với đeo túi xách. Ở sát mình, chị ngước mặt nhìn lên, chỉ nhẹ nhàng thì thầm với tôi: "Không sao đâu. Tao thấy ổn hơn rồi."

Thật tình, tôi không muốn nạt nộ gì chị. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh hồi sáng là lại không kiềm được lòng. "Không sao cái gì? Chị ở yên đây. Không có công việc gì hết."

"Nè, chị mày là bác sĩ đó." Sơn lôi kéo chị về hướng hắn. "Nó bảo không sao là không sao mà."

Đốp chát lại, tôi cãi ngang, "Đâu phải là bác sĩ thì nói gì cũng đúng đâu."

Tuy chị không thích tôi nhắc đến Tâm nữa, nhưng những lời nói của anh vẫn có lý. Ớ mà anh ấy cũng là bác sĩ? Ngại ghê, tôi giấu nhẹm suy nghĩ đấy trong lòng. Anh đã nói là do chị tôi đặc biệt như vậy, chứ không hẳn là vì công việc... Và tôi tin anh là vậy. Vì phải chăng Tâm rất hiểu chị tôi?

"Mày biết là tao rất bận rộn mà." Chị tôi gỡ nhẹ những ngón của tôi trên tay mình. Nhưng, ánh nhìn vẫn đối diện nhau, với cái cổ ngẩng cao. "Nên không thể nghỉ đột xuất được."

"Nhưng thật sự là chị không khoẻ." Tôi níu ống tay áo của chị. "Đừng có ép mình quá sức."

Mặc kệ là vì lý do gì khiến chị tôi lao lực, dù công việc bốn bề phải lo toan hay chính bản thân chị... Thì nó không thay đổi nổi quyết tâm. Tôi cố chấp mình phải chăm sóc cho chị, không thể để chuyện cũ lại xảy đến. Thoáng chốc, tôi thấy chị liếc mắt nhìn đồng hồ. Rồi trở lại với mình, và những ngón tay chúng tôi níu lấy nhau. Đúng hơn là chỉ mình tôi giữ chị lại. Mồm liên tục thuyết phục chị:

"Chị ở nhà đi. Em sẽ nấu bữa trưa cho chị. Hôm nay không phải làm gì hết. Chị cứ ở trên giường thôi."

Hà có đôi mắt vô hồn mà mệt mỏi. Trái ngược lại với làn da ngăm của mình, chị tôi lại rất trắng trẻo. Đây chắc chắn là nét của mẹ. Vì dù có ở đảo bao lâu, da dẻ mẹ tôi vẫn hồng hào. Và đôi mắt ơ hờ, mở hé kia là của ba. Vì đôi lúc nó trở nên độc đoán, lạnh lùng và xa cách. Như thể nó luôn ở trong nơi vô định, không ánh sáng. Ba không truyền được cho tôi thái độ đấy. Sự nhiệt huyết tràn đầy năng lượng mình có đều là từ mẹ. Và chị tôi, càng nhìn thì càng thấy hình ảnh của ba. Tuy nhiên, chị không phải người nhà họ Phạm. Chị tên là Nguyễn Hải Hà, và đó là bí mật chưa từng ai kể tôi nghe. Điều khác biệt thứ hai giữa chúng tôi và Hà là chiều cao. Phải nói là chị có vóc dáng nhỏ người hẳn so với cả ba mẹ lẫn mình. Sáng nay, khi bế Hà trên tay, tôi thấy cả cơ thể đấy lọt thỏm vào trong. Y như con mèo con bé nhỏ. Chỉ muốn mang về nuôi. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy chị rất dễ vỡ. Vô cùng mong manh. Chị cứ dựa vào ngực mình, thở đều, mắt nhắm nghiền và thả lỏng chân tay. Cơ thể lạnh ngắt. Khác xa người bình thường. Mỗi khi tôi chạm vào da thịt chị thì nó lại đối nghịch với ấm áp. Càng miết tay thì càng cảm nhận sự buốt giá, như là khối băng đông cứng. Đặc biệt hơn nữa, trái ngược lại với tất cả chúng tôi, chị vô cùng im lặng. Vì ba cũng nói rất nhiều mà, đặc biệt khi ông rầy rà bọn tôi. Mẹ thì luôn tươi cười niềm nở. Và chị đi ngược lại với cả hai. Rốt cục là Hà chẳng giống ai trong nhà. Kể cả ông nội ngoại. Và tôi có cảm giác cũng chính vì thế trước đây, chị vẫn luôn chưa từng thật sự tồn tại. Chỉ là lời thỏ thẻ của mẹ bên tai... Hà đã đột ngột trở thành chị gái tôi. Mọi chuyện tự dưng hợp lý khi tôi nghĩ về khía cạnh đó. Nếu như vậy, có thể lý giải được sự xa cách chị có bấy lâu nay. Vì Hà chỉ đang gồng bản thân diễn một vai không phải là chính mình. Chị đang cố gắng làm u mê tâm trí tôi. Hà bấy giờ đây đứng trước mặt là cô chị gái. Phải nói là, chị diễn cái vai này dở tệ. Bạn không thể lừa gạt người khác nhất là khi còn chẳng bỏ công sức gì. Lúc nào cũng lạnh nhạt và nhát gần, Hà tránh né chính sự tin tưởng mình giao cho chị. Vậy thì làm sao tôi có thể không ngờ vực liệu đây có chính là người chị thân yêu của mình? Không. Tôi giờ đây biết sự thật. Không phải là đứa trẻ để chị dễ dàng qua mặt. Tôi có thể nhìn thấu được qua lớp màn ảnh ảo đó. Cho dù nó mắc lưới mình trập trùng. Tôi biết vì cái nhìn hờ hững chị cứ dành cho tôi.

Bất ngờ thay, chị bỗng nhiên tiến đến trước. Và rồi, Hà choàng tay ôm lấy tôi. Là lần đầu tiên, rất rất đầu tiên. Cái ôm bất ngờ của chị thật mềm mại. Nó khiến tôi không cảm nhận được gì, ngoài đôi cánh tay thanh mảnh đặt trên vai mình. Hà cứ thế đỡ lấy phần gáy của tôi, tay còn lại thì giữ yên, thả lỏng. Đôi bàn chân nhón lên khi chị làm vậy. Kề sát mặt mình vào l*иg ngực trong khi ngón tay thanh mảnh cứ xoa dịu sau ót mình. Thật sự vô cùng dịu dàng. Tim tôi phút giây ấy hẫng nhịp trong chốc lát. Vì chỉ vài giây rất nhanh, chị buông mình ra.

"Tối nay tao sẽ về sớm. Nên mày ráng mà nấu bữa tối cho ngon lành vào."

Lúc này đây, tôi như chết trân. Ngược lại với khi chị xoa đầu mình, bất ngờ đến mức không thể động đậy. Vì đột ngột quá, tôi chẳng nghĩ được rằng chị sẽ làm vậy. Không bao giờ. Nhưng nó đã thật sự xảy ra. Và lòng tôi bỡ ngỡ, khi chị vỗ nhẹ lên tay mình.

"Mày còn tiết buổi chiều nữa phải không? Ngoan ngoãn đến trường đi." Rồi nó dừng lại ở đó, cùng với cặp mắt chị mở to, khi nghiêng đầu nhìn lên: "Nhé?"

"Dạ... chị hai."

Tôi biết cái ôm đó không phải là diễn. Vì nếu nó là như vậy, thì sao chị không đon đả, vui vẻ ngay từ đầu. Khi nghe thấy tiếng tim chị đập thình thịch áp sát lên ngực mình, tôi biết đấy không phải là diễn. Vì rõ ràng, cuối cùng, Hà cũng cảm nhận được những gì tôi đã cảm nhận trước đây. Có như thế nào thì Hà cũng là chị gái của tôi. Đó là điều không thay đổi. Cho đến nay thì chị vẫn đang cố gắng thể hiện điều đó, bằng nhiều cách. Từng chút chút một. Thật nhỏ bé mà quý báu vô cùng. Nên tôi cho phép chị làm thế, là người chị gái mình ngưỡng mộ. Là người bạn thân ở cùng nhà. Là một phần của gia đình tôi.

Tựa vào quầy bếp, tôi trông theo chị rời đi với Sơn. Qua cửa sổ, có thể thấy thấp thoáng được bóng áo khoác trắng của cả hai người họ. Mà cũng vào lúc ấy, tiếng chuông điện thoại trong túi quần vang lên.

Là Chi. Tôi ngay lập tức bốc máy, áp điện thoại lên tai. Cuối cùng thì Chi cũng trả lời lại tin nhắn của mình, sau cả ngày dài nằng nặc ỉ ôi.

"Cậu đang ở trường à? Tớ muốn nói chuyện một chút. Có được không? Hay giờ tớ tới ngay nhé?"

Tôi hỏi đến Chi vì muốn tìm hiểu thêm về chị. Khát khao mở toang chiếc hộp được đậy kín. Muốn biết sự thật mà Hà đã luôn cất giấu khỏi tôi. Có điều gì ẩn khuất, và mình thì chẳng bao giờ tán thành với bí mật tối đen.

Chị Vân mất cách đây ba năm trước. Hà thì trở thành chị gái của tôi cũng vào ba năm trước đây. Theo trên báo, ngày Vân ra đi là vào mùng bốn tháng bốn, sau tít kỳ nghỉ Tết, khi cả nước đã đón xong nắng xuân về. Còn chị với tôi lần đầu gặp nhau vào một ngày tháng năm. Là khi lá xanh rậm rạp. Là lần đầu tiên ba trở về nhà vào dịp nghỉ Quốc Tế Lao Động.

Trước đấy là ngày giải phóng miền Nam.

Khi bước ra khỏi phòng tắm, thì tôi nhìn thấy Vũ ngồi tại bàn gương, trên ghế ngồi và quay lưng về hướng mình. Người đàn ông trung niên đó đã mặc ngay ngắn bộ âu phục. Chững chạc, chỉnh tề. Ở dưới chân Vũ, là chiếc cặp đóng kín, tối màu. Và, từ phía sau, tại vị trí mình đang đứng, tôi chỉ có thể thấy bờ lưng rắn chắc, tóc hớt cao và chiếc đồng hồ đắt tiền trên cổ tay kia.

"Anh Vũ."

Tuy có nghe thấy nhưng Vũ không hề quay lại nhìn tôi. Tuyệt nhiên, ông ta vẫn giữ tư thế ngồi quay nhìn thẳng vào bàn gương. Mà ngược lại, khi tôi bước vòng qua, thì mới nhìn thấy được khuôn mặt trầm ngâm. Có chiếc điện thoại đặt trên bàn, cạnh một ly nước. Và Vũ chẳng hề lên tiếng, cho dù tôi tiếp tục gọi tên ông ta:

"Anh uống trà à?" Tôi hỏi. "Em nhớ là anh chỉ thường hay uống nước lọc thôi mà."

Lúc này, trong ly nước kia là một gói trà túi lọc có màu xanh. Nó đang hòa tan hết những gì tinh túy nhất của mình, vào thứ nóng ấm nhưng nhạt nhẽo. Có túi trà, nước trắng chuyển mình sang màu xanh, mằn mặn. Không quá đắng chát, lại có mùi rất thanh ngát, thơm tho.

"Anh thấy dạo này, trà xanh đang được ưa chuộng..."

Vũ bất chợt lên tiếng trong không gian câm lặng. "Nên chỉ muốn uống thử một chút thôi."

Vũ buông thả câu nói ấy rất bình thường nhưng lại khiến tôi trở nên như hụt hẫng. Và cho đến tận bây giờ, ông ta vẫn chưa quay người trở lại. Chỉ là, với điệu bộ ơ hờ, mân mê cái dây buộc túi trà lọc. Trấn tĩnh lại bản thân mình, tôi bước đến phía sau lưng Vũ. Khi vòng đôi tay thanh mảnh quay vai người đàn ông, tôi ghé môi mình sát bên tai hắn. Đã định thỏ thẻ và thầm thì. Nhưng, vì cớ sự gì? Vũ đã bỏ mình ra. Lúc bấy giờ, người đàn ông trung niên cúi thấp đầu. Tay nhấc túi trà lọc khỏi ly nước, đặt trên bàn. Nó đã bị vắt kiệt, chỉ còn lại cái xác sơ.

Và rồi, lần nữa, Vũ lại nhẹ nhàng lên tiếng:

"Lứa tuổi của em, xem vậy mà cũng ẩn ý tinh ranh thật đấy."

Ngay tức khắc, khuôn mặt tôi liền trở nên cau có, khó hiểu nhìn người tình của mình. Vậy mà thái độ của Vũ lại rất ung dung. Ly trà bấy giờ thì nằm gọn trong tay người đàn ông. Chỉ cần một hơi là hớp cạn.

"Em biết anh nói đến điều gì nhỉ?" Vũ chép bờ môi. "Vì sao người ta thích trà xanh."

"Chẳng phải vì nó ngon sao?"

Tôi lùi về sau khi Vũ quay người lại với mình. Với sự áp chế của người đàn ông, cơ thể mình tự nhiên ngồi xuống giường. Nhưng bốn mắt thì cứ đối diện với nhau. Giờ đây, tay Vũ vẫn cầm ly nước. Và hắn ta cúi mặt xuống, để gần sát với tôi. Rất kỳ lạ, như thế nào ấy mà Vũ không hôn tôi. Không phải như bình thường. Mà chỉ là im lặng nhìn nhau, rồi người đàn ông lần nữa, đột ngột cất lời: "Cũng đúng."

Khi Vũ tán thành, lòng tôi bấy giờ nhẹ nhõm. "Nó ngon đấy. Cũng đắt tiền, tuỳ loại."

Đối ngược lại, tôi ngửa cổ lên. Đôi môi hấp hé, chờ đợi sự chỉ dẫn của người đàn ông. Cứ mỗi sau cuối buổi, Vũ sẽ đặt lên mình một nụ hôn. Để rời đi, bỏ lại cơ thể trẻ trung, e ấp bên trong lớp khăn trắng mềm mại. Tôi thấy được hình ảnh chính mình từ gương rọi lại. Xinh đẹp, đầy năng lượng... với mái tóc xoăn uốn ngả màu trên đôi vai.

"Nhưng cũng chỉ uống một chốc là hết."

Ngỡ ngàng khi thấy Vũ nói rồi đặt cái ly trở lại bàn. Bấy giờ, túi trà lọc vẫn nằm vẹn nguyên ở đấy. Mà ông ta thì lại cầm lấy sợi dây trắng. Cứ thế, Vũ giữ nó ngang tầm mắt tôi.

"Và thứ này, sau cuối cùng, người ta cũng vứt bỏ. Sau khi trút hết mọi ngon lành, tốt đẹp..." Túi trà lọc rơi vào thẳng trong thùng rác. Lúc này, thì Vũ nhìn trực diện vào tôi. "Rồi cũng chỉ đến thế thôi."

Răng cắn lên môi, "Anh có ẩn ý gì?"

Chắc chắn là Vũ đã biết về việc mình đã làm đêm hôm qua. Với tấm hình gửi cho mụ đàn bà già cỗi. Tại vị trí chỗ mình, tôi đối ngược lại với Vũ. Thật bực bội mỗi khi ông ta buông câu nói đấy ra.

Vũ lườm tôi: "Em không hiểu sao?"

Khoé môi người trước mặt chỉ chuyển động nhẹ nhàng. Như là nói khẽ, không có ngữ điệu, cũng chẳng hề oán trách. Dù gì tôi cũng không làm gì sai. Và xứng đáng hơn thế nữa.

"Em không hiểu."

Tôi mở to mắt đối diện với người đàn ông. Ý Vũ là mình cũng giống như túi trà lọc bị vứt bỏ đó? Sau khi ông ta có được hết mọi tuổi sắc thanh xuân?

Không thể thế.

Cớ vì sao, Vũ chỉ nhẹ nhàng nở một nụ cười.

Cúi mình xuống, người đàn ông lịch lãm cầm lấy chiếc cặp của mình. Bao trùm ánh nhìn thiết tha lên cơ thể tôi, hắn ta cứ trầm lặng bước... nhưng không phải là đến bên tôi. Ngay lập tức, hai chân mình đứng bật dậy. Vũ giờ đây đã mang sẵn giày da, mặc trọn bộ âu phục, và chỉ hơi ngoái đầu lại lườm phía sau. Tôi có muốn gọi tên nhưng có gì tự nhiên thắt chặt cổ họng lại. Là giọng nói trầm khàn của người đàn ông, thứ khiến mình mắc nghẹn.

"Không phải vội vì em sẽ hiểu."

Vũ nói chuyện rất nhẹ nhàng, "Và chúng ta sẽ không gặp nhau nữa cho đến khi em hiểu được ra."

Bỏ đi một nước, cánh cửa đóng kín lại. Vũ không luyến tiếc, cho dù tôi khản giọng gào tên hắn ta.

Lẻ loi và câm lặng, chỗ tôi hẹn Phương là thư viện tại thành phố. Đúng hơn, nó được gọi là thư quán Nhã Vân. Nằm ở quận 5, lấp ló tại các khu phố của người Hoa. Nguyễn Tất Thành có một Trung Quốc thu nhỏ nằm giữa lòng đường chật hẹp. Nơi ấy, các biển hiệu đều được viết bằng chữ hán, với những nét thư pháp uốn lượn. Người dân ở đây sử dụng tiếng nói riêng của họ. Khác biệt hẳn với phần còn lại của cả thành phố, là một điểm ngoại lai. Nguyễn Tất Thành chấp nhận rằng bên trong mình có một kẻ đi lạc. Một thứ dị biệt, không cách nào thanh lọc được. Những dãy nhà cũ mèn nối tiếp nhau, xập xệ. Và kể cả các chung cư xuống cấp theo dần mỗi tháng, bức tường xám ảm đạm ưu sầu. Cung đường rộng lớn với nườm nượp người qua lại, có nắng gắt cháy da vì chốn này ít bóng râm. Chạy thật nhanh qua chuỗi đường dẫn mình đến nền văn hoá khác. Thưởng thức mùi thuốc hầm bốc lên bất ngờ từ ở đằng đâu.

Tuy nhiên, sau khi chạy ra khỏi khu chợ bán vải dân dã, người ta lại trở về với dáng dấp của một thành phố Trung Ương. Nơi đây là địa điểm của ba ngôi trường đại học công lập nổi tiếng. Có thể liệt kê từng cái một. Đầu tiên là Đại Học Sư Phạm Thành Phố Nguyễn Tất Thành, với cái hàng rào cao ngất bao bọc chung quanh. Kết thúc những bậc thang là các cột trụ khổng lồ. Và mọi chi tiết đều có màu trắng sáng, sạch sẽ. Tôi đã từng bước vào ngôi trường này vào năm ngoái, khi đi tham quan các đại học có tiếng tăm. Nhà nước cần những cột trụ nên hãy trở thành trụ cột cho nước nhà. - đó là tâm huyết của mỗi nhà giáo. Thậm chí là những người chỉ mới tập tững bắt đầu. Được viết in đậm và đặt tại đại sảnh rộng lớn, cứ như vậy, hằng ngày nhắc nhở mỗi sinh viên phải có trách nhiệm với sự tiến bộ, hiện đại hóa tinh hoa tư tưởng của dân tộc. Tôi nói hơi lan man nhỉ? Mà đúng thực tế là vậy. Với cả, ngôi trường danh tiếng thứ hai là Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, nơi việc học chẳng còn đơn thuần là tiếp thu kiến thức thôi nữa. Đó đã thành nơi nghiên cứu nâng cao. Theo quan niệm của họ, "Học" là phạm trù trung tâm của sự sinh tồn cá nhân. Rằng: "Sau khi sinh ra con người còn lại là học.", ở đây, mọi người không ngừng trau dồi bản thân. Để kiến thức dạt dào mình như sóng vỗ, ngôi trường đại học rộng lớn có cả một khu vực sách nghiên cứu đặc biệt bị khoá kín khỏi thế giới ngoài. Chỉ có sinh viên và các giáo sư được phép lui đến, những kẻ khác thì phải tìm tài liệu tại chốn công cộng hỗn tạp.

Cả hai ngôi trường nói trên đều danh tiếng, đều có chất lượng hàng đầu. Như vậy, ngôi trường thứ ba cũng thế. Càng thế. Đó là nơi duy nhất tại thành phố Nguyễn Tất Thành được phép đào tạo về bậc tiến sĩ. Là nơi có cây cầu trên không để lưu thông giữa bệnh viện và trường học cho các học viên y tế sử dụng dễ dàng hơn. Càng là nơi mỗi năm chỉ tuyển thẳng dưới mười người, và đều thuộc đội tuyển các môn thi quốc tế. Lúc bấy giờ đây, tôi đang ngồi tại cái thư quán đối diện ngôi trường đó. Nói vậy chứ mà xa tít, vì con đường Văn Lang rất rộng lớn. Khó mà nhìn thấy được gì.

Đằng đấy chính là Đại Học Y Dược Thành Phố Nguyễn Tất Thành.

Cũng là nơi kẻ thủ ác nhưng được mệnh danh là thiên tài có thể tìm thấy.

Là Hà, người đã xé rách gia đình tôi.

Phương bước vào thư quán khi tất cả mọi người im lặng. Luôn là như vậy, sự câm điếc tuyệt đối. Không ai nói gì, không ai quan tâm gì. Chỉ chúi mũi vào cuốn sách trước mặt, dùng tay đẩy lại gọng kính dày... Ngước mặt lên, tôi nhìn thấy cậu con trai láo nháo bước vào. Phương khá bối rối, vì cậu ta quay đầu qua lại, trông ngó khắp gian phòng. Mình vẫy tay lên thì cậu ta đi đến. Quýnh quáng ngồi vào bàn cũng tạo ra tiếng động lọc cọc. Phương kéo ghế trên sàn tạo nên âm thanh chói tai khó chịu.... Thậm chí, cậu ta còn định mở miệng nói chuyện với tôi.

May thay, tôi đã kịp thời đặt ngón trỏ lên miệng để nhắc nhở khéo Phương phải giữ im lặng. Tại chỗ ngồi đối diện, hai mắt cậu ta bức bối nhìn mình. Tôi hoàn toàn giữ yên lặng. Tuyệt đối không cất một lời, cứ để cả hai đối mặt với nhau. Thấp thỏm, Phương khó mà ngồi yên được. Cậu ta cứ chộn rộn, động đậy... như thể có kiến cắn lên người. Trông mặt Phương khá là bức xúc. Muốn nói lắm rồi mà chẳng được. Cứ như thế, cho đến khi tôi bèn gửi mảnh giấy qua.

Chúng mình nói chuyện với nhau như thế này nhé?

Phương chớp mắt nhìn tôi rồi viết trả lại, Sao không ra ngoài kia? Tớ thấy bên kia đường có quán cà phê đấy. Sang đi. Nét chữ cậu ta thật lộn xộn. Chẳng nắn nót lẫn ngay hàng thẳng lối.

Không, tôi viết đáp lời, đông người lắm.

Thôi được, Phương khó khăn bằng lòng. Rồi trong phút chốc, cậu ta do dự. Lại nguệch ngoạc nét bút trên trang giấy. Chi biết tôi muốn nói về điều gì rồi đấy. Phương viết rất nhiều, lại rất nhanh. Về chuyện của chị Vân. Tôi muốn tìm hiểu sâu hơn. Chứ không phải đơn thuần là chỉ biết. Phương đang cố gắng mở cánh cổng dẫn vào địa ngục. Nên Chi cứ kể đi, tôi sẽ lắng nghe hết cả. Từng chuyện một. Tôi cũng muốn biết tại sao Chi vẫn tin chị Hà là kẻ gϊếŧ người, cho dù luật pháp không kết tội. Tôi thật sự muốn biết tất cả mọi thứ. Bà Thư nói rằng có thể chị cậu khi ngã đã mắc vào cành cây nên để lại dấu lằn. Cả điều tra cũng kết luận là vậy.

Tôi đứng dậy và cúi xuống để lấy cái thùng đồ đặt lên bàn. Ở trong ngổn ngang những vật đã cũ, mà chị để lại cho mình. Phương trố mắt nhìn kể cả khi tôi ngồi xuống. Và rồi tôi hất cằm, ngụ ý muốn cậu ta xem qua đi. Bấy giờ, Phương kéo chiếc hộp đến trước bản thân. Bên trong đó sẽ có những cuốn tập sách bị vẽ bậy với dòng chữ đáng nguyền rủa. Con vô dụng. Mày thì làm được cái quỷ gì chứ.... Có một hai đôi giày bị ai đó dùng dao rạch nát bấy nhầy, và cả cái vài ba áo chemise bị nhuộm loang lổ đủ màu. Trong tất cả những thứ đó, Phương nhặt lên món đồ đặc biệt và chiếm số nhiều nhất trong chiếc hộp. Hai mươi mốt cái.

Đó là ống xịt thuốc hen. Chị Vân bị mắc bệnh suyễn bẩm sinh. Phương đối diện với tôi bần thần, miệng mồm cứng đờ ra. Và như cậu thấy, họ đã từng rất nhiều lần phá hủy thứ có thể cứu sống mạng của chị tôi. Có cái bị đập nát, có cái bị bỏ bùn đất vào cho hư hỏng bét. Có cái họ khiến cho vỡ vụn, bóp méo mó. Chẳng còn thành hình. Họ đã làm điều tồi tệ nhất cùng nhau. Sau đấy, mặc kệ Phương cứ đang nhìn theo mình, tôi lấy ra trong túi áo một tấm hình được gấp đôi. Đó đương nhiên là ảnh của chị Vân. Và những ngón tay tôi truyền nó cho Phương.

Từ tháng mười hai, chị Vân đã được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu dẫn đến ăn uống không điều độ. Sau kỳ nghỉ tết, cân nặng của chị tôi đã đạt đến chín mươi hai ký. Và sự béo phì cùng với bệnh hen suyễn gây nhiều tác động tiêu cực lên cơ thể hơn.

Bấy giờ, tôi nhìn thẳng vào Phương. Với đôi bàn tay run rẩy mà vẫn cố gắng gò nắn từng nét chữ. Chỉ có lúc này, vì mình đang xúc động. Tôi phải cố để kiềm nước mắt không rơi.

Chị Vân đã có thể chết hàng chục lần trước đây. Và họ đã dửng dưng, là nguyên nhân, là kẻ gây ra mọi chuyện.

Nhưng rồi khi thời điểm đến, khi tôi có được cơ hội để hủy hoại Hà, còn thậm tệ hơn cách cô ta đã làm với chị thì mình sẽ giữ vững. Lúc ấy, tay tôi sẽ không run.

Đừng để chị ta làm cậu mắc lừa như tôi đã từng bị. Hà là kẻ quỷ quyệt, xảo trá. Chị ta nói dối tất cả mọi người.

Tôi ngước lên nhìn khuôn mặt Phương đang nhăn nhó, trân trối. Bất thình lình, một giọt nước đau buồn đã đột ngột rơi xuống.

Họ đã muốn gϊếŧ hại Vân hàng trăm triệu lần trước. Và Hà là kẻ đã thật sự ra tay.

"Chẳng giống như tro tàn đen nhẻm đáng lý phải bị vứt bỏ, quá khứ cứ thành vết nhơ đeo đuổi từng kẻ một. Mỗi khi quay trở lại khung cảnh địa ngục đã cũ, thì những tổn thương lại nhức nhối. Thuở thơ ngây ấy, Hà ngồi nép mình vào bức tường, có cửa sổ cạnh tay trái. Đứa trẻ ơ hờ nhìn về phía đám đông con gái đang bủa vây lấy kẻ yếu ớt nhỏ. Có những trang giấy rách nát vương vãi dưới chân. Thảo và Hạnh ồn ào trêu chọc lớn tiếng. Phía trước mặt Hà, Thư ngồi cả lên bàn, sẵn giọng sai khiến lũ tay chân: "Nè! Xé tập chứ không xé áo nó nha! Làm lẹ, tầm mười phút nữa Bảo với cô quay lại đấy!"

Bấy giờ, Phúc gối tay lên bàn, bên cạnh cái chỗ Thư ngồi, ngủ ngon lành. Còn Ân dưới chỗ ngồi cuối lớp đang bận rộn những ngón tay di chuyển trên màn hình. Không ai lên tiếng cản ngăn. Thờ ơ, lũ trẻ con hững hờ nhìn bọn con gái lần nữa đập vỡ cái ống hen suyễn. Chúng đổ nước ngọt từ trên đầu Vân xuống, khiến áo trắng biến đổi đỏ màu. Nhơ nhuốc, lấm lem, bị chà đạp, Vân quỳ mọp tại sàn với cơ thể đầy những vết ngắt nhéo tím bầm. Chúng ngứa ngáy lên và Vân đau đớn."